Skip to content

Bayonetta 2 – Đánh Giá Game

Bayonetta 2

Bayonetta 2 – Trong những cái tên nổi đình nổi đám nhất của dòng game hành động chặt chém, Devil May Cry có thể xem là cái tên “cộm cán” nhất, vì loạt game này tự đi thành một con đường riêng, tự định nghĩa nên khái niệm “hack–n’–stylish action” (phong cách chặt chém hoa mỹ).

Đáng tiếc thay, thời hoàng kim của Devil May Cry chỉ kéo dài đến phiên bản thứ tư bởi nhà thiết kế thiên tài Hideki Kamiya đã dứt áo ra đi. Có thể nói, thành công của Devil May Cry là nhờ một tay Hideki nhào nặn, và cũng vì vậy mà loạt game này dần đánh mất “bản thân” khi rời khỏi tay ông.

Để “trả thù”, Hideki Kamiya đã tự thành lập nên một hãng game nhỏ mới toanh có tên Platinum Games, và sản phẩm đầu tay chính là Bayonetta – một “đứa em gái” kế thừa hoàn toàn sự điên loạn hoành tráng của anh mình, lại còn thêm vẻ quyến rũ chết người của một mỹ nữ.

Sau thành công vang dội của Bayonetta hồi năm 2010, rất nhiều người đã háo hức chờ đợi phần kế tiếp sẽ ra mắt.

Nhưng trái với sự kỳ vọng của mọi người, Bayonetta 2 vẫn mãi bặt vô âm tín, mãi đến tận cuối năm 2012 khi Wii U, chiếc console gây thất vọng của Nintendo ra đời, người ta mới nghe được một tin “sét đánh”: Bayonetta 2 sẽ ra mắt độc quyền cho Wii U!

Phần đông người hâm mộ có hơi thất vọng, vì Wii U có doanh số rất tệ trong các máy console thế hệ tám, do đó, dĩ nhiên không thiếu những người hồ nghi về sự thất bại của Bayonetta 2 khi đã “chọn nhầm mặt gửi vàng”.

Tuy vậy, khi bản chơi thử của Bayonetta 2 đến tay người chơi vào đầu tháng 10 vừa qua, tất cả hoài nghi, trăn trở đều lập tức bị quét sạch, khi gần như tất cả các trang đánh giá đều ưu ái dành tặng điểm số tuyệt đối cho tác phẩm này.

Hãy cùng Vietgame.asia phân tích những điểm ấn tượng đủ khiến Bayonetta 2 trở thành “hiện tượng” của năm 2014 nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Bayonetta 2 - Đánh Giá Game

Một Bayonetta 2 điên loạn đầy ngẫu hứng!

Ấn tượng đầu tiên đến từ lối chơi của Bayonetta 2, dĩ nhiên phải là những trận chiến hoành tráng với nhịp độ cao, cùng vô số đòn liên hoàn thần tốc. Có thể nói rằng, số đòn thế trong Bayonetta 2 là vô hạn, khi chỉ cần kết hợp hai nút X (đấm) và A (đá) theo các thứ tự ngẫu nhiên mà Bayonetta sẽ tung ra hàng loạt đòn thế khác nhau, đi kèm với hàng trăm viên đạn “bay ngợp trời” từ bốn khẩu súng của mình.

Đỉnh điểm là khi thanh ma lực đã đầy, Bayonetta có thể chọn thực hiện đòn tra tấn – kết liễu trứ danh của mình hoặc thi triển “Umbran Climax” – một tính năng mới xuấn hiện trong phiên bản này. Umbran Climax sẽ cường hóa các đòn đánh của Bayonetta trong một thời gian ngắn, khiến uy lực và tầm đánh của chúng tăng lên rất nhiều.

Trước đây, chỉ khi kết thúc một chuỗi liên hoàn (combo) thì Bayonetta mới có thể sử dụng “Wicked Weave” – một tuyệt chiêu tất sát dùng tóc để gọi ra một con quái vật kết liễu đối phương. Giờ đây với Umbran Climax, tất cả đòn đánh ra đều là Wicked Weave – do đó đây chính là biện pháp hiệu quả nhất để đối phó với những con trùm.

