Skip to content

Asus ROG Swift PG48UQ – Đánh Giá Gaming Gear

Asus ROG Swift PG48UQ – Một điều hiển nhiên là kích thước màn hình càng lớn, game thủ sẽ tận hưởng game với cảm xúc dạt dào và ấn tượng hơn rất nhiều, thế nên ngành công nghệ đã liên tục đẩy mạnh phát triển và cho ra mắt những mẫu màn hình có kích thước ngày càng lớn hơn.

Những mẫu màn hình truyền thống có kích thước lớn nhất đã “chạm mức” 32 inch, hay thậm chí những màn hình có tỷ lệ siêu rộng 21:9 đã lên tới 34 inch để làm chiều lòng game thủ trên hệ máy PC, thế nhưng ngần ấy vẫn chưa đủ để làm bạn cảm thấy thỏa mãn thì chào mừng bạn đến với “lãnh địa” của những màn hình chơi game siêu lớn (hay thường được gọi là Big Format Gaming Display), một lĩnh vực đầy đắt đỏ chỉ dành cho các game thủ túi tiền dày cộp.

Không nhiều các hãng sản xuất “mặn mà” đưa các dòng màn hình này về thị trường Việt Nam bởi khả năng chi trả còn hạn chế của người dùng trong nước, thế nhưng vừa qua, trong sự kiện workshop 4K Big Format Display tổ chức tại The Vibes, ASUS đã vô cùng “chịu chơi” khi công bố mẫu màn hình BFGD thế hệ thứ hai của mình tại thị trường Việt Nam với phiên bản Asus ROG Swift PG48UQ.

Đây cũng là dòng màn hình chơi game có mức giá cao nhất của ASUS nói riêng và của cả thị trường màn hình chơi game tại Việt Nam nói chung hiện nay.

Vậy mẫu màn hình này có thật sự xứng đáng với giá tiền?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

ASUS ROG SWIFT PG48UQ – TÍNH NĂNG ĐẠT “ĐỈNH” BFGD!

Asus ROG Swift PG48UQ - Đánh Giá Gaming Gear

Đọc đến đây, chắc hẳn không ít bạn đọc thắc mắc rằng đã thích kích thước lớn sao không chơi quách… TV cho gọn và rẻ mà phải lằng nhằng “đẻ” ra thêm khái niệm BFGD cho nó đắt đỏ, thế nhưng trên thực tế, màn hình và TV vẫn luôn là hai khái niệm khác nhau dù chúng có thể sử dụng chung một công nghệ đi nữa.

Do đó, phải nói rằng mặc dù “dùng chung” tấm nền OLED của mẫu màn hình chơi game khổ lớn UltraGear 48GQ900 đến từ LG, những nỗ lực mà ASUS bỏ ra dành cho Asus ROG Swift PG48UQ là rất lớn, xứng đáng với vị trí đầu bảng của các dòng màn hình chơi game BFGD hiện nay.

Trước hết, có thể thấy mẫu màn hình BFGD đầu bảng của ASUS có thiết kế rất riêng biệt theo phong cách của hãng trong một vài năm gần đây với sự chăm chút kỹ lưỡng có thể thấy được qua thiết kế chân đế chữ V với kết cấu bằng kim loại được gia công vô cùng sắc sảo cùng hai đệm chân hình tròn khá nhỏ nhưng tinh tế tăng cường độ vững chãi cho phần hiển thị có kích thước lớn “ngoại cỡ”.

Asus ROG Swift PG48UQ - Đánh Giá Gaming Gear

Nhận diện thương hiệu ROG được thể hiện rõ ràng qua logo tích hợp đèn LED ở mặt trước và lớp vỏ khắc chìm vô cùng sắc sảo ở mặt sau, hệt như trên ASUS Strix XG279Q và các màn hình dòng Strix đời cũ khác.

Nếu so sánh với các mẫu TV hiện có trên thị trường, Asus ROG Swift PG48UQ có độ dày khá lớn.

Vấn đề này chủ yếu do ASUS trang bị một hệ thống tản nhiệt cỡ lớn không chỉ cho bảng mạch điều khiển hiển thị hình ảnh mà còn cho cả tấm nền.

