The Division – Đã qua rồi cái thời kì mà nhắc đến Ubisoft, người ta nghĩ ngay đến các dòng game hay và các hậu bản siêu chất lượng.
Cũng đã qua rồi những ngày mà Ubisoft được biết đến như là một hãng làm game đặt chất làm đầu, thường làm “mát lòng” game thủ.
Thời thế đổi thay, bức tượng của gã khổng lồ nước Pháp ngày nào trong mắt người hâm mộ đã sụp đổ vì những chính sách “vắt sữa” hàng năm và các siêu phẩm chỉ có… trong quảng cáo.
Thấy được cảm hứng từ Assassin’s Creed 2, Ubisoft lập tức “bòn rút” sự sáng tạo để rồi thương hiệu này chìm vào sự chê bai.
Nhận ra lối đi của Far Cry 3 là “hợp thời đại”, sau đó hãng đã nhanh chóng nhân bản hàng loạt, và kết cục là một Far Cry Primal vừa qua như một bước lùi của cả dòng game…
Những sản phẩm tưởng là “bom tấn” như The Crew hay Watch Dogs chỉ gây ấn tượng bằng những màn quảng cáo vang trời, rồi thu lại kết quả là… hàng tá phản hồi tiêu cực.
Đến gần đây khi Tom Clancy’s Rainbox Six: Siege ra mắt, một “tí niềm tin” mới được giữ lại để game thủ trong ngóng vào Tom Clancy’s The Division.
Ra đời như “cá mè một lứa” với Assassin’s Creed Unity, Watch Dogs, The Crew… Tom Clancy’s The Division đã năm lần, bảy lượt dời ngày phát hành với lí do muôn thuở: để hoàn thiện sản phẩm.
Hai bản beta gần đây nhất cũng thu về một tí khả quan nhằm chứng minh cho lí do trên, nhưng sản phẩm cuối cùng mới là quan trọng nhất.
Vậy liệu Tom Clancy’s The Division có đi vào “vũng lầy” trước đó hay không?
Liệu tựa game này có thật sự là “bom tấn” như mong đợi hay không? Liệu đây sẽ là một sản phẩm chất lượng mà người chơi hằng mong đợi hay không?
Đến nay khi game ra mắt, Ubisoft có lẽ phải nhìn lại những gì mình đã làm, vì hàng trăm chữ “liệu” kia đã được kết thành một chữ “nếu”: nếu những tựa game trước làm tốt, chí ít như Tom Clancy’s The Division!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
NEW YORK – THÀNH PHỐ KHÔNG NGỦ
Virus – đề tài muôn thuở của làng giải trí nói chung và làng game nói riêng, cứ muốn có một nguyên nhân nào đó đẩy loài người đến bên bờ vực sâu mà đang bí ý tưởng thì… cứ quăng vào vài loại Virus nào đó tự khắc con người sụp đổ ngay.
Resident Evil là ví dụ tiêu biểu và nó hết sức thành công, Tom Clancy’s The Division cũng gần như vậy, có điều cách khai thác lại khác đi một chút.
Một tập đoàn khủng bố chưa biết tên đã thí nghiệm thành công một loại Virus sinh sôi ngay trên những tờ tiền chúng ta đang cầm trên tay hàng ngày.
Đó là vật ngang giá chung cũng như trở thành mục đích sống của mọi người.
Và “Ngày Thứ 6 Đen Tối” diễn ra, hàng triệu người cùng nhau đi mua sắm, Virus được dịp lan rộng để rồi sau vài ngày sau cả nước Mĩ chìm vào khủng hoảng.
Khủng hoảng ở đây là về mặt con người khi cảnh xung đột diễn ra, lực lượng cảnh sát tê liệt, hàng trăm vụ bạo động nhấn những con đường tấp nập chìm vào hỗn loạn.
Tất cả kết lại bằng câu nói của viên cảnh sát: “chúng tôi không được huấn luyện cho tình huống này!”.
