Age of Wonders 4 – Trong cơn suy thoái nói chung của rất nhiều thể loại game chiến thuật khác nhau, thể loại game 4X – eXplore (thăm dò), eXpand (mở rộng), eXploit (khai thác) và eXterminate (triệt tiêu đối thủ), vẫn có sức sống vô cùng mãnh liệt với rất nhiều tựa game được tung ra thị trường từ cả các tên tuổi thành danh đã lâu, đến các studio nhỏ chọn hướng “lập nghiệp” từ thể loại game không cần phải đầu tư quá nhiều vào các engine đồ họa mạnh mẽ.
Cũng từ đó, những “huyền thoại” một thời vẫn có sức sống mãnh liệt dù đã có tuổi đời lên đến vài chục năm, có thể kể đến Sid Meier’s Civilization VI vẫn là “bộ sưu tập” đồ sộ nhất của thể loại game 4X hiện nay, với hàng loạt các bản DLC nội dung mở rộng ra mắt liên tục suốt từ 2016 đến nay, hay Endless Legend vẫn đều đặn “leo top” các bảng xếp hạng game hàng đầu.
Trong số những cái tên thuộc loại “cổ xưa” tiếp tục “tái ngộ” game thủ trong một vài năm trở lại đây, cái tên Age of Wonders đến từ nhà sản xuất game Hà Lan, Triumph Studios, có thể xem như một ngoại lệ với tốc độ ra mắt phiên bản mới khá đều đặn, chứ không chăm chăm “vắt sữa” thị trường (với các nội dung mở rộng DLC) như các nhà sản xuất khác.
Cũng tương tự như một vài studio game khác muốn tìm kiếm sự mới mẻ cho thể loại game có phần khá “bảo thủ” này để dễ dàng tiếp cận đến các game thủ mới, Triumph Studios đã từng ra mắt một phiên bản Age of Wonders: Planetfall hồi năm 2019, lấy bối cảnh khoa học giả tưởng khác biệt hoàn toàn với phong cách huyền ảo ma quái truyền thống của dòng game.
Thế nhưng với một bối cảnh hoàn toàn xa lạ, phần game này có vẻ như không quá được lòng các fan hâm mộ “gộc” của dòng game, thế nên studio này đã quay trở lại mạch truyện chính của mình để làm nên Age of Wonders 4 và cho ra mắt game thủ, sau khi được công bố hồi tháng một và một vài trailer chóng vánh.
Liệu phiên bản thứ tư của có tiếp tục kéo dài chuỗi thành tích của dòng game nhiều truyền thống này?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Cuộc chiến giữa Sinh linh và Quỷ thần!
Có rất nhiều studio nhỏ và độc lập lựa chọn thể loại game chiến thuật 4X làm dòng game “khởi nghiệp”, bởi lẽ thể loại này không cần đầu tư quá nhiều về mặt công nghệ và đồ họa, thế nhưng cái “lõi” của cốt truyện lối chơi mới chính là yếu tố sống còn quyết định nên sự thành công của trò chơi.
Mặt khác, các tựa game “cỗ lão” dù đã xây dựng cho mình một hệ thống cốt truyện và thế giới với đầy đủ sắc màu, nhưng cũng chính những yếu tố này làm cho các nhà phát triển khó lòng “vung tay, vung chân” để tạo ra những đổi mới đủ để duy trì sức hấp dẫn cho phiên bản mới.
Cũng bởi vì thế mà khi bắt tay vào phát triển Age of Wonders 4, các nhà phát triển tại Triump Studios đã phải ngồi lại, phân tích những điểm mạnh – yếu mà phiên bản trước đó đã thể hiện, từ đó tìm cách cải thiện các vấn đề còn tồn đọng và phát huy những ưu điểm của mình, đồng thời, đưa chúng vào một bối cảnh mới, cốt truyện mới, tạo nên hứng thú cho game thủ, cả với các fan gạo cội lẫn thu hút những người chơi mới.
Về cơ bản, Age of Wonders 3 là một tựa game thành công khi “cóp nhặt” được rất nhiều những yếu tố hay ho từ các tựa game 4X đương thời, hòa trộn chúng vào trong một tổng thể thống nhất, xoay xung quanh những trận đánh công – thủ với phép thuật và khả năng bài binh bố trận hoành tráng.
Thế nhưng việc quá chú trọng vào mảng chiến thuật cũng khiến cho mảng chiến lược (4X) của tựa game này bị xao nhãng, thậm chí nhà phát triển phải tăng độ khó bằng cách cho AI (đối thủ máy)… “chơi cheat” với đủ các hoạt động quái chiêu như: ưa “lật lọng trong các màn đàm phán, hay liên kết ngầm với nhau và quấy rối không ngừng với ưu thế áp đảo về số lượng.
