Skip to content

Banner Of The Maid – Đánh Giá Game

Banner of the Maid

Banner Of The Maid là tựa game nhập vai chiến thuật (tactical role-playing) được phát triển bởi Azure Flame Studio – một nhà sản xuất game độc lập nhỏ tới từ Trung Quốc.

Tuy xuất thân từ một quốc gia Đông Á nhưng bối cảnh của Banner Of The Maid lại đưa bạn tới tận nửa bên kia của bản đồ và tham gia vào cuộc cách mạng Pháp nổi danh, cùng hàng loạt các danh tướng thời bấy giờ như Napoléon Bonaparte, Pasquale Paoli, Louis Desaix…

Vậy, liệu một “kẻ ngoại lai” như Banner Of The Maid có thể truyền tải hết sự rộng lớn và phức tạp của một trong những cuộc cách mạng quan trọng nhất của lịch sử châu Âu?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

MỘT NƯỚC PHÁP RẤT KHÁC

Điều đầu tiên khi bạn nghĩ tới nước Pháp là gì?

Hoa lệ, thi ca, phong nhã, những cô nàng quý tộc và những anh chàng thời thượng?

Một kinh đô ánh sáng hay một vương quốc của thời trang, nơi mà người dân như bước ra từ truyện cổ Andersen?

Thế nhưng bạn đã từng tưởng tượng ra một nước Pháp rất khác, hiếu chiến, điên cuồng, là trung tâm quân sự/chính trị của cả châu Âu với một biên niên sử dài dằng dặc được viết bởi… máu và nước mắt?

Khai thác đề tài về một nước Pháp cực đoan như vậy nhưng Banner Of The Maid không phải là một quyển sách giáo khoa bằng hình và chúng ta cũng không phải đang ngồi xem chương trình “lịch sử thế giới chương 101”.

Nếu nói về cốt truyện của Banner Of The Maid thì nó mang nhiều yếu tố dã sử nhiều hơn và bạn hãy cứ tạm thời bỏ qua những kiến thức về cuộc cách mạng Pháp.

Câu chuyện của chúng ta diễn ra khi Paulie Bonaparte – em gái của… Napoléon Bonaparte, tới thăm anh trai của mình trên chiến trường Toulon.

Với việc có một người anh trai là một siêu đại tướng thì bằng nhiều lý do, Paulie cũng phải tham gia vào cuộc chiến khốc liệt nhằm “định hình lại nước Pháp” giữa các phe phái trong hoàng gia.

Banner Of The Maid

Không chỉ phải lo lắng về các đảng phái trong nước, các quốc gia khác cũng đang lăm le “chia 5 xẻ 7” một nước Pháp đang trong cơn khủng hoảng, mà khởi đầu là Vương Quốc Anh.

Để chống lại tình hình “thù trong, giặc ngoài”, một đội quân đặc biệt đã được ra đời dưới sự dẫn dắt của thủ khoa học viện quân đội (đồng thời cũng là nữ chính của chúng ta) – Paulie Bonaparte.

Là một tướng quân nhưng Paulie vẫn phải đảm nhiệm vai trò của một hầu nữ hoàng gia (do “ăn nhờ ở đậu” tại Malmaison Salon và phải hoàn thành trách nhiệm gia tộc) thế nên cô cũng kiêm luôn những nhiệm vụ “không có khói thuốc súng” mà gia đình hoàng gia giao phó.

Có một cốt truyện lằng nhằng và loạn xì ngầu thế nhưng không có nghĩa là phần lối chơi của game bị bỏ quên.

Nếu là một game thủ yêu thích dòng nhập vai chiến thuật, không khó để bạn nhận ra Banner Of The Maid lấy cảm hứng từ khá nhiều cái tên nổi tiếng trong thể loại này như Disgaea, Final Fantasy Tactic, Stella Glow và tất nhiên: Fire Emblem.

