KAKU: Ancient Seal là tựa game indie thể loại phiêu lưu hành động mới đến từ hãng phát triển Bingobell (Trung Quốc). Nhìn qua các đoạn trailer giới thiệu của game có thể thấy rõ sự ảnh hưởng từ loạt game The Legends of Zelda, cụ thể là phiên bản Breath of the Wild.
Cùng với đó là bóng dáng thân quen của một game “cổ” tận thời PS2 – Brave: The Search for Spirit Dancer, do cả hai na ná nhau từ bối cảnh lẫn phong cách tạo hình nhân vật.
Vậy cuộc hành trình trong Kaku: Ancient Seal sẽ có thể mang lại một sự mới lạ trong hằng hà các game indie ngày nay hay không?
Hãy cùng Vietgame.asia xem qua bài đánh giá sau, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
NHỮNG GIỜ PHÚT GIẢI TRÍ THOẢI MÁI!
Chuyến hành trình của Kaku – nhân vật chính của game – diễn ra ngay trong một phân đoạn rượt đuổi một chú heo biết bay nhỏ bé, dẫn tới hàng loạt diễn biến nhỏ làm cậu chàng văng xuống một hang động băng tuyết bí ẩn. Sau khi thoát ra khỏi hang thì câu chuyện bắt đầu.
Thật ra mà nói thì nội dung cốt truyện của Kaku: Ancient Seal… không có gì để bàn, cái chính mà hãng phát triển muốn người chơi trải nghiệm nằm ở mặt lối chơi.
Là một tựa game thế giới mở sở hữu bản đồ rộng lớn, điểm đáng khen đầu tiên của hãng phát triển đó là không tạo ra hàng loạt thứ chi chít trên bản đồ như hầu hết game ngày nay hay thấy (điển hình là các game của nhà Ubisoft).
Lượng nội dung của Kaku: Ancient Seal được cô đọng lại, chủ yếu nằm ở mở khóa các trụ “Crystal”, giải đố hay tìm đường tới được các rương kho báu, các cục năng lượng xanh lá, và trụ cột “lore” nằm rải rác để người chơi lùng sục. Thi thoảng người chơi sẽ được làm vài nhiệm vụ phụ nhỏ, chúng không nhiều nhưng phần thưởng khá đáng để dành thời gian thực hiện.
Kaku: Ancient Seal cũng cung cấp rất nhiều các mảng giải đố, và leo trèo, nhảy nhót (platforming) thú vị. Hầu hết chúng được thiết kế kỹ lưỡng, một vài nơi còn khiến người viết “chết lên, chết xuống”! Tuy không cho người chơi được phép sáng tạo như phong cách của The Legend of Zelda: Tears of Kingdom, nhưng về tổng thể game vẫn có chiều sâu và đáng trải nghiệm.
Có thể nói, mảng khám phá của Kaku Ancient Seal được làm khá tốt, rất giải trí và có thể làm người chơi đi hết các khu vực để lùng sục mọi ngóc ngách nhờ vào cách thiết kế các khu vực bí ẩn, đường đi lắt léo thông minh.
Hệ thống chiến đấu của game được chia ra thành cận chiến và tầm xa, các nâng cấp dành cho cả hai đóng vai trò quan trọng do lúc đầu game khá “khoai” và thử thách. Bạn đừng lơ là việc nâng cấp tầm xa do có nhiều loại quái, đặc biệt là trùm có khắc tinh với 4 loại thuộc tính. Bên cạnh chiến đấu, 4 thuộc tính này cũng giúp ích cả quá trình giải đố.
Hệ thống cận chiến khá đã tay khi bên cạnh đánh thường chớp nhoáng, người chơi cũng có các tuyệt kỹ mạnh mẽ khác như khả năng hóa “Saiyan” như Songoku – khi các đòn đánh vô cùng khốc liệt, giựt lóa cả màn hình. Cũng tương tự khả năng tầm xa, cận chiến còn có 3 kỹ năng “ultimate” khác để người chơi “tẩn” các loại địch khó nhằn.
mảng khám phá của Kaku: Ancient Seal được làm khá tốt, rất giải trí và có thể làm người chơi đi hết các khu vực để lùng sục mọi ngóc ngách
Hệ thống trang bị của Kaku: Ancient Seal được tinh giản, trực quan và chúng đều có các ưu và nhược khác nhau, được cải thiện thêm nhờ vào các viên rune để “ép ngọc” gia tăng thêm khả năng cho nhân vật chính. Các trang bị này được thiết kế đẹp mắt và xứng đáng để lùng sục trong bản đồ rộng lớn và trù phú của game.
