ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB – Sau sự thành công của dòng sản phẩm “cú đêm” STRIX dành cho game thủ, ASUS lại tiếp tục cho ra mắt một dòng sản phẩm mới với tên gọi khá ngắn gọn “TUF”, một cách chơi chữ của từ “tough” có nghĩa là bền bỉ.
Đây là dòng sản phẩm được hãng thiết kế và chế tạo với phương châm “ăn chắc mặc bền”, hướng tới các game thủ không quá quan tâm đến các hoa văn màu mè, hệ thống đèn LED RGB sặc sỡ hay sức mạnh ép xung ở tầm cao, mà truy cầu khả năng hoạt động ổn định, bền bỉ trong thời gian dài.
Nhờ đó mà các sản phẩm dòng TUF đều được người dùng đánh giá cao và đón nhận dồn dập, nhất là với những chip xử lý đồ họa nổi tiếng tỏa nhiều nhiệt, gây lo lắng cho cộng đồng người dùng kỹ tính như RX 5700 thì phiên bản ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB vẫn đem lại sự tin tưởng và yên tâm đến với cộng đồng game thủ.
Vậy phiên bản RX 5700 của của dòng sản phẩm TUF có thực sự “sáng giá” như vậy?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
ASUS RX 5700 TUF GAMING X3 8GB – THIẾT KẾ “HẠNG NẶNG”!
Kể từ ngày ra mắt trên thị trường, dòng sản phẩm TUF thường chia sẻ một ngôn ngữ thiết kế chung sở hữu tản nhiệt cỡ lớn, cánh quạt tương đối nhỏ và lớp hoa văn sổ chéo trên “mặt nạ” phía trước, và điều này cũng không hề ngoại lệ với ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB.
Thậm chí nếu so sánh với mẫu sản phẩm phân khúc trung – cao cấp đến từ “đội xanh” là ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 mà Vietgame.asia từng giới thiệu với bạn đọc, mẫu card đồ họa của chúng ta gần như chẳng khác biệt là bao trong khâu thiết kế vỏ hộp, trừ việc tông màu xanh chuối được thay thế bằng tông màu đỏ cam quen thuộc của các sản phẩm đến từ AMD.
[su_quote]mẫu card đồ họa của chúng ta gần như chẳng khác biệt là bao trong khâu thiết kế vỏ hộp, trừ việc tông màu xanh chuối được thay thế bằng tông màu đỏ cam quen thuộc[/su_quote]Tuy nhiên, ASUS đã thay đổi đôi chút cách thức đóng gói đối với mẫu card đồ họa của mình bằng một bao bì nylon bó chặt mẫu card đồ họa của chúng ta vào trong vỏ hộp thay vì “thả rông” với một lớp vỏ nylon như thông thường. Có lẽ vì mẫu card lần này khá nặng nên hãng phải thay đổi cách đóng gói để tránh cho sản phẩm rung sốc trong quá trình di chuyển, dễ làm hư hỏng linh kiện bên trong.
Ấn tượng đầu tiên của người viết đối với ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB chính là ở kích thước và khối lượng nặng nề của mẫu sản phẩm này vượt qua rất xa phiên bản ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 trước đây với hai quạt tản nhiệt có kích thước lớn và 1 quạt chính giữa có kích thước nhỏ hơn chút ít.
Thân card khá dày với một bộ tản nhiệt tương đối đồ sộ, “chiếm dụng” hầu hết chiều dài và không gian mặt trước của sản phẩm với bốn ống dẫn nhiệt mạ kền sáng bóng tiếp xúc trực tiếp với khu vực chip GPU RX 5700.
Các tấm tản nhiệt được trang đều thành hai bộ phận chính, giải nhiệt được cho cả dải VRM cấp điện. Đây là một chi tiết khá quan trọng đối với các card đồ họa dòng Navi hiện nay do có không ít mẫu sản phẩm không đủ chú trọng đến khu vực này, gây ra hiện tượng sụt xung nhịp và tụt khung hình như trên Sapphire Pulse RX 5500 XT 4G.
Mặt sau của card cũng được trang bị một “áo giáp” khá dày và cứng cáp được trang trí khá đẹp mắt với các họa tiết tương tự mặt trước và logo TUF khắc chìm. Tấm giáp lưng này được bắt bằng đai ốc cỡ lớn vào tấm giáp đệm đỡ mặt trên của bảng mạch, tất cả tạo thành một bộ khung dạng hộp vô cùng cứng cáp bảo vệ cho bảng mạch và các linh kiện bên trên nó khỏi độ trĩu nặng của bộ tản nhiệt dày nặng.
Mặt trên của card là nơi duy nhất mà ASUS “trang trí” sản phẩm bằng đèn LED RGB. Từ vị trí này có thể thấy độ dày tổng thể của ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB là khá lớn, thậm chí “che” sang cả khu vực của khe PCIe thứ hai, rất khó cho người dùng nếu sử dụng các phụ kiện trên khe cắm này vì không gian “chừa lại” cho các quạt tản nhiệt là khá nhỏ.
Khác với phiên bản Strix cần cấu hình cấp điện 8+8pin với khả năng tự ép xung ở mức cao, phiên bản TUF chỉ đòi hỏi cấu hình cấp điện 6+8pin mà thôi, nhưng người dùng vẫn cần một bộ nguồn có công suất tối thiểu 600W để có thể vận hành “trơn tru” mà không gặp hiện tượng sụt nguồn.
Bộ tản nhiệt “cỡ đại” trên sản phẩm hoạt động vô cùng hiệu quả, khi stress test thử với phần mềm FurMark, nhiệt độ tối đa mà người viết thu được chỉ ở mức 78 độ mà thôi.
Về mặt thiết kế, có thể nói ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB đảm bảo được tiêu chí “ăn chắc mặc bền” của dòng sản phẩm TUF, đồng thời đem lại một khả năng tản nhiệt hiệu quả, chắc chắn sẽ làm hài lòng các game thủ và những người làm việc cần đến sức mạnh đồ họa, muốn gắn bó lâu dài với mẫu card màn hình của mình.
ASUS RX 5700 TUF GAMING X3 8GB – SỨC MẠNH ĐƯỢC TĂNG CƯỜNG!
Cấu hình thử nghiệm thực tế:
CPU: Intel Core i7 8700
Mainboard: ASUS Z370 E-Gaming
RAM: 2x Geil Luce 8GB 2666MHz
SSD: Gigabyte 240GB
Bắt tay vào thử nghiệm thực tế, ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB cho thấy sức mạnh đáng ghi nhận trong tầm giá với mức chênh không đáng kể so với phiên bản tham chiếu AMD RX 5700 sử dụng tản nhiệt lồng sóc trước đây.
Ở phép thử 3DMark FireStrike, hệ thống đạt 19,739 điểm trong khi với cùng hệ thống thử nghiệm, phiên bản tham chiếu cũng đạt mức 19,365 điểm. Điều tương tự cũng xảy ra với phép thử dựng hình trên nền DirectX12 là 3DMark Time Spy với 7,800 điểm, chênh nhẹ so với mức 7,700 điểm trên phiên bản tham chiếu mà thôi.
Nếu so sánh với một sản phẩm sử dụng GPU “đàn em sát sườn” Gigabyte RX 5600 XT Gaming OC 6G thì khoảng cách về điểm số mới tỏ ra có đôi chút ấn tượng, đạt mức 10% ở cả hai phép thử chứ không còn bị “dí sát nút” như với phiên bản tham chiếu.
Mặc dù vậy, nếu so sánh với một “đối thủ ngang cơ” là RTX 2060 Super trên mẫu card đồ họa Gigabyte RTX 2060 Super Gaming OC 8G thì ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB chỉ nhỉnh hơn trong phép thử dựng hình thông thường, nhưng lại thua sút trong phép thử dựng hình trên nền DirectX12. Tuy các thử nghiệm này không thể hiện rõ nét sức mạnh của các card đồ họa khi chơi game thực tế, nhưng nó cũng phản ánh phần nào khuynh hướng thể hiện của chúng trong game.
Khi thử nghiệm thực tế với các game nặng hiện hành, điều đáng ngạc nhiên là nếu so sánh với phiên bản tham chiếu, mẫu card đồ họa dòng TUF của ASUS thua sút ở một số game mới. Vấn đề này xảy ra một phần là do Assasin’s Creed: Odyssey, Gears 5 và Total War: Three Kingdoms đều nhận được vài bản cập nhật cả về vân bề mặt (texture) lẫn cơ chế vật lý có dung lượng lên đến cả chục GB so với thời kỳ đầu người viết thử nghiệm các game này, khiến cho game trở nên nặng nề hơn. Một lý do khác sẽ được đề cập đến ở phần sau của bài viết giải thích rõ hơn cho vấn đề này.