Vẫn mang dáng dấp của thể loại “cờ bàn hiện đại” với hàng chục nhân vật khác nhau cùng một lô lốc kỹ năng, vũ khí, nâng cấp, tối ưu chỉ số… Banner Of The Maid vẫn tạo được một điểm nhấn khi giữ phong cách pixel đặc trưng của thế hệ game chiến thuật đời đầu.

Game cũng “học tập” kha khá từ Fire Emblem khi bỏ qua việc “cộng tay” các chỉ số nhân vật, bạn có thể tập trung dùng chất xám để quan tâm các vấn đề phụ khác (vốn dĩ cũng là… một mớ bòng bong khổng lồ).

Banner Of The Maid vẫn tạo được một điểm nhấn khi giữ phong cách pixel đặc trưng của thế hệ game chiến thuật đời đầu

Game cũng có một cách thêm kỹ năng khá “khác người”, đó là… hệ thống thành tựu (achievement).

Càng hoàn thành nhiều thành tựu thì bạn càng “mở khóa” được nhiều kỹ năng mới.

Các thành tựu cũng trải dài từ siêu dễ đến khó điên rồ như qua màn, hạ gục số lính nhất định cho tới việc phải đạt đúng trình tự phức tạp thì bạn mới có thể “mở khóa” nó (như trò chuyện với tướng A xong thì phải… phản bội ông ta, sau đó cố ý thua trận…).

Một số thành tựu còn bị ẩn đi trong game và khám phá nó cũng là một thú vui (hoặc ác mộng) dành cho bạn.

Banner Of The Maid

Hệ thống thành tựu khá vui nhưng còn vui hơn nữa khi bạn có thể “nâng cấp” chúng và xem những binh sĩ của mình trưởng thành.

Có khá nhiều rẽ nhánh nhưng nhìn chung thì các nhân vật được chia ra làm 4 lớp chính: Fusilier, Hussard, Tirailleur và Cavalry, ngoài ra thì còn có các lớp “đặc biệt” khác như Artillery, Military Band, Artist…

Các lớp nhân vật sẽ khắc chế lẫn nhau theo công thức “kéo búa bao”, Fusilier sẽ khắc chế Cavalry, Cavalry sẽ khắc chế Hussard, Hussard sẽ khắc chế Tirailleur và Tirailleur sẽ khắc chế Fusilier.

Việc thay đổi các thành viên trong nhóm ban đầu không quá quan trọng nhưng khoảng từ chương thứ 15 trở đi thì bạn sẽ cần phải quan tâm đến các điểm chỉ số thưởng thêm (Bonus Stat) giữa các thành viên và các lựa chọn khắc chế trên chiến trường.

Banner Of The Maid cũng có một nhịp độ game khá nhanh, dù cho đã chọn chế độ khó nhất nhưng một ván game cũng chỉ kéo dài dưới 30 phút giúp phần nào cho game không bị nhàm (và khiến người chơi không quá xa rời cốt truyện).

Phần nhiệm vụ phụ (quest) không có nhiều yếu tố bất ngờ, chủ yếu cho người chơi “cày cấp” và thử những chiến thuật mới là chính (người viết đã trông đợi nhiều hơn ở phần này).

Thế nhưng chính các nhiệm vụ phụ giúp cho người chơi không bị “thọt” cấp độ trong lúc mò mẫm các nhiệm vụ chính để kiếm điểm thành tựu, thế nên đây cũng là một cơ chế đáng khen.

Và trên hết, chơi phải đi đôi với nhìn! Banner Of The Maid có vẻ khá là chiều lòng giới mộ điệu với “dàn trai xinh gái đẹp” của mình. Đặc biệt hơn là các nhân vật nữ phụ luôn được ưu ái phần “tâm hồn”.