[su_quote]Từng hoạt động của bạn, một Agent, ghi dấu qua từng ngày tháng thay cho bước chân của người dân từ thuở nhộn nhịp khi trước[/su_quote]Bối cảnh loạn lạc ắt sẽ xuất hiện nhân tài, không ai khác đó là người chơi.
Nhưng, tạm gạt qua một bên cái danh Agent hay tổ chức The Division đi, vì sao?
Vì bạn chỉ là một kẻ sống sót sau cơn khủng hoảng, gia nhập vào lực lượng gần như là duy nhất.
Điều bạn cần làm không phải để gắn lên áo hàng đống quân hàm, huy chương mà là chiến đấu để mang lại những điều tốt đẹp còn sót lại cho New York.
Tất cả chỉ có như vậy!
Không thể nói rằng Tom Clancy’s The Division thật sự hay trong cách dẫn chuyện để đưa những Agent vào một cuộc chiến mà những cảm xúc đọng lại ở cuối màn thôi thúc người chơi lập đội ngay cho những nhiệm vụ mới, nhưng cái đáng “đồng tiền” chính là hình ảnh New York bị bỏ lại trong tuyết trắng, khác xa với những khung cảnh náo nhiệt thường bắt gặp trong các sản phẩm giải trí khác.
Và rồi khi New York đón đợt gió lạnh mùa đông, những con phố bỗng nóng rạo rực do các lực lượng đối chọi với nhau.
Những đường phố tấp nập năm nào bỗng trở thành bãi tha ma xe cộ.
Những giá trị của một trong những thành phố nổi tiếng nhất thế giới bỗng chốt tan biến để mặc cho những bông tuyết bám lấy từng góc phố.
Vẻ đẹp của thành phố New York không chỉ được thể hiện qua nền tảng đồ họa đẹp vào hàng nhất nhì hiện nay mà còn ở cách thiết kế rất chân thực bối cảnh khủng hoảng.
Tại đó, người chơi thấy được những đống ngỗn ngang, những khu vực được dựng nên chào đón đợt khách đến cùng nhiều lời chúc tốt đẹp cho mùa nghỉ lễ…
Tất cả đều bị bỏ mặc lại trong sự hoang tàn.
Đâu đó trên các con đường lúc bấy giờ là những người dân đang lo sợ điều không may sẽ đến với mình, đâu đó là những bằng chứng rải rác được ghi lại bởi những con người xấu số, hay nằm đâu đó là “tiếng vọng” xa xôi từ những bóng ma của kí ức…
New York vẫn đẹp lắm đấy! Vẫn đầy ắp những khung cảnh kì vĩ do bàn tay con người tạo nên như cây cầu Brooklyn sừng sững hay tòa nhà Empire State cao chót vót, vẫn làm cho người ta phải dừng chân đứng ngắm, nhưng rồi bị bỏ lại vội vàng do thảm họa gõ cửa.
Rất, rất nhiều những hình ảnh sống động tạo nên một New York ảo mà sụp đổ như thật, làm cho người chơi phải thầm ngưỡng mộ Ubisoft Massive.
Từng hoạt động của bạn, một Agent, ghi dấu qua từng ngày tháng thay cho bước chân của người dân từ thuở nhộn nhịp khi trước.
Đó cũng là một New York không ngủ như chính tên gọi của thành phố này, chỉ có điều đang phải thở loạn nhịp vì trái tim bị loại Virus kia bóp nghẹt.
NHẬP VAI PHA LẪN BẮN SÚNG
Lối chơi của Tom Clancy’s The Division là một tổng thể hài hòa giữa nhập vai và bắn súng góc nhìn thứ ba (TPS – Third-person shooter), cả hai ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, rất cân đối và hấp dẫn!
Nếu nhập vai giữ vai trò là “cái cán” thì bắn súng đóng vai “lưỡi dao”, không thể tách rời, rất chặt chẽ và tạo được “sức nặng” ngang bằng.
Phần nhập vai sẽ cho người chơi tự do trong từng lựa chọn với tất cả những thứ có thể dùng đến, đó là súng, giáp, balo, bảo hộ đầu gối, áo khoác, bao tay… Bằng một giao diện trực quan, thân thiện, dễ nắm bắt mà từ đó game thủ có thể thay đổi bất cứ lúc nào mình thích, cũng như so sánh điểm mạnh, yếu.