Thế nhưng với những game có tính ổn định cao hơn như Shadow of the Tomb Raider hay DOOM thì mẫu card đồ họa thử nghiệm của chúng ta tỏ ra vượt trội hay chí ít là ngang ngửa với phép thử trên phiên bản tham chiếu.
Điều đáng ghi nhận là tất cả các thử nghiệm ở mức thiết lập cao nhất (ngoại trừ Gears 5 ở mức High) ở độ phân giải 1080p đều cho ra kết quả ở mức cao, đủ sức cho game thủ thoải mái “thưởng thức” game mà không gặp phải bất kỳ vấn đề rắc rối nào khác ngay cả khi bạn nâng độ phân giải lên mức 1440p đã trở nên khá phổ biến trong thời gian gần đây.
Về mặt sức mạnh, người viết cũng khá hài lòng với ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB, khi mẫu sản phẩm này có thể dễ dàng “gánh” các game nặng ra mắt trong thời gian gần đây, thậm chí với các game thủ “hardcore” ưa thích mục chơi mạng của các game này cũng có thể dễ dàng “tận hưởng” chúng ở tốc độ hệt như chơi các game thể thao điện tử hạng nhẹ.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
TẢN NHIỆT CHO VRAM VÀ MỨC GIÁ
Mặc dù là một sản phẩm có thiết kế tốt và sức mạnh thuộc hàng cao cấp, thế nhưng ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB vẫn tồn tại một vài vấn đề nhỏ mà bạn cần cân nhắc.
Vấn đề thứ nhất nằm ở các chip RAM đồ họa trên mẫu sản phẩm này không được tản nhiệt tốt do không tiếp xúc trực tiếp với tấm tản nhiệt mà chỉ dựa vào lượng gió tự nhiên của các quạt thổi ra, chính vì thế mà nếu đã sử dụng trong một thời gian dài, các chip VRAM này bị nóng lên khá nhanh, và hệ quả tất yếu là tốc độ RAM sẽ được tự động giới hạn.
Điều này khiến cho tốc độ card sẽ ở mức tốt nhất khi mới chơi (quá trình người viết chấm điểm hệ thống với trình 3DMark), nhưng sau đó lại bị giảm sút đôi chút khi người viết bắt đầu thử nghiệm với các game thực tế. Khi phát hiện vấn đề này, người viết thoạt tiên dự định chờ máy nguội rồi chấm điểm lại, nhưng cuối cùng vẫn giữ nguyên kết quả cũ để đảm bảo sản phẩm cho ra kết quả gần nhất với điều kiện hoạt động thực tế.
Trên thực tế, bạn có thể… mặc kệ vấn đề này vì nó ảnh hưởng khá nhỏ đến điều kiện vận hành của sản phẩm, nhưng nếu muốn khai thác tối đa sức mạnh mẫu card đồ họa của mình, bạn có thể “độ” thêm những miếng dán tản nhiệt VRAM cỡ nhỏ để giảm nhiệt độ vận hành cho chúng.
Một vấn đề nhỏ khác là mức giá của ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB khi không có khuyến mãi ở mức khá cao (12.4 triệu đồng), thậm chí cao hơn cả phiên bản AMD RX 5700XT “nguyên bản” hay chỉ thua sút đôi chút so với phiên bản làm lại (custom) giá rẻ của các hãng khác. Điều này cũng phần nào làm giảm sức cạnh tranh cho mẫu card đồ họa bền bỉ này của ASUS khi người dùng quyết định “xuống tiền”.
[su_quote]nếu đã sử dụng trong một thời gian dài, các chip VRAM này bị nóng lên khá nhanh, và hệ quả tất yếu là tốc độ RAM sẽ được tự động giới hạn[/su_quote]GIÁ THAM KHẢO
10,990,000đ
THAM KHẢO
THÔNG TIN
- Tên sản phẩm: ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB
- Nhà sản xuất: AMD
- Xuất xứ: Mỹ
BÀI MỚI NHẤT
- Capcom công bố Monster Hunter Outlanders! – Tin Game
- STALKER 2: Heart of Chornobyl cập nhật cấu hình PC! – Tin Game
- Stellar Blade sẽ đặt chân lên PC trong năm 2025! – Tin Game
- 2XKO hé lộ lối chơi của Jinx! – Tin Game
- Indiana Jones and the Great Circle hé lộ trailer lối chơi mới! – Tin Game
- Stellar Blade hé lộ ngày ra mắt DLC “bắc cầu” với Nier: Automata! – Tin Game