Battle Chasers: Nightwar – Với đại đa số phần đông giới game thủ, thì có lẽ cái tên của họa sỹ truyện tranh người Mỹ, Joe Madureira, được biết đến rộng rãi nhất thông qua dòng game Darksiders – dự án được phát triển bởi Vigil Games và Joe “cầm trịch” với vai trò giám đốc sáng tạo.
Sau khi số phận “hẩm hiu” của dòng game được định đoạt khi THQ phá sản vào năm 2012 và Vigil Games buộc phải giải thể, Joe Madureira thành lập studio mới Airship Syndicate, với mong muốn đưa Battle Chasers – sản phẩm đã đưa mình lên bản đồ của giới mê truyện tranh… 20 năm trước lên TV và màn hình máy tính.
Sau chiến dịch Kickstarter thành công và lời mời “chống lưng” từ THQ Nordic (vốn cũng sẽ hồi sinh Darksiders sắp tới đây!), Battle Chasers: Nightwar ra đời.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
NHỮNG MẢNG MÀU CỦA BÓNG ĐÊM
Battle Chasers: Nightware là một tựa game đến từ Hoa Kỳ nhưng thấm nhuần phong cách… JRPG cổ điển, thế nên chúng ta có thể trông đợi gì từ một sản phẩm được tô vẽ bằng phong cách hoạt họa “arcanepunk” cực kỳ bắt mắt đến từ Airship Syndicate?
Đó là một lượng lớn những màn chơi chiến đấu theo lượt ở thể thức 3v3, với số lượng… nhiều vô kể!
Cách thức mà hệ thống chiến đấu hoạt động trong game không quá phức tạp: những hành động cơ bản của từng nhân vật trong tổ đội sẽ được thực hiện ngay sau khi người chơi lựa chọn – thông thường sở hữu những khuôn mẫu như: đòn đánh thông thường hay tăng khả năng chống đỡ/né đòn cho (các) lượt tiếp theo.
Các kỹ năng đặc biệt sở hữu hiệu ứng mạnh mẽ hơn, gây tác động đến trận đấu nhiều hơn, nhưng chúng sở hữu thời gian “hành phép” lâu hơn (có thể là đẩy xuống sau nhân vật tiếp theo, hoặc đẩy xuống cuối lượt) và tiêu tốn Mana để thực hiện.
[su_quote]Battle Chasers: Nightware là một tựa game đến từ Hoa Kỳ nhưng thấm nhuần phong cách… JRPG cổ điển[/su_quote]Cô bé Gully nhỏ con nhưng lại là nhân vật… tank hiệu quả nhất game với kha khá tuyệt chiêu tạo khiên chắn và giảm thiểu sát thương nhận được từ đối thủ, Calibretto sở hữu số lượng chiêu thức hồi máu và chữa hiệu ứng “debuff” khiến cho gã người máy bự chảng này trở thành nhân vật hỗ trợ đầy hiệu quả, Garrison là mũi kiếm chính với DPS cao, Red Monika “cắn trộm” bằng những chiêu thức gây debuff và tất sát trực diện các một mục tiêu đơn lẻ…
Toàn bộ những nhân vật này đều phụ thuộc vào lẫn nhau theo nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt với những chiêu thức có thể tối đa khả năng “hành hạ” kẻ thù nếu dính phải debuff.
Ví dụ như Ice Blast của Knolan sẽ “tạo số” lớn hơn nếu như dính phải Sunder có thể được áp đặt dễ dàng bằng Gut Punch của Calibretto, Blood Boil của Alumon sẽ luôn luôn gây sát thương chí mạng nếu địch thủ đang trong trạng thái bắt lửa – có thể được tạo ra từ tuyệt chiêu Cannon Blast của Calibretto hay Fire Storm của Knolan.
Một tổ đội kết hợp hài hòa với nhau sẽ luôn luôn hiệu quả, và Battle Chasers: Nightwar cực kỳ khéo léo khi hỗ trợ 6 nhân vật của người chơi bằng những chiêu thức với tiềm năng phối hợp đầy hữu hiệu với nhau, dẫu cho người chơi có lựa chọn bất kỳ ai đi chăng nữa (nhưng đừng than trời nếu bạn không mang một nhân vật hồi máu theo mình đấy nhé!).
