Skip to content

Assassin’s Creed: Unity – Đánh Giá Game

Assassin's Creed: Unity

Assassin’s Creed: Unity – Như một thông lệ của những dòng game lớn, việc ra mắt một phiên bản mới thường niên không còn là điều xa lạ, dòng game Assassin’s Creed của Ubisoft cũng vậy.

Điều đặc biệt là năm nay họ tung ra “cú đúp” với hai game một lúc: Assassin’s Creed: RogueAssassin’s Creed: Unity.

Phiên bản đầu tiên dành cho thế hệ console cũ (Xbox 360 và PS3, dân chơi PC phải đợi sang năm, sẽ được Vietgame.asia giới thiệu trong bài viết sau) và phiên bản kế, Assassin’s Creed: Unity, mà bài viết sẽ đề cập bên dưới đây, rất được Ubisoft lẫn giới mê game kỳ vọng.

Sở hữu rất nhiều nâng cấp lẫn cải tiến, Assassin’s Creed: Unity đúng ra sẽ mang đến một thành công lớn khác cho hãng game đến từ Pháp.

Thế nhưng thật tiếc, quá nhiều sai sót đã “phá hỏng” màn trình diễn của Assassin’s Creed: Unity, và cũng mở màn cho một loạt rắc rối khác mà Ubisoft gặp phải sau đó, không chỉ với tựa game này mà còn với các “bom tấn” theo sau như Far Cry 4, The Crew.

Người hâm mộ phẫn nộ, các trang tin game có những phản hồi tiêu cực và Ubisoft “lãnh đủ” mọi thứ.

Vì đâu nên nông nổi này cho một trò chơi đầy triển vọng, được phát triển bởi… 9 studio của Ubisoft, tốn nhiều tài nguyên và nhân lực?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu và “mổ xẻ” các vấn đề của Assassin’s Creed: Unity bên dưới đây.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
Assassin’s Creed: Unity

ĐỒ HỌA LỘNG LẪY, CHOÁNG NGỢP!

Một thế mạnh không thể chối cãi của dòng game Assassin’s Creed ngay từ những ngày đầu tiên là việc thể hiện các thành phố khổng lồ, với các kiến trúc chi tiết và hoạt động của thị dân sôi động.

Qua mỗi phiên bản, các thành phố lại phình to ra, mật độ chi tiết dày đặc hơn.

Và đến Assassin’s Creed: Unity, với engine nâng cấp (AnvilNext), Ubisoft đã có thể thực hiện “tham vọng” của mình: xây dựng một Paris tráng lệ theo tỉ lệ… 1:1 so với đời thật (vâng, bạn không đọc nhầm đâu), với những công trình kiến trúc kỳ vĩ và đặc trưng của mình như Nhà Thờ Đức Bà (Notre-Dame de Paris), Bảo Tàng Louvre, pháo đài Bastille, v.v. giống như đúc so với ngoài đời!

Các công trình này, từ lớn tới nhỏ, đa phần đều cho phép bạn tham quan và hoạt động bên trong, với mức độ chi tiết đáng kinh ngạc: bàn ghế, chén đĩa, vật dụng… đầy rẫy ra.

AnvilNext còn giúp cải thiện các tính năng đồ họa từ Assassin’s Creed IV: Black Flag như thời tiết, ngày-đêm, hiệu ứng ánh sáng, diễn hoạt nhân vật (animation), v.v. và kết quả mang đến cho Assassin’s Creed: Unity là những khung hình đẹp long lanh, nước màu tươi sáng, mang vẻ “next-gen” của các game thế hệ mới!

Đâu chỉ phô diễn sự hoành tráng của các công trình, khi thâm nhập vào cuộc sống thường nhật ở Paris thế kỷ 18, mặt trái của xã hội Pháp hoa lệ thời bấy giờ mới được dịp thể hiện: nhếch nhác, hỗn loạn.

