AMD FidelityFX Super Resolution là công nghệ giúp tăng hiệu năng xử lý game mà không hy sinh quá nhiều chất lượng hình ảnh do AMD phát triển và có thể ứng dụng với hầu hết các card đồ hoạ đang có mặt trên thị trường hiện nay.
Trong nhiều năm qua, rất nhiều công nghệ mới mẻ ra đời phục vụ cho ngành công nghiệp game khiến cho những nỗ lực của các nhà phát triển chip xử lý đồ hoạ trở nên “bé nhỏ”, thậm chí có phần hụt hơi trong cuộc “chạy đua công nghệ” này.
Có thể kể đến những mẫu card đồ hoạ dòng NVIDIA GTX 980Ti được ra mắt cách đây 5 năm với kỳ vọng có thể “chiến tốt” các tựa game ở độ phân giải 4K nhưng rồi nhanh chóng đem đến thất vọng cho các game thủ, phải mãi đến gần đây khi những card đồ hoạ dòng RTX 30 Series, nhất là phiên bản GeForce RTX 3090 ra mắt thì việc “chinh chiến” ở độ phân giải này mới hoàn toàn khả thi thì thị trường đã kịp thời chào đón những mẫu TV và màn hình có độ phân giải lên đến 8K.
Hay chẳng hạn như công nghệ Ray Tracing ra mắt cùng với dòng card đồ hoạ RTX của NVIDIA thì các nhà làm game cũng chỉ dám ứng dụng một phần rất nhỏ trong các gói hiệu ứng này, như Battlefield V chỉ ứng dụng gói phản chiếu, Shadow of The Tomb Raider chỉ sử dụng gói đổ bóng, “tham lam” hết cỡ như Metro Exodus cũng chỉ dám vận dụng ba gói hiệu ứng đã khiến cho các card đồ hoạ đời mới phải “lê lết” hết sức ở độ phân giải 4K.
Thế nên trong bối cảnh đó, các nhà phát triển chip xử lý đồ hoạ hàng đầu hiện nay như NVIDIA và AMD đều tự tìm kiếm cho mình những phương pháp tăng cường hiệu năng xử lý bên cạnh các biện pháp gia tăng sức mạnh xử lý “thô” như thông thường.
Nếu như NVIDIA đã giới thiệu ra thị trường giải pháp DLSS (Deep Learning Super Sampling) phục vụ cho các card đồ hoạ dòng RTX của mình cách đây hai năm, thì mãi đến gần đây, AMD mới chính thức giới thiệu công nghệ AMD FidelityFX Super Resolution (FSR) ra thị trường trong sự kiện hệ sinh thái điện toán hiệu suất cao tại Computex 2021 vừa qua.
Công nghệ này là gì và có tác động đến game thủ ra sao? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
CÔNG NGHỆ
AMD FIDELITYFX SUPER RESOLUTION – GIỐNG VÀ KHÁC SO VỚI DLSS
Vậy tính năng này hoạt động như thế nào?
Có thể nói, công nghệ này là một phần của gói công nghệ FidelityFX ra mắt cùng với trình điều khiển Radeon Software Adrenalin 2020 ra mắt hồi cuối năm 2019, thế nhưng khác với phần lớn các tính năng trong gói này như RIS (Radeon Image Sharpening) có thể được “cưỡng chế” kích hoạt thông qua trình điều khiển card đồ hoạ, các nhà sản xuất game phải tích hợp AMD FidelityFX Super Resolution vào các tựa game của mình để tính năng có hiệu lực.
Tính năng này có cơ chế hoạt động có phần tương tự như DLSS của NVIDIA khi cho phép trò chơi được dựng hình ở độ phân giải thấp, sau đó được nâng độ phân giải lên thông qua thuật toán “upscale” với các thuật toán “làm mượt” hình ảnh khác để tạo ra chất lượng hình ảnh “mượt mà” gần tương đương với hình ảnh được dựng hình ở độ phân giải gốc của màn hình.