Một tính năng mà có thể nói khiến cho Battle Chasers: Nightwar trở nên khá đặc sắc chính là Overcharge và công việc quản lý… Mana vi mô của nó.
Trong trận chiến, nhân vật có thể tạo một lượng Overcharge nhất định (mỗi nhân vật có một ngưỡng Overcharge khác nhau) từ các kỹ năng cơ bản và được gán chồng lên thanh Mana chính – chúng thực chất là Mana tạm thời và sẽ được trừ đi khi người chơi sử dụng chiêu thức đặc biệt.
Quản lý Mana lẫn thu gom Overcharge trong chiến đấu trở thành một bài toán thú vị khác: những trận đánh với “trashmob” quá dễ dãi không đáng để bạn tốn Mana, nhưng lại là cơ hội tốt để bạn “cày” tý chút Overcharge cho nhân vật hỗ trợ và hồi máu cho thành viên cần kíp để chuẩn bị cho những trận đánh dài hơi và thử thách hơn.
Bản đồ chính của Battle Chasers: Nightwar sở hữu tiềm tàng rất nhiều kẻ thù cản đường người chơi, nhưng các Dungeon mới thực sự là phần chơi đáng để bạn tập trung vào nhiều nhất.
Với con số 8 cả thảy, những Dungeon trong game tập hợp gồm từ 10-12 khu vực được sắp đặt một cách ngẫu nhiên nhưng không hề thiếu những câu đố phụ với phần thưởng sáng giá dành cho những ai tinh mắt hoặc nhanh trí, các cạm bẫy sẵn sàng “rỉa” chút máu của bạn nếu sơ sẩy, các mẩu giấy sở hữu một phần nội dung và cho biết những sự kiện đang diễn ra đằng sau góc nhìn của các nhân vật chính được đặt rải rác trong màn chơi, cũng như hàng tá trận đánh cho phép người chơi sử dụng kỹ năng Dungeon Skill để tạo lợi thế cho mình và dẫn đến cuộc đấu trùm cuối cùng với cách thức tấn công đầy riêng biệt.
Phần thưởng tỷ lệ thuận với độ khó mà người chơi lựa chọn cũng sẽ là động lực cần thiết để người chơi tái hoàn thành các Dungeon này nhiều lần, đặc biệt khi những trận đánh tại đây mang lại lượng điểm kinh nghiệm cân xứng và nhất quán với tổ đội hơn hẳn các trận đánh ngáng đường trên bản đồ chính.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
NHỮNG CUỘC RƯỢT ĐUỔI VÔ HƯỚNG
Ấn tượng đầu của người viết đối với Battle Chasers: Nightwar là cực kỳ khả quan – một màn trình diễn rất đẹp mắt với hình âm ấn tượng, cơ chế chiến đấu được thiết kế tương đối chặt chẽ, và các Dungeon có thể được xem như là điểm sáng lớn nhất của trò chơi.
Thế nhưng, vấn đề của Battle Chasers: Nightwar lại nằm trong những… con số.
Chỉ trong 4 tiếng đồng hồ đầu tiên, người viết đã có cảm tưởng rằng trò chơi đã làm mọi cách để ném số lượng tối đa các trận đánh với “trashmob” có thể vào mặt mình.
19 tiếng sau, tuy số lượng có thuyên giảm đôi chút, chủ yếu nhờ vào lựa chọn cho phép bỏ qua các trận đánh mà kẻ thù sở hữu cấp độ quá thấp so với tổ đội, nhưng nhìn chung tần suất chiến đấu xuất hiện vẫn cao một cách nực cười, khiến cho người viết không khỏi nghĩ rằng Airship Syndicate muốn lãng phí thời gian lẫn buộc người chơi “cày cuốc” một cách vô vị bằng cách bó buộc trong khuôn khổ của chiến đấu.
