Skip to content

The DioField Chronicle – Đánh Giá Game

The Diofield Chronicle

The DioField Chronicle – Có kha khá tựa game chiến thuật đã được ra mắt từ đầu năm cho tới giờ, nhưng The DioField Chronicle hứa hẹn sẽ đem lại cảm giác mới lạ ngay từ khi ra mắt trailer đầu tiên.

Tuy nhiên, có vẻ như Square Enix chỉ muốn “thử nghiệm” với The DioField Chronicle, khi mà từ đó tới nay có rất ít thông tin hay quảng bá về tựa game này, mặc dù game ra mắt trên rất nhiều nền tảng.

Vậy, sau khi đã trải nghiệm The DioField Chronicle, liệu tựa game có xứng đáng với kỳ vọng?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây, bạn nhé.

BẠN SẼ THÍCH

Cơ chế chiến đấu mới lạ, hấp dẫn!

Square Enix “thích” thử nghiệm, và chúng ta đều biết điều đó qua vô vàn những tựa game đủ thể loại. Có những game cực kỳ thành công như Octopath Traveler, tuy nhiên không thiếu những quả “bom xịt”, có thể kể đến The Quiet Man, Babylon’s Fall hay Balan Wonderworld.

The DioField Chronicle tiếp tục là một bản thử nghiệm nữa của Square Enix, và có thể nói về mặt lối chơi, đây là một thử nghiệm khá thành công.

The DioField Chronicle có một lối chơi gọi là “Real-Time Tactical Battle” (Chiến đấu chiến thuật thời gian thực, nhưng hãy tránh nhầm lẫn với Real-Time Strategy – NV). Cơ chế chiến đấu này như kiểu “lai” giữa game RTS xịn như Age of Empires (Đế Chế) với những tựa game chiến thuật theo lượt chuẩn như Final Fantasy Tactics Fire Emblem.

Để dễ tưởng tượng thì có lẽ The DioField Chronicle gần giống nhất với dòng gameTotal War (ở trong chế độ chiến đấu, không phải trong chế độ 4X – NV), chỉ mỗi tội thiếu những đội quân hùng mạnh, thay vào đó chỉ có tướng.

Bạn sẽ có khả năng điều khiển nhân vật và lựa chọn mục tiêu của nhân vật đó, và nhân vật đó sẽ tìm đường và di chuyển tới địa điểm đó trong thời gian thực, y như một tựa game RTS: khi bạn cầm lính và chỉ định điểm đến vậy. Khi trong phạm vi tấn công kẻ địch, và được chỉ định, thì nhân vật sẽ tự động tấn công địch thủ.

The DioField Chronicle vẫn là một tựa game RPG, do đó trong chiến đấu, nhân vật có khả năng sử dụng những kỹ năng chuyên biệt của mình (được gắn liền với loại vũ khí họ sử dụng), đặc trưng cho mỗi lớp của nhân vật đó, và mỗi kỹ năng lại có một chức năng đặc thù, chứ không chỉ là ‘gây càng nhiều sát thương càng tốt’.

Ví dụ, nhân vật có lớp là “chiến binh” thì có thể sử dụng kiếm, khiên, dao găm và rìu. Kiếm và khiên khi được sử dụng sẽ làm choáng địch thủ, còn dao găm được sử dụng để kết liễu kẻ địch.

Cả thảy có bốn lớp nghề nghiệp chính: chiến binh, kỵ binh, xạ thủ và pháp sư, tuy nhiên mỗi lớp chính này lại có một lớp nghề nghiệp phụ nữa, sau đó mỗi nhân vật lại còn có thể có thêm một “phụ tá”, mặc dù không thể sử dụng trực tiếp trong chiến đấu, nhưng lại giúp nhân vật có thể sử dụng kỹ năng của phụ tá này.

Điều này khiến chiến đấu trở nên vô cùng đa dạng và biến hoá, giúp người chơi sáng tạo với nhiều “combo” nghề nghiệp khác nhau để thử nghiệm đội hình tốt nhất dành cho trận chiến sắp tới.

Sự biến hóa này kết hợp với dòng chảy không ngừng của hệ thống chiến đấu thời gian thực, khiến người chơi luôn phải căng não lường trước được những biến cố có thể xảy ra trên chiến trường, đưa ra quyết định và phản ứng kịp thời.