Với những món đồ nhặt được bằng việc hạ những tên nổi loạn, một hằng sa số những công dụng khác nhau cho từng món ngập tràn trong mắt người chơi, để rồi cái háo hức luôn rạo rực để tìm xem món mới nhặt có tính năng gì, công dụng ra sao, điểm cộng thế nào…
Như cái cách mà game thủ từng trải qua nếu đã từng có tuổi thơ gắn với sản phẩm nhập vai cổ điển như Diablo hay Titan Quest.
Chất lượng cũng như độ xịn của từng món sẽ được kí hiệu bằng những màu sắc khác nhau đi từ xám, xanh lá, xanh dương, tím, vàng tương ứng biều đổ đi từ thấp đến cao.
Rất may, một phần nào đó trong Tom Clancy’s The Division đề cao tinh thần “chính chủ” nên trong một nhóm nhiều người, của ai thì chỉ có người đó thấy và vô hình trong mắt bạn đồng hành, tình trạng “hôi của” như Borderlands không có đất để xuất hiện!
Để góp thêm cho sự đa dạng, Tom Clancy’s The Division có ba nhánh Skills (kĩ năng) chính trải dài từ thủ tới công là: Security, Tech và Medical.
Nếu như Security là tập hợp của những kĩ năng thiên về phòng thủ thì Tech đối lập lại dùng “đồ chơi” trấn áp kẻ thù, còn Medical biến game thủ thành những “người tốt” trên chiến trường với hàng tá cách thức cứu thương.
Mỗi kỹ năng đạt được tồn tại những mod nhỏ để mở khóa dần dần theo thời gian.
Mỗi nhánh lại được chia ra thêm hai bảng nữa là Talent và Perk, đóng vai trò bổ trợ cho những kĩ năng chính mà từ đó người chơi dần mạnh hơn.
Nếu như Skills bị giới hạn bởi ba ô còn Talent gói gọn trong 4 ô thì may mắn thay, Perk lại vô tư sử dụng tạo nền tảng cũng như niềm tin để người chơi đối đầu với các trận chiến khó nhằn.
Tom Clancy’s The Division đem đến một cách rất hay để người chơi mở khóa kĩ năng, thay vì cày ải ào ạt một cách điên cuồng không có chủ đích để lên cấp, một “đại bản doanh” nho nhỏ được lập ra để thu thập điểm từ những nhiệm vụ liên quan, ví dụ để tăng điểm cho nhánh Tech thì làm những nhiệm vụ được đánh dấu màu vàng, còn Medical thì là màu xanh dương.
Nơi này cũng tồn tại ba cánh chính để thực hiện tác vụ nâng cấp tương ứng với ba nhánh kĩ năng, ngoài ra, còn có những vị trí khác như buôn bán, chế tạo đồ, bảng cập nhật tình hình…
[su_quote]Nếu nhập vai giữ vai trò là cái cán thì bắn súng đóng vai lưỡi dao, không thể tách rời, rất chặt chẽ và tạo được “sức nặng” ngang bằng[/su_quote]Tuy nhiên, đáng tiếc khi ngoài những thứ trên, “đại bản doanh” không thể mở rộng ra nhiều hơn nữa dù những bước đi đầu tiên để lại kì vọng rất lớn.
Một tòa nhà khi đã có nền móng vững chắc ắt sẽ vươn cao, và Tom Clancy’s The Division khi có nền tảng nhập vai làm chỗ dựa, khâu hành động dựa trên các màn bắn nhau được dịp thể hiện mình.