Bayonetta 2 - Đánh Giá Game

Ngoài ra, còn một tính năng vốn có từ phần một nhưng không thể không đề cập đến trong Bayonetta 2, vì nó chính là thứ làm nên “thương hiệu” của Bayonetta: Witch Time. Mỗi khi người chơi né tránh một đòn tấn công của kẻ địch vào khoảnh khắc sít sao nhất có thể, Witch Time sẽ được kích hoạt và khiến thời gian gần như ngưng đọng. Trong lúc này, Bayonetta vẫn giữ nguyên tốc độ và có thể lợi dụng thời gian ngắn ngủi đó để tấn công và tiêu diệt dứt điểm một kẻ địch cho rảnh tay.

Có thể nói, nhờ vào Witch Time mà nhịp chiến đấu trong Bayonetta 2 được duy trì rất liên tục, rất căng thẳng mà không bị gián đoạn bởi những pha ăn đòn “khó coi”. Sử dụng Witch Time nhuần nhuyễn, người chơi có thể biến các trận đánh trong game thành những thước phim hành động đặc sắc, kèm với hiệu ứng “slow-motion” (quay chậm) vào những khoảnh khắc nguy kịch chất, gia tăng thêm sự hào hứng khi chơi.

Các trận đánh trong Bayonetta 2 không phải chỉ diễn ra trên địa hình bằng phẳng, mà dường như không bị giới hạn bởi khái niệm “không gian” nào cả.

Bayonetta 2 - Đánh Giá Game

Có thể đó là ngay trên một mảnh vỡ đang rơi giữa không trung, hoặc chính cô nàng sẽ “mọc cánh” và tham gia những trận không chiến hoành tráng. Đó cũng có thể là những màn vừa đua tốc độ vừa chiến đấu, hoặc thủy chiến trong dạng biến thành rắn (Snake Within).

Dù đánh nhau ở đâu đi nữa, thì các trận chiến khốc liệt trong Bayonetta 2 cùng độ “phê” khi phiêu cùng những tiết tấu của trận đánh, đều khiến bất kỳ ai, kể cả những người chơi khó tính nhất cũng phải thỏa mãn.

Chỉ cần kết hợp hai nút X (đấm) và A (đá) theo các thứ tự ngẫu nhiên mà Bayonetta sẽ tung ra hàng loạt đòn thế khác nhau, đi kèm với hàng trăm viên đạn bay ngợp trời

Điều khiến người viết tâm đắc nhất ở Bayonetta 2 chính là bố cục của game đã đạt đến mức hài hòa tuyệt đối. Mật độ giữa các trận đánh, những đoạn phim cắt cảnh, những pha QTE (quick time event), những bí mật ẩn trong các màn chơi… đều được tính toán kỹ lưỡng, sắp xếp chúng thành một thể hoàn mỹ – “thêm một chút thì thừa, bớt một chút là thiếu”.

Đây chính là nhược điểm mà các tựa game hành động khác thường mắc phải, khi có lúc quá lạm dụng QTE mà khiến nhịp chiến đấu trong game nhàm chán, hoặc quá sa đà vào cốt truyện mà bỏ lơ những tiểu tiết có thể ảnh hưởng đến bố cục của game. Rất may mắn là Bayonetta 2 hoàn toàn vượt qua thử thách cam go này.


Bayonetta 2 - Đánh Giá Game

Nội dung cực kỳ đa dạng, phong phú!

Là một game hành động chặt chém, dĩ nhiên ngoài những thứ mà Bayonetta 2 đã có quá thừa như combo chiến đấu vô hạn, đánh đấm sướng tay, phim cắt cảnh hoành tráng… thì kho khí tài vẫn là thứ mà người ta quan tâm nhiều nhất. Và riêng về khoản này, lại một lần nữa Bayonetta phải khiến cho người chơi phải choáng váng.

Thông thường, một tựa game hành động chặt chém kiểu như Devil May Cry, Ninja Gