Skip to content

Assassin’s Creed Chronicles: China – Đánh Giá Game

Assassin's Creed Chronicles: China

Assassin’s Creed Chronicles: China – Vậy là chúng ta lại gặp lại nhau, Assassin’s Creed. Chỉ mới cách đây một tháng thôi, kẻ “phản bội” Assassin’s Creed: Rogue chính thức “cập bến” hệ máy PC, thì Ubisoft lại tiếp tục đưa hội Sát Thủ tiếp tục chặng đường dài của mình, khiến cho cả người hâm mộ lẫn dân “ngoại đạo” vừa… chửi thề vì thế quái nào mà quay đi quay lại là tự dưng “mọc” thêm một bản Assassin’s Creed, vừa phải thán phục vì Ubisoft giỏi… vắt sữa quá!

Tuy nhiên, trước khi thưởng thức “món chính” trong năm nay là Assassin’s Creed: Victory như những lời đồn đại, thì những người đã từng hy vọng về việc hội Sát Thủ bước chân ra khỏi châu Âu sẽ đón nhận thêm một bất ngờ mới mang tên Assassin’s Creed Chronicles.

Nhưng nếu bạn đang mong chờ những phụ bản đúng “chất” Assassin’s Creed, thì hẳn Assassin’s Creed Chronicles sẽ làm bạn “nửa vui nửa buồn”.

Vì sao? Đó là vì tuy Assassin’s Creed Chronicles chính thức đưa người chơi tới ba bối cảnh mới toanh là Trung Quốc, Ấn ĐộNga, thì Ubisoft lại chơi “sốc” bằng cách hướng loạt game này đi theo phong cách… 2.5D với quy mô nhỏ hơn.

Ấy khoan, trước khi đập bàn và lại “ném gạch” Ubisoft thì hãy thử qua chương đầu tiên mang tên Assassin’s Creed Chronicles: China đi đã, bởi biết đâu loạt game này lại có tiềm năng trở thành một Mark of the Ninja thứ hai thì sao?

NỘI DUNG

Assassin’s Creed Chronicles: China lấy mốc thời gian vào năm 1526 ở Trung Hoa, đúng vào giai đoạn sụp đổ của triều đại nhà Minh. Câu chuyện xoay quanh Thiếu Quân, thê thiếp của hoàng đế Minh Vũ Tông (tên thật là Chu Hậu Chiếu).

Sau khi hoàng đế băng hà và em trai là Minh Thế Tông (tên thật là Chu Hậu Thông)lên ngôi, Thiếu Quân được hội Sát Thủ thu nạp và trở thành học trò của sát thủ huyền thoại Ezio Auditore.

2 năm sau, Thiếu Quân trở về quê nhà với tư cách là thành viên cuối cùng của hội Sát Thủ tại Trung Hoa sau khi hội này bị hội Kỵ Sĩ Dòng Đền truy sát và xử tử, cùng với một tôn chỉ duy nhất: Nợ máu phải trả bằng máu.

BẠN SẼ THÍCH

assassins-creed-chronicles-china-danh-gia-game-05.jpg

Góc nhìn mới lạ, đậm chất “sát thủ”

Sở hữu quy mô nhỏ hơn nhiều so với loạt game gốc, nhưng đây lại là ưu điểm lớn nhất của Assassin’s Creed Chronicles: China khi cho phép nhà phát triển tạo nên một phong cách chơi đúng chất “Assassin” nhất từ trước đến giờ.

Tất cả mọi thứ về Assassin’s Creed Chronicles: China đều gói gọn trong cụm từ “hành động bí mật”, thứ mà nhiều người đã từng chơi qua bất kỳ tựa game Assassin’s Creed nào cũng đều nắm rất rõ trong đầu, nhưng khi “thực hành” thì lại là một… vấn đề khác.