Một lần nữa, engine AnvilNext đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình: các con phố sống động với lúc nhúc nhân vật, họ trò chuyện, nắm tay nhảy múa, ca hát, nhậu nhẹt trong quán rượu, biểu tình phản đối khắp nơi và kể cả… tẩn nhau trên phố.

[su_quote]Về mặt đồ họa, chưa từng có bản game Assassin’s Creed nào thể hiện một cách lộng lẫy và choáng ngợp như Assassin’s Creed: Unity[/su_quote]

Cá biệt, có cảnh trong Assassin’s Creed: Unity hiện diện tới cả ngàn nhân vật cùng lúc, thật khủng khiếp! Ngoại trừ Hitman: Absolution ra, tính ra tới giờ chưa có game hành động nào có số lượng nhân vật phụ “quá cỡ thợ mộc” như thế!

Paris, một thành phố nơi mà sự hào nhoáng hiện diện song hành cùng nhếch nhác, nơi mà khuôn phép trật tự bị đè bẹp bởi sự hỗn loạn, vô tổ chức, đã được tái tạo đầy đủ, chân thật!

Phải nói, về mặt đồ họa, chưa từng có bản game Assassin’s Creed nào thể hiện một cách lộng lẫy và choáng ngợp như Assassin’s Creed: Unity này!


ĐA DẠNG, TINH TẾ HƠN TRONG LỐI CHƠI

Với việc dùng lại những điểm mạnh của các phiên bản trước, cải tạo lại những tính năng ít dùng cho hợp lý hơn, lối chơi Assassin’s Creed: Unity trở nên cuốn hút hơn.

Chẳng hạn việc truy tìm các ký hiệu ẩn (Glyph) trên những công trình trước đây được biến thành loạt nhiệm vụ “Nostradamus Enigma”, việc giải đố các ký hiệu ẩn (để mở ra những đoạn video bí mật) nay trở thành loạt điều tra án mạng “Murder Mystery”, đây chẳng phải những điều thú vị mà ta từng gặp trong Assassin’s Creed 1 & 2 sao?

Hay việc huấn luyện, gửi sát thủ đi làm nhiệm vụ “xa nhà” giờ được đưa vào một ứng dụng trên di động (Assassin’s Creed: Unity Companion).

Ứng dụng này phối hợp với bản game chính, hỗ trợ qua lại: bản game chính “mở” các khu vực, còn trong Assassin’s Creed: Unity Companion thì người chơi sẽ truy tìm các ký tự ẩn trong những công trình (Glyph Puzzles), mua và gửi sát thủ làm nhiệm vụ (Nomad Missions).

Hoàn tất chúng sẽ mang lại cho người chơi các món đồ, tiền tệ và phục trang đặc biệt cho Arno trong bản game chính.

Và tất nhiên, là một ứng dụng di động miễn phí thì Assassin’s Creed: Unity Companion không bỏ qua xu hướng “mua vật phẩm trong game”.

Quả là Ubisoft biết “lợi dụng” thời cơ!

“Săn” các rương kho báu cũng thú vị hơn khi giờ đây chúng được chia thành ba màu: đỏ, xanh và vàng.

Trong đó đỏ là các rương yêu cầu kỹ năng “mở khóa” của Arno, xanh là dùng ứng dụng Assassin’s Creed: Unity Companion và vàng là phải hoàn tất các yêu cầu của Assassin’s Creed: Unity Initates, vốn chẳng qua là một dạng thưởng cho các hành động lặp lại trong game như đánh nhau, lén lút, leo trèo…

[su_quote]Nổi bật nhất trong lối chơi của Assassin’s Creed: Unity chính là việc hệ thống chiến đấu gỡ bỏ tuyệt kỹ “đỡ đòn liên hoàn” của những phiên bản trước đó[/su_quote]

Lối chơi cộng tác (Co-op) cũng là một điểm mới của Assassin’s Creed: Unity, và là lần đầu tiên của dòng game.

