Skip to content

The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom – Đánh Giá Game

Tears of the Kingdom

Tears of the Kingdom – Có lẽ đến ngày hôm nay, Nintendo Switch không còn là một khái niệm gì quá xa lạ đối với cộng đồng game thủ toàn cầu nữa.

Chiếc máy chơi game “lai” giữa hai hệ console và handheld (cầm tay) này đã trở thành một biểu tượng của thế giới game khi mang lại vô vàn những trải nghiệm “độc nhất vô nhị”, cũng như kho thư viện game khổng lồ gồm hằng hà sa số chủng loại, dư sức chiều lòng cả những người chơi khó tính nhất!

Ra mắt vào thời điểm năm 2017, Nintendo Switch là niềm tự hào tuyệt đối của Nintendo, và họ không ngần ngại gì khi trao sứ mệnh bắn phát súng mở màn cho “siêu phẩm” The Legend of Zelda: Breath of the Wild.

Với chất lượng tuyệt cao, không có gì ngạc nhiên khi tựa game huyền thoại này đã “ẵm” ngay giải thưởng danh giá “Game of the Year” cùng năm, cũng như sở hữu một lượng video nội dung nhiều một cách khủng khiếp trên YouTube mãi trong nhiều năm sau đó.

Với thành công đạt đỉnh như vậy, không có lý do gì có thể ngăn cản Nintendo phát triển tiếp một hậu bản để tiếp nối bản trường ca lừng lẫy này. Nhưng đấy hẳn là một “nan đề”, bởi lẽ Breath of the Wild vốn dĩ đã quá hoàn hảo, quá xuất sắc – thì liệu hậu bản này phải ở tầm cỡ nào mới có thể khiến người hâm mộ hài lòng cho nổi? Vì vốn dĩ từ xưa đến nay, việc các phiên bản ra sau không thể vượt nổi cái bóng quá lớn của “người tiền nhiệm” đã trở thành lẽ thường tình mà rất hiếm người tránh khỏi.

Phải mất đến 4 năm sau đó, những thông tin về hậu bản của Breath of the Wild mới được dần dần hé lộ, và cũng mãi tận 2022, “bàn dân thiên hạ” xứ game mới được tỏ tường về danh tính của người kế thừa này: The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom

Qua vô số những video teaser, trailer, thậm chí là chơi thử được tung ra một cách đầy chiến lược, có thể thấy rằng The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom đã gặt hái được những thành công vang dội ngay cả từ trước khi nó ra mắt, thông qua hằng hà sa số những điểm “10” đỏ chói từ những chuyên trang đánh giá game nước ngoài hoặc những YouTuber uy tín.

Có thể nói rằng Nintendo đã tự phá kỷ lục của chính mình, khi phát triển ra một tựa game hậu bản còn thành công hơn cả người tiên phong Breath of the Wild.

Vậy, The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom đã làm như thế nào, và sở hữu những điều kỳ diệu gì, mà có thể làm nên kỳ tích vẻ vang đó?

Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau nhé.

BẠN SẼ THÍCH

Bình cũ, rượu mới

Từ những cái nhìn đầu tiên, có thể thấy ngay rằng The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom được xây dựng dựa trên nền tảng gốc của Breath of the Wild, cả từ khâu đồ họa, cơ chế chiến đấu cho đến những tiêu chí vật lý, cách thao tác. Người vô tri bàng quan có thể cho rằng Nintendo rất “lười”, và chỉ muốn “vắt sữa” thay vì làm mới hoàn toàn như cách mà các hãng game lớn khác vẫn thường làm.

Thực tế, đây là một nước cờ cực kỳ thông minh từ phía Nintendo, vì họ muốn dành phần lớn thời gian và nhân lực cho việc xây dựng thế giới mới, đưa vào những cơ chế vừa kỳ quái vừa “điên rồ”, cũng như đảm bảo chất lượng game chạy “mượt” hết mức có thể – thay vì làm cái kiểu “thay áo nhìn cho đẹp” nhưng tốn công tốn của, rồi không đủ thời gian để phát triển nội dung và dẫn đến thất bại như cách mà dòng game Pokemon đang “lún lầy” trong những năm gần đây.

