Skip to content

Final Fantasy III – Đánh Giá Game

Final Fantasy III

Final Fantasy III – Nếu bạn là một game thủ hay nghe ngóng tin tức thì chắc hẳn là bạn đã biết về tựa game sắp ra mắt của hãng Square Enix: Final Fantasy VII Remake!

Tựa game này sẽ ra mắt vào tháng bốn năm nay, nhưng đã gây ấn tượng mạnh với giới game thủ bằng đồ họa cực kỳ ấn tượng, lối chơi được cải tiến và âm nhạc thỏa mãn.

Khỏi phải nói giới hâm mộ háo hức như thế nào để được trải nghiệm tựa game này, nhất là khi hãng mới tung ra phiên bản chơi thử của tựa game và đẩy sự phấn khích lên tận mây xanh.

Tuy nhiên, thực sự Final Fantasy VII Remake không phải là lần đầu tiên Square Enix làm lại một tựa game Final Fantasy với đồ họa hiện đại.

Danh hiệu “lần đầu tiên” đó phải thuộc về Final Fantasy III.

Ở phương Tây, ban đầu Final Fantasy III lại… không phải là Final Fantasy III mà lại là… Final Fantasy VI.

Nguyên nhân là do hồi xưa Squaresoft “xuất khẩu” dòng game này sang thị trường nước ngoài theo cách khá kỳ lạ: họ ra mắt Final Fantasy I, rồi bỏ qua IIIII, nhưng sau đó lại ra mắt IV (dưới cái tên… Final Fantasy II do không muốn ngắt quãng), xong lại bỏ qua V, rồi lại cho ra mắt VI (đánh số là III cũng vì lý do như trên).

Thành thử, người chơi không ở Nhật Bản sẽ không thể thực sự thưởng thức Final Fantasy III (trên hệ máy Famicom) cho tới khi Square Enix đưa ra bản làm lại trên hệ máy Nintendo DS vào năm 2006, với đồ họa được chuyển từ 2D thành 3D, nhân vật giờ có tên chính thức và được thêm những tính cách rõ ràng, và nâng cấp hệ thống nghề nghiệp trứ danh.

Phiên bản PC ra mắt sau đó lại là một phiên bản “nâng cấp” (remaster) của bản “làm lại” (remake) trên DS đã nói ở trên, vì thực tế phiên bản DS với độ phân giải vỏn vẹn… 256×192 thì làm sao mà phóng đại được lên 800×600, chứ chưa nói đến chuẩn HD! 

Vậy sau một hồi rối ren hết làm lại rồi nâng cấp, bạn đọc hãy cùng vietgame.asia tìm hiểu Final Fantasy III phiên bản làm lại mang lại những gì nhé.


BẠN SẼ THÍCH

CỐT TRUYỆN

Dòng game Final Fantasy được biết đến với sự thay đổi hoàn toàn giữa các bản khác nhau: thế giới mới, nhân vật mới, cốt truyện mới, nhưng vẫn giữ một số “mối liên kết’’ với những bản tiền nhiệm, ví dụ như những ý tưởng như “Crystal” – những viên ngọc chứa sức mạnh khổng lồ hay “Chocobo” – những chú chim dễ thương dùng để cưỡi.

Final Fantasy III, mặc dù mới chỉ là tựa game thứ ba trong dòng nhưng đã thể hiện tư tưởng này một cách rõ ràng.

Công bằng mà nói, cốt truyện của Final Fantasy III nếu so với thời nay thì khá… chung chung.

Một ngày đẹp trời, một cậu bé mồ côi rơi xuống một cái hang và tìm thấy một viên Crystal, kèm với đó là lời sấm truyền hãy đi tìm “ba người còn lại”, đánh bại tay phù thủy xấu xa và hồi phục lại cân bằng cho thế giới. 

Hóa ra bốn nhân vật của chúng ta là bốn Chiến binh Ánh sáng (lấy ý tưởng dựa theo tựa game Final Fantasy đầu tiên) và lên đường đi khắp thế giới ánh sáng, xuyên không tới thế giới bóng tối, khám phá những bí mật về cân bằng giữa các thế giới và, như mọi tựa game Final Fantasy khác, đánh bại kẻ chủ mưu siêu quyền năng nào đấy muốn phá hủy hết thảy.

Mặc dù nghe khá… cổ, nhưng cốt truyện của Final Fantasy III vẫn có nhiều điểm nhấn tạo ra sự cuốn hút. Thay vì là bốn vị anh hùng vô danh như phiên bản gốc, trong bản làm lại bốn người đã được gán tên: Luneth, Arc, Refia và Ingus, đồng thời mỗi người giờ đây đã có một tính cách riêng, và việc phát triển nhân vật cùng với tương tác giữa các nhân vật trong bản làm lại đã được làm tốt.

Nếu chỉ có đi “phà phà” từ đầu tới cuối cày cuốc rồi nhắm đánh mỗi tên trùm thì rõ là chẳng hay gì cả, và thực sự cái hay của Final Fantasy III nằm ở những mẩu chuyện nhỏ người chơi gặp trong suốt quá trình trên đường chiến đấu.