Assassin’s Creed Chronicles: China có thể sở hữu hệ thống chiến đấu khá thô kệch, cơ chế điều khiển vẫn chưa thực sự trơn tru, nhưng ít ra, người chơi cũng không cần phải leo lên mấy chục ngọn tháp để “mở khóa” bản đồ, hay lần mò hàng trăm vật phẩm vô nghĩa, mà giờ đây người chơi hoàn toàn có thể “mài dũa” kỹ năng di chuyển, luồn lách, ám sát và lẩn trốn của mình.

Vẫn là những pha leo trèo “kinh điển” đến mức khó tin, vẫn là các pha ám sát lén lút rất đẹp mắt, nhưng cái luồn gió mà Assassin’s Creed Chronicles: China thổi vào trong từng hành động của người chơi thực sự mang đến cảm giác khác lạ đến mức khó tả.

assassins-creed-chronicles-china-danh-gia-game-02.jpg

Những ai đã từng một thời “tung hoành” trong Mark of the Ninja chắc cũng không còn lạ gì với phong cách “hòa âm” với lối chơi của thể loại hành động bí mật hai chiều (hay trong trường hợp của Assassin’s Creed Chronicles: China là 2.5D): ghi nhớ hướng đi của kẻ địch, căn thời gian, di chuyển êm gọn và không để lại dấu vết.

Để đạt được điều đó, hẳn chả có ai “mình đồng da sắt” đến nỗi có thể vượt chướng ngại vật chỉ bằng tay không, thế nên tận dụng “đồ chơi” (pháo hoa, phi tiêu…) và môi trường xung quanh sẽ là “thượng sách” nếu như người chơi không muốn “tử nạn” trong vòng vài nốt nhạc.

Đó là phong cách chơi chính của dân “hardcore”, còn lối chơi “đổ máu” thú vị hơn rất nhiều. Các pha ám sát từ trên không đã quá quen thuộc rồi, thế nhưng có ai lại không thể không bất ngờ khi Thiếu Quân kết liễu đối phương bằng “hidden blade” (thanh trủy thủ ẩn) nằm ở… mũi giày, hay cú trượt dài được kết thúc bằng một pha “tất sát” nhanh gọn.

Chính sự tự do trong phong cách chơi đã tạo nên một nét cuốn hút khá mới lạ trong Assassin’s Creed Chronicles: China

Chính sự tự do trong phong cách chơi đã tạo nên một nét cuốn hút khá mới lạ trong Assassin’s Creed Chronicles: China. Tuy vẫn phải nằm trong “khuôn khổ” của hành động bí mật, nhưng người chơi không bao giờ bị ép buộc phải chọn lối chơi mà không phải là thế mạnh của mình.

Nó có thể không còn là điều quá mới mẻ (bởi công thức này đã được áp dụng quá nhiều trong các tựa game gần đây của Ubisoft), nhưng khi được vận dụng vào bối cảnh Trung Hoa với cảnh mộng đẹp như tranh sơn dầu, thật khó để có thể phủ nhận rằng đây chính là điều mà ai cũng muốn được trải nghiệm trong những tựa game Assassin’s Creed tiếp theo.

BẠN SẼ GHÉT

assassins-creed-chronicles-china-danh-gia-game-01.jpg

“Ghost” – Nghệ thuật bị “thất truyền”

Có một điều mà người viết cực kỳ ngưỡng mộ ở hai tựa game Mark of the Ninja Dishonored, đó chính là sự “mềm dẻo” trong phong cách thiết kế màn chơi.

Trò chơi tạo nên khả năng tùy biến lối chơi đa dạng đến mức toàn bộ các màn chơi trong game đều có ít nhất ba hay bốn phương thức để hoàn thành, và điều quan trọng nhất là người chơi có thể “Ghost” (không để ai phát hiện, không làm cho vũ khí “nhuốm máu”) từ đầu đến cuối game.