Không đì đùng súng đạn như Army of Two hay chú trọng chiến thuật từng li như người anh chung nhà Tom Clancy’s Ghost Recon: Wildlands, Tom Clancy’s The Division đem lại một cảm giác rất riêng với những kĩ năng chiến đấu hiện đại mà mỗi Agent sở hữu như nấp, nhảy vượt vật cản, bắn bừa…
Một phần hấp dẫn nữa nằm ở việc mỗi loại vũ khí không đơn thuần chỉ tồn tại hai ba thông số chính là lượng đạn, sức công phá và tốc độ nhả đạn, mà có thêm những tính năng nhỏ cộng từ những bộ phận được thêm thắt như: ống ngắm, băng đạn, thanh chắn chống giật…
Cũng từ đó mà Tom’s Clancy The Division giới thiệu một hệ thống “độ súng” khá hay dù không chi tiết đến tận răng như đàn anh Tom Clancy’s Ghost Recon: Future Soldiers hay Army of Two: The 40th Day của gã nhà giàu EA.
Tính nhập vai một lần nữa hiện hữu khi kẻ thù cũng có cấp độ giống với người chơi và được kí hiệu bằng màu sắc. Tất cả chúng đều có một điểm chung đó là: sẵn sàng lấy mạng người chơi bằng tất cả những gì mình có.
Nói một cách công bằng, AI vẫn còn rất đần độn với vô số hành vi khác thường mà nếu hỏi Ubisoft rằng tại sao chúng lại hành động như vậy, có lẽ người phát ngôn cũng chỉ biết ú ớ.
Nhưng mất cái này được cái kia, chí ít chúng tỏ ra mình cũng thuộc dạng “nguy hiểm” với tần suất bắn rát và phục vụ rất tốt trong việc thử thách người chơi.
Hơn nữa, những tên kí hiệu bằng màu tím và vàng lại có giáp dày đi cùng khả năng xả đạn gây sát thương cao sẽ khiến người chơi phải cẩn trọng hơn rất nhiều.
Cũng xin nói luôn, cả hai thái cực đã nêu tồn tại song song hỗ trợ lẫn nhau chứ chưa cái nào thật sự “tới nơi tới chốn”, mà nếu một trong hai có lỡ “đoạn tuyệt đôi đường” thì cái còn lại sẽ dừng ở mức thường thường bậc trung.
Nhập vai thì có lượng vừa đủ mà chất lại thiếu một chút sắc sảo trong các thiết kế để làm người chơi phải đặt ra những bài toán cho hướng đi.
Tom Clancy’s The Division tỏ ra rất dễ dãi vì điểm nâng kĩ năng không quá khó khăn để kiếm được, chỉ cần thời gian “cày kéo” đủ lâu, tất cả các nhánh sẽ được mở ra.
Đáng lẽ Ubisoft Massive nên tinh tế hơn một chút bắt game thủ phải tự đặt ra câu hỏi, phải nâng thứ gì và bỏ những gì, thì giá trị cho mỗi lần chọn kĩ năng sẽ tăng lên thêm nữa.
Mặt còn lại thì sao?
Tom Clancy’s The Division cũng ra dáng hành động lắm đấy chứ!
Nhưng các cơ chế thỉnh thoảng lại tỏ ra khó chịu, điển hình là việc chuyển đổi giữa vai trái và vai phải đôi lúc gặp trở ngại để rồi tầm nhìn bị che khuất.
Xét một cách nghiêm khắc, ở mặt này, Tom Clancy’s The Division dừng lại ở mức khá chưa đạt tới tầm “suông mượt” như “đại ca” của game bắn súng góc nhìn thứ ba – Gears of War.
Nhưng rất may, cả hai thái cực trên hòa vào như hai mặt đen trắng của vòng tròn âm dương để rồi tự che mờ những khuyết điểm cho nhau. Vâng, rất là may đấy!
XÓA NHÒA ĐƠN – MẠNG
Bản chất là một tựa game chơi mạng, Tom Clancy’s The Division hoàn toàn có thể được nhắc đến như cái tên điển hình xóa nhòa ranh giới giữa chơi đơn và mạng, cả hai được lồng vào nhau khéo léo, dễ dàng cứ như người chơi mở cửa rồi bước từ bên này sang bên kia vậy.
Tom Clancy’s The Division đưa người chơi một tiểu đội nhỏ gồm tối đa bốn người, có thể là bạn bè gặp nhau ngay từ lúc đặt chân vào game hay tìm người lạ lúc bắt đầu một nhiệm vụ, đều được.
