ASUS Strix XG309CM – Dòng màn hình kích thước siêu rộng tỷ lệ 21:9 mặc dù vô cùng hấp dẫn khi đem lại trải nghiệm điện ảnh cho người dùng, đặc biệt là nhóm các cộng đồng game thủ, thế nhưng kích thước quá lớn, thường từ 34 inch trở lên với mức giá vô cùng đắt đỏ cũng phần nào hạn chế sự “phổ cập” của dòng màn hình này.
Mãi cho đến gần đây, khi các mẫu màn hình có kích thước vừa vặn hơn, chỉ 30 inch bắt đầu xuất hiện trên thị trường, người dùng mới có những lựa chọn phù hợp hơn cả về giá tiền lẫn kích cỡ
Trong các hãng sản xuất màn hình trên thị trường hiện nay, ASUS có thể xem như nhà sản xuất “hăng hái” nhất với chuẩn màn hình siêu rộng cỡ nhỏ này khi tung ra ngay phiên bản ASUS TUF Gaming VG30VQL1A hồi đầu năm nay.
Cũng trong sự kiện workshop 4K Big Format Display tổ chức tại The Vibes vừa qua hãng lại tiếp tục giới thiệu đến người dùng phiên bản ASUS Strix XG309CM trang bị màn hình tấm nền Rapid IPS để phục vụ cho người dùng game thủ có yêu cầu cao về chất lượng hiển thị.
Với tấm nền mới, liệu mẫu màn hình này có đủ sức chiều lòng các game thủ khó tính?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
ASUS STRIX XG309CM – TÍNH NĂNG MẠNH MẼ!
Trong cách sắp xếp của ASUS hiện nay, dòng sản phẩm Strix thường được xếp cao hơn một chút so với dòng sản phẩm TUF “ăn chắc mặc bền” với thiết kế và tính năng tốt hơn, nhắm tới cộng đồng game thủ chuyên nghiệp.
Thế nên không lạ gì ngay từ cái nhìn đầu tiên, ASUS Strix XG309CM đem lại cho người xem cảm giác ấn tượng hơn hẳn phiên bản sử dụng tấm nền VA dòng TUF.
Trước hết, với ưu điểm góc nhìn rộng của tấm nền IPS cùng kích thước hiển thị không quá lớn, chỉ tương đương màn hình kích thước 27 inch thông thường, mẫu màn hình đời mới này của ASUS có thiết kế phẳng thay vì thiết kế cong nhẹ như phiên bản dòng TUF.
Chân đế vẫn được làm dưới dạng chữ V quen thuộc, nhưng mang chút hơi hướm “tên lửa” của các mẫu màn hình dòng Strix trước đây như mẫu ASUS Strix XG279Q thay vì phong cách đơn giản như trên phiên bản TUF.
Điểm đáng chú ý là mặt sau màn hình được thiết kế đơn giản, không còn các hoa văn mang đậm tính viễn tưởng và logo ROG được trang trí bằng đèn LED RGB như các mẫu màn hình trước đây.
Phần “màu mè” này được chuyển về cho một đèn chiếu dạng projector ở mặt dưới màn hình, hắt logo ROG xuống mặt bàn tương tự như mẫu đèn tích hợp trong chân đế của ASUS ROG Srix XG35VQ trước đây.
Cách bố trí này trên ASUS Strix XG309CM là vô cùng sáng tạo phù hợp với điều kiện sử dụng thực tế của đa số người dùng, bởi lẽ trong hầu hết các trường hợp, game thủ đặt màn hình quay lưng vào tường và công suất đèn RGB khá yếu trên logo ROG như các thế hệ trước đây không mang lại bất kỳ ý nghĩa trang trí trên thực tế nào.
Ngoài ra, mẫu màn hình chơi game này còn có khả năng kết nối với PC/laptop thông qua cổng USB Type C để đóng vai trò một USB hub với 2 cổng USB 3.2 Gen 1 Type-A có tốc độ truyền tải lên đến 5Gbps.
Cổng USB Type C này cũng đạt chuẩn cấp điện Power Delivery 15W tương tự như các mẫu màn hình chơi game thời thượng hiện nay để sạc cho các thiết bị di động như điện thoại thông minh hay máy tính bảng, hơi đáng tiếc một chút là công suất này không đủ để vừa kết nối xuất hình vừa sạc cho các thiết bị lớn hơn như laptop hay Steam Deck.