Phần lồng tiếng… Trung Quốc thì mới đầu sẽ gây bối rối cho người chơi đã quen với tiếng Anh hoặc tiếng Nhật thế nhưng nghe nhiều thì các bạn sẽ cảm thấy nó… quen quen, nhất là các từ Hán Việt như “xung phong”, “khai hỏa”…

BẠN SẼ GHÉT

Banner Of The Maid

THỪA THÃI VÀ THIẾU CÂN BẰNG

Tuy có nhiều thứ cải tiến đáng khen so với các trò chơi cùng thể loại như hệ thống thành tựu, chỉ số phụ, các lớp nhân vật… Nhưng đi cùng với đó là hàng loạt những tính năng không cần thiết (hay nói luôn là “vô dụng” mà nhà sản xuất chỉ muốn nhét vào cho có).

Đầu tiên phải kể tới “Exchange” (trao đổi đồ).

Tại sao tính năng này lại vô dụng?

Đơn giản là vì mỗi nhân vật chỉ có thể sử dụng một loại vũ khí.

Chả có tác dụng gì khi bạn bắt một nhạc sĩ phải cầm súng cả (và việc dùng hết “lượt” của vũ khí lại càng hi hữu hơn khi nhịp game quá nhanh).

Thế nên tác dụng “cao cả” nhất của Exchange chỉ gói gọn trong việc… chuyền nửa ổ bánh mì từ nơi này sang nơi khác khi bạn quá rảnh rỗi mà thôi.

Campfire (lửa trại) cũng tương tự, một tính năng mà người viết từng nghĩ sẽ là bước ngoặt cho trò chơi, thì hóa ra chẳng có gì đặc biệt!

Tầm sử dụng của campfire khá nhỏ (4 ô vuông xung quanh lửa trại) và khi đã có Amee thì nó cũng chả khác gì đồ trang trí.

Banner Of The Maid

Tại sao Campfire lại bị hắt hủi như vậy?

Chẳng phải Heal Point trong Fire Emblem cũng có tính năng tương tự sao?

Điều này phải đổ lỗi cho… AI của game.

Bọn chúng “đần thối” một cách đáng ngạc nhiên và hầu như chẳng bao giờ tấn công bạn trước (trừ khi chúng… vui hay dở chứng).

AI của game sẽ giữ nguyên vị trí cho tới khi bạn bước vào “vùng đỏ” (khu vực tấn công của địch) và chờ bạn bày binh để hạ gục từng tên trong khi những kẻ khác sẽ… đứng nhìn!

Một số nhân vật cũng bị mất cân bằng nghiêm trọng, một số tên trùm quá yếu trong khi một số lại quá mạnh

Và điều đó cũng chẳng khác với bọn trùm là bao, nếu như bạn đối đầu với một tên trùm thuộc hệ Fusilier hay Tirailleur thì xin chúc mừng, hãy cứ dùng Artillery mà “giã” vào đầu hắn.

Chỉ cần không bước vào vùng đỏ thì hãy cứ yên chí là bạn chẳng cần thí một quân nào mà vẫn qua màn đầy ngạo nghễ!

Một số nhân vật cũng bị mất cân bằng nghiêm trọng, một số tên trùm quá yếu trong khi một số lại quá mạnh, cứ như nhà sản xuất thích nâng chỉ số sao thì nâng vậy.

Và đối với các lớp nhân vật cũng tương tự, game quá chú trọng vào hệ thống “kéo búa bao” và gần như các trận chiến đều xoay quanh quy tắc này, bạn có thể thành một đấu sĩ siêu hạng khi gặp các cặp hệ yếu nhưng cũng có thể bị “tiễn vong” trong một nốt nhạc nếu gặp khắc chế.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Azure Flame Studio
  • Phát hành: CE-Asia
  • Thể loại: Chiến thuật nhập vai
  • Ngày ra mắt: 12/08/2020
  • Hệ máy: Switch

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU:N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • SSD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI CE-ASIACHƠI TRÊN HỆ SWITCH

7.0

Banner Of The Maid là một trong những trò chơi nhập vai chiến thuật xuất sắc trong thế giới game độc lập với hàng loạt những đặc điểm thú vị.



Thế nhưng, sự tham lam trong việc nhét các cơ chế không cần thiết và việc cân bằng thua cả "công ty cân bằng 200 năm" khiến cho trải nghiệm game rơi rớt đi ít nhiều.