Skip to content

Biomutant – Đánh Giá Game

Biomutant

Biomutant – Kể từ khi được công bố vào năm 2017, Biomutant không khác gì một câu chuyện truyền thuyết thời hiện đại khi trong ba năm tiếp theo, những gì mà chúng ta biết đến về nó chữ là các sáo ngữ “thế giới mở”, “hậu tận thế”, “Devil May Cry dành cho dân furry” cùng những ý tưởng lờ mờ về cách các sinh vật đột biến chơi hệ Kung Fu trông méo mó ra làm sao.

Giới mộ điệu có lẽ không ấn tượng lắm về bản thân trò chơi, mà họ có hứng thú hơn nhiều về câu chuyện làm thế nào mà một đội ngũ phát triển 20 người có thể cho ra đời một sản phẩm mang quy mô ngang tầm Ubisoft (nhưng dĩ nhiên là trông “lạ” hơn những gì mà Ubisoft thời nay phọt ra).

Và có lẽ đó cũng là trọng điểm lớn nhất khi ta nói về Biomutant. Một trò chơi được sản xuất trong hơn… nửa thập kỷ với đội ngũ phát triển bé tí tẹo, được bật đèn xanh bởi một ông lớn luôn gật đầu với mọi ý tưởng mà họ muốn nhồi nhét vào nó trên tinh thần “người làm game độc lập là nghệ sĩ, mà nghệ sĩ cần có sự tự do sáng tạo”.

Ai cũng thích, muốn và được chứng kiến câu chuyện thành công của một “underdog” cơ mà!

Và thế đó, Biomutant mà chúng ta nhận được vào tháng 5/2021 là một trò chơi với nhiều thứ khi xướng lên đi kèm với nhiều sự phấn khích – một trò chơi hành động tốc độ cao na ná như Devil May Cry pha trộn Max Payne với thế giới mở lớn ngang ngửa Skyrim, kèm hệ thống bang phái, hội thoại rẽ nhánh, phân biệt đạo đức nhân vật, chế đồ, cưỡi ngựa, đánh trùm, và bạn cũng có thể choảng nhau bằng… một củ cà rốt nhiễm phóng xạ.

Và cũng quen thuộc như những cụm từ quảng bá thông dụng như trên, Biomutant gia nhập hàng ngũ những trò chơi nổi tiếng với tố chất “rộng như đại dương, sâu như vũng nước”.

BẠN SẼ GHÉT

Biomutant

HẬU “THẢM HỌA”

Trong lúc chúc ta đang “ói” đi cơn bội thực game thế giới mở hậu tận thế, Biomutant mang đến một trải nghiệm mới lạ: chơi game thế giới mở hậu tận thế dưới hình hài một con dị nhân lông lá trông hơi giống phiên bản sinh đôi xấu xa của Totoro.

Bạn có nhớ đến cái meme Noah phàn nàn về con chim cánh cụt đầu voi trong Family Guy chứ?

Đó là cách duy nhất mà người viết có thể lý giải nhân vật chính của chúng ta chui ra từ đâu, chỉ cần đổi con voi và cánh cụt thành mèo/chuột nhắt/lười/gấu trúc ăn rác, nhầm, gấu mèo là được.

Đó là phần đầu tiên của Biomutant mang tên “chọn mức độ xấu xí của bạn”, tiếp đến là “chọn tỷ lệ vô dụng của bạn”.

Bạn chọn thể hình để đo lường lượng máu, độ nhanh nhạy và lượng i-ốt trong não vốn là những thứ quan trọng trong game nhập vai hành động, và rồi chúng ta có… Charisma, một chỉ số chỉ hữu dụng trong những trò chơi cho phép bạn hoàn thành bằng văn hóa chửi lộn (a, còn ví dụ nào tốt hơn Disco Elysium nhỉ?).

Một chút “spoiler”: trong Biomutant nó chỉ được dùng để thuyết phục vài con trưởng môn phái hạ đao, thuyết phục không được thì bạn… giải quyết bằng “va chạm” theo truyền thống!