Ngay cả việc tên game không phải là “Breath of the Wild 2” mà lại là The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom, cũng ngầm cho biết đây là một dị bản song song chứ không phải là thứ 100% mới mẻ như các tựa game The Legend of Zelda trước đó.

Nếu phải so sánh, người viết cảm thấy cặp đôi Oracle of Ages Oracle of Seasons là một đối trọng gần đúng nhất khi là hai tựa game khác nhau, nhưng lại chia sẻ cùng nền tảng đồ họa và lối chơi y như nhau.

Bối cảnh trong The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom diễn ra trong một khoảng thời gian không xác định sau các sự kiện của Breath of the Wild (áng chừng chỉ vài tháng hoặc vài năm – NV). Trong lúc công cuộc tái thiết lại thế giới sau khi Calamity Ganon bị tiêu diệt đang diễn ra gấp rút, bộ đôi công chúa Zelda và chàng hộ vệ Link lại phải đau đầu đối mặt với hàng loạt những sự kiện kỳ lạ khác. 

Nintendo muốn dành phần lớn thời gian và nhân lực cho việc xây dựng thế giới mới, đưa vào những cơ chế vừa kỳ quái vừa “điên rồ”, cũng như đảm bảo chất lượng game chạy “mượt” hết mức có thể – thay vì làm cái kiểu “thay áo nhìn cho đẹp” nhưng tốn công tốn của

Đầu tiên là rất nhiều cư dân Hyrule ngã bệnh nặng sau khi tiếp xúc với một loại chướng khí màu đỏ đen, được gọi là “Gloom”. Truy nguyên nguồn gốc của Gloom, Zelda và Link phát hiện ra một hệ thống hầm mộ chằng chịt và âm u ngay bên dưới lâu đài Hyrule.

Tương truyền hoàng gia Hyrule luôn có lời căn dặn con cháu hãy tránh xa khu vực nguy hiểm này ra – nhưng vì muốn tìm kiếm căn nguyên và lời giải cho dịch bệnh hiểm nghèo kia, bộ đôi huyền thoại buộc phải dấn thân vào hành trình xuống lòng đất đầy cam go…


Lối chơi ảo diệu, đa chiều

Vẫn sử dụng lại hầu như toàn bộ các cơ chế vật lý và chiến đấu của Breath of the Wild, The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom sẽ không khiến những “fan cuồng” lâu năm phải mất nhiều thời gian để có thể đắm mình ngay vào hành trình kỳ ảo của Link.

Hệ thống chiến đấu chính của The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom vẫn xoay quanh ba nhóm trang bị chủ đạo chính của Link là vũ khí cận chiến, cung tên tầm xa, và chiếc khiên đa dụng vừa có để đỡ đòn vừa dùng để… lướt ván.

Người chơi The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom vẫn có thể tự phân loại mình vào hạng “gà” hay sừng sỏ như Breath of the Wild, thông qua việc có thạo sử dụng các cơ chế tránh đòn khẩn cấp để làm chậm thời gian và thi triển Flurry Attack, hay canh bạt khiên đỡ đòn (Parry) và phản đòn thần tốc hay không. 

Điểm khác biệt lớn nhất của game so với Breath of the Wild, ấy là bộ kỹ năng mới giờ đây có tính ứng dụng rộng lớn và phổ quát hơn rất nhiều. Nếu như với Breath of the Wild, các kỹ năng tạo bom, điều khiển nam châm, ngưng đọng thời gian trên vật thể hay tạo trụ băng chỉ có tác dụng ở một phạm vi nhỏ và chỉ trong các điều kiện đặc biệt – thì với The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom, người chơi được trao cho một bộ “công cụ” ngang tầm với Game Master, có thể tự do “thao túng” hầu hết mọi khía cạnh mà game mang lại.

