Asterigos: Curse of the Stars – Ngày nay thì cụm từ “game Soulslike” đã không còn mấy xa lạ gì với cánh game thủ khi thị trường đã xuất hiện rất nhiều những tựa game mang phong cách này.
Chỉ riêng từ đầu năm tới nay, sau khi bom tấn “chính chủ” do nhà FromSoftware “trồng” Elden Ring kích nổ và gặt hái được vô số thành công, thì cũng có khá nhiều những cái tên khác lần lượt bước chân vào con đường “khắc khổ” này có thể kể đến như Thymesia, Steelrising hay thậm chí là Lies of Pi và Wo Long: Fallen Dynasty vừa mới được công bố rất đình đám gần đây.
Nhưng không dễ gì khi ta thấy một đội ngũ mới toanh đến từ đất nước Đài Loan, mang tên Acme Gamestudio, giới thiệu tựa game đầu tay của họ mang tên Asterigos: Curse of the Stars lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp và mang lối chơi đậm chất Soulslike.
Vậy hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu xem liệu Asterigos: Curse of the Stars có làm “ra ngô, ra khoai” gì không hay lại chìm mất hút giữa hằng hà sa số các tựa game từng “cộp” mác Soulslike?
BẠN SẼ THÍCH
Soulslike nhưng… dành cho mọi nhà!
Như đã đề cập, lối chơi của Asterigos: Curse of the Stars là sự kết hợp của những nét đặc trưng từng tạo nên tên tuổi cho thương hiệu Dark Souls, với một tựa game hành động nhập vai truyền thống.
Ngoài việc người chơi có thể phân bổ các chỉ số phát triển nhân vật mỗi khi thăng cấp như mức tấn công vật lý, độ sát thương pháp thuật, thì cũng rất dễ để nhận ra những nét quen thuộc như thanh thể lực “Stamina” hay kỹ năng nhảy tránh đòn của đối phương tận dụng triệt để các i-frame (tạm dịch là những khung hình miễn nhiễm mọi sát thương – NV).
Tuy nhiên, Asterigos: Curse of the Stars có phần “dễ thở” hơn rất nhiều trong chiến đấu khi thanh Stamina không hề hao hụt khi sử dụng các đòn tấn công cơ bản và sau mỗi lần hồi sinh thì điểm kinh nghiệm của người chơi cũng chỉ bị giảm đi một phần nhỏ, chứ không hoàn toàn “bay” mất hay phải khổ cực chạy tới tận nơi “nhặt” lại như thường thấy ở các tựa game Soulslike khác.
Chưa kể một chi tiết khá “lạ”, không biết vô tình hay cố ý mà game có cả chức năng tự lưu game (manual save), đồng nghĩa với việc người chơi có thể thoải mái “save” trước các trận đánh trùm hay khi sắp bước chân tới những vùng đất lạ mà nếu có lỡ hi sinh quá nhiều thì chỉ cần a-lê-hấp, nạp (load) lại game một phát là xong, không bị mất đi điểm kinh nghiệm nào cả.
Asterigos: Curse of the Stars còn rất dễ tiếp cận khi có khả năng tùy chỉnh cấp độ khó ở ba mức khác nhau.
Nếu ưa thích thử thách tột độ thì bạn hãy thử “nằm gai nếm mật” với cấp độ Challenge, khi nhân vật Hilda có thể “về làng” chỉ từ một nhát đánh duy nhất từ trùm (boss) hay ung dung trải nghiệm các đường “build” (xây dựng) nhân vật khác nhau ở cấp độ thấp nhất: Story Mode.
Tín đồ của các tựa game từ hãng FromSoftware cũng sẽ rất dễ để làm quen với một loại “bonfire” khác: Conduit, dùng làm điểm lưu tạm (checkpoint) và cũng có chức năng hồi phục cho Hilda, đồng thời… hồi sinh tất cả kẻ thù ở trong khu vực!
Thêm nữa, khu vực Hub trong Asterigos: Curse of the Stars hay còn gọi là Shelter, cứ địa của tổ chức Adherents, cũng có cơ chế tương tự như Firelink Shrine của dòng game Dark Souls khi người chơi có thể tự do tương tác với các nhân vật NPC, giao nhận các tuyến nhiệm vụ chính, phụ hay tìm đến thợ rèn để chế tạo, nâng cấp trang bị từ các nguyên liệu thu thập được.
Một số NPC đặc biệt cũng sẽ lần lượt xuất hiện tại đây sau các sự kiện diễn ra trong game và Hilda có thể thu thập một số bảo bối đặc biệt về cho nhân vật thương gia để mở rộng kho đồ của hắn và giao thương được trao đổi bằng Stardust, đơn vị điểm kinh nghiệm nhân vật (giống như Runes trong Elden Ring)
Kho chứa đồ trong game cũng tương đối đa dạng, người chơi sẽ có ba ô phím tắt để sử dụng nhanh các loại vật phẩm từ bình máu để hồi phục cho đến các loại binh khí tầm xa như bom hay phi tiêu.
Asterigos: Curse of the Stars cũng có thiết kế màn chơi tuyến tính như Dark Souls 3, tức là toàn bộ bản đồ được chia nhỏ ra thành nhiều khu vực nhỏ biệt lập nhưng có liên thông với nhau qua các lối đi và có thể “mở khóa” thêm các đường tắt (shortcut) sau khi người chơi tiêu diệt xong một con trùm hay thực hiện một tác vụ nào đó.