Thế đấy, hỏi người chơi muốn tăng Charisma trong giai đoạn khởi tạo nhân vật ban đầu của Biomutant không khác gì bác sĩ hỏi đứa trẻ mới sinh có muốn bị dị ứng tôm không, mỗi tội sau này nó lại ăn chay!

Biomutant

Charisma không phải là thứ duy nhất Biomutant đưa vào cho đầy danh sách “game có hết mấy tính năng này nè, nể chưa mấy đứa?!!”.

Bạn có thể để ý từ đoạn trên là trò chơi có hệ thống bang phái. Bạn làm gì khi ngả sang một phe? Chiếm lấy lãnh thổ của phe còn lại. Một phe muốn tìm mọi cách để cứu lấy cây đại thụ sự sống và tiêu diệt những con quái vật Worldeater, phe còn lại muốn xóa bỏ mọi phe khác.

Và không, trước khi bạn đặt ra câu hỏi thì lựa chọn chọn phe phái không mang lại những tình huống thử thách đạo đức hoặc bất kỳ thứ gì về mặt nhân văn, mà nó chỉ ảnh hưởng khuynh hướng âm – dương dẫn đến hai kết thúc trắng, đen hết mức có thể.

Lựa chọn có sức nặng nhất có lẽ là chọn làm hòa với toàn bộ các phe sau khi đánh bại phe thứ hai trong mạch truyện chính, chủ yếu là vì nó sẽ đỡ làm tốn thời gian của bạn.

Để có thể thưởng thức nội dung của Biomutant, hãy vào Setting -> Audio -> chuyển thiết lập “Gibberish” và “Narrator” trong mục Dialogue thành “Off”.

Lý do? Bởi có khả năng 50% bạn sẽ phát điên nếu chơi Biomutant mà không “khóa mồm” các toàn bộ các nhân vật trong game, bao gồm cả người dẫn chuyện.

Trò chơi thực hiện các đoạn hội thoại theo phương thức đáng bị… dọng tượng Oscar vào mồm: nhân vật nói hết một câu thoại (theo ngôn ngữ), rồi game hiện phụ đề kèm câu tường thuật tiếng Anh của người dẫn chuyện, vừa không chỉ tốn thời gian ngớ ngẩn cho câu thoại mà người chơi không cần nghe, vừa yêu cầu nhấn “Skip” hai lần chỉ để tua nhanh duy nhất một câu nói.

“Tường thuật” là bởi người dẫn chuyện nói cho bạn biết các nhân vật đang lảm nhảm gì với nhau chứ không đọc hẳn câu nói ra, “cô ấy tỏ vẻ mừng rỡ khi bạn ngỏ ý tìm giúp chiếc bu lông với niềm hân hoan bất diệt” chẳng hạn. Kết hợp nó với những cái tên mà Biomutant cho là ngộ nghĩnh và nội dung của game sẽ được trình bày theo kiểu “ném Vịt Vui Vẻ để làm phân tâm con Heo Hoạnh Họe”.

Tắt hẳn âm lượng của các đoạn hội thoại này và bạn sẽ được theo dõi câu chuyện của Biomutant ở nhịp độ mà mình muốn, và nếu nói thật tình thì… nó chẳng tệ chút nào.

rất khó để “nuốt trôi” khi game trình bày nội dung rườm rà quá mức có thể với số lượng hội thoại nhiều không cần thiết

Chúng ta có một cuộc tranh giành lãnh thổ giữa các bang phái, một tuyến truyện cá nhân liên quan đến truy lùng kẻ đã sát hại phụ huynh của nhân vật chính năm xưa, rồi đến cây đại thụ bắt rễ tứ phương được bạn tình nguyện trở thành người cứu rỗi nó.

Giữa chúng là những tiểu tiết nhỏ nhặt hơn đến từ sự quen thuộc trái khoáy của thế giới trông như của loài người nhưng kì thực thuộc về một chủng loài xa lạ, và những cư dân bên trong nó hoài niệm, tìm kiếm sự giải thoát, lung lay danh dự, mê tín dị đoan hệt như con người nhưng ở một thể chế ban sơ dị biệt.