Đồ họa của Kaku: Ancient Seal càng về sau càng ấn tượng hơn. Tuy là một game indie nhưng chỉ đạo nghệ thuật tương đối hài hòa và rất nhiều cảnh sẽ làm hút hồn người chơi. Ngạc nhiên thay, tựa game cũng chạy rất ổn định trên Steam Deck và trong suốt gần 15h chơi, người viết chưa có lần nào bị văng hay dính lỗi nào làm ảnh hưởng tới trải nghiệm cả.
BẠN SẼ GHÉT
CHƯA HOÀN THIỆN
Tuy hãng phát triển đã nhiều lần trì hoãn để Kaku: Ancient Seal hoàn thiện, nhưng vóc dáng của “early-access” vẫn hiện hữu từ đầu tới cuối cuộc hành trình.
Đầu tiên dễ nhận thấy nhất đó là giao diện người dùng đầy cẩu thả, với hằng hà các chữ và phông (font) chen chúc hay trình đơn (menu) không gọn gàng, chuyên nghiệp. Đặc biệt khi người chơi mở bản đồ của game lên là choáng ngợp liền! Thú thật thì chúng không xấu, chỉ cần được tuốt gọn lại là sẽ ổn.
Tiếp đến, tuy thế giới mở thật sự đẹp nhưng về mặt phân chia diễn tiến game không đồng đều, đặc biệt ở khu vực băng tuyết khá là chán khi câu chuyện dông dài, không thú vị để tăng sự phấn khích ở người chơi hơn.
Tuy lượng nội dung khám phá không ôm đồm, nhưng chúng cũng bị lặp đi, lặp lại khiến càng về sau người chơi sẽ có khả năng “lướt” qua luôn, do không còn gì gọi là đặc biệt để ngóng hơn nữa. Và chắc 90% nhiệm vụ chính tới phụ là đi thu thập món này, món kia hoặc đánh hết đám lính này lính nọ. Cũng may nhờ vào lối thiết kế màn chơi đủ tốt khiến ít ra người chơi vẫn có thể vi vu.
Điểm khó hiểu tiếp theo là phần thú vị nhất của game là các hầm ngục thử thách thì lại bị “ném” qua hẵng một vũ trụ khác – đúng nghĩa đen? Tại sao các hầm ngục đó không được áp vô thế giới rộng lớn của Kaku: Ancient Seal để tạo thêm hứng thú khám phá?
Và để gây ra thêm phiền toái, các nâng cấp chỉ số cho trang bị và kỹ năng cũng nằm trong vũ trụ riêng biệt đó luôn! Trong khi game hiện hữu các bàn đá để “rèn” nhiên liệu thì sao không tích hợp cả khả năng nâng kỹ năng và vũ khí tại đó, mà lại phải tách biệt ra để làm người chơi mỗi lần cần nâng gì cũng phải đợi nạp cảnh (loading)?
Điểm đáng tiếc lớn khác của game cũng đến từ việc cố gắng “đu” theo thế giới mở, với yếu điểm thường thấy: hời hợt về đầu tư cốt truyện. Tất cả chúng được thêm đúng nghĩa “cho có”, dẫn dắt đầy sạn và tạo cảm giác phần cốt truyện được đắp vô sau cùng trong quá trình phát triển, để có cái gọi là “dẫn dắt” người chơi vào thế giới của Kaku: Ancient Seal.
Dù hiểu rằng tựa game muốn người chơi tập trung trải nghiệm vào lối chơi nhưng nếu muốn cố tình gián tiếp kể chuyện để làm giàu thế giới của Kaku: Ancient Seal thì phải làm tốt như các game indie khác, ví dụ như Journey, Figment 2: Creed Valley, v.v.
Chính vì sự cẩu thả ở khâu cốt truyện, khiến phần phát triển của nhân vật chính dường như không có, dẫn tới sự đồng cảm của các tuyến nhân vật phụ khác cũng biến mất. Vô tình, khiến trải nghiệm tổng thể của Kaku: Ancient Seal bị mất điểm. Chưa kể tựa game cũng rất là “tiết kiệm” các đoạn cắt cảnh, thay vào đó là các đoạn hội thoại và hình ảnh 3D các nhân vật nhìn… chán òm.
Phần lồng tiếng tuy sử dụng ngôn ngữ riêng như Gravity Rush Remastered, nhưng phần nhạc hay âm thanh không hề nổi bật, đã “góp phần” tạo nên thêm điểm nhạt cho Kaku: Ancient Seal.
sự cẩu thả ở khâu cốt truyện, khiến phần phát triển của nhân vật chính dường như không có, dẫn tới sự đồng cảm của các tuyến nhân vật phụ khác cũng biến mất