Skip to content

Tom Clancy’s Rainbow Six Siege – Đánh Giá Game

Tom Clancy's Rainbow Six Siege - Đánh Giá Game

Rainbow Six Siege – Với một thị trường game thi đấu đội (competitive) đang ngày càng “chật chội” với hàng tá các sản phẩm “na ná” nhau, thì việc tạo một dấu ấn riêng cho sản phẩm của mình là điều sống còn.

Điều này đối với bất kì những nhà phát triển nào cũng đã khó, song mọi việc dường như còn “hóc búa” hơn đối với Ubisoft.

Liên tiếp sau 2 năm liền với các sản phẩm “bom tấn” hứa hẹn thì rõ to nhưng chất lượng lại rõ thấp, Ubisoft đã bất ngờ công bố một tựa game khiến rất nhiều người phải ngỡ ngàng, đó chính là Tom Clancy’s Rainbow Six Siege.

Một sản phẩm với trọng tâm là phục vụ cho thi đấu, sự thành công của Tom Clancy’s Rainbow Six Siege không những là một dấu hỏi chấm lớn, mà còn là điều quan ngại của rất nhiều người hâm mộ gạo cội của Ubisoft, bởi đây là lần đầu tiên hãng tiến công vào sân chơi đầy thử thách đang được các ông lớn với tuổi đời lâu năm như ValveBlizzard “trấn giữ”.

Chưa kể mảng chơi mạng bấy lâu nay luôn là điểm yếu truyền thống của Ubisoft.

Tom Clancy’s Rainbow Six Siege chính là sản phẩm ra đời sau khi dự án Rainbow Six Patriots của hãng bị hủy bỏ

Liệu “canh bạc” này có giúp vực dậy Ubisoft  sau những chuỗi ngày u ám hay lại tiếp tục nhấn chìm hãng game trứ danh vào chốn u mê không lối thoát?

Hãy cùng Vietgame.asia đánh giá trò chơi ngay sau đây!


BẠN SẼ THÍCH

LỐI CHƠI “GÂY NGHIỆN”!

Nếu như phải so sánh giữa các game thi đấu đội trong vòng 5 năm trở lại đây thì Tom Clancy’s Rainbow Six Siege là một trong số ít những game sở hữu một lối chơi “gây nghiện” đặc trưng nhất mà người viết từng trải nghiệm, và hai yếu tố chính giúp làm nên điều này là cách chơi công thủ thiên biến vạn hóa và thiết kế nhân vật tài tình.

Hầu hết các tựa game bắn súng đấu đội trên thị trường đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ Counter-Strike khiến cho chúng bị gò bó bởi lối chơi. 

Mọi chuyện còn tệ hơn khi trào lưu MOBA nổi lên và kết quả là sự ra đời của hàng loạt các sản phẩm thiếu tính đột phá. 

Quá chú trọng vào sự đa dạng của các nhân vật trong game mà không ít các nhà phát triển quên rằng: sự tương phản của lối chơi đấu đội là một trong những yếu tố hoàn toàn không có ở rất nhiều các sản phẩm game hiện nay, và nó sẽ là nhân tố chính tạo lên sự khác biệt của trò chơi.

Nắm bắt điều này, Ubisoft đã “tỏa sáng” với sản phẩm Tom Clancy’s Rainbow Six Siege của mình.

Sự tương phản trong lối chơi được vận dụng triệt để qua cách thức hành động của đội công và đội thủ. 

Với hai mục tiêu đối nghịch nhau, đội công phải liên tiếp dò tìm ra các điểm yếu, điểm đột nhập và điểm rút lui.

Trái lại, đội thủ phải vận dụng những gì mình có từ các thiết bị, tính năng đặc trưng của các nhân vật trong đội và thậm chí là cả môi trường xung quanh để thiết lập ra các hàng rào và điểm chốt.

Chỉ với một sự thay đổi nhỏ trong sự phối hợp giữa các nhân vật trong đội, hay cách thức phòng thủ và tấn công cũng sẽ tạo ra vô vàn các tình huống mới.

Điều này khiến cho giá trị chơi lại của Tom Clancy’s Rainbow Six Siege chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng và mưu mô của người chơi.

Để giúp các game thủ có được một trải nghiệm trơn tru nhất, Tom Clancy’s Rainbow Six Siege đã cắt bỏ hết các thao tác điều khiển rườm rà mà các game thuộc thể loại hành động nặng về chiến thuật hay mắc phải.

Đồng thời nhà phát triển cũng tối ưu và đơn giản hóa các thiết lập nút điều khiển.

Thay đổi này không những hướng sự tập trung vào lối chơi của game mà còn phá bỏ rào cản chuyên môn, khiến cho các game thủ mới có thể dễ làm quen với game.

Thế nhưng không có nghĩa là lối chơi của Tom Clancy’s Rainbow Six Siege lại thiếu chiều sâu.