Thế nhưng tất cả rất khó để “nuốt trôi” khi game trình bày nội dung rườm rà quá mức có thể với số lượng hội thoại nhiều không cần thiết, đặc biệt ở giai đoạn đầu khi người chơi còn chưa làm quen với những sự lí thú mà nó mang lại.

Những cuộc hội thoại dông dài không phải là “trạm dừng chân bất đắc dĩ” duy nhất mà Biomutant ép bạn phải tấp vào. Trò chơi sẽ luôn cố gắng dừng bạn lại và phát đoạn cắt cảnh (cutscene) nhỏ quay cận cảnh từng NPC mà bạn gặp lần đầu, một con trùm mini vừa phá cửa vào tiền đồn mà bạn đang đánh chiếm, hay chỉ đơn giản là một địa điểm mà bạn đang tới gần.

Trong một trận đấu trùm, game cũng sẽ dừng lại chỉ để… phóng to cận cảnh vào con trùm đang nhảy lên tường, báo hiệu chuyển sang giai đoạn người chơi chỉ được né đòn tấn công tầm xa của nó chứ không thể đánh trả!

Thậm chí game cũng sẽ “tuýt còi” khi hiển thị một hướng dẫn game (tooltip), và điều kinh hãi nhất là… hướng dẫn dai dẳng của nó tỷ lệ thuận với số lượng cơ chế game mà nó tự hào có được.

Lấy ví dụ như “loot” và cơ chế chế tác. Biomutant né được một khuyết điểm lớn của các trò chơi cùng thể loại là lượng “đồ chơi” mà bạn tìm được nhiều vô số kể, bất kể chất lượng, chủng loại hay đặc tính.

Nó có rất ít mẫu vũ khí mà bạn có thể trực tiếp lấy được, mà thay vì đó, trò chơi khuyến khích bạn tìm tòi nguyên liệu quý hiếm để chế tác ra loại vũ khí mà mình muốn.

Tự tạo nên một chiếc búa tỏa phóng xạ khá là hay ho, nhưng vấn đề ở chỗ: dẫu cho có tận 4 phân loại vũ khí thì phong cách chiến đấu của người chơi trong Biomutant vẫn không đổi.

Những cuộc hội thoại dông dài không phải là “trạm dừng chân bất đắc dĩ” duy nhất mà Biomutant ép bạn phải tấp vào

Nhìn từ bên ngoài thì có thể bạn sẽ thấy Biomutant có cơ chế chiến đấu nhanh nhạy, phảng phất hình dáng của Devil May Cry, nhưng kỳ thực nó yếu ớt, thiếu trọng lượng và na ná với Batman Arkham nhưng trông vụng về hơn gã đại gia “cosplay dơi” nhiều.

Do trò chơi không có tính năng khóa mục tiêu, nhân vật chính sẽ tự… đẩy mình về mục tiêu bằng một lực đẩy vô hình, và người chơi chỉ cần hành nút X (và thỉnh thoảng nút Y), nhấn LB để phản đòn, B để né và chúng ta có một lối chơi kiểm tra dây thần kinh của ngón cái phải, với rất ít sự đa dạng trong combo.

Âm thanh vũ khí chạm vào kẻ địch nghe như… tiếng húp mì gói, diễn hoạt nhân vật không rõ ràng cùng hiệu ứng hình ảnh kém cỏi cướp đi hoàn toàn sức nặng trong mỗi đòn đánh. Trò chơi cũng chẳng có nổi gợi ý thị giác khi có kẻ địch khuất màn hình chuẩn bị ủi, ném đá hay bắn súng về phía bạn, nhờ vào camera không có khả năng tự phóng tầm nhìn rộng ra nên bạn sẽ phải đánh vật với cần analog chỉ để không bị “ăn đòn oan” từ một trong 180 góc độ sau gáy mình.

