AMD Ryzen 9 9900x – Mặc dù đối với AMD, dòng sản phẩm AMD Ryzen 9 chủ yếu hướng tới đối tượng người dùng làm việc chuyên nghiệp bởi kết cấu chiplet không quá phù hợp với các tựa game như thiết kế đơn khối Monolithic và kết cấu 6 nhân hay 8 nhân xử lý trên những dòng CPU Ryzen 5 và Ryzen 7, thế nhưng điều đó không có nghĩa là người dùng game thủ không có lợi ích từ dòng CPU cao cấp này.
Theo phương thức truyền thống, các streamer ngành game thường có khuynh hướng lắp ráp cho mình hai bộ PC, trong đó, một bộ máy dùng để chơi và ghi hình quá trình chơi đó, trong khi bộ máy còn lại sẽ đóng vai trò máy stream để không chiếm dụng tài nguyên máy xử lý game, tránh ảnh hưởng đến tốc độ khung hình hay các hiện tượng giật – lag.
Tuy nhiên, các mẫu CPU dòng Ryzen 9 là một giải pháp vô cùng tốt cho người dùng là các game thủ streamer hay những người đa nhiệm, luân phiên giữa công việc và chơi game nhờ vào hai cụm xử lý được kết nối với nhau bằng kết nối chiplet, giúp tách biệt và xử lý các tác vụ đồng thời trơn tru hơn.
Với sự ra mắt của dòng sản phẩm AMD Ryzen 9000 Series tại kỳ triển lãm Computex 2024 vừa qua, mẫu CPU AMD Ryzen 9 9900x là phiên bản được các streamer và cộng đồng người dùng đa nhiệm quan tâm nhiều nhất. Và đến ngày 20/8 vừa qua, mẫu CPU này mới chính thức ra mắt người dùng thế giới.
Vậy mẫu CPU này có thực sự đáp ứng được mong đợi của người dùng?
Hãy cùng người viết tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
AMD RYZEN 9 9900x – “NGỰA” THOÁT CƯƠNG!
Giống như hai đồng nhiệm của mình, AMD Ryzen 9 9900x cũng được thiết kế trên kiến trúc Zen 5 và chế tạo trên dây chuyền sản xuất 4nm của TSMC với 2 cụm nhân monolithic theo dạng 8+4 nhân, kết nối với nhau theo công nghệ chiplet mà AMD sử dụng từ những thế hệ Zen 2.
Thiết kế chiplet này khác biệt với thiết kế sử dụng nhân P và nhân E của Intel khi tất cả 12 nhân đều là nhân hiệu suất cao. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không cần phải lo lắng chuyện các tác vụ nặng bị “phân vai” cho các nhân E làm giảm hiệu năng xử lý.
Mẫu CPU Ryzen 9 này hoạt động ở xung nhịp cơ bản 4.4GHz, hơi thấp hơn đôi chút so với mức 4.7GHz của phiên bản tiền nhiệm, trong khi xung nhịp Boost vẫn giữ nguyên ở mức 5.6GHz.
Bộ nhớ đệm L1 vẫn là điểm đáng chú ý nhất khi được nâng lên 960KB, giúp tăng đáng kể sức mạnh cho bộ xử lý bên cạnh những thay đổi trong kiến trúc Zen 5, dù ít hơn mức tăng do công nghệ 3D V-cache trên dòng sản phẩm AMD Ryzen 7 7800X3, nhưng với độ trễ thấp hơn của bộ nhớ L1 thì đây là một bước tiến đáng kể giúp tăng cường hiệu năng cho vi xử lý.
Điều đáng chú ý là mẫu CPU này có mức TDP mặc định là 120W tương tự thế hệ trước chứ không bị “bóp” như AMD Ryzen 7 9700x, thế nên theo dự đoán ban đầu thì AMD Ryzen 9 9900x có thể “bung” hết sức mạnh của mình với mức xung boost được neo trong thời gian dài hơn.
AMD Ryzen 9 9900x cũng được trang bị một giải pháp đồ hoạ tích hợp, phù hợp cho những thùng máy phục vụ cho công việc mà không cần đến card đồ hoạ
Tất nhiên là để có thể hoạt động ở công suất tối đa, bạn cần phải sở hữu một tản nhiệt nước AIO mạnh mẽ và một bộ nguồn đủ sức đáp ứng nhu cầu năng lượng của cả hệ thống, nhất là khả năng kéo dài đáp ứng công suất vượt định mức cho nhiều tác vụ cùng vận hành một lúc vì theo thông lệ, những mẫu CPU Ryzen 9 có thể duy trì mức tiêu thụ đện xấp xỉ 175W khi tải ở mức tối đa.
Dĩ nhiên là với đối tượng người dùng cần sức mạnh của dòng sản phẩm Ryzen 9 thì việc mạnh tay chi tiền cho các linh kiện sáng giá này không phải là vấn đề quá lớn.