Thay vì lượt bỏ hoàn toàn thì nhà phát triển đã phân chia các thao tác điều khiển chiến thuật cho các lớp nhân vật khác nhau.

Với 20 nhân vật đến từ 5 lực lượng khác nhau, các nhân vật này không những khác biệt về kĩ năng, ngoại hình, trang bị mà còn cả tốc độ và sức chịu đựng.

Họ được chia ra làm 5 lớp cơ bản: Point man (dẫn đường) và Breacher (phá cửa) cho phe tấn công. Trapper (đặt bẫy) và Blocker (ngăn chặn) cho phe phòng thủ.

Riêng lớp Support (hỗ trợ) sẽ có ở cả hai phe. Mỗi lớp nhân vật sẽ đảm nhận một công việc cụ thể và bị giới hạn bởi trang bị, phối hợp những nhân vật này với nhau sẽ khiến lối chơi của Tom Clancy’s Rainbow Six Siege vô cùng biến hóa nhưng lại rất đơn giản để tiếp cận.

Sự tương phản trong lối chơi được vận dụng triệt để qua cách thức hành động của đội công và đội thủ

Vậy còn chiều sâu thì sao? Chiều sâu của lối chơi chính là việc sử dụng những nhân vật trong game ngoài khuôn khổ mặc định ban đầu.

Tuy bị giới hạn bởi trang bị, thế nhưng mỗi một nhân vật trong Tom Clancy’s Rainbow Six Siege đều có các đặc điểm vật lý riêng khiến cho họ vô cùng linh hoạt trong vị trí hoạt động.

Điển hình nhất chính là nhân vật IQ, tuy được thiết kế và xếp vào hàng hỗ trợ tầm trung và xa, thế nhưng với những ai thích phá vỡ khuôn khổ và có cách suy nghĩ táo bạo thì chả mấy chốc IQ sẽ trở thành mũi nhọn tấn công hàng đầu.

Điểm nhấn tiếp theo nằm trong sự dồn dập của lối chơi. Khác biệt hoàn toàn với các tựa game cùng thể loại, sự giới hạn của thời gian chính là nguyên nhân chính tạo sự dồn dập trong Tom Clancy’s Rainbow Six Siege.

Yếu tố giới hạn của thời gian lại có tác động hoàn toàn khác nhau lên hai đội.

Một lượt đấu sẽ kết thúc trong vòng 4 phút, thế nhưng áp lực ở đầu của một lượt lại hoàn toàn đổ hết lên vai của đội công vì nếu không hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng thời gian đó thì họ sẽ thua. 

Do đó, “chìa khóa” chiến thắng chính là việc tạo chính áp lực đó lên đầu đội phòng thủ qua sự dồn dập trong các lần tấn công. 

Khi mà độ căng thẳng lên cao thì lúc đó lối chơi công – thủ của Tom Clancy’s Rainbow Six Siege sẽ tỏa sáng.

Thời điểm mà những hàng rào phòng thủ kiên cố bọc lộ ra những sơ hở chết người, những mũi nhọn tấn công mắc sai lầm “nhảm nhí” và cái đầu lạnh, cộng với sự quyết đoán sẽ tạo ra những kỳ tích!


THIẾT KẾ MÀN CHƠI XUẤT SẮC!

Những màn chơi được thiết kế một cách xuất sắc đã đóng góp tới phân nửa cho sự thành công cho lối chơi “thiên biến vạn hóa” của Tom Clancy’s Rainbow Six Siege.

Chúng khiến người viết phải “ngỡ ngàng” khi lần đầu tiên trải nghiệm và há hốc mồm trong những lần chơi tiếp theo!

Không những xuất sắc với thiết kế kiến trúc và mỹ thuật, mà còn rất tài tình trong cấu trúc chiến thuật của tất cả các màn chơi.

Tuy không nhiều về số lượng nhưng chất lượng của chúng phải nói là … tuyệt cú mèo!

Từ việc phải luồn lách trong những khoang chật hẹp của máy bay để giải cứu con tin, cho tới vây quanh một cửa tiệm bán hàng Giáng Sinh đậm chất Tây Âu, tất cả đều mang trong mình những đặc trưng rất riêng biệt và thú vị.

Mỗi màn chơi là một bài toán với vô vàn ẩn số, đặt ra câu hỏi và giải chúng như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc ở người chơi.

Bên cạnh thiết kế và kiến trúc của màn chơi thì chúng ta cũng phải nói tới hai nhân tố khác giúp làm nên sự thành công của lối chơi thiên biến vạn hóa. 

Đó chính là hệ thống phá hủy và thời tiết trong game.

Khác với những game hành động khác, khả năng phá hủy trong Tom Clancy’s Rainbow Six Siege mang tính chất vi mô.