Chỉ cần vào bản đồ ấn “G” cho tác vụ “Matchmaking” (dò màn) là mọi người sẽ được kết nối với nhau, nhanh chóng và không mất quá nhiều thời gian.
Game không gò bó bạn theo một khuôn khổ nào để viết nên câu chuyện khi chơi đơn, chơi cùng bạn bè hay người lạ, đều có đủ và gần như sẵn sàng mọi lúc để đáp ứng một cách nhanh chóng.
Trong toàn bộ các cơ chế kết hợp đơn – mạng của Tom Clancy’s The Division, khu vực Dark Zone là nét chấm phá rõ nhất.
Dark Zone nằm ngay giữa lòng thành phố New York, bước qua cánh cổng cách li, giao diện sẽ tự khởi động lại báo hiệu bạn đã đi vào một khu vực khác với rất nhiều những người chơi khác, không màn hình chuyển cảnh nào xuất hiện, cũng không phải chọn lựa thêm máy chủ hay bất cứ điều gì.
Hạt sạn khó chịu duy nhất có lẽ từ việc game phải tải dữ liệu cho những lần khởi động quá lâu, đủ lâu để người viết có thể đi lòng vòng trong nhà uống ly nước, ăn lặt vặt xong quay lại màn hình là vừa đúng lúc thanh trạng thái chạm mốc 100%.
[su_quote]Tom Clancy’s The Division hoàn toàn có thể được nhắc đến như cái tên điển hình xóa nhòa ranh giới giữa chơi đơn và mạng, cả hai được lồng vào nhau khéo léo, dễ dàng cứ như người chơi mở cửa rồi bước từ bên này sang bên kia vậy[/su_quote]DARK ZONE: NƠI TIỀM ẨN NHỮNG BẤT NGỜ
Được giới thiệu là nơi tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm và đầy rẫy bất ngờ, Dark Zone đích thực là chốn “ngọa hổ tàng long” dành cho những ai ham thích mạo hiểm và muốn có được đồ xịn.
Nếu khởi đầu theo hướng của một game thủ thông thường, một vòng tuần hoàn đã được định sẵn gồm: chiến đấu, lấy đồ, gọi trực thăng và chờ đem đi.
Đó thật là một công việc nhàm chán, nhưng như vậy sẽ đảm bảo cho những món đồ xịn vượt trội ở mọi chỉ số về tay và góp phần khiến người chơi muốn quăng ngay những gì đang có.
Nhưng cái hay của Dark Zone chạm ngõ khi người chơi quyết định đi theo con đường “tà đạo”, tự loại mình ra khỏi tập thể, gần giống với hình ảnh Lữ Bố đơn độc trong điển tích “tam anh chiến Lữ Bố” năm xưa.
Bằng cách mạo hiểm tấn công những người chơi khác, bạn hay là cả nhóm của bạn, sẽ được đánh dấu Rogue Agent trong một thời gian nhất định, biến bạn trở thành con mồi trong mắt tất cả những ai có mặt trong Dark Zone, lúc này phần thưởng cao ngất ngưỡng sẽ trao cho ai hạ được bạn và người đó có thể vơ vét hết tất cả chiến lợi phẩm còn sót lại.
[su_quote]Dark Zone là nơi ngọa hổ tàng long dành cho những ai ham thích mạo hiểm và muốn có được đồ xịn[/su_quote]Nếu tiếp tục chiến đấu với những tên “thợ săn”, dấu Rogue Agent sẽ được nâng lên thêm một cấp và cứ như thế tăng dần lên mức 5, cũng là cực đại, đồng nghĩa với thời gian đếm ngược sẽ càng cao, cũng như ở cấp 5 phải mất năm phút mới có thể trở lại là một Agent “ngoan hiền”.
Đấy không chỉ là thử thách ở mặt “tài” mà còn đòi hỏi tính mạo hiểm của từng người, vì liệu có mấy ai dám tự biến mình thành kẻ thù của thiên hạ?