Asus ROG Swift PG48UQ - Đánh Giá Gaming Gear

Theo ASUS, đây là giải pháp về phần cứng giúp cho màn hình có thể được ép xung lên tốc độ quét hình cao hơn cũng như đảm bảo nhiệt độ vận hành và tuổi thọ cho tấm nền OLED, tránh hiện tượng cháy điểm ảnh (hay còn gọi là burn-in) đáng tiếc có thể xảy ra khi sử dụng màn hình trong thời gian dài.

Trên thực tế thì các mẫu màn hình hay TV OLED ra mắt một vài năm trở lại đây rất bền bỉ và trong điều kiện vận hành thực tế rất khó bị hiện tượng cháy hình này, thế nên việc trang bị tản nhiệt cho phần cứng có thể không đem tới hiệu quả có thể thấy rõ ràng được, nhưng cũng tăng thêm độ yên tâm của người dùng khi sử dụng sản phẩm, nhất là với các fan của ROG.

Asus ROG Swift PG48UQ - Đánh Giá Gaming Gear

Cũng tương tự như ASUS Strix XG309CM, cạnh trên màn hình cũng có vị trí bắt ốc cho các phụ kiện ROG khác như camera ROG Eye cho tính năng mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt của Windows Hello hay dùng để live stream chia sẻ khi chơi game.

Khác biệt với các TV thông thường chỉ chấp nhận tín hiệu qua cổng HDMI, Asus ROG Swift PG48UQ thể hiện vai trò của một màn hình dành cho PC với việc được trang bị cổng DisplayPort 1.4, ngoài ra bạn còn có thể tùy chọn tín hiệu hình ảnh qua cổng HDMI 2.0 thông thường cho các thiết bị phát thông minh hay cổng HDMI 2.1 cho các hệ máy chơi game thế hệ mới như PlayStation 5 và XBOX Series X để tận dụng tối đa tốc độ quét hình siêu cao của màn hình.

Asus ROG Swift PG48UQ - Đánh Giá Gaming Gear

Phần màn hình hiển thị được thiết kế với cả bốn cạnh viền vô cùng mỏng với lớp phủ chống chói đặc biệt đến từ ASUS.

Nhờ vào độ dày vô cùng khiêm tốn của tấm nền OLED, nhờ đó mà mẫu màn hình BFGD thế hệ mới của ASUS trông không quá lớn hơn nhiều so với tiền nhiệm ASUS ROG Strix XG438Q sử dụng công nghệ LCD truyền thống.

Tấm nền này sử dụng công nghệ WOLED trứ danh của LG với độ phân giải 3840x2160p và tốc độ quét hình được ASUS “ép xung” từ mức 120Hz thông thường lên đến 138Hz, cao nhất trong các dòng màn hình BFGD có mặt trên thị trường hiện nay, và cũng đủ nhanh để đem đến những chuyển động mượt mà nhất trong các tựa game hành động.

Asus ROG Swift PG48UQ - Đánh Giá Gaming Gear

Mức chênh lệch không quá nhiều để có thể làm nên sự khác biệt rõ nét, thế nhưng nó vẫn là thông số bảo chứng cho ngôi vị dẫn đầu của Asus ROG Swift PG48UQ trong thế giới màn hình chơi game cỡ siêu lớn.

Một yếu tố khác vô cùng quan trọng khiến cho các màn hình máy tính tách biệt hẳn với các TV chính là độ trễ hiển thị.

Với hầu hết các TV hiện đại, việc hiển thị của hình ảnh trải qua một chuỗi những quá trình xử lý tiền kỳ và hậu kỳ nhất định, điều này đem lại chất lượng hình ảnh tốt nhất cho người xem (theo cách mà các hãng thiết lập), nhưng cũng để lại độ trễ tín hiệu nhất định cho hình ảnh, thậm chí con số này có thể lên đến thàng trăm mili giây với các TV đời cũ và có cải thiện phần nào với các mẫu TV ra mắt gần đây.

Chính vì thế, để đáp ứng được nhu cầu của các game thủ chơi các hệ máy console, các hãng sản xuất TV thường phải tinh giản bớt quá trình xử lý này, hy sinh một phần chất lượng hình ảnh để cho ra đời Game Mode với mức độ trễ tín hiệu ở mức chấp nhận được, nhưng vẫn có thể nhận ra với những tựa game cần đến chuyển động nhanh chóng như DOOM Eternal hay Scathe.