Assassin’s Creed Chronicles: China mắc một sai lầm quá nghiệm trọng đối với thể loại hành động bí mật, điều mà những Hitman: Absolution, Thief hay Tom Clancy’s Splinter Cell Blacklist đã mắc phải, đó chính là sự lệ thuộc vào các trường đoạn dẫn dắt đậm chất phim ảnh, hay nói cách khác là… không tin tưởng vào người chơi.

Thứ nhất, mặc dù người viết khá thích thú với lối thiết kế màn chơi theo phong cách 2.5D, nhưng càng về sau, Assassin’s Creed Chronicles: China càng bộc lộ rõ bản chất tuyến tính của mình.

Người chơi rất ít khi được lựa chọn cách né tránh kẻ địch, và thỉnh thoảng trò chơi còn buộc người chơi phải hạ thủ những kẻ chắn đường để có thể đi tiếp, đồng nghĩa với việc phong cách chơi “Ghost” (hay trong game là thanh đo “Shadow”) 100% thời lượng game là điều bất khả thi.

Assassin’s Creed Chronicles: China mắc một sai lầm quá nghiệm trọng đối với thể loại hành động bí mật, đó chính là sự lệ thuộc vào các trường đoạn dẫn dắt như phim ảnh, hay nói cách khác là… không tin tưởng vào người chơi

Thứ hai, Assassin’s Creed Chronicles: China sở hữu một số trường đoạn kịch tính như chạy khỏi lâu đài đang đổ sập, hay hàng loạt tàu thuyền tại cảng bị thiêu rụi, và cũng chả hiểu vì lý do gì mà game rất khoái… đặt lính canh vào giữa đường đi của người chơi rồi cho chúng quay về phía thuận tiện để cho người chơi “xiên” từ đằng sau, mang đến cảm giác rất chi là thừa thãi và các pha kết liễu trở nên “rẻ tiền”.

Có lẽ đây cũng là điều khiến cho người viết cảm thấy “bối rối” nhất, bởi cho dù Assassin’s Creed Chronicles: China sở hữu nhiều phong cách chơi khác nhau, nhưng cuối cùng yếu tố đó lại bị “bắt chẹt” bởi lối thiết kế màn chơi thiếu tương xứng, kém hòa hợp với nhịp độ game, và trên hết là làm hỏng luôn cả những cơ chế cực kỳ có tiềm năng.


Nâng cấp thừa thãi, nhiều yếu tố bị “bỏ quên”

Hệ thống nâng cấp là một trong những yếu tố không thể thiếu trong loạt game Assassin’s Creed, và nó vẫn quay trở lại trong Assassin’s Creed Chronicles: China, nhưng ít đa dạng hơn, ít phức tạp hơn và cũng… vô dụng hơn.

Các nâng cấp trong game chỉ đơn thuần là gia tăng lượng máu, tăng số lượng phụ kiện mà người chơi có thể mang theo, hay kéo dài cột năng lượng Helix cho phép người chơi di chuyển giữa các vật chắn nhanh chóng, và… hết.

Những kỹ năng ám sát được “mở khóa” theo cốt truyện chính, thế nên nói rằng Assassin’s Creed Chronicles: China sở hữu cơ chế nâng cấp và phát triển nhân vật vẫn còn hơi hào phóng, bởi vì chúng quá “nhạt nhòa”, không ảnh hưởng quá nhiều trong quá trình chơi và cũng không tạo nên động lực nào thôi thúc người chơi đạt số điểm cao để lấy được nâng cấp cả.

Hệ thống nâng cấp quay trở lại trong Assassin’s Creed Chronicles: China, nhưng ít đa dạng hơn, ít phức tạp hơn và cũng… vô dụng hơn

Bên cạnh đó, cũng chả hiểu vì lý do gì mà Assassin’s Creed Chronicles: China giới thiệu khá nhiều yếu tố phụ, nhưng có lẽ do nhà phát triển… quên béng đi nên chúng chỉ xuất hiện trong một hay hai màn chơi duy nhất, ví dụ như khi Thiếu Quân phải tốn thêm chút thời gian để mở các cánh cửa vào nơi ẩn nấp, hay chim và chó bị nhốt trong cũi có thể báo động nếu người chơi đến gần (được thay thế bằng chuông gió ở các màn sau).