Cách làm này, về mặt lý thuyết giúp tăng tốc đáng kể tốc độ xử lý game của card đồ hoạ do chip xử lý chỉ phải “gánh vác” hình ảnh ở độ phân giải thấp hơn, bù lại, người chơi phải hy sinh đôi chút chất lượng hình ảnh, cụ thể và có thể dễ dàng thấy được nhất là hình ảnh sẽ nhoè hơn đôi chút so với hình ảnh được dựng hình ở độ phân giải gốc, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được.
Bù lại, mức tăng tốc xử lý hình ảnh đạt được tăng lên vô cùng đáng kể với những thử nghiệm như trên tựa game săn thú thế giới mở Monster Hunter: World.
Đối với công nghệ DLSS, NVIDIA đã có cách tiếp sử dụng hệ thống máy chủ trung tâm mạnh mẽ của mình để xử lý nâng cấp hình ảnh sẵn có cho hàng loạt các trò chơi hỗ trợ tính năng DLSS, sau đó cho ra phương án xử lý hình ảnh tối ưu nhất theo phương pháp máy học (Machine Learning – Deep Learning) cho từng tựa game rồi chuyển các thông số này vào các bản trình điều khiển được cập nhật liên tục.
Các nhân Tensor trong nhân xử lý RTX xuất hiện từ phiên bản kiến trúc Turing đảm nhiệm khả năng xử lý AI sẽ sử dụng các dữ liệu này để “làm mướt” hình ảnh cũng như truyền trả thông tin về cho NVIDIA để làm giàu thêm dữ liệu tham khảo của hãng đối với tựa game.
Biện pháp này khá đơn giản, nhưng bản thân nó lại cần đến phần cứng đặc thù của NVIDIA cũng như gặp phải một số rắc rối nhất định sẽ đề cập ở phần sau.
Với AMD FidelityFX Super Resolution, AMD đã tìm đến một cách tiếp cận khác từ phần cứng hiện hành nên tính năng này có thể hoạt động được trên hầu hết các card đồ hoạ trên thị trường hiện nay, thậm chí đối với cả những card đồ hoạ của NVIDIA chứ không đơn thuần chỉ hỗ trợ cho card đồ hoạ đến từ “đội đỏ”.
Khi mở tính năng này lên trên các tựa game hỗ trợ, hệ thống sẽ ngay lập tức dựng hình ở độ phân giải thích hợp tuỳ theo mức độ chất lượng hình ảnh mà người dùng mong muốn với bốn mức thiết lập từ ưu tiên về tốc độ game (Performance) đến Cân bằng (Balanced), ưu tiên Chất lượng (Quality) và Chất lượng ở mức cao nhất (Ultra Quality) để tăng tốc cho hệ thống.
Cũng theo đó mà trò chơi sẽ được dựng hình ở các mức hệ số khác nhau. Chẳng hạn như với độ phân giải gốc là 4K (3840×2160), chúng ta có các mốc dựng hình như sau:
Performance (1920×1080 – tỷ lệ 2.0x mỗi chiều)
Balanced (2259×1270 – tỷ lệ 1.7x mỗi chiều)
Quality (2560×1440 – tỷ lệ 1.5x mỗi chiều)
Ultra Quality (2954×1662 – tỷ lệ 1.3x mỗi chiều)
Sau đó, các tính năng khử răng cưa, khử nhiễu, làm nét ảnh như CAS (Contrast Aware Sharpening) hay Variable Shading… sẽ giúp tăng cường chất lượng hình ảnh lên tiệm cận chất lượng hình ảnh được dựng lên ở độ phân giải gốc.
Cách làm này của AMD FidelityFX Super Resolution chỉ đơn giản là sử dụng thuật toán và sức mạnh của card đồ hoạ, thế nên kết quả hình ảnh đầu ra không đồng đều như sử dụng máy học và hình ảnh tham chiếu hoàn hảo trên DLSS của NVIDIA, nhưng bù lại, bất cứ card đồ hoạ nào cũng có thể sử dụng tính năng này để đạt sức mạnh nhiều hơn.
