Skip to content

AMD Ryzen 7 8700G – Đánh Giá Gaming Gear

AMD Ryzen 7 8700G – Mặc dù “cơn sốt” tiền ảo đã qua, giá các mẫu card đồ hoạ đã “mềm” trở lại, thế nhưng điều đó không có nghĩa các hệ thống PC sử dụng APU (Accelerated Processing Unit) với các giải pháp đồ hoạ tích hợp mạnh mẽ rời xa tầm mắt của các game thủ.

Trên thực tế, trạng thái “bình thường mới” đem đến hình thức làm việc linh hoạt hơn, làm nảy sinh những yêu cầu mới đối với thiết bị của mình, trong đó có các dàn máy PC kích thước siêu nhỏ có thể đáp ứng nhu cầu làm việc và giải trí đa năng của người dùng. Đây cũng là “vùng đất màu mỡ” cho các APU thế hệ mới của AMD toả sáng.

Gần đây, trong sự kiện CES 2024, AMD cũng đã cho ra mắt các dòng APU thế hệ mới của mình, trong đó, phiên bản AMD Ryzen 7 8700G là mẫu APU mạnh mẽ nhất của hãng trên thị trường hiện nay.

Liệu mẫu APU thế hệ mới này có thể vượt qua cả các “tiền nhiệm” để đóng vai trò trung tâm trong một hệ thống PC đa năng hiện đại?

Hãy cùng người viết tìm hiểu các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

AMD Ryzen 7 8700G - Đánh Giá Gaming Gear

AMD RYZEN 7 8700G – MẠNH MẼ, “ĂN” ÍT ĐIỆN!

Trên thực tế, có rất nhiều “kịch bản” mà bạn sẽ cần đến một mẫu APU “ngự trị” trong một thùng máy kích thức nhỏ đến siêu nhỏ (cỡ SFF – Small Form Factor), chẳng hạn như một cỗ máy mà bạn có thể vừa sử dụng ở nhà, vừa xách theo đi làm kết nối với màn hình được cung cấp sẵn tại công ty, hay đơn giản là bạn cần đến một trung tâm giải trí Media Center kết nối với TV phòng khách để phát nhạc chất lượng cao và chơi các tựa game qua màn hình TV…

Với những trường hợp này, việc “đầu tư” quá nhiều cho một dàn PC hiện đại hay một chiếc laptop chơi game đắt đỏ lại có phần lãng phí và không quá phù hợp với không gian mà bạn đặt máy.

AMD Ryzen 7 8700G - Đánh Giá Gaming Gear

AMD Ryzen 7 8700G là một mẫu APU xây dựng hoàn toàn theo lối tư duy này!

Bạn sẽ sở hữu một mẫu CPU với sức mạnh tương đối khá, đi kèm theo đó là một giải pháp đồ hoạ tích hợp mạnh mẽ, tất cả gói gọn trong một con APU chỉ tiêu thụ tối đa 65W điện, đủ để sử dụng trên các bộ máy siêu nhỏ có thể cấp điện thông qua adapter ngoài và cũng toả ra đủ ít nhiệt để bạn sử dụng giải pháp tản nhiệt khí gọn gàng.

Dĩ nhiên là nếu bạn muốn APU hoạt động mạnh mẽ hơn, “gánh” được các mẫu card đồ hoạ cao cấp hiện đại như AMD RX 7900 XT thì bạn cũng có thể sử dụng linh kiện này với các thùng máy kích cỡ đầy đủ và giải pháp tản nhiệt nước AIO cao cấp như Corsair H100i ELITE LCD Display để duy trì xung boost trong thời gian dài và hiệu năng sản phẩm ở mức cao nhất.

Mặc dù chia sẻ cái tên Ryzen 7 cũng như số nhân tương tự như “đàn anh” AMD Ryzen 7 7700x, thế nhưng mẫu APU mới của AMD lại có khác biệt tương đối lớn ở nhiều yếu tố.

Cụ thể hơn, mẫu APU này đều có tên mã Phoenix được chế tạo trên dây chuyền công nghệ 4nm của TSMC thay vì dây chuyền 5nm như trên AMD Ryzen 7 7700x với mức tiêu thụ điện tiêu chuẩn tối đa chỉ 65W mà thôi.

Xung nhân cơ bản của mẫu APU này cũng chỉ ở mức 4.2GHz trong khi xung boost ở mức 5.1GHz, thấp hơn đôi chút so với mức lần lượt 4.5GHz/5.4GHz trên sản phẩm “đàn anh”, trong khi đó bộ nhớ đệm L3 cũng có dung lượng chỉ 16MB, điều này cho thấy, về mặt sức mạnh xử lý, AMD Ryzen 7 8700G chắc chắn sẽ không thể mạnh bằng mẫu CPU “đàn anh” này.

AMD Ryzen 7 8700G - Đánh Giá Gaming Gear

Thậm chí mẫu APU này cũng không thể so sánh được với phiên bản Non-X AMD Ryzen 7 7700, nhưng vẫn khá “thừa mứa” cho các nhu cầu làm việc khi mạnh hơn hẳn AMD Ryzen 7 5800x của thế hệ trước trong phép thử CineBench 2024 cả đơn nhân và đa nhân.

Điểm khác biệt của APU so với các mẫu CPU thông thường chính là giải pháp đồ hoạ tích hợp.

AMD Ryzen 7 8700G sở hữu giải pháp đồ hoạ Radeon 780M, tương tự như giải pháp được trang bị trên máy chơi game cầm tay ASUS ROG Ally ra mắt hồi giữa năm qua.