Cấu hình thử nghiệm:
- CPU: AMD Ryzen 9 9900x
- Mainboard: ASRock Taichi X670E
- Memory: G.Skill Trident Z5 Neo 32GB 6000MHz
- Cooler: Corsair H100i ELITE LCD Display
- GPU: AMD RX 7900GRE
Khác với AMD Ryzen 7 9700x gần như không chênh lệch nhiều so với “đàn anh” AMD Ryzen 7700x do bị hạn chế về mặt cấp điện, mẫu AMD Ryzen 9 9900x đem đến sức mạnh có phần vượt trội rõ ràng hơn so với thế hệ trước đó.
Ở phép thử 3DMark Firestrike mô phỏng các tựa game dựng hình bằng DirectX11 thông thường, mẫu CPU dòng cao cấp mới của AMD đạt 45,524 điểm, trong khi với phép thử 3DMark TimeSpy trên phép dựng hình DirectX12, sức mạnh CPU được đánh giá ở mức 12,406 điểm.
Mức chênh lệch đo được so với “tiền nhiệm” AMD Ryzen 9 7900x là từ 10% đến 15%, một con số khá đáng kể khi so sánh bước tiến qua chỉ một thế hệ vi xử lý.
Điều tương tự cũng thể hiện qua phép thử Cinebench R23, ở phép thử đơn nhân mẫu CPU thế hệ mới mạnh hơn tiền nhiệm 9.5% với 2208 điểm, trong khi đó, ở phép thử đa nhân, mức chênh lệch lên đến 9.8% với 31,338 điểm, khá hợp lý về mặt tỷ lệ.
Đối với các thử nghiệm game, AMD Ryzen 9 9900x không chênh lệch so với AMD Ryzen 7 9700x, điều đó có nghĩa là với hầu hết các tựa game, hệ thống chỉ ưu tiên sử dụng 8 nhân xử lý trong 1 die, còn 4 nhân trên die còn lại không được sử dụng tới.
Còn nếu so sánh với thế hệ trước đó, mẫu vi xử lý mới ra mắt cũng không đem lại sức mạnh xử lý game quá vượt trội so với phiên bản AMD Ryzen 9 7900x tiền nhiệm, thế nên nếu chỉ phục vụ cho mục đích chơi game thì bạn cũng không cần cân nhắc nâng cấp CPU nếu đang sở hữu những vi xử lý đã rất tốt này.
Đối với các thử nghiệm game, AMD Ryzen 9 9900x không chênh lệch so với AMD Ryzen 7 9700x
Tuy nhiên, trong lúc chơi, bạn hoàn toàn có thể làm một tác vụ khác cần thời gian chờ đợi như convert một tập tin Zoom thành tập tin MP4 vốn cần hết công suất của một nhân xử lý, hay thậm chí ghi hình và stream trực tiếp quá trình chơi game của bạn mà không ảnh hưởng đến sức mạnh xử lý game của hệ thống.
Tất cả những gì bạn cần là tậu cho mình hệ sinh thái Elgato Neo và bắt đầu stream ngay mà không cần phải thiết lập hai PC rườm rà với đội ngũ hỗ trợ như trước.
Một điểm sáng khác đối với AMD Ryzen 9 9900x đó chính là mức giá khởi điểm thấp hơn so với thế hệ trước khi vừa ra mắt. Điều này giúp cho bạn có ngân sách dồi dào hơn cho các linh kiện khác, chẳng hạn như card đồ hoạ cao cấp hơn, giúp chơi game mượt mà hơn.
Nhìn chung, AMD Ryzen 9 9900x là sản phẩm CPU dành cho người dùng streamer hay làm việc đa nhiệm nhiều hơn là chỉ chơi game đơn thuần. Nếu bạn là một game thủ thì AMD Ryzen7 9700x vẫn là lựa chọn phù hợp hơn.
BẠN SẼ GHÉT
AMD RYZEN 9 9900X – CHẾ ĐỘ TIẾT KIỆM ĐIỆN VÀ AI
Nếu có điểm cần phải “chê” thì đối với AMD Ryzen 9 9900x, chế độ tiết kiệm điện hoạt động không hiệu quả, tương tự như với thế hệ trước đó.
Bạn sẽ vẫn cảm nhận được hệ thống toả ra hơi nóng khi mở chế độ tiết kiệm năng lượng để làm các tác vụ nhẹ nhàng như soạn văn bản hay lướt web. Thậm chí cũng chính chế độ tiết kiệm năng lượng sẽ gây ra đôi chút vấn đề khi chơi game, khiến tốc độ khung hình trồi sụt không ổn định.
Tốt nhất là người dùng nên đặt ở chế độ hiệu năng cao và cài trình điều khiển PPM Provisioning của AMD để có khả năng xử lý game ổn định nhất.
đối với AMD Ryzen 9 9900x, chế độ tiết kiệm điện hoạt động không hiệu quả, tương tự như với thế hệ trước đó…
Ngoài ra, là một cỗ máy tập trung cho công việc đa nhiệm chứ không phải dành cho game thì đây là một thiếu sót nhỏ khi mẫu CPU này không được trang bị các nhân NPU chuyên biệt phục vụ cho các tác vụ AI như trên AMD Ryzen 7 8700G ra mắt hồi đầu năm nay, nhất là khi AI đã dần trở thành một công cụ không thể thiếu trong môi trường làm việc hiện đại hiện nay.
GIÁ THAM KHẢO
NA