Ví dụ như lúc nào thì phải dùng tới quân bài “át chủ” Magilumic Orb – cơ bản là phép thuật triệu hồi, mà triệu hồi toàn những quái thú từ Final Fantasy ra như Bahamut hay Coeurl – hay làm sao để bọc sườn trước đợt đánh lén của địch thủ.

sự kết hợp của yếu tố chiến đấu chiến thuật thời gian thực và hệ thống nghề nghiệp đa dạng đã tạo nên một cơ chế chiến đấu hấp dẫn, lôi cuốn và độc đáo

Không chỉ về kỹ năng phù hợp, mà người chơi còn phải bày chiến thuật, đường đi cho các nhân vật, sao cho nhân vật không bị “hở sườn” và bị đánh lén.

Tất nhiên, mức độ chiến thuật không thể nào bằng những tựa game RTS chân chính, tuy nhiên, cộng thêm yếu tố môi trường khi người chơi có thể sử dụng những vật có trên chiến trường như thùng thuốc súng để xoay chuyển cục diện, đã đủ để tạo nên một trải nghiệm chiến thuật mới mẻ.

Quả thực, sự kết hợp của yếu tố chiến đấu chiến thuật thời gian thực và hệ thống nghề nghiệp đa dạng đã tạo nên một cơ chế chiến đấu hấp dẫn, lôi cuốn và độc đáo.


Đồ họa, âm thanh khá ổn!

The DioField Chronicle có nền đồ họa và âm thanh khá ổn, với những nét vẽ rất đẹp và chi tiết tới từ Isamu Kamikokuryo, hoạ sĩ đã từng “phóng bút” cho Final Fantasy X, Final Fantasy XIIFinal Fantasy XIII với nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả chỉ đạo nghệ thuật.

Nhìn chung, nền tảng đồ họa trong game với những mô hình nhân vật và biểu cảm được làm chi tiết, cuốn hút ánh nhìn, và nền âm thanh đa dạng, sắc nét đã làm tăng độ lôi cuốn cho những màn chiến đấu nảy lửa trên chiến trường.

Tuy nhiên, một điểm trừ nho nhỏ là cử động nhân vật là quá cứng nhắc, như là một con rối có sợi dây trên đầu điều khiển vậy, chứ không phải là những cử động mượt mà phù hợp với vật lý như cử động trong Xenoblade Chronicles 3 chẳng hạn.

nền tảng đồ họa trong game với những mô hình nhân vật và biểu cảm được làm chi tiết, cuốn hút ánh nhìn, và nền âm thanh đa dạng, sắc nét

BẠN SẼ GHÉT

Cốt truyện nặng nề, kém hấp dẫn!

Dạo sau này, Square Enix có vẻ khá ưa thích những kiểu cốt truyện huyễn tưởng tăm tối, ví dụ như Triangle Strategy, hay Final Fantasy XVI sắp ra mắt, khi thế giới toàn là các cuộc tranh đấu quyền lực giữa các quốc gia hùng mạnh.

The DioField Chronicle không hề che giấu cốt truyện nặng về chính trị của mình – chẳng vậy mà game có đoạn phân cảnh mở đầu y hệt đoạn mở đầu của Game of Thrones – tuy nhiên việc có đạt được độ “đấu đá” hấp dẫn như phim không, thì rõ ràng The DioField Chronicle chưa đạt được tới tầm đó.

Câu chuyện bắt đầu trên một vùng đất gọi là Đảo DioField, nơi nằm trong “bong bóng quyền lực” của Vương quốc Alletain suốt 200 năm. Tuy nhiên, sự hoà bình này nhanh chóng tới bờ vực sụp đổ, khi một đế quốc – tất nhiên phải là một đế quốc rồi, như mọi tựa game JRPG khác – có tên khá dài là Trovelt-Schoevian với “phép thuật hiện đại” bắt đầu bành trướng và tìm kiếm Ngọc Thạch, một nguồn tài nguyên cực kỳ quý báu để có thể sử dụng “phép thuật hiện đại” của họ.

Nhân vật chính của chúng ta là băng Cáo Xanh, một nhóm lính đánh thuê của hai người bạn thân Andrias Rhondarson và Fredret Lester, làm việc dưới trướng của Công tước Hende, một quý tộc của vương quốc Alletain.

Không lâu sau đó, thêm hai người nữa gia nhập hội: cung thủ tài năng Iscarion và cô nàng pháp sư quý tộc Waltaquin.