Đầu tiên phải nói đến tính năng Grab, cho phép người chơi điều khiển TẤT CẢ vật thể có thể tương tác được trong game. Nếu nam châm của Breath of the Wild chỉ cho phép điều khiển vật thể kim loại, và cũng chỉ cho tác động từng món một – thì Grab không hề giới hạn phạm vi người chơi có thể thao túng.

Việc ghép một mảnh ván và bốn cái bánh tạo thành một chiếc xe, ba thanh gỗ và một cái quạt thành chiếc bè, hay thậm chí là cả một con robot “siêu to khổng lồ” gắn đầy súng ống, chẳng hề là việc khó khăn trong The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom.

Kế đến, là vấn đề từng làm nản lòng người chơi Breath of the Wild khi cứ phải đi tìm vũ khí xịn, rồi không dám dùng vì sợ nó… gãy. Ngày nay trong The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom thì đấy lại trở thành chuyện cỏn con, khi mà kỹ năng Fuse cho phép người chơi “dung hợp” bất kỳ cái quái gì họ nhìn thấy trên đường và trong kho hành trang với vũ khí, tên, và cả khiên của mình nữa.

Ai mà phải sợ bọn quái vật hung hãn khi ta có thể cầm chiếc khiên gắn… súng bắn laser có thể quét sạch cả sư đoàn trong nháy mắt, hay những mũi tên “có mắt” (theo nghĩa đen) có cơ chế tự dí “bách phát, bách trúng” bất chấp nội tại “nhắm hụt triền miên” của người chơi?

ngay từ đầu, The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom đã trao cho người chơi đầy đủ công cụ để có thể giải quyết mọi vấn đề mà game có thể đưa ra

Ngoài ra, các kỹ năng “bá đạo” khác như Ascend (giúp Link có thể di chuyển trực tiếp từ thấp lên đỉnh của bất cứ mặt phẳng cao nào) hay Rewind (nghịch đảo thời gian của một vật thể) đều có giá trị cực lớn trong việc hỗ trợ về di chuyển, giải đố, hay thậm chí là giúp người chơi thực hiện một (hoặc nhiều) ý tưởng “khùng điên ba trợn” nào bất chợt nảy ra trong đầu.

Có thể nói, ngay từ đầu, The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom đã trao cho người chơi đầy đủ công cụ để có thể giải quyết mọi vấn đề mà game có thể đưa ra trong xuyên suốt hành trình dài vô tận sau đó. Chuyện còn lại chỉ là xem độ giới hạn về trí tưởng tượng của chính người chơi mà thôi.

Vì vậy, người viết cảm thấy The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom thành công mỹ mãn trong việc đưa ra một bộ công cụ thiết kế game trong chính sản phẩm của mình, và cho người chơi toàn quyền sử dụng, mày mò, khám phá nó bất kể là để giải quyết câu đố trong game, hay chỉ đơn giản là muốn… nghịch.


Tears of the Kingdom

Giá trị chơi vô cực!!!

Vốn tuân theo cái “sườn” từ thời Breath of the Wild, The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom cũng được định sẵn là một tựa game thế giới mở.

Do đó, thay vì tạo ra một cốt truyện khép kín với hành trình tái kích hoạt 4 thần thú để giải cứu Zelda trong Breath of the Wild, thì The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom lại có một thiên hướng mở rộng và cho người chơi “chill” hơn rất nhiều.

Tìm Zelda đang thất lạc à? Cũng quan trọng đấy, nhưng mà “nhà bao việc”, vì thứ để làm trong The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom còn nhiều và thú vị hơi Breath of the Wild rất, rất nhiều!

Trước tiên phải nói đến việc trong The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom, thế giới của game có độ “phì nhiêu” gần gấp ba so với Breath of the Wild.

Tears of the Kingdom

Sở dĩ có hiện tượng này, ấy là vì bố cục của The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom phân khai thế giới ra thành tận ba “lớp”: các quần đảo lơ lửng trên không, mặt đất Hyrule rộng y chang như xưa, và cả một thế giới ngầm dưới lòng đất có diện tích chẳng hề kém cạnh gì mặt đất!

