Trong buổi phỏng vấn với trang ASCII Japan, CEO của Pocketpair, Takuro Mizobe, đã bàn luận về định hướng tương lai của Palworld – cụ thể là ông không biết nên biến trò chơi thành một game “live-service” hay tiếp tục để nó hoạt động dưới dạng một game “pay-to-play”.
Khi được hỏi về kế hoạch tương lai cho tựa game, Mizobe chia sẻ như sau:
“Thật lòng mà nói, mọi thứ vẫn chưa được quyết định nữa.”
Mặc dù không có câu hỏi liên quan về việc Pocketpair tiếp tục bổ sung nội dung cho tựa game bằng nhiều màn chơi, nhân vật và trùm mới, Mizobe cho biết hãng sẽ cần phải đưa ra quyết định vô cùng lớn, xoay quanh mô hình kinh doanh của trò chơi.
“Khi bạn nghĩ kỹ về điều đó theo góc nhìn kinh doanh, biến nó [Palworld] thành một game live-service sẽ có thể kéo dài tuổi thọ của game và khiến mọi thứ ổn định hơn về mặt lợi nhuận. Tuy nhiên, tựa game vốn đã không được thiết kế để theo đuổi mô hình này, nên sẽ có nhiều thử thách trong việc biến nó thành game live-service.”
“Những game live-service thường là game F2P mà vẫn có những yếu tố trả tiền như “skin” và battle pass, nhưng Palworld là một game B2P [buy-to-play] nên sẽ vô cùng khó khăn để biến nó thành một game live-service từ đầu đến cuối.”
Mizobe nêu tên PUBG và Fall Guys là hai ví dụ điển hình cho những game đổi mô hình hoạt động sang “free-to-play”, hai tựa game này thưởng cho những người chơi đã trả tiền bằng cách tặng cho họ những vật phẩm đáng giá.
Tuy nhiên, Pocketpair hiểu rõ là đây không phải là một điều mà họ có thể dễ dàng thực hiện.
“Cả hai [game] đều tốn rất nhiều năm để thực hiện sự chuyển đổi. Mặc dù tôi hiểu là mô hình live-service rất có lợi cho hoạt động kinh doanh, mọi thứ không hề dễ dàng tí nào.”
Bên cạnh những vấn đề kỹ thuật có thể hiện hữu từ việc đột ngột chuyển qua mô hình “live-service”, Mizobe cho biết Pocketpair cũng đề cao tiếng nói của cộng đồng.
“Điều quan trọng là liệu người chơi có muốn hay không.”
Có vẻ Pocketpair muốn tìm thêm cách để thu hút những người chơi mới mà không hạ thấp những người chơi hiện có của mình. Hãng cũng đã cân nhắc đến việc tạo thu nhập bằng cách cho quảng cáo chạy trong game, nhưng Mizobe phản đối ý tưởng này, bởi vì “những người dùng Steam ghét quảng cáo”.
Hiện tại, chúng ta vẫn không biết Palworld sẽ biến thành một game “live-service” trong tương lai tới, hay vẫn tiếp tục hoạt động dưới dạng một game “pay-to-play”.