Bên cạnh đó, do chỉ sử dụng thuật toán mà tính năng mới mẻ đến từ AMD này cũng không chịu hạn chế về mặt độ phân giải dựng hình như với DLSS.
Người dùng có thể đặt độ phân giải đầu ra chỉ ở mức 1080p khi sử dụng tính năng AMD FidelityFX Super Resolution và “ép” máy dựng hình ở chế độ Performance với độ phân giải gốc chỉ 960x540p. Điều này làm tăng đáng kể tốc độ khung hình cho cả những cỗ máy PC cũ kỹ sử dụng các card đồ hoạ AMD RX 480 hay AMD RX 470 rất phổ biến sau những đợt “xả trâu” trên thị trường hiện nay.
THỬ NGHIỆM
AMD FIDELITYFX SUPER RESOLUTION – “SÁNG GIÁ” CHO CÁC HỆ THỐNG PC CŨ
Khi chính thức có mặt trên thị trường, AMD FidelityFX Super Resolution hỗ trợ duy nhất bảy tựa game thuộc loại “gà nhà” với các studio phát triển hợp tác chặt chẽ với nhóm kỹ sư đến từ AMD bao gồm GodFall, The RiftBreaker, 22 Racing Series, Anno 1800, Terminator Resistance, Evil Genius 2: World Domination và KingsHunt.
Những tựa game khác hỗ trợ tính năng này sẽ có mặt trên thị trường trong thời gian tới, có thể kể đến Far Cry 6 hay Vampire The Masquerade: Bloodhunt sẽ được ra mắt với FSR tích hợp sẵn. Những tựa game đã có mặt trên thị trường hiện nay như Resident Evil: Village hay DoTA 2 sẽ được tích hợp tính năng này thông qua một bản cập nhật lớn.
Tất cả những việc bạn cần làm chỉ đơn thuần là tải bản cập nhật mới nhất của tựa game về, một mục mới sẽ được thêm vào trong bảng các thiết lập đồ hoạ, cho phép người dùng thay đổi các mức chất lượng hình ảnh AMD FidelityFX Super Resolution từ Performance đến Ultra Quality tuỳ theo nhu cầu sử dụng.
Mặc dù AMD cũng cho người viết mượn mẫu card màn hình AMD RX 6800XT phục vụ cho mục đích thử nghiệm, thế nhưng sau khi sử dụng trong một khoảng thời gian, người viết nhận ra rằng FSR không phải là món trang sức đắt giá cho các hệ thống PC cao cấp như DLSS, tính năng này mở ra cơ hội tuyệt vời cho những hệ thống PC cũ với các card màn hình “luống tuổi” được “hồi sinh” với khả năng gánh vác các tựa game đời mới ở mức thiết lập cao nhất.
Thật vậy, khi thử nghiệm cùng mẫu card đồ hoạ đã vài năm tuổi MSI RX 480 Armor, người viết cảm nhận được một sức sống hoàn toàn mới khi chơi những tựa game nặng nề ở mức thiết lập cao nhất.
Thử nghiệm với tựa game Terminator Resistance là một ví dụ vô cùng tốt đẹp khi đem đến mức tăng tốc ấn tượng cho mẫu card đồ hoạ lỗi thời này với chất lượng hình ảnh suy giảm ở mức vô cùng thấp.
Với mức thiết lập tối đa ở độ phân giải 1440p, ở phép dựng hình thông thường, tựa game chỉ đạt tốc độ trung bình ở mức 46.6fps, trong khi đó, chỉ cần “nhích” nhẹ xuống mức thiết lập Quality, tốc độ trung bình đã nhảy lên mức 73.5fps, tăng 57% tốc độ mà chất lượng thay đổi gần như rất khó nhận biết bằng mắt thường với mức tốc độ tối thiểu ổn định ở 58.8fps.