Với Asus ROG Swift PG48UQ, độ trễ tín hiệu được ASUS ở mức vô cùng thấp, khó lòng có thể cảm nhận được, nhất là khi thử nghiệm với tựa game God of War PC, gần như các động tác của Kratos đáp ứng tức thì các chỉ lệnh trên chuột và bàn phím khiến cho các pha chiến đấu diễn ra dễ dàng hơn rất nhiều khi chơi trên các hệ máy console và TV truyền thống.

Chất lượng hiển thị và màu sắc của tấm nền OLED là trên cả tuyệt vời với màu đen sâu, khả năng hiển thị màu sắc lên đến 10bit thay vì 8bit như trên các màn hình thông thường, đem đến một “bữa tiệc thịnh soạn” của màu sắc với các game thủ.

Một ưu điểm khác của màn hình so với TV là tín hiệu được cấu hình tín hiệu đầy đủ thay vì sử dụng các chuẩn nén màu Chrome Subsampling, thế nên chữ viết trên các văn bản là rõ nét, dễ dàng sử dụng để soạn thảo văn bản hay duyệt web thông thường chứ không nhòe như trên các TV truyền thống.

Bên cạnh đó là các tiện ích hỗ trợ thường thấy của ASUS tích hợp vào menu OSD như tạo hồng tâm ảo, các thiết lập hình ảnh sẵn có theo thể loại game…

Đặc biệt hơn cả là công cụ Screen Protection với “trọn bộ” 4 tính năng bảo vệ màn hình bao gồm trình hiển thị bảo vệ màn hình (Screen Saver), làm mới lại pixel (Pixel Cleaning), dịch chuyển màn hình để tránh các hình ảnh tĩnh quá lâu dài (Screen Move), hay giảm độ sáng cho các logo tĩnh (Adjust logo brightness).

Về tổng thể, Asus ROG Swift PG48UQ là màn hình BFGD tốt nhất trên thị trường hiện nay với khả năng thể hiện ấn tượng của màn hình OLED, sức mạnh vượt trội của các công nghệ tích hợp cũng như các biện pháp bảo vệ cả phần cứng lẫn phần mềm có thể giúp bạn yên tâm “chiến đấu” trong thời gian dài.

BẠN SẼ GHÉT

ASUS ROG SWIFT PG48UQ – MỨC GIÁ & ĐỘ SÁNG!

Là sản phẩm dẫn đầu thị trường màn hình chơi game BFGD, thế nhưng mức giá lên đến gần 150 triệu đồng của Asus ROG Swift PG48UQ cũng khiến không ít các game thủ phải chùn tay.

Mức giá này cao gần gấp nhiều lần mẫu màn hình chơi game BFGD sử dụng tấm nền OLED đến từ các hãng sản xuất khác, hay thậm chí còn cao hơn cả những mẫu TV OLED dòng EVO cỡ lớn đến từ LG làm người dùng phải cân nhắc nhiều thêm.

Bên cạnh đó, mẫu màn hình này vẫn sử dụng công nghệ tấm nền WOLED thế hệ hiện tại chứ không phải tấm nền EVO trang bị trên các TV LG mới ra mắt gần đây, thế nên độ sáng của màn hình chỉ ở mức trung bình khá với độ sáng tối đa chỉ vào khoảng 500cd mà thôi, trong khi một số màn hình chơi game cao cấp hiện đại sử dụng công nghệ LCD đã có thể đạt chuẩn HDR 600 hoặc cao hơn nữa.

Điều này cũng làm giảm phần nào độ ấn tượng của màn hình khi hiển thị các nội dung có độ sáng cao.

Cuối cùng, dù được trang bị một loa sub tích hợp để thể hiện dải bass, thế nhưng chất lượng loa trên mẫu màn hình hàng đầu này vẫn chỉ ở mức tạm chấp nhận được, hơi gây thất vọng đôi chút với một mẫu màn hình có mức giá cao hàng đầu hiện nay.

Bạc 8.0

Asus ROG Swift PG48UQ thể hiện vai trò lá cờ đầu trong nhóm các màn hình BFGD hiện nay với những công nghệ "khủng" mà ASUS thửa riêng cho sản phẩm của mình, nhưng mức giá cao và một số yếu tố nhỏ còn hạn chế cũng khiến không ít game thủ chùn tay.

  • Tên sản phẩm
    Asus ROG Swift PG48UQ
  • Nhà sản xuất
    ASUS
  • Xuất xứ
    Đài Loan
Sản phẩm được hỗ trợ bởi ASUS.