Skip to content

Apple Arcade: Mac (vẫn) không phải để chơi game!

apple arcade

Từ xa xưa, dân gian ta đã có câu: “Mac không dành để chơi game”

Nếu bạn xây dựng cấu hình máy tính để chiến game, bạn phải chạy Windows, hay bết nhất cũng là Linux. Còn Mac… Mac có thể mượt, Mac có thể làm phim, Mac có thể thiết kế đồ họa, Mac có thể thượng đẳng với chân đế màn hình 1000 USD… nhưng tuyệt đối Mac không để chơi game.

Đây từ lâu đã trở thành “định luật” trong thế giới game nói chung. Thế nhưng có vẻ như Apple đã và đang xây dựng kế hoạch “cứu lấy” trải nghiệm game trên Mac. Bằng chứng là chỉ ít ngày sau khi Google công bố Google Stadia, Apple đã công bố Apple Arcade.

Hãy để Vietgame.asia phân tích cho bạn những vấn đề quanh dịch vụ Apple Arcade này để thấy rằng, tuy nó có thể mở rộng khả năng chơi game trên Mac thật đấy, nhưng không phải theo cách mà chúng ta thường nghĩ đâu.


TẠI SAO MAC LẠI KỊ GAME TỚI VẬY?

Cái gì cũng phải có nguyên do của nó. Trước khi đi sâu khám phá, cũng ta hãy cùng điểm lại xem tại sao Mac lại trở thành “trò cười” trong thế giới game.

Trước hết, Mac là tất cả những thiết bị chạy hệ điều hành Macintosh hoặc có gốc Macintosh và được sản xuất bởi Apple. Hiện nay thì một số dòng sản phẩm Mac nổi tiếng bao gồm: iMac, iMac Pro, Mac mini, Mac Pro, MacBook, MacBook Air và MacBook Pro. Nhìn chung thì những sản phẩm này cũng là những chiếc PC hay laptop bình thường cả thôi. Chúng cũng có bo mạch chủ, CPU, GPU, RAM, HDD, SSD… Điểm khác biệt đáng kể nhất có lẽ là hệ điều hành macOS, và logo Apple.

Tuy giống nhau là vậy, nhưng không như PC, Mac “vật vã” khi chạy game bởi cả lý do phần cứng và phần mềm.

Về phần cứng, Mac… đắt và kén.

Bình thường, PC hay laptop sẽ có khoảng giá trải dài các mức từ rẻ, tầm trung rồi tới đắt để đánh vào nhiều phân khúc thị trường cho game thủ nói riêng và người dùng nói chung chọn lựa. Còn khoảng giá của Mac thì ổn định hơn, trải từ đắt tới “bán thận”. Nên tiền mua một chiếc Mac, bạn có thể xây 2,3 cái cấu hình PC tương tự là chuyện bình thường.

Tiếp theo, không như Windows hoặc Ubuntu (một phiên bản phổ biến của Linux) vốn là các hệ điều hành được thiết kế để chạy trên nhiều thiết bị phần cứng khác nhau do người dùng chọn lựa, macOS được thiết kế để chạy trên thiết mình phần cứng mà chính Apple chọn lựa. Nói cách khác, so với PC hay laptop, bạn có rất ít lựa chọn cấu hình để mua.

Hơn thế nữa, Apple thiết kế rất nhiều thiết bị Mac để “chống” người dùng nâng cấp. Ví dụ, trang hướng dẫn sửa chữa đồ điện tử cá nhân nổi tiếng ifixit cho điểm sửa chữa iMac Pro (2018) là 3/10, còn MacBook Pro 15 inch với Touch Bar (2019) là 1/10. Đương nhiên, trong lịch sử cũng có một số thiết bị Mac được thiết kế để dễ thao tác với phần cứng bên trong, nhưng nhìn chung khả năng sửa chữa, nâng cấp phần cứng của Mac là cực kì thấp so với Windows laptop chứ đừng nói PC.

Chắc chắn Apple làm như vậy là vì mục đích thương mại, muốn người dùng mua sản phẩm cấu hình cao để họ được lợi hơn. Nhưng dù sao giới hạn số lượng phần cứng, tránh người dùng “táy máy” cũng có cái lợi là hệ điều hành có tính tương thích cao, bởi chỉ có một lượng phần cứng nhất định được Apple kiểm soát mới có thể hoạt động. Tuy nhiên điều này đi ngược 180 độ với xu hướng của game thủ là thay đổi cấu hình máy, tùy chỉnh, nâng cấp, vệ sinh thường xuyên và dễ dàng.