Co-op thay thế cho mục chơi mạng truyền thống và cho phép bốn người chơi cùng lúc với hai loại nhiệm vụ: đi theo cốt truyện phụ (vốn được “xé lẻ” ra từ cốt truyện chính) và cướp tiền.

Nhưng, thay đổi nổi bật nhất trong lối chơi của Assassin’s Creed: Unity chính là việc hệ thống chiến đấu gỡ bỏ tuyệt kỹ “đỡ đòn liên hoàn” của những phiên bản trước đó.

Trong các phiên bản trước, khi người chơi đỡ được đòn của đối thủ và nhanh chóng nhấn nút tấn công thì sẽ “tất sát” hàng loạt đối thủ trong chớp mắt.

Thú vị, đã, nhưng kém thử thách vì tiêu diệt địch thủ quá dễ! Thành ra nhân vật trong các bản game trước như “rambo”, mất đi chất “sát thủ” mà phiên bản đầu tiên tạo dựng.

Giờ trong Assassin’s Creed: Unity, người chơi đánh đấm phải thận trọng hơn vì kẻ thù khôn ngoan hơn khi giao đấu, phối hợp tốt hơn, lấy “máu” lẹ hơn, chúng gợi nhớ lại sự khó khăn khi chiến đấu trong phiên bản đầu tiên.

Nhiều khi mải mê đánh nhau, không chú ý những kẻ đứng ngoài, chúng “phơ” cho vài phát đạn là “lên dĩa” ngay tức khắc! Trừ phi bạn đạt được vũ khí tối thượng cuối game và “học” được hết các kỹ năng chiến đấu, còn bằng không, đừng coi thường đối thủ máy trong Assassin’s Creed: Unity!

Assassin’s Creed: Unity còn đưa vào yếu tố “nhập vai” khi bắt người chơi phải học các chiêu, đòn mà trước đây họ hiển nhiên đã biết: ám sát hai đối thủ một lúc, quăng bom khói hoặc độc dược, kỹ năng bắn súng, v.v. nhờ vậy mà người chơi sẽ cố “cày game” hơn để kiếm điểm học chiêu, các nhiệm vụ có ý nghĩa hơn khi thực hiện và qua đó, việc một chàng sát thủ “chân ướt, chân ráo” mới vào nghề dần dần trở nên lão luyện cũng hợp lý hơn trong mắt người chơi!


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
Assassin’s Creed: Unity

CỐT TRUYỆN HỜI HỢT, TÌNH TIẾT NHIỀU “LỖ HỔNG”!

Dòng game Assassin’s Creed đâu chỉ thu hút người chơi bởi những công trình kiến trúc kỳ vĩ, đâu bởi bối cảnh lịch sử với những nhân vật lịch sử (thông qua cuộc xung đột giữa hai tổ chức Templar và Assassin), mà đan xen vào đó còn là những âm mưu và giả thuyết về chủng loài ngoài hành tinh bí ẩn từng cai trị Trái Đất cách đây rất lâu.

Họ đến đây vì lẽ gì? Vì sao lại tuyệt diệt? Những di sản để lại đã ở đâu và về đâu? Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi nhân vật chính của dòng game, Desmond Miles, hi sinh trong phần ba?

Chính câu chuyện về họ, những người bí ẩn, đã tạo nền tảng và gắn kết chặt chẽ các yếu tố lịch sử, sự kiện và con người kể trên vào để tạo nên sức hút khó cưỡng cho thương hiệu Assassin’s Creed qua nhiều phiên bản.

Thế mà Assassin’s Creed: Unity đã phủi đi tất cả…

Có thể thấy nỗ lực rất lớn của Ubisoft khi họ muốn xây dựng một nhân vật mới, thay thế nhân vật đã mang đến tiếng vang cho dòng game – Ezio Auditore da Firenze, theo cùng một công thức: đẹp trai hơi đểu, đào hoa, gương mặt… cũng có sẹo, một sát thủ tài giỏi, triển vọng và giờ có thêm chuyện tình Paris kiểu “Romeo – Juliet”! Thế là chúng ta có: Arno Victor Dorian.