Thậm chí, khi luyện độ “dày” của da mặt vượt ngưỡng bình thường, một “dã tâm” táo bạo khác sẽ trỗi dậy thôi thúc bạn tiến thêm bước nữa, đó là… hạ hết đồng đội đi cùng rồi nhặt sạch những phần thưởng không mấy vinh quang kia.
Dĩ nhiên, là bạn bè với nhau sẽ chẳng mấy ai có lá gan đủ to để làm vậy nếu không muốn “ăn đập” ngược lại ở ngoài đời.
Tất cả những điều trên tạo nên một Dark Zone rất lạ, rất nguy hiểm, rất khó lường, nơi mọi thứ đều có thể xảy ra và ranh giới trắng – đen bất khả phân biệt, có thể mới đó thôi người bên cạnh đang vượt qua hiểm nguy để cứu lấy bạn từ cõi chết, nhưng ngay sau đó lại đẩy bạn trở lại nơi vừa mới thoát ra.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
NHỮNG SỰ LẶP LẠI…
Bối cảnh của Tom Clancy’s The Division rất hay, cách thể hiện cũng rất hay, cảnh hoang tàn rất thuyết phục, lối chơi rất ổn… Mọi thứ ngỡ như hoàn hảo cho đến khi bạn nhận ra hình như bước chân mình đang đi có gì đó là lạ, tại sao?
Vì chúng ta đã đi một con đường giống như vầy trong các nhiệm vụ trước.
Phải công nhận rằng Ubisoft Massive làm rất tốt trong cách khai thác kịch bản dựa trên bối cảnh với World In Conflict, nhưng ở Tom Clancy’s The Division lại là một câu chuyện khác, khi càng lúc càng đuối ý tưởng với hàng loạt nhiệm vụ rập khuôn và cùng một kiểu chiến trường giống nhau, đến mức chỉ cần vài nhiệm vụ đầu là hoàn toàn có thể đoán ra cách xây dựng kịch bản cho những câu chuyện sau.
Tom Clancy’s The Division có rất nhiều những nhiệm vụ trải dài từ chính tới phụ nhưng sự đa dạng lại là điều xa xỉ.
Chính thì chỉ có một con đường tuyến tính để đi, dù nội dung có khác biệt nhưng kịch bản lại rập khuôn với bắn, bắn, bắn và bắn!
Cứ thế đến cuối màn sẽ có một tên to con làm trùm, có giáp dày, vũ khí khủng bước ra chào đón và rồi lại phải bắn nhiều hơn nữa.
Game quá ư là “lười biếng” khi kẻ thù kém về loại cũng thua về chất và để hạ chúng thì cũng chỉ có mãi một tôn chỉ: tên nào không hạ được bằng đạn sẽ hạ được bằng rất nhiều đạn, hai khẩu súng chính cũng vì thế mà bị rút cạn băng “kẹo đồng” một cách không thương tiếc.
[su_quote]Tom Clancy’s The Division có rất nhiều những nhiệm vụ trải dài từ chính tới phụ nhưng sự đa dạng lại là điều xa xỉ[/su_quote]Một số tên cao cấp hơn có đeo bình gas trên lưng hay lựu đạn bên hông gợi ý cho người chơi “lợi dụng”, song thế là quá ít đa dạng cho những nhiệm vụ dài hơi và cho một tựa game hứa hẹn ngốn vài chục tiếng đồng hồ.
Chính không hay, phụ lại chẳng cuốn hút.
Hàng tá nhiệm vụ rải rác khắp New York đa phần, xin nhắc lại là đa phần, đều đưa ra yêu cầu na ná nhau như: hạ bọn này, bảo vệ chỗ kia… Rất hiếm những câu chuyện được kể mà thiếu đi tiếng súng, ở mặt này Tom Clancy’s The Division nên nhìn sang Borderlands, để người chơi luôn cảm thấy sự mới mẻ trong từng nhiệm vụ.
UBISOFT VÀ TRUYỀN THỐNG “LỪA TÌNH”
Không thể phủ nhận Tom’s Clancy The Division có đồ họa rất đẹp, đủ sức thuộc vào hàng nhất nhì hiện nay, nhưng nếu được như đoạn trailer tại E3 năm 2013, có lẽ sẽ giành luôn vị trí thứ nhất.