Ngoài ra, chân trụ của màn hình còn “chừa lỗ” để người dùng gắn thêm các phụ kiện trong hệ sinh thái ROG như webcam ROG Eye để có thể live stream khi đang chơi game với chất lượng hình ảnh cao.
Phần hiển thị của màn hình vẫn được chế tạo với ba viền mỏng vô cùng sexy với tấm nền Rapid IPS có độ phân giải Full-HD+ 2560×1080 và tốc độ quét hình cao lên đến 220Hz.
Với kích thước chỉ 30 inch, độ phân giải Full-HD+ trên ASUS Strix XG309CM là hoàn toàn đủ cho các tác vụ hàng ngày cũng như chơi game mà không bộc lộ hiện tượng rỗ hình như trên các màn hình kích thước lớn khác.
Chất lượng màu sắc của tấm nền IPS là vô cùng ấn tượng nếu so sánh với tấm nền VA trang bị trên phiên bản TUF đồng cấp.
Mặc dù có độ tương phản kém hơn, thế nhưng tấm nền IPS này lại đem tới độ bão hòa màu tốt hơn, các hình ảnh rực rỡ hơn, nhất là khi hiển thị các nội dung HDR.
Không chỉ có thế, ASUS Strix XG309CM còn đạt được tốc độ quét hình và tốc độ đáp ứng nhanh chưa từng có.
Mới chỉ năm ngoái đây thôi, các màn hình sử dụng tấm nền Rapid IPS thường chỉ đạt tốc độ quét hình 144Hz thì giờ đây, tốc độ cao nhất sau ép xung thậm chí có thể lên đến 220Hz.
Không chỉ có thế, thời gian đáp ứng nhanh 1ms cũng gần như xóa bỏ hiện tượng bóng ma nếu so với phiên bản TUF sử dụng tấm nền VA.
Thử nghiệm với tựa game Biomutant, có thể thấy thế giới trong game hiện lên vô cùng rực rỡ với đủ các sắc màu nịnh mắt.
Các pha hành động nhanh diễn ra mượt mà không bị nhòe hình, nhất là với các pha chiến đấu của “võ sĩ mèo” với những đòn đánh nhanh như chớp.
Nhìn chung, ASUS Strix XG309CM sở hữu một thiết kế đẹp, khả năng hiển thị mạnh mẽ cả về chất lượng hình ảnh và tốc độ quét hình, giúp người dùng có được trải nghiệm game tốt nhất.
BẠN SẼ GHÉT
ASUS STRIX XG309CM – MỘT SỐ VẤN ĐỀ NHỎ!
Mặc dù sở hữu những yếu tố hàng đầu, thế nhưng ASUS Strix XG309CM cũng tồn tại nhiều vấn đề cố hữu của riêng mình.
Đầu tiên, tỷ lệ màn hình 21:9 không quá phổ biến trong các nội dung sử dụng hàng ngày, chẳng hạn như khi xem Youtube với hầu hết các nội dung hiển thị ở tỷ lệ 16:9, do đó bạn sẽ phải đối mặt với hai vạch đen dọc theo hai cạnh của màn hình còn phần hiển thị thì quá nhỏ bé, không thật sự “đã mắt” với người dùng.
Mặc dù tỷ lệ này cũng dần được hỗ trợ trên các tựa game hiện đại, kể cả với các tựa game chuyển hệ như Marvel’s Spider-Man Remastered hay God of War PC, thế nhưng các… đoạn phim cắt cảnh vẫn giữ tỷ lệ 16:9 quen thuộc, khiến cho việc trải nghiệm game không được mượt mà, tròn trịa cho lắm.
Cuối cùng, một điểm đáng tiếc là chân đế của màn hình không thể xoay được 90 độ như với phiên bản dòng TUF, trong khi màn hình lại không hỗ trợ chuẩn tay treo VESA.
Điều này cũng phần nào hạn chế khả năng sử dụng linh hoạt của người dùng game thủ khi sử dụng mẫu màn hình này. Tuy nhiên, vấn đề này cũng khá nhỏ và không gây ảnh hưởng quá nhiều đến người dùng thông thường.