Ngoài cận chiến thì bạn còn có thể bắn súng và sử dụng năng lực Psi như giật sét hoặc tạo một nền băng khiến kẻ thù trơn trượt khỏi bạn.

Psi chỉ là tác nhân phụ trợ chứ không thể vực dậy một hệ thống chiến đấu chán nản, còn bắn súng chỉ dừng lại ở các pha Gun-Fu nhào lộn đơn giản.

Cũng bởi do không có chức năng khóa mục tiêu, bắn súng cũng là một cuộc “đánh vật” với camera khi bạn phải dùng ngón trỏ để vừa né vừa… nhìn trong lúc xả đạn.

Chiến đấu được cân bằng sơ sài đến mức do diễn hoạt của kẻ thù thiếu chỉn chu làm bạn rất dễ “ăn đòn” mà không phản xạ kịp, khiến cho chiến thuật tối ưu đôi khi là… chạy vòng quanh toán quân và xả đạn triệt hạ từng con một.

Khác với chiến đấu, khám phá trong Biomutant tuy lặp lại nhưng ít nhàm chán hơn. Trò chơi thể hiện rõ đây là game của các cựu nhà phát triển Just Cause bằng số lượng nhiệm vụ phụ yêu cầu thu thập một loại vật phẩm nhất định nhiều muốn “ná thở”, cũng như cái cách mà game hiển thị danh sách những món đồ trong khu vực để xét xem bạn đã “hoàn thành” khám phá nơi đó chưa.

Chiến đấu được cân bằng sơ sài đến mức do diễn hoạt của kẻ thù thiếu chỉn chu làm bạn rất dễ “ăn đòn” mà không phản xạ kịp

Tủ chén lấp lánh ánh sáng cam sẽ thỏa mãn thú lục lọi của bạn nhất thời, cho tới khi bạn nhận ra những khu vực của Biomutant chỉ dừng lại ở mức đó: cung cấp một danh sách để đánh dấu tick như làm việc nhà! Những khu vực có môi trường khắc nghiệt như phóng xạ hay chất sinh học cũng chỉ hoạt động như một bộ đếm thời gian, chơi bời trong đấy quá lâu thì tắt thở, chứ không thực sự chứa đựng lối chơi hay ho đáng kể nào!

Thế nhưng, thứ đáng buồn nhất khi phải nói đến Biomutant không phải là từng chi tiết được thực hiện “nửa nạc nửa mỡ”, mà sự thật rằng đáng lý ra đây là những gì chúng ta có khi một tựa game nhập vai thế giới mở được thực hiện dưới tầm nhìn khiêm nhường.

Experiment 101 tốn 6 năm với một đội ngũ thoải mái kiến tạo tựa “game trong mơ” của mình, chỉ để tạo nên một trải nghiệm chỉ mất 10 tiếng và 16 phút để nhận ra nó nông cạn như sông Platte.

Chắc chắn Biomutant sẽ tìm được một cộng đồng hâm mộ nhiệt huyết dành cho riêng mình, nhưng người viết khó có thể thừa nhận rằng tiềm năng mà nó bỏ lỡ là quá đáng tiếc…

5.0

Ai đó nên kiểm tra xem quá trình "đột biến gen" của Biomutant có lỗi lầm nào không, bởi nó chẳng khác gì hằng hà sa số game thế giới mở mà chúng ta đã đón nhận trong suốt 10 năm trở lại đây.

Thông tin

  • Biomutant
  • Nhà phát triển
    Experience 101
  • Nhà phát hành
    THQ Nordic
  • Thể loại
    Hành động, Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    25/05/2021
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 7/8.1/10 (64 bit)
  • CPU
    AMD FX-8350 / Intel Core i5-4690K
  • RAM
    8GB
  • GPU
    4 GB GeForce GTX 960 / Radeon R9 380
  • Lưu trữ
    25 GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    AMD Ryzen 5 1600
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA GTX 1070
  • Lưu trữ
    Crucial P1 500GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi THQ Nordic. Chơi trên PC.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ

Thảo luận