Lại là… vấn đề kỹ thuật

Đối với cộng đồng PC, Ubisoft cũng chả lạ gì mỗi khi nhắc đến cụm từ “lỗi kỹ thuật”. Dĩ nhiên với bản chất “nhỏ gọn” của mình, lỗi kỹ thuật Assassin’s Creed Chronicles: China không đạt đến mức “long trời lở đất” như Assassin’s Creed Unity, nhưng đòi hỏi chất lượng phiên bản PC tốt hơn liệu có quá đáng hay không?

Đầu tiên, bạn hoàn toàn có thể chơi Assassin’s Creed Chronicles: China bằng bàn phím và chuột, nhưng hãy cân nhắc sắm một chiếc tay cầm bởi vì trò chơi không cho phép gán lại các chức năng cho từng phím, và người viết cũng thực sự “bái phục” người nào nảy ra ý tưởng gán hai nút C và Space cho hai hành động đỡ đòn và lăn qua người địch thủ, bởi người chơi sẽ phải làm tất cả các hành động giữ nút di chuyển, nhấn C để đỡ rồi nhấn Space BẰNG HAI NGÓN TAY.

Quá tuyệt vời phải không nào?

Trong Assassin’s Creed Chronicles: China, khung hình tụt xuống 40fps hay 30fps là chuyện… thường ngày ở huyện

Người viết không sở hữu một chiếc PC “khủng bố”, nhưng nó cũng đủ để “chiến” Assassin’s Creed Rogue ở mức đồ họa tối đa, độ phân giải 900p và ổn định ở 60fps. Còn trong Assassin’s Creed Chronicles: China, khung hình tụt xuống 40fps hay 30fps là chuyện… thường ngày ở huyện.

Đó là chưa kể game chỉ cho phép người chơi tùy chỉnh độ phân giải, V-Sync, chế độ toàn màn hình và cửa sổ, hết.

Nếu như bạn xém “ói mửa” bởi răng cưa chằng chịt ngay ở trình đơn của game thì… xin chia buồn, bởi hoàn toàn không có cách nào để khử răng cưa trong Assassin’s Creed Chronicles: China cả.

5.5

Assassin's Creed Chronicles: China sở hữu một nền tảng vững chắc, và người viết nhận thấy rằng đằng sau hàng loạt khuyết điểm, chắc chắn có một trò chơi "hay ho" với rất nhiều ý tưởng thú vị đang nằm sâu bên trong đó.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, Assassin's Creed Chronicles: China vẫn chưa thể vượt qua cái bóng quá lớn của Mark of the Ninja, và vẫn chỉ dừng lại ở mức "đẹp bên ngoài, rỗng ruột bên trong" mà thôi.

Hy vọng rằng đây không phải là lần cuối chúng ta được gặp gỡ Thiếu Quân, và người viết cũng mong rằng lần tái ngộ tiếp theo sẽ êm xuôi hơn hiện tại.

Thông tin

  • Assassin’s Creed Chronicles: China
  • Nhà phát triển
    Climax Studios, Ubisoft Montreal
  • Nhà phát hành
    Ubisoft
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    21/04/2015
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 7 SP1 / Windows 8 / Windows 8.1 (32/64bit)
  • CPU
    Intel Core i3 2105 @ 3.1 GHz / AMD Phenom II X4 955 @ 3.2 GHz
  • RAM
    4GB
  • GPU
    nVidia GeForce GTX 470 / AMD Radeon HD5870
  • Lưu trữ
    4GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    Ryzen 5 1600
  • RAM
    16GB
  • GPU
    Nvidia GTX 1070 8GB
  • Lưu trữ
    Crucial P1 500GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi UBISOFT. Chơi trên PC.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