Asterigos: Curse of the Stars có phần “dễ thở” hơn rất nhiều trong chiến đấu
Giá trị chơi lại khá cao
Điểm khác biệt lớn nhất ở Asterigos: Curse of the Stars so với các game Soulslike nằm ở việc Hilda có thể sử dụng cùng lúc hai loại vũ khí tự chọn để phối hợp trong chiến đấu, với 6 món được trang bị sẵn ngay từ đầu game.
Mỗi loại được chia theo 3 trường phái chính gồm: phòng ngự (kiếm khiên, giáo), cận chiến (song dao, búa) và pháp thuật (gậy phép, vòng tay) và khi combo với nhau từ hai nút bấm sẽ cho ra các kiểu đánh hoàn toàn khác.
Ngoài ra người chơi còn có thể “vọc” nhiều đường “build” với một thanh kỹ năng (skill tree) gọi là Talent được hãng game đầu tư chăm chút khá đa dạng và chi tiết, một yếu tố mà thường ít được quan tâm ở nhiều game 3D indie khác cùng thể loại.
Các Talent này không chỉ đơn giản là các “buff” (hỗ trợ) thụ động (passive) hay cường hóa thêm chỉ số trạng thái nhân vật, mà còn dùng để liên kết mở khóa ra những tuyệt chiêu (skills) mới cực kỳ mãn nhãn và lợi hại cho từng loại vũ khí.
Người chơi sẽ tự trang bị các kỹ năng này vào 4 nút tắt, còn thanh mana để xài chiêu thì sẽ từ hồi phục mỗi khi Hilda bị trúng đòn hay gây sát thương lên đối phương.
Hilda còn có khả năng phù phép thuộc tính lên các loại vũ khí từ các nguyên tố cơ bản như lửa, băng, sấm sét giúp khai thác triệt để điểm yếu của mỗi loại địch thủ.
Nhìn chung, dù kho binh khí giới hạn nhưng khả năng kết hợp được chúng với nhau và quá trình nâng cấp, mở thêm các tuyệt chiêu bá đạo luôn giúp mang lại những cảm xúc mới lôi cuốn người viết quay trở lại với thế giới trong Asterigos: Curse of the Stars.
Chưa kể, với thông điệp của hãng game, “choice that matter”, một vài lựa chọn hội thoại khác nhau của Hilda còn có thể dẫn đến các kết cục hay các tình huống khác nhau về cuối game.
Cuối cùng, tâm điểm của dòng game Soulslike thì không thể không nhắc đến những trận đấu trùm thư hùng và hồi hộp đến nghẹt thở, từ những con mini-boss cho đến các trùm cuối án ngữ mỗi chương trong game đều có thiết kế rất ấn tượng, cả về hình thức lẫn cách đánh cho đến cả phần nhạc nền.
Điểm khác biệt lớn nhất ở Asterigos: Curse of the Stars so với các game Soulslike nằm ở việc Hilda có thể sử dụng cùng lúc hai loại vũ khí tự chọn để phối hợp trong chiến đấu
BẠN SẼ GHÉT
Ít tùy biến!
Asterigos: Curse of the Stars giẫm vào lối mòn của nhiều tựa game nhập vai tuyến tính khi các ngõ tắt hay lối đi bí mật mà người chơi có thể tình cờ hay chủ ý khám phá được thường không có giá trị bất ngờ, mà nói đúng hơn là rất dễ thất vọng!
Suốt nửa đầu game hầu như vật phẩm mà người viết “mở hòm” được chỉ vỏn vẹn xoay quanh một loại tài nguyên dùng để nâng cấp trang bị hay chỉ là các bình máu khá chán.
Ví dụ như game Sekiro có không gian màn chơi tương đồng nhưng nếu chịu khó tìm tòi người chơi có thể tìm thấy những vật phẩm, trang bị cực kỳ lợi hại hay cả những con trùm ẩn rất độc đáo!
Mà nhắc tới Sekiro thì cũng hơi tiếc khi trong Asterigos: Curse of the Stars người viết không thể thay đổi số phận của một vài nhân vật hay tự do khám phá bản đồ. Nói đúng hơn, nhiều lúc cho dù lựa chọn hay hành động thế nào thì cũng chỉ quy về một kết quả, một con đường mà thôi.
Và cũng khá buồn khi ngoài một vài bộ trang phục theo kiểu “đổi gió” thì nhân vật chính Hilda hầu như không có thay đổi gì mấy về bề ngoài, trái với các game nhập vai khác khi trang phục không chỉ vừa bắt mắt mà còn hữu dụng khi có các chỉ số hoặc buff nào đó hỗ trợ cho người chơi.
Asterigos: Curse of the Stars giẫm vào lối mòn của nhiều tựa game nhập vai tuyến tính
Còn vài “hạt sạn”
Game cũng còn nhiều khía cạnh chưa thật sự được mài dũa tốt, điển hình như việc thiết kế môi trường còn trùng lặp, chất lượng bề mặt vật liệu sơ sài, giả lập ánh sáng quá cơ bản hay diễn hoạt của nhân vật còn bị “đơ” và gượng trong nhiều tình huống.
Ở phiên bản 1.0 trên hệ máy PC, game cũng vấp vài đoạn “ổ gà” về hiệu năng hay còn chưa thật sự tương thích với chuột, bàn phím.
Góc cam của game cũng khá khó chịu, đặc biệt trong là trong không gian hẹp dễ dẫn đến các tình huống bị đánh úp hay hội đồng mà không kịp trở tay. Chưa kể, A.I quân địch cũng không thật sự tối ưu và thỉnh thoảng có nhiều pha xử lý phải gọi là “đi vào lòng đất”.
Game cũng còn nhiều khía cạnh chưa thật sự được mài dũa tốt