Dễ nhận thấy nhất đó là chất lượng của vân phủ bề mặt đã bị hạ xuống, chiều sâu của môi trường không còn quá ấn tượng, hiệu ứng cũng bị cắt giảm nốt.
Tại sao vậy Ubisoft?
Hình ảnh những công trình trong game vẫn rất đẹp, chân thực nhưng chẳng phải hoàn hảo hơn rất nhiều nếu nền đồ họa cũ được giữ lại ư?
Với những ai mới đến thì không có gì để nói, nhưng đã từng ấn tượng với những “lời nói dối” từ gã lừa tình nước Pháp này, ít nhiều sẽ thất vọng.
[su_quote]Dễ nhận thấy nhất đó là chất lượng của vân phủ bề mặt đã bị hạ xuống, chiều sâu của môi trường không còn quá ấn tượng, hiệu ứng cũng bị cắt giảm nốt[/su_quote]Hơn nữa, tương tác vật lí cũng không ấn tượng như những lời quảng cáo màu mè, chúng xảy ra một cách máy móc và kém tự nhiên, ví dụ như cửa xe sẽ bật ra nếu bắn đúng hai viên đạn vào kính cửa hay kính chiếu hậu sẽ văng ra khi cũng nhận đủ hai phát.
Đến khi người chơi được đẩy vào những môi trường nhỏ, lúc đó bộ mặt thật của Tom’s Clancy The Division hiện ra với tính tương tác cực kì hạn chế.
Tương tự, ở mặt nội dung, dù mang một bối cảnh hậu thảm họa diệt vong điêu tàn, những tưởng người chơi sẽ được khám phá những âm mưu đen tối kịch tính, các gút thắt tình tiết cao trào như chính các đoạn trailer giới thiệu đã mang tới.
Thế mà, càng dấn thân, mọi thứ đều mờ nhạt, đánh mất sự quyến rũ, thôi thúc cần thiết, thứ đã mang lại ấn tượng qua các trailer khi người chơi gặp lần đầu tiên… Một cảm giác tương tự như Assassin’s Creed Unity năm nào…
Cũng xin nhắc lại một lần nữa, những điều được nêu ở trên là dưới góc nhìn của một người đã dõi theo Tom’s Clancy The Division kể từ lần “chào sân” đầu tiên.
Đấy là cảm giác thất vọng về những chiến dịch quảng cáo quá hoành tráng để che mắt đi những sự thật ẩn chứa phía sau.
Người Pháp rất lãng mạn, điều đó ai cũng biết, Ubisoft cũng rất biết phát huy khi dùng đoạn quảng cáo “như trong mơ” để giới thiệu những gì mình đang sở hữu, nhưng rồi tất cả chỉ là “lừa tình” không hơn, không kém!
- Sản xuất: Ubisoft Massive
- Phát hành: Ubisoft
- Thể loại: Nhập vai, Hành động
- Ngày ra mắt: 08/03/2016
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
- OS: Windows® 7/ 8.1/ 10 (64 bit)
- CPU: Intel Core i5-2400 | AMD FX-6100
- RAM: 6 GB
- VGA: NVIDIA GeForce GTX 560 2 GB VRAM | AMD Radeon HD 7770 2 GB VRAM
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI UBISOFT
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC
BÀI MỚI NHẤT
- Final Fantasy 7 Rebirth sẽ không có DLC! – Tin Game
- STALKER 2: Heart of Chornobyl hé lộ thông tin về bản cập nhật đầu tiên! – Tin Game
- Assassin’s Creed Shadows chia sẻ thêm về cơ chế lén lút! – Tin Game
- Mythical Games công bố FIFA Rivals! – Tin Game
- Black Myth: Wukong sẽ có thêm vài “bất ngờ” mới vào cuối năm nay! – Tin Game
- STALKER 2: Heart of Chornobyl vượt mốc 1 triệu bản tiêu thụ! – Tin Game