AMD Ryzen 7 8700G - Đánh Giá Gaming Gear

Về mặt cấu hình, giải pháp đồ hoạ tích hợp này có 12 cụm nhân với 786 nhân xử lý dòng, tương tự như card đồ hoạ AMD RX 6400, nhưng không sở hữu bộ nhớ đệm, cũng như phải “dùng ké” bộ nhớ RAM của PC. Chính vì thế mà nếu bạn sử dụng các kit RAM càng nhanh thì giải pháp đồ hoạ Radeon 780M càng phát huy ra được sức mạnh của mình.

Cấu hình thử nghiệm:

Với thử nghiệm 3DMark FireStrike cho các tác vụ dựng hình thông thường, APU AMD Ryzen 7 8700 đạt mức 9,368 điểm, tương đương với mẫu card đồ hoạ Gigabyte GTX 1650 D6 Windforce OC 4G, nhưng với phép thử 3DMark TimeSpy cho các phép dựng hình DirectX12 thì con số có phần khiêm tốn hơn, chỉ 3,248 điểm, thua sút cả phiên bản Gigabyte GTX 1650 Gaming OC 4G cơ bản với mức điểm 3,784.

Điều này có thể dễ dàng lý giải khi cơ chế mượn RAM đồ hoạ của Radeon 780M hạn chế rất nhiều cho phương pháp dựng hình cần đến việc nạp trước các dữ liệu đồ hoạ vào VRAM.

Dĩ nhiên là khi sử dụng kiến trúc đồ hoạ RDNA 3 tiên tiến, giải pháp đồ hoạ Radeon 780M vẫn sở hữu khả năng dựng hình bằng công nghệ Ray Tracing, nhưng chỉ ở mức “cho có” mà thôi.

AMD Ryzen 7 8700G - Đánh Giá Gaming Gear

Thử nghiệm với các tựa game hiện hành, có thể thấy các phép thử 3DMark phản ánh khá chính xác sức mạnh đồ hoạ của giải pháp đồ hoạ trên mẫu APU này khi cho phép game thủ chơi được hầu hết các tựa game ở độ phân giải 1080p và thiết lập ở mức cao nhất.

AMD Ryzen 7 8700G sở hữu giải pháp đồ hoạ Radeon 780M, tương tự như giải pháp được trang bị trên máy chơi game cầm tay ASUS ROG Ally

Tuy nhiên, điểm yếu của mẫu APU này lộ ra khi chơi các tựa game sở hữu công nghệ Ray Tracing như DIRT 5, hay Shadow of The Tomb Raider ở các khu vực đổ bóng phức tạp. Để chơi tốt các tựa game này, bạn cần phải tắt tuỳ chỉnh dựng hình bằng Ray Tracing đi để có được tốc độ tối ưu.

Bên cạnh đó, với một số tựa game nặng khác như God Fall hay Far Cry 6, tốc độ dựng hình trung bình của AMD Ryzen 7 8700G vẫn xem như chấp nhận được, đủ để bạn chơi các tựa game này với công nghệ Ray Tracing.

Cuối cùng, điểm yếu về bộ nhớ đệm và VRAM sẽ hiển thị rõ nhất ở các tựa game thế giới mở rộng lớn như Assassin’s Creed Odyssey hay Horizon Zero Dawn PC. Dù hai tựa game này thể hiện với tốc độ khá ổn định, thế nhưng điểm yếu thiếu VRAM sẽ khiến cho việc nạp cảnh gây giật hình, tốt nhất là bạn nên giảm tầm dựng hình (draw distance) xuống để có trải nghiệm mượt mà hơn.

Về tổng thể, AMD Ryzen 7 8700G là một mẫu APU mạnh mẽ dù cho đứng độc lập trong các hệ thống giải trí nhỏ gọn không cần đến card đồ hoạ rời, hay đứng “chung mâm” với các card đồ hoạ hàng đầu trong các dàn PC chơi game hiện đại.

BẠN SẼ GHÉT

AMD Ryzen 7 8700G - Đánh Giá Gaming Gear

AMD RYZEN 7 8700G – “CHI PHÍ ĐẦU TƯ” CAO!

Mặc dù mạnh mẽ và tiết kiệm điện năng, nhưng để “đầu tư” cho AMD Ryzen 7 8700G hoạt động hết công suất, bạn sẽ phải chi ra một số tiền không nhỏ.

Trước hết, các bo mạch chủ sử dụng socket AM5 của AMD hiện vẫn ở mức giá cao hơn các bo mạch chủ đến từ “đội xanh”, đó là chưa kể các phiên bản kích thước nhỏ iTX có mức giá còn “khủng long” hơn nữa.

Đi kèm theo đó là các bộ kit RAM DDR5 tốc độ cao để có thể phát huy hết sức mạnh của giải pháp đồ hoạ Radeon 780M cũng chẳng hề rẻ một tẹo nào.

Chưa kể mẫu APU còn này còn bị cạnh tranh mạnh từ chính các máy chơi game cầm tay trên thị trường hiện nay.

Chính vì vậy mà bạn cần cân nhắc “chi phí đầu tư” cho mẫu APU này trước khi xuống tiền.


GIÁ THAM KHẢO

N/A

Bạc 8.5

AMD Ryzen 7 8700G là mẫu APU mạnh mẽ nhất trên thị trường hiện nay cả về sức mạnh xử lý của CPU lẫn giải pháp đồ hoạ tích hợp Radeon 780M, tuy nhiên, mức đầu tư ban đầu của hệ thống dùng APU này khá cao, chủ yếu do chi phí bo mạch chủ và các kit RAM DDR5 hàng đầu.