Việc người chơi phải di chuyển liên tục từ trời xuống đất và từ đất lên trời là quá sức bình thường, vì các sự kiện chính cũng như tuyến nhiệm vụ phụ, hoặc các ngôi đền thiêng, đều bao phủ rất dày đặc ở cả hai mảng lục địa này. Mỗi nơi sẽ có những cách di chuyển riêng biệt và những loại kẻ địch hoàn toàn khác nhau.

Tears of the Kingdom

Kết hợp với cơ chế ráp đồ tự do từ kỹ năng Grab cũng như khả năng “độ” vũ khí của kỹ năng Fuse, người chơi “lạc lối” trong những thí nghiệm vừa khùng, vừa vui “nổ não” trong game là hết sức hiển nhiên.

Nếu với Breath of the Wild, mãi tận 5 năm sau người ta vẫn có thể thấy nhan nhản trên YouTube các video dạng “69 điều bạn chưa biết trong Breath of the Wild” – chứng tỏ độ biến thiên của “game cũ” đã cực kỳ nhiều; thì với The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom, người chơi cứ chuẩn bị tinh thần nhân số đó lên khoảng… gấp 3, gấp 4 gì đấy là vừa!

Tuy nhiên, thử thách “ngốn” nhiều thời gian nhất trong The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom, có lẽ lại là hành trình khám phá thế giới ngầm dưới lòng đất. Vốn có diện tích không thua kém gì mặt đất, nơi đây lại bị bóng tối dày đặc ngự trị, đến mức khiến cho việc kiếm đủ hạt giống phát sáng để mở bản đồ cũng là một “nan đề” không dễ giải quyết.

Chưa dừng lại ở đó, nơi đây còn là chốn ngự trị của vô số sinh vật kỳ quái, sở hữu những khả năng và sức mạnh đủ khiến đám Lynel và Hinox sừng sỏ trên mặt đất bỗng chốc trở thành đám “cừu non” yếu đuối.

Có thể nói, việc người chơi tiêu tốn đến vài trăm giờ chơi trong The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom cũng chẳng có gì kỳ lạ – và nếu theo tôn chỉ của người viết “cứ 1 USD giá mua game phải đổi bằng tối thiểu 1 giờ chơi game” thì game lại thành một món hời cực kỳ rồi!

trong The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom, thế giới của game có độ “phì nhiêu” gần gấp ba so với Breath of the Wild

Bạch kim 10

Nếu như nói rằng Breath of the Wild là một kỳ tích của làng video, là một viên ngọc quý giá cho thấy việc một hãng game “hết mình” với sản phẩm của họ có thể đến mức nào (trong cái bối cảnh làm game "mì ăn liền" từ 10 năm đổ lại đây) – thì với Tears of the Kingdom, Nintendo còn chứng tỏ rằng không có gì là hoàn hảo, khi họ có thể tạo ra thứ còn tốt hơn thế nữa. 

Nếu ví Breath of the Wild là loại mỹ tửu "ngàn năm có một", thì Tears of the Kingdom chính là loại rượu thần kỳ đó sau khi đã được ủ thêm vài ngàn năm, vừa giữ được cái hồn thiêng vốn có, vừa đậm đà và nồng hậu hơn nhiều. 

Tears of the Kingdom xứng đáng là một trải nghiệm buộc phải thử qua, dù cho người chơi là “fan cứng” của dòng game The Legend of Zelda, hay chỉ đơn giản là muốn tìm kiếm một tựa game cực hay, cực “cuốn” để đắm mình vào trong nhiều giờ mơ mộng.

Thông tin

  • The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom
  • Nhà phát triển
    Nintendo
  • Nhà phát hành
    Nintendo
  • Thể loại
    Phiêu lưu, Hành động
  • Ngày ra mắt
    12/05/2023
  • Nền tảng
    Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi VIETGAME.ASIA. Chơi trên Nintendo Switch.

Tác giả

Thảo luận