Chỉ khi đặt mức thiết lập Performance, tốc độ trung bình vọt lên đến mức 111.5fps, gần gấp 2.4 lần so với chế độ dựng hình ở độ phân giải thông thường thì chất lượng đồ hoạ có phần suy giảm đủ để nhận biết bằng mắt thường.
Các chi tiết nhỏ, mảnh như cỏ, hàng rào có hiện tượng vỡ hạt nhè nhẹ, các mảng màu phức tạp hơi bết lại đôi chút, vẫn rất khó nhận thấy nếu không tập trung quan sát kỹ. Điều này rất dễ dàng bỏ qua khi game thủ tập trung vào thưởng thức lối chơi và cốt truyện.
Trong khi đó, “phép màu” AMD FidelityFX Super Resolution không đạt được hiệu quả ổn định với tựa game Godfall như với Terminator Resistance và các tựa game khác.
Phải nói rằng mặc dù là một tựa game thuộc loại “gà nhà” của AMD ngay từ khi ra mắt, thế nhưng mẫu card đồ hoạ MSI RX 480 Armor chỉ “gánh” được tựa game này với mức thiết lập Epic và độ phân giải 1440p chỉ đạt tốc độ trung bình 19.9fps với thiết lập dựng hình thông thường, gần như rất khó để thưởng thức với một tựa game có tốc độ hành động nhanh chóng.
Mức thiết lập Performance đem lại tốc độ trung bình đạt mức 43.9fps, tăng 2.2 lần so với phép dựng hình thông thường, thế nhưng các đường viền vật thể trở nên thiếu ổn định, các chuyển động của camera và nhân vật đều tạo ra những sóng gợn trên màn hình, rất khó chịu cho người chơi.
Mặc dù vậy, thiết lập Quality đem đến mức tăng tốc yếu hơn, chỉ 30.6fps, nhưng lại có thể đem đến mức suy giảm chất lượng đồ hoạ lại rất khó có thể nhận biết được, chỉ có các cảnh vật và nhân vật ở xa hơi nhoè đi đôi chút, hoàn toàn đủ để game thủ chơi hết tựa game mà không gặp phải bất kỳ khó khăn nào, trái ngược hẳn với tình trạng “lê lết” khi chơi với.
Điều này cho thấy chất lượng của tính năng AMD FidelityFX Super Resolution hoàn toàn không ổn định với một thiết lập đơn nhất như với DLSS. Người dùng cần phải thử nghiệm nhiều lần để đạt được sự cân bằng hài hoà giữa chất lượng hình ảnh và tốc độ dựng hình theo từng tựa game cụ thể.
KẾT LUẬN
Với những biểu hiện vô cùng tuyệt vời trong các tựa game thử nghiệm, AMD FidelityFX Super Resolution cho thấy tính năng này không chỉ là một “món trang sức” dành cho những dàn máy cao cấp “chinh phục” những đỉnh cao như độ phân giải 8K hay các tựa game tràn ngập hiệu ứng Ray Tracing ở độ phân giải 4K như DLSS, mà công nghệ này còn là một “phép màu” sáng giá cho các hệ thống PC tầm trung, các cỗ máy có cấu hình hạn chế trải nghiệm các tựa game mới với mức thiết lập cao nhất.
Có thể thấy, dù vẫn còn đôi chút phức tạp trong phương thức sử dụng, thế nhưng sự đơn giản về công nghệ đã cho thấy khả năng mở rộng ứng dụng cao hơn, vượt ra ngoài phạm vi của thế giới game PC thông thường. Biết đâu trong tương lai gần, chúng ta sẽ có dịp thấy được công nghệ này xuất hiện trên các tựa game trên hệ máy console đời mới, hay thậm chí là các tựa game trên điện thoại di động cùng với sự ra mắt của chip Exynos đời mới tích hợp giải pháp đồ hoạ RDNA 2 đến từ AMD.
Chúng ta hãy cùng chờ xem!