Những tưởng như cốt truyện sẽ xoay quanh việc nhóm Cáo Xanh làm sao để ngăn chặn đế quốc Trovelt-Schoevian xâm lược quê hương bé nhỏ của họ, và lật đổ luôn cả vương quốc này (như cốt truyện của Valkyria Chronicles), thì cốt truyện lại tập trung vào những cuộc… đấu đá nội bộ của nhóm, khi mỗi người mang trong mình một ý tưởng, một định nghĩa khác nhau.

Ví dụ, Iscarion là một người mang tư tưởng dân chủ, quyền lực phải nằm trong tay người dân, còn Fredret lại có tư tưởng rằng chỉ có vua thì mới có thể khiến một quốc gia thịnh vượng, và hệ quả là hai người này xảy ra xô xát xuyên suốt tựa game.

Mặc dù có vẻ như muốn nhấn mạnh về chính trị đại cục của toàn bộ thế giới, nhưng The DioField Chronicle dường như đã “bỏ ngang” mục tiêu này của mình giữa game, khi những căng thẳng giữa hai quốc gia phải nhường chỗ cho những đấu đá nội bộ trong nhóm Cáo Xanh, và tập trung vào giải quyết vấn đề của từng người.

Điều này đi kèm một số pha “bẻ cua” khá sốc, tuy nhiên người viết vẫn cảm thấy rằng tựa game liệu có quá phung phí việc xây dựng thế giới vĩ mô chỉ để tập trung vào phần vi mô hay không?

Mặc dù kết thúc của tựa game – người viết sẽ tránh “spoil” – thì đại cục vẫn sẽ có sự thay đổi “long trời lở đất”, và kết cục của các nhân vật, theo quan điểm của người viết, là khá tròn vai, tuy nhiên con đường dẫn tới kết cục đó có cảm giác tương đối qua loa, hời hợt.

kết cục của các nhân vật, theo quan điểm của người viết, là khá tròn vai, tuy nhiên con đường dẫn tới kết cục đó có cảm giác tương đối qua loa, hời hợt

Điều này có thể là do phương thức kể chuyện của The DioField Chronicle có vấn đề, khi nhiều khi có những chi tiết quan trọng trong cốt truyện chỉ được kể lại bằng những dòng tường thuật trên một sa bàn, còn những chi tiết khá “giời ơi đất hỡi” và không mấy thu hút sự quan tâm của người chơi thì lại được vẽ rất… chi tiết.

Tóm lại, mạch truyện của The DioField Chronicle nặng nề về chính trị, và mặc dù có những pha bẻ lái tương đối hấp dẫn, nhưng phương thức kể chuyện và phương hướng của mạch truyện ít nhiều đã làm mất đi sự tập trung của người chơi vào cốt truyện – điều mà người viết rất ít khi bị mắc phải khi chơi JRPG.


Khó chơi trên Switch…

Có lẽ người viết cảm thấy một chút ân hận vì đã không trải nghiệm trên Steam thay vì Switch, vì quả thực chơi một tựa game chiến thuật thời gian thực trên Switch rất cồng kềnh và khó điều khiển.

Việc lựa chọn nhân vật, rồi cuộn màn hình lựa chọn điểm đến cảm thấy gượng gạo, có lẽ vì người viết quen chơi các tựa game như Total War trên PC rồi, cảm giác không có chuột chọn quân sẽ thấy lấn cấn và rất mất thời gian.

Tất nhiên, chơi nhiều thì sẽ thành quen, tuy nhiên người viết khuyến cáo nếu mọi người muốn chơi The DioField Chronicle với trải nghiệm tốt nhất, hãy chơi bản Steam với hỗ trợ chuột kéo-thả sẽ “dễ thở” hơn!

chơi một tựa game chiến thuật thời gian thực trên Switch rất cồng kềnh và khó điều khiển

7.5

Lối chơi cuốn hút của The DioField Chronicle mang lại một "luồng gió" mới tươi mát dành cho những con nghiện game nhập vai chiến thuật, tuy nhiên giá như cốt truyện đạt thêm được độ "chín", phương hướng mạch truyện tốt hơn một chút, phương thức kể chuyện hợp lý hơn một chút, thì hẳn là The DioField Chronicle sẽ đạt dấu ấn lớn hơn trong lòng người hâm mộ.

Thông tin

  • The DioField Chronicle
  • Nhà phát triển
    Square Enix, LANCARSE Ltd.
  • Nhà phát hành
    Square Enix
  • Thể loại
    Chiến thuật, Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    24/09/2022
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi SQUARE ENIX. Chơi trên Nintendo Switch.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.

Thảo luận