Người viết không rõ rằng đây có phải là đặc trưng của thể loại JRPG theo lượt hay không, nếu đúng là nó thì Battle Chasers: Nightwar đã làm rất tốt trong việc khiến mình… hoàn toàn mất thiện cảm với thể loại game này.
Có rất nhiều cách để khiến cày cuốc trở nên thú vị, nhưng tạo nên cả chục/trăm trận đấu vô nghĩa và phí thời gian không phải là một trong số đó.
Đây là năm 2018 (trò chơi ra mắt vào năm 2017) và chúng ta vẫn còn thực hiện hệ thống nâng cấp nhân vật theo kiểu “+2% sát thương”, “tăng 5% chỉ số giáp”.
Thật kỳ quặc bởi dẫu cho sở hữu những chiêu thức tương giao lẫn nhau và được chi phối bởi kết hợp tổ đội, Battle Chasers: Nightwar vẫn cố “tick” lấy một cơ chế phát triển nhân vật chỉ nên tồn tại trong MMORPG hay ARPG.
Nó có cân bằng không?
Có lẽ là có, nhưng người viết thực sự chẳng buồn quan tâm để thử nghiệm xem những con số phần trăm này tác động lớn đến đâu.
Nó có thú vị không?
Người viết không nghĩ rằng kể cả dân sành Dungeon and Dragon sẽ tự tin mà nói có.
Cuối cùng, dẫu cho Battle Chasers: Nightwar sở hữu rất nhiều những trận đấu trùm đầy thú vị bởi số lượng kỹ năng “độc và lạ” và sự khó đoán của từng cuộc chạm trán, thì ẩn sau đó cũng có không ít các trận đánh khiến người viết phải… nhức đầu.
Bản vá game được tung ra vào cuối tháng 1 giảm thiểu độ cân xứng điểm kinh nghiệm giữa các Dungeon liền mạch nhau, song người viết vẫn có cảm giác rằng thay đổi này vẫn chưa đủ, đặc biệt khi khoảng cách cấp độ của kẻ thù tại Junkertown và khu mỏ là 3 cấp độ – một con số có vẻ không lớn nhưng thực chất lại tạo nên rào cản độ khó cao bất chợt một cách kỳ quặc.
Trò chơi dường như không muốn bạn đi thẳng theo mạch truyện chính mà phải đi “trật đường ray” đôi chút để cày cuốc, và điều này càng khiến người viết bực mình hơn bởi bản chất lặp lại của trò chơi.
Ồ và nếu như bạn chạm trán đám thảo khấu có khả năng hồi máu vô hạn trên khinh khí cầu cỡ đại, thì trừ phi bạn vượt chúng 3 hoặc 4 cấp độ, đừng tốn công choảng nhau với chúng làm gì.
Đây là khoảnh khắc khiến người viết bỏ cuộc và chắc chắn rằng trò chơi “ăn gian” để kẻ địch sử dụng chiêu thức mạnh mẽ liên tục mà không tốn Mana – ai lại cân bằng game chiến thuật 3v3 như thế này cơ chứ?
[su_quote]Đây là năm 2018 (trò chơi ra mắt vào năm 2017) và chúng ta vẫn còn thực hiện hệ thống nâng cấp nhân vật theo kiểu “+2% sát thương”, “tăng 5% chỉ số giáp”[/su_quote]THÔNG TIN
- Sản xuất: Airship Syndicate
- Phát hành: THQ Nordic
- Thể loại: Nhập vai, Chiến thuật
- Ngày ra mắt: 07/10/2017
- Hệ máy: PC, PS4, Xbox One, Nintendo Switch
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7 / 8 / 10 64 bit
- CPU: 2.0 GHz CPU
- RAM: 4 GB
- VGA: Intel HD 4000 or equivalent with 1 GB VRAM
- HDD: 10 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- CPU: Intel Core i3 4170 3.7Ghz
- RAM: 8 GB
- VGA: Sapphire AMD Radeon R7 260X 2GB OC Edition
- Gamepad: Xbox One Controller for Windows
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI THQ NORDIC – CHƠI TRÊN HỆ PC