Sẽ hấp dẫn nếu như Arno không quá “dại gái” mà trở nên yếu đuối (bê tha rượu chè khi “thất nghiệp” lẫn “thất tình”), trong khi Elise lại “quá cứng” (thể hiện qua những hành động dứt khoát đến vô tình), thiếu chất nữ tính và câu chuyện tình của họ cho đến khi kết thúc Assassin’s Creed: Unity không mang lại chút cảm xúc nào cả.

Xuyên suốt câu chuyện tình, các nhân vật phụ cũng xuất hiện khá chóng vánh và hầu như không tạo được ấn tượng bằng loạt nhân vật đã hiện diện trong phần hai.

[su_quote]Cách Mạng Pháp, nền tảng chính của bối cảnh Assassin’s Creed: Unity, vốn vô cùng cuốn hút qua các trailer trước khi game được tung ra, đã không hề hiện diện hoặc chỉ thể hiện “cho có”[/su_quote]

Phản diện chỉ “lướt” qua, chưa đủ độ “ác” để người chơi căm phẫn như trước, chính diện thì hời hợt, “yếu đuối” (hội trưởng Templar và Assassin sao dễ bị “thủ tiêu” thế?).

Có cảm giác, đất diễn cho các nhân vật phụ trong Assassin’s Creed: Unity không đủ, quá ít!

Bàn về mặt logic, xuyên suốt game chàng Arno khá “điên cuồng” đi trả thù vì mặc cảm làm hại “nhạc phụ đại nhân” trong khi không hề mảy may tìm kiếm kẻ thủ ác đã hại cha ruột mình, và tìm hiểu nguyên nhân vì sao?

Cũng chính việc “đôn” câu chuyện tình lên làm “nhân vật chính” mà những điểm mạnh trong nội dung dòng game trước đây như cuộc xung đột giữa Templar-Assassin, chuyển đổi qua lại giữa thực tại và lịch sử, và đặc biệt sự dính líu đến chủng loài ngoài hành tinh – yếu tố then chốt của nội dung Assassin’s Creed, hầu như biến mất hoặc lập lờ đi thấy rõ!

Arno là nhân vật nào ở thời hiện đại? Những kẻ xuất hiện giữa những lần “chuyển tiếp” quá khứ-hiện tại ít ỏi là ai, ngoài việc tự xưng là “Assassin”? Tập đoàn Abstergo đâu rồi? Cổ vật của chủng loài hành tinh cổ xưa để lại có ý nghĩa gì? Thông điệp của họ là gì xuyên suốt game?

Đó là chưa nói đến cuộc Cách Mạng Pháp, nền tảng chính của bối cảnh Assassin’s Creed: Unity, vốn vô cùng cuốn hút qua các trailer trước khi game được tung ra, đã không hề hiện diện hoặc chỉ thể hiện “cho có”.

Đâu rồi khí thế hào hùng “vạn dân” tràn vào lật đổ thể chế quân chủ thối nát? Đâu rồi viễn cảnh phá ngục Bastille hoành tráng như mong đợi? Đâu rồi những cảnh “hạ đao cứu chúng sinh” thoát khỏi máy chém tàn bạo?

Tất cả chỉ là “lừa tình” qua những đoạn trailer và đâu đó chúng được “cắt bỏ” để đưa vào nội dung chơi phối hợp (co-op) mới mẻ, và cũng làm “nát” cả một nội dung hay, nguyên vẹn mà lẽ ra Assassin’s Creed: Unity “đáng phải có”!


Assassin’s Creed: Unity

LỖI TRÀN LAN, NHIỀU VẤN ĐỀ PHI LÝ!

Vấn nạn lớn nhất và cũng là “vết thương chí mạng” của Assassin’s Creed: Unity là lỗi đồ họa.