Nó tập trung nhiều vào các tác động lên bề mặt các vật liệu của nhà cửa, khiến cho chúng trở nên rất chi tiết.

Tùy vào tác động vật lý của người chơi mà thiệt hại lên các bề mặt sẽ khác nhau.

Từ việc bạn có thể dùng bán súng để khoét các lỗ nhỏ nhìn xuyên qua bên tường cho tới sử dụng chất nổ để thổi bay cả mảng tường tạo đường tấn công hoặc mở tầm nhìn.

Sự chi tiết trong khả năng phá hủy này không những giúp tạo chiều sâu cho lối chơi chiết thuật của game mà nó còn làm tăng yếu tố ngẫu nhiên và độ kịch tính của các trận đấu.

Những màn chơi được thiết kế một cách xuất sắc đã đóng góp tới phân nửa cho sự thành công cho lối chơi “thiên biến vạn hóa” của Tom Clancy’s Rainbow Six Siege

Hệ thống môi trường trong Tom Clancy’s Rainbow Six Siege tuy không quá cầu kì như các tựa game hành động góc nhìn thứ nhất “bom tấn” hiện nay, thế nhưng chúng lại đưa ra những hứa hẹn vô cùng hấp dẫn khi mà có thể thay đổi chiến thuật của một màn chơi.

Điển hình là việc Tom Clancy’s Rainbow Six Siege sử dụng cơ chế chênh lệch ánh sáng, nói một cách dễ hiểu là khi bạn ở ngoài sáng sẽ khó thấy những gì diễn ra trong tối và ngược lại.

Do đó cùng một màn chơi, chỉ cần thay đổi thời gian giữa buổi sáng và tối thì có thể tạo ra ảnh hưởng rõ rệt đến lợi thế và các phương án chiến thuật của cả hai bên.

Ngoài ra, Tom Clancy’s Rainbow Six Siege cũng có hệ thống thời tiết, trước mắt nhà phát triển đã “nhá hàng” chế độ bão tuyết (vẫn còn trong giai đoạn phát triển và sẽ thêm vào game miễn phí trong tương lai), không những nó giới hạn tầm nhìn mà còn làm nhiễu âm thanh, khiến cho phe tấn công có thể dễ dàng tiếp cận các vị trí đột kích một cách dễ dàng và an toàn.


BẠN SẼ GHÉT
Rainbow Six Siege

HỆ THỐNG MẠNG TỆ HẠI…

Cho đến lúc hoàn thành bài đánh giá này thì người viết đã nhận ra những cải thiện rõ rệt của hệ thống mạng, một nỗi “ám ảnh” bấy lâu nay của Tom Clancy’s Rainbow Six Siege nói riêng và các game có phần chơi mạng của Ubisoft nói chung. 

Thế nhưng, những cải tiến này chỉ giúp hệ thống đạt được mức “chấp nhận được”.

Bên cạnh đó, Tom Clancy’s Rainbow Six Siege còn vướng phải rất nhiều các lỗi ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm và sự công bằng với người chơi.

Phản ánh đầu tiên chính là tình trạng kết nối giữa bạn bè với nhau trong cùng một phòng.

Tuy đã được nâng cấp, thế nhưng tình trạng của hệ thống này chỉ cải thiện từ mức… “tra tấn người chơi” tới “gây khó chịu”.

Vì một lý do nào đó mà cứ lâu lâu một thành viên trong nhóm 5 người chơi với nhau sẽ bị rớt ra khỏi phòng, hoặc tệ hơn là mất kết nối giữa trận.

Ở chế độ đấu xếp hạng thì lý do mất mạng sẽ vẫn tính là “hành vi chơi xấu” và bị cấm không cho đấu trong một khoảng thời gian, mặc dù đây là lỗi của hệ thống game.

“Phòng chết” xuất hiện rất nhiều khi Tom Clancy’s Rainbow Six Siege mới “ra lò”.

Do lỗi hệ thống mạng mà gần như toàn bộ người chơi bị thoát ra khỏi phòng.

Thế nhưng hệ thống lại không hủy bỏ trận mà liên tục mời người chơi mới vào, khiến ai “vô phước” bị nhét vào phòng đó sẽ phải thoát khỏi game nếu như không muốn đợi.

Tuy đã được khắc phục rất nhiều, nhưng thỉnh thoảng những căn “phòng chết” vẫn xuất hiện, đặc biệt là vào buổi tối khi lượng người chơi tăng đột biến.

Rainbow Six Siege

Mang tiếng là game thi đấu, thế nhưng Tom Clancy’s Rainbow Six Siege lại có “tick rate” khá thấp vào khoảng 15 lần trong 1 giây.

“Tick rate” là số lần máy chủ cập nhật sự thay đổi mà những người chơi tạo ra.

Mặc dù trong bản vá lỗi gần đây, nhà phát triển đã tuyên bố là “tick rate” đã được cải thiện thế nhưng hiện tượng “1 viên chết luôn” vẫn xảy ra như cơm bữa.

Với “tick rate” thấp thì hệ thống sẽ dồn thông tin vào một lần thay vì cập nhật liên tục, điền này dẫn tới trường hợp đối phương đã bắn liên thanh 3 viên nhưng máy chủ chỉ cập nhật 1 viên đạn với sát thương… của 3 viên và gửi vào máy tính của người bị bắn, khiến cho anh ta bị hạ gục chỉ bởi 1 viên đạn!

Điểm cuối cùng và cũng là tệ hại nhất chính là netcode.

Tom Clancy’s Rainbow Six Siege còn vướng phải rất nhiều các lỗi ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm và sự công bằng với người chơi

Xuất hiện từ phiên bản thử nghiệm đầu tiên cách đây 6 tháng, thế nhưng lỗi netcode tới giờ vẫn chưa có cải thiện gì.

Từ lần đầu tiên tham gia thử nghiệm Tom Clancy’s Rainbow Six Siege, đã có rất nhiều người nghi ngại về lỗi này bởi vì nó đã xuất hiện và “hoành hành” trong các tựa game hành động nổi tiếng trong vòng 2 năm nay.

Khi mà thông tin giữa người chơi không khớp nhau vì một lý do nào đó, khiến cho các cuộc đấu súng trở nên không công bằng do một người với netcode tốt có thể “thấy” kẻ thù trước.

Hiện tại thì nhà phát triển vẫn chưa có thông báo cụ thể về việc xử lý lỗi này, nhưng với kinh nghiệm mà người viết từng kinh qua các game tiền nhiệm của Ubisoft, thì hãng có thể sẽ phải mất tới hơn… 1 năm mới sửa được!


Rainbow Six Siege

NHỮNG THIẾU SÓT KHÓ HIỂU!?

Mang tiếng là game thi đấu đội mà Tom Clancy’s Rainbow Six Siege lại không có lấy nổi một hệ thống quản lý bạn bè, người chơi và đội, thậm chí còn không có cả hệ thống kênh nói chuyện. 

Điều này tạo ra rất nhiều khó khăn, kể cả với người chơi nhóm lẫn chơi đơn.

Với người chơi nhóm thì bạn sẽ phải “rất vất vả” khi muốn thảo luận về chiến thuật của Tom Clancy’s Rainbow Six Siege, lập nhóm để luyện tập và theo dõi.

Để có thể thảo luận về game, người chơi buộc phải mò mẫm trên các diễn đàn, nhóm Facebook và các mạng xã hội khác.

Mang tiếng là game thi đấu đội mà Tom Clancy’s Rainbow Six Siege lại không có lấy nổi một hệ thống quản lý bạn bè

Nhà phát triển đã tạo nên hệ thống chiến thuật với hàng tá các sơ đồ nhà cửa, màn chơi đầy đủ thông tin.

Với nó, bạn có thể dễ dàng thiết lập từng bước hành động chi tiết và chia sẻ với những người chơi khác trong nhóm.

Thế nhưng trớ trêu thay, nó lại… không được tích hợp vào Tom Clancy’s Rainbow Six Siege mà nằm trên trang chủ của Ubisoft, ở góc mà không ai chú ý tới!

Hệ thống theo dõi, phân tích kĩ năng của người chơi cũng chung số phận tương tự.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Ubisoft Montreal
  • Phát hành: Ubisoft 
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 1/12/2015
  • Hệ máy: PC, Xbox One, PS4

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7/8/10 (64-bit)
  • CPU:  Intel Core i3 560 @ 3.3 GHz, AMD Phenom II X4 945 @ 3.0 GHz
  • RAM: 6 GB
  • VGA: Nvidia GeForce GTX 460 hoặc AMD Radeon HD5770 (1024MB VRAM)
  • HDD: 30 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 64 bit
  • CPU: Intel I7 8700 @ 3.2 Ghz
  • RAM: 16GB
  • VGA: Nvidia GTX 1070 8GB
  • HDD: Samsung SSD 1TB
Bạc 8.0

Tuy còn mắc phải khá nhiều lỗi và thiếu sót, nhưng với tốc độ khắc phục đáng nể của Ubisoft thì bất kì game thủ nào cũng có thể yên tâm trải nghiệm trò chơi.



Bù cho những khiếm khuyết, Tom Clancy's Rainbow Six Siege lại sở hữu cho mình một lối chơi vô cùng biến hóa và "gây nghiện".



Với những trải nghiệm mà game đã mang tới, người viết có thể tự tin nói rằng Tom Clancy's Rainbow Six Siege là game hành động bắn súng hay nhất của Ubisoft trong vòng 5 năm trở lại đây!

Tác giả

trungtoto

Lambda team

Thảo luận