Những mẩu chuyện này vô cùng đa dạng, như giúp đỡ một người dân thực hiện ước nguyện cuối cùng, hay phát hiện ra rằng một tòa lâu đài của một tay phù thủy độc ác nào đó thực ra là… một cái cây cổ đại bị giam cầm. 

Có rất nhiều mẩu chuyện như vậy, khiến người chơi có được một cảm giác “phiêu lưu” và bị thôi thúc tiếp tục cốt truyện, khám phá những miền đất mới, gặp gỡ những nhân vật mới và tìm hiểu quá khứ cũng như giải quyết những vấn đề của họ.

Tóm lại, mặc dù với một bộ khung “đánh bại kẻ xấu to lớn và quyền năng” khá bình thường nhưng việc khéo léo lồng những “cuộc phiêu lưu nhỏ” vào trong “cuộc phiêu lưu lớn” giúp người chơi có cảm giác rất “cuốn” và chơi liền hàng giờ không hay.

Việc khéo léo lồng những “cuộc phiêu lưu nhỏ” vào trong “cuộc phiêu lưu lớn” giúp người chơi có cảm giác rất “cuốn” và chơi liền hàng giờ không hay.

CƠ CHẾ CHIẾN ĐẤU

Final Fantasy III thực sự lấy khá nhiều ý tưởng từ dòng game kinh điển: Dungeons & Dragons.

Ví dụ như khi nhân vật tăng cấp thì họ còn có thể tăng số lượt tấn công mỗi lần tấn công đối thủ, nghĩa là một lần tấn công nhân vật đó có thể chém hai ba nhát tùy theo cấp độ của họ.

Không còn thanh “MP” quen thuộc dùng để sử dụng phép thuật, giờ đây mỗi phép thuật có một cấp độ riêng, và mỗi nhân vật sẽ được sử dụng phép thuật một số lần nhất định tùy theo cấp độ phép thuật và cấp độ nghề nghiệp của họ.

Nhắc tới nghề nghiệp, đây có thể nói là cơ chế hay nhất trong Final Fantasy III, và tạo tiền đề cho những cơ chế nghề nghiệp phức tạp hơn như Final Fantasy V hay Final Fantasy Tactics.

Ban đầu cả bốn vị anh hùng của chúng ta đều là “Freelancer” (chắc hẳn bạn nào làm việc tự do cũng biết từ này).

Sau đó, người chơi sẽ dần dần khám phá ra những nghề khác nhau xuyên suốt hành trình của mình, mỗi nghề sẽ có khả năng đặc trưng và chỉ số cũng đặc trưng luôn, thậm chí cấp độ của nghề nghiệp cũng khác với cấp độ nhân vật của bạn và bạn sẽ phải “cày” cấp độ này một cách độc lập.

Ví dụ như Dragoon sẽ có khả năng Jump giúp bạn… biến mất khỏi trận đấu, an toàn khỏi mọi đòn tấn công của địch thủ dù nó có long trời lở đất như thế nào, và sau đó trở lại gây sát thương khủng khiếp tới địch thủ.

Hay Devout, một nghề khiến nhân vật đội một cái mũ tai mèo rất dễ thương, là chuyên gia hồi máu với khả năng học toàn bộ White Magic (phép thuật hồi máu) trong game, và đặc biệt quan trọng nếu bạn muốn chiến thắng một số quái trùm “khó nhằn”.

Quan trọng nhất là khả năng chuyển đổi nghề nghiệp bất kỳ lúc nào, miễn là không phải giữa trận chiến.

Điều này giúp người chơi có thể thử nghiệm nhiều chiến thuật khác nhau đối với nhiều quái vật khác nhau, từ đó tìm ra chiến thuật phù hợp nhất với mình mà có rất ít sự gò bó.

Mặc dù thực tế một tựa game làm từ năm 1990 thì khó mà so sánh được với những hệ thống nghề nghiệp đa dạng của các Final Fantasy về sau, tuy nhiên với hơn 20 nghề khác nhau, cơ chế của Final Fantasy III vẫn đủ sự đa dạng và phức tạp cho người chơi tùy chỉnh một cách thoải mái.

Với hơn 20 nghề khác nhau, cơ chế của Final Fantasy III vẫn đủ sự đa dạng và phức tạp cho người chơi tùy chỉnh một cách thoải mái.

BẠN SẼ GHÉT
Final Fantasy III

ĐỒ CỔ

Mặc dù đã được “tân trang” từ định dạng 2D thành 3D (mà thực ra đồ họa cũng chẳng đẹp lắm, nhìn chắc cùng lắm ngang bằng Final Fantasy VII phiên bản gốc) nhưng những dấu vết của thời gian vẫn hằn rõ trên Final Fantasy III.

Nếu bạn đọc đã quen với những tựa game nhập vai xưa thì không nói, nhưng nếu bạn đọc đã quen chơi những tựa game hiện đại, nói riêng trong dòng game đi, ví dụ như Final Fantasy XIII hay XV thì các bạn sẽ cần học cách “chơi đồ cổ” nếu muốn thực sự thưởng thức tựa game này.

“Vết hằn” đầu tiên và rõ ràng nhất có lẽ là hệ thống bắt gặp ngẫu nhiên (random encounters).

Hệ thống này nghĩa là bạn đang đi trong một cái hang trống không, chẳng có cái gì cả, xong đi được vài bước thì bùm, màn hình chuyển sang một trận chiến với địch thủ không biết chui từ đâu ra.

Đây là một hệ thống “cổ mộ của cổ mộ”, được tạo ra do cấu hình máy tính thời xưa thực sự không có khả năng xuất và điều khiển quái vật trên bản đồ trong thời gian thực, xong Square Enix cũng chẳng thèm thay đổi trong phiên bản làm lại.

Hơn thế nữa, dường như Square Enix sợ người chơi chiến đấu không “đã tay”, nên ở phiên bản làm lại của Final Fantasy III họ đã “vặn ga” hết cỡ hệ thống này, tới mức trung bình đi cứ bốn tới năm bước là bạn lại “bỗng dưng” phải đánh nhau.

Người viết đã phải mất tới 10 phút để qua được hang động đầu tiên vì gặp quá nhiều yêu tinh, trong khi nếu không gặp quái thì chắc đi từ đầu này tới đầu kia chỉ tầm… 30 giây.

Final Fantasy III

Do vậy, người chơi sẽ cần luyện tính… kiên nhẫn cao độ để phiêu lưu trong thế giới rộng lớn của Final Fantasy III.

Cũng may, Square Enix có chế độ “đánh tự động” khiến nhân vật tự động lặp lại lệnh cuối cùng, khiến cho việc “cày cuốc’’ và gặp quái ngẫu nhiên trở nên dễ thở hơn rất nhiều.

Điều thứ hai, là độ khó “thần sầu quỷ khóc” của Final Fantasy III.

Thực tế nói là độ khó nhưng giống “khó chịu” nhiều hơn, vì độ khó này được đem lại bởi sự thiếu thốn những điểm lưu game trong những hang động (hay tòa tháp, lâu đài gì đó).

Chỉ có duy nhất một cách để lưu trò chơi, đó là lưu ở ngoài bản đồ tổng thể (overworld).

Trong các hang động hay lâu đài, tuyệt đối không có một cách nào để lưu trò chơi (ngoài chức năng lưu nhanh, dùng để tạm dừng trò chơi khi bạn có việc bận, sử dụng xong sẽ bị xóa).

Như vậy, bạn sẽ bắt buộc phải đi lại từ đầu hang động đó nếu đen đủi bị đánh bại bởi quái trùm (thường nằm ở cuối hang động).

Thực ra mỗi hang động hay lâu đài cũng chỉ cùng lắm là một tiếng, cũng không tới nỗi quá tệ, nhưng bạn sẽ thực sự “thấm” độ khó này khi đánh hang động cuối cùng trước khi kết thúc trò chơi.

Mặc dù đã được “tân trang” lại nhưng những dấu vết của thời gian vẫn hằn rõ trên Final Fantasy III.

Hang động này có độ dài lên tới tầm… ba tới bốn tiếng, và bạn sẽ phải đánh một dàn quái trùm với độ khó tăng dần trước khi chiến đấu với trùm cuối với những chiêu như Particle Beam thường sẽ “húp” tầm 80% máu của toàn bộ nhân vật. 

Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là ba tới bốn tiếng toàn bộ… đi tong!

Đấy là chưa kể cách bố trí địa điểm của tựa game này khá lộn xộn và không hề có chỉ dẫn về điểm đến tiếp theo trừ lời thoại giữa các nhân vật.

Tức là người chơi hoàn toàn có thể bị lạc tới những địa điểm mà với cấp độ hiện tại của nhân vật thì quái vật “đấm một phát chết luôn” cả đội chứ chưa nói tới việc có cơ hội chiến thắng.

Như vậy, bạn sẽ phải tập làm quen với việc… cày lại từ đầu nếu muốn chơi tựa game này.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Square Enix
  • Phát hành: Square Enix
  • Thể loại: Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 28/2/2020
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7
  • CPU: Pentium 4 2.4GHz
  • RAM: 2GB
  • VGA: N/A
  • HDD: 800MB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10
  • CPU: i7-7700HQ
  • RAM: 16GB
  • VGA: GTX 1060 6GB
  • SSD:  SanDisk X400 M.2 2280 128GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SQUARE ENIX

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ MÁY PC


BÀI MỚI NHẤT


Bạc 8.0

Final Fantasy III Remake, mặc dù đã được tân trang lại và có nhiều đổi mới hợp với thời hiện đại, nhưng vẫn là một tựa game đúng nghĩa "kinh điển".
Mặc dù người chơi sẽ phải vượt qua một số cơ chế “cổ” không phù hợp với thời nay, nhưng với một mạch truyện hấp dẫn, cơ chế chiến đấu khác lạ và một hệ thống nghề nghiệp đa dạng, Final Fantasy III Remake là một tựa game xứng đáng được bổ sung vào bộ sưu tập game nhập vai đáng chơi nhất.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.

Thảo luận