Chính vì “quá tham vọng” cho một thành phố cực kỳ rộng lớn, dân số lên đến hàng ngàn nhân vật cùng lúc và quá nhiều hiệu ứng đồ họa bắt mắt đã làm cho AnvilNext đảm trách không xuể, đã vậy còn yêu cầu cấu hình máy khá cao từ phía người chơi.

Tụt khung hình, rớt vào không gian vô tận, lỗi diễn hoạt khi đánh nhau (vũ khí và cơ thể không “ăn khớp” với nhau), nhân vật “bơi” trong không khí, mô hình nhân vật xoắn, vặn đủ kiểu, v.v. thôi thì nếu kể ra hết cũng lên đến cả trăm lỗi bới hoài không hết!

Ngoài các lỗ hổng trong tình tiết câu chuyện như đã đề cập, Assassin’s Creed: Unity còn nhiều điều chưa được hợp lý lắm khi chơi.

Chẳng hạn, màn chơi thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, rõ ràng đó là một “thành phố ma” khi chỉ có Arno và các công trình là thật, vậy không hiểu sao lại có…. máy bay chiến đấu tấn công, có lính bắn tỉa “núp lùm” ở đâu đó bắn ra?

Hay để mở các rương xanh ứng với nhiệm vụ Nomad của ứng dụng Assassin’s Creed: Unity Companion, cả bản game chính lẫn ứng dụng hướng dẫn khá mập mờ…

Khó hiểu nhất là việc dù đã trà trộn vào giữa hàng ngàn nhân vật máy, đã núp kỹ, vậy mà người chơi vẫn bị đám lính phát hiện từ khoảng cách “không thể tin được”!

[su_quote]Vấn nạn lớn nhất và cũng là “vết thương chí mạng” của Assassin’s Creed: Unity là lỗi đồ họa[/su_quote]

Và có một điều người viết vẫn không hiểu: tạo ra hàng ngàn nhân vật phụ để làm chi cho nặng máy khi chúng vẫn chỉ là những “hình nhân” di động, không thật sự tác động đến lối chơi?

Bạn va phải người dân khi chạy, họ lầm bầm chửi rủa, hạ sát những kẻ xấu trước mặt “bàn dân thiên hạ” thì cũng chỉ “ô, a, ê” chỉ trỏ rồi thôi, v.v.

Đã qua bao phiên bản rồi mà vẫn vậy, sao Assassin’s Creed không học các game nhập vai khi các hành động sẽ ảnh hưởng đến cục diện và con người? Như vậy sẽ thú vị và tận dụng tốt được sức mạnh của AnvilNext chứ nhỉ!


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Ubisoft Montreal
  • Phát hành: Ubisoft
  • Thể loại: Hành Động
  • Ngày ra mắt: 11/11/2014
  • Hệ máy: PC | PS4 | Xbox One
  • Giá tham khảo: 59.99 USD

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows® 7 (SP1) / 8 / 8.1 / (64-bit)
  • CPU: Intel Core i5-2500K @ 3.3 GHz hoặc AMD FX-8350 @ 4.0 GHz
  • RAM: 6GB
  • VGA: NVIDIA GeForce GTX 680/AMD Radeon HD 7970 (2 GB VRAM)
  • Hard Drive: 50 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • HĐH: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Intel i7-6700K 4.0 GHz
  • RAM: 16GB
  • VGA : INNO 3D iChill GTX 1070Ti 8GB
  • HDD: Seagate Barracuda 1 TB 7200 rpm

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI UBISOFT

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC


BÀI MỚI NHẤT


6.5

Đúng ra, với nhiều đổi mới tích cực, Assassin's Creed: Unity sẽ là một thành công lớn nữa của Ubisoft. Nhưng rồi, sự bất ổn định của engine game đã gây ra vô số lỗi đồ họa "tày đình" và kịch bản cùng các tình tiết không đâu ra đâu của nó, đã "hạ sát" nốt niềm lạc quan của những người hâm mộ dòng game.



Liệu rằng cuộc phiêu lưu sang London năm sau của thương hiệu Assassin's Creed sẽ đi đâu, về đâu...