Chưa hết, phương châm thiết kế của Apple tới hiện tại có thể nói là hướng tới nhìn “sang chảnh”, đẹp, mỏng, nhẹ, êm, mượt. Thiết kế thời trang thì không có gì là sai, nhưng mà làm vậy sẽ khiến thiết bị trở nên nóng. Không phải tự nhiên game thủ PC nghĩ ra dăm ba cái trò máy thùng, tản nhiệt nước, mua thêm quạt… Mục đích là để giảm nhiệt, tăng sức mạnh, sự ổn định và độ bền của hệ thống. Còn máy Mac không kì diệu tới mức bẻ cong các định thuật vật lý được. Thiết kế nhỏ, gọn, chạy êm thì tự khắc sẽ bị nóng máy thôi.

Tóm lại, cách đặt giá, xây dựng và thiết kế phần cứng của Mac có thể phù hợp với nhiều loại công việc hay tác vụ, nhưng đặc biệt chẳng có một điểm gì lợi cho việc chơi game cả. Và đây mới chỉ là phần cứng thôi nhé!

apple arcade
Mac Pro 2019 và Apple Pro Display XDR
(Nguồn: insights.dice)

Về phần mềm, các nhà phát triển còn không thèm thiết tha lập trình để game chạy được trên macOS, chứ đừng nói để nó hỗ trợ chơi game.

Một số giao diện lập trình ứng dụng (API) nổi tiếng cho các nhà phát triển game mà khả năng cao bạn đã từng nghe qua là DirectX, OpenGL hay Vulkan. Bạn có thể hiểu các API này như cách nhà lập trình kết nối để game sử dụng phần cứng vậy. Chúng cần thiết để chạy game.

Đầu tiên, về DirectX, gần như tất cả các tựa game trên thị trường đều được thiết kế và hỗ trợ DirectX, bởi đây là API đặc thù của Windows từ lâu rồi. Vấn đề ở chỗ DirectX là hàng độc quyền Windows nên nó chắc chắn không chạy trên macOS.

Tiếp đó, về OpenGL, đây cũng là một API khá nổi tiếng và có từ lâu rồi. Do Ubuntu không hỗ trợ DirectX nên nhiều nhà sản xuất khi làm game cho Linux sẽ sử dụng OpenGL. Do vậy, API này khá là có tiềm năng để lập trình game trên macOS trong tương… à mà thôi, OpenGL đã bị khai tử sau macOS Mojave.

Cuối cùng là tới Vulkan. Đây là một API khá “trẻ tuổi”, mới được phát hành từ 2016 bởi Khronos Group thôi nhưng tới nay cũng gây được nhiều tiếng vang. So với các API khác, Vulkan được thiết kế với mục đích tăng hiệu năng và câng bằng giữa việc sử dụng CPU/GPU. Tuy nhiên, do API này còn quá mới nên chưa có nhiều tựa game sử dụng nó, và Apple cũng không mặn mà giúp phát triển API này lắm nên Khronos Group phải tự làm phần lớn công việc phát triển API này cho macOS.

macOS cũng có API cho việc lập trình, tính toán đồ họa riêng với tên gọi Metal. Tuy nhiên, nhà phát triển không mấy rảnh hơi thừa tiền đi xây dựng, tối ưu game cho một nền tảng chẳng ai dùng chơi game, còn Apple thì không thích dùng hàng chung mà chỉ thích “gà nhà” Metal. Và kết quả thì bạn tự có thể thấy. Ví dụ, Rise of the Tomb Raider là một trong số ít tựa game trực tiếp hỗ trợ Metal của Apple, và đem so nó với DirectX thì có khi hàng của Microsoft chạy nhanh gấp đôi.

apple arcade

Tóm lại, Mac không dùng để chơi game, vì cả phần cứng và phần mềm đều không phù hợp. Phần cứng thì vừa đắt, vừa nóng, vừa bị giới hạn, còn phần mềm thì không tạo được hứng thú để nhà phát triển sử dụng, và nói trắng ra là Apple không quan tâm tới game trên macOS.

Đương nhiên, bạn luôn có thể chơi game trên Mac bằng nhiều cách, ví dụ như sử dụng Boot Camp, cài Windows và chạy mọi như thường. Nhưng nếu mua Mac để chơi game là chính thì hoặc là nhà bạn phải rất giàu và thích dùng hàng Apple cho thượng đẳng, hoặc là bạn mù công nghệ tới mức.. đáng thương.