Chính vì thế mà phần chơi này đã được các nhà phát triển chăm chút nhiều hơn, đặt nó vào một bối cảnh huyền ảo khá đơn giản, để người chơi tự viết nên cốt truyện của riêng mình.
Về mặt cốt truyện, Age of Wonders 4 khá đơn giản khi dẫn dắt người chơi đến với một mụ phù thủy quyền năng có khả năng di chuyển từ thế giới này sang thế giới khác, nô dịch các chủng tộc bằng sức mạnh ma thuật của mình, khiến cho sinh linh ở các thế giới này đồ thán, vùng dậy “kháng chiến”.
Từ đó, người chơi được mặc sức tùy biến chủng tộc của mình tương tự như các tựa game nhập vai cổ điển dựa trên nền tảng thế giới Dungeon & Dragon, mà trong đó, các nhóm chủng tộc này có thể được xếp vào 6 nhóm văn hóa (Culture) với các ưu – nhược khác nhau, tìm kiếm sức mạnh pháp thuật để lãnh đạo sinh linh (Mortal) chống lại lực lượng quỷ thần (Immmortal).
Các sáng tạo vô cùng kỳ lạ và đa dạng ngay từ đầu màn chơi có thể dẫn đến khả năng phát triển về kinh tế, quân sự, các loại phép thuật hay loại tài nguyên sử dụng đều khác nhau đem đến những trải nghiệm mới mẻ, chứ không phải các chủng tộc nhờ nhờ giống nhau theo kiểu “bình mới rượu cũ” như với một số tựa game chiến thuật truyền thống.
Sau khi đã mất thời gian khởi tạo các chủng tộc và văn hóa theo ý thích với những yếu tố phát triển riêng biệt, từ đây, cuộc hành trình chinh phục quỷ thần của bạn bắt đầu.
Tuy có nhiều khác biệt, thế nhưng cái lõi của tựa game vẫn cho thấy sự cân bằng và gắn kết nhất định với phần chơi chiến thuật làm trung tâm, tạo ra những gút thắt mở cho phần chơi chiến lược. Điều này cho thấy lối chơi đã được các nhà phát triển game nghiền ngẫm rất kỹ càng trong một thời gian phát triển khá dài.
Ở vị trí trung tâm nhất của lối chơi, phần chơi chiến thuật (thừa hưởng từ phiên bản tiền nhiệm), mỗi nhóm quân đều chỉ có tối đa 6 đơn vị lính thuộc về các nhóm khác nhau như kỵ binh, cung tiễn, phép thuật… với vai trò tương khắc lẫn nhau theo kiểu các tựa game 4X truyền thống cùng khả năng trưởng thành nhờ hấp thụ kinh nghiệm theo mỗi trận chiến để mạnh dần lên.
Mặc dù vậy, “nhân lực” của sinh linh thì có hạn, thế nên với Age of Wonders 4, bạn sẽ cần đến sức mạnh ma thuật để có thể chống lại các thế lực quỷ thần mạnh mẽ đang chiếm cứ vùng đất này.
Hầu như toàn bộ thời lượng game, dù là cả phần chơi chiến thuật hay phần chơi chiến lược đều xoay quanh việc nắm giữ và phát huy tối đa sức mạnh của ma thuật khi người chơi phải liên tục phát triển tài nguyên, xây dựng các tháp ma pháp để tạo ra những ưu thế khổng lồ cho trận đánh.
cái lõi của tựa game vẫn cho thấy sự cân bằng và gắn kết nhất định với phần chơi chiến thuật làm trung tâm, tạo ra những gút thắt mở cho phần chơi chiến lược
Thậm chí chỉ cần một “đòn combo” hợp lý giữa phép thuật trên bản đồ chiến lược và ma pháp cấp chiến thuật trong từng trận đánh, bạn hoàn toàn có thể dẫn dắt một đội quân có phần “dưới cơ” giành được thắng lợi oanh liệt, giòn giã trước một đội quân hạng nặng với các đơn vị quân ở cấp cao hơn rất nhiều.
Không chỉ có thế, người chơi thậm chí phải “chăm chỉ” khai phá, mở rộng màn chơi, chiến đấu tích điểm kinh nghiệm và trang bị cho anh hùng của mình, nhưng quan trọng nhất là tìm và chiêu mộ các đơn vị sở hữu các kỹ năng đặc biệt tăng cường sức mạnh cho đội quân của bản thân, thay vì chỉ sử dụng các đơn vị quân cơ bản “trồng được” trong thành phố của mình.
Tất cả những yếu tố này khiến cho mọi màn chơi trong Age of Wonders 4 đều đủ độ hấp dẫn, thôi thúc game thủ khám phá và vơ vét tài nguyên cả thế giới trên bề mặt lẫn thế giới trong lòng đất, để có thể chống lại đủ loại kẻ thù đang chực chờ “xơi tái” bạn.
Tất nhiên là với phiên bản này, các đối thủ máy có diễn hoạt hợp lý hơn, không còn hè nhau “bắt nạt” người chơi như trên các phiên bản trước, khiến cho người chơi cảm thấy các tùy chọn ngoại giao chỉ là thừa thãi.
Từ đó, tất cả các yếu tố trong trò chơi đều cần được sự quan tâm nhất định. Điều này có thể làm cho các fan hâm mộ quen thuộc của dòng game cảm thấy vô cùng hứng khởi khi bạn có nhiều “đất diễn” hơn, và gần như không có quá nhiều “thời gian chết” trong suốt màn chơi.
Bên cạnh đó, những yếu tố nhập vai được tích hợp nhỏ vào các tùy chọn của bạn cũng có độ mô tả hợp lý, không quá dài dòng lê thê theo kiểu các game nhập vai truyền thống, nhưng cũng đủ đem đến những tác động không nhỏ đối với các yếu tố phát triển, ngoại giao, hay đơn giản là thái độ của các đối tượng trung lập trong màn chơi đối với bạn.
Cũng nhờ đó mà cốt truyện của game cũng đi vào chiều sâu nhiều hơn, giúp người chơi có thêm hiểu biết về những sự việc đang diễn ra, cũng như các vấn đề tồn tại trong vùng đất huyền bí này, dù cho bối cảnh tổng thể của game có phần hơi sơ sài, kém hấp dẫn.
Nhìn chung, Age of Wonders 4 đã tạo ra được dấu ấn của riêng mình trong thể loại game 4X khi đem đến một lối chơi có phần mới mẻ, buộc người chơi phải thay đổi cách tư duy chiến thuật của mình dù là “fan cứng” của dòng game trong suốt nhiều năm trở lại đây.
BẠN SẼ GHÉT
Một số vấn đề nhỏ!
Dù đã khá thành công khi đem đến một lối chơi và tư duy mới mẻ cho một dòng game chiến thuật 4X lâu đời, thế nhưng không thể phủ nhận rằng Age of Wonders 4 vẫn còn một số vấn đề nhỏ còn tồn đọng.
Phép thuật tuy là chìa khóa đem đến thắng lợi cho mọi trận chiến, thế nhưng ở giai đoạn đầu game, chúng gần như chẳng có tác dụng gì nhiều khiến cho ngay cả người viết cũng buông lỏng rất nhiều với quá trình nghiên cứu phép thuật mà tập trung nhiều vào phát triển kinh tế và “cày cuốc” cho nhân vật của mình, cũng như thử nghiệm các loại điều kiện chiến thắng khác ngoài phương pháp chinh phạt truyền thống.
Lựa chọn kể trên tạo ra một xu hướng suy tàn không thể đảo ngược ở nửa sau màn chơi khi các đối thủ ngày một mạnh mẽ hơn, “chơi” nhiều phép hơn, còn bạn vẫn có rất ít tiến triển trong quá trình tăng sức mạnh quân đội của mình.
Điều này cho thấy rằng về một mặt nào đó, tư duy thiết kế lối chơi vẫn có khuynh hướng đơn tuyến, dù làm nên sự độc đáo của trò chơi, nhưng nó cũng bó buộc người chơi trong một khuôn khổ nhất định, từ đó thậm chí làm khó cho rất nhiều người mới làm quen với dòng game này.
Bên cạnh đó, nền tảng đồ họa và âm thanh của game vẫn phù hợp với một tựa game chiến thuật 4X, nhưng nó không thật sự xuất sắc so với mặt bằng chung của một số tựa game cùng thể loại ra mắt trong thời gian gần đây.
Các mô hình đơn vị quân, các công trình và địa hình đều được xây dựng với chất lượng chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với phần ba ra mắt cách đây… gần 10 năm, đó là chưa kể đến các hiệu ứng phép thuật cũng không thật sự “hoành tráng”, xứng tầm với hệ thống phép thuật có thể “thay trời đổi đất” như được miêu tả trong suốt thời lượng game.
Cũng vì vậy mà Age of Wonders 4 có phần kém bắt mắt hơn, và thậm chí có phần đơn điệu hơn, đặc biệt là trong mắt của những người chơi mới.
Cuối cùng, game cũng “dính” vài lỗi nhỏ có thể dẫn đến kẹt game, treo game cũng có thể khiến người chơi cảm thấy khó chịu, cần phải khắc phục trong thời gian tới.
tư duy thiết kế lối chơi vẫn có khuynh hướng đơn tuyến, dù làm nên sự độc đáo của trò chơi, nhưng nó cũng bó buộc người chơi trong một khuôn khổ nhất định