Tuy nhiên, mới gần đây, Apple đã công bố dịch vụ đăng kí game Apple Arcade, và nó sẽ hoạt động trên macOS. Liệu đây có phải là sự khởi đầu để thay đổi tất cả?


https://www.youtube.com/watch?v=67umVefSXnY

APPLE ARCADE CÓ THỂ LÀM GÌ?

Trước hết, nếu bạn chưa quen với hình thức đăng kí trải nghiệm game thì chúng là một dịch vụ mà bạn sẽ trả tiền theo thời gian (hàng tháng chẳng hạn) để trải nghiệm những sản phẩm nằm trong danh sách game hỗ trợ. Và Apple Arcade là một dịch vụ đăng ký trò chơi như vậy.

Apple Arcade dự kiến ra mắt vào mùa thu này, và bạn có thể trả một khoản phí hàng tháng để truy cập vào hơn 100 trò chơi khác nhau. Bạn có thể trải nghiệm chúng trên bất kỳ thiết bị Apple nào của mình, không có quảng cáo, không có mua hàng trong trong ứng dụng, được bảo mật kĩ càng. Ngoài ra, bạn có thế chơi ngoại tuyến và chia sẻ với gia đình (tối đa sáu người).

Nghe thì có vẻ cũng tiềm năng đó chứ. Một dịch vụ đăng kí game, cho bạn thoải mái trải nghiệm trên một loạt các thiết bị và hệ điều hành của Apple như iphone (iOS), ipad (ipad OS), Mac (macOS) hay Apple TV (tvOS). Nhưng đây chính là vấn đề.

Khả năng cao sẽ không có game AAA nào tới dịch vụ này trong tương lai gần, bởi nếu game quá nặng, đòi hỏi cấu hình cao thì làm sao có thể chạy mượt trên các thiết bị như iphone hay ipad. Apple đang mở rộng khả năng chơi game trên Mac, nhưng đó không phải là các game AAA với đồ họa “dậy sóng”, mà là những game nhẹ nhàng cho nền tảng di động, những game như các sản phẩm trên App Store.


apple arcade

CÓ LẼ KHÔNG PHẢI LOẠI GAME BẠN MUỐN…

Theo như Apple, App Store đã thu về tổng cộng 120 tỉ USD kể từ ngày ra mắt vào 2008. Và vào thời điểm viết bài, 16/20 ứng dụng được dùng nhiều nhất trên App Store là game. Như vậy, Apple có lý do gì để đầu tư vào một nhánh mới là game cho riêng Mac, thay vì tận dụng sẵn con “gà đẻ trứng vàng” App Store và dòng điện thoại thông minh iphone của mình? Hơn thế nữa, Apple cũng đã công bố sẽ hỗ trợ cần điều khiển PlayStation 4 và Xbox One cho iOS, tvOS và macOS. Điều này càng cho thấy rõ hơn rằng gã khổng lồ muốn tạo một trải nghiệm game đồng nhất giữa nhiều thiết bị của Apple.

Nói cách khác, đường đến với thế giới giải trí mà Apple chọn là, thay vì nhắm vào các game bom tấn để thỏa mãn một lượng nhỏ game thủ khó tính thì Apple muốn dịch vụ của mình là một hình thức giải trí nhẹ nhàng cho tất cả mọi người, mọi lúc mọi nơi. Tương tự như nghe nhạc trên Apple Music hay xem phim trên Apple TV, mọi người sẽ có chơi game trên Apple Arcade, và đó là điều mà Apple hướng tới.

Còn cuối cùng, tương lai của các game khủng, game AAA cần cấu hình máy “ngon” thì sao? Liệu tương lai chúng có dễ dàng tìm đường lên macOS. Khó nói lắm, nhưng có vẻ trong tương lai gần, thái độ của Apple vẫn là: “Không quan tâm”. Thậm chí, công ty còn tạo thêm việc cho nhà sản xuất làm.

Vào khoảng tháng 9 tới, Apple dự kiến sẽ tung ra bản macOS mới, macOS Catalina. Bản macOS này sẽ không hỗ trợ phần mềm 32-bit nữa, và có rất nhiều trò chơi cho macOS hiện tại là 32-bit game. Do đó các nhà làm game phải “tự thân vận động”, port bản game của mình lên 64-bit để chạy được trên bản macOS mới nhất.

Tóm lại, với Apple Arcade, Apple sẽ tăng khả năng chơi game trên Mac, và Mac… vẫn không để chơi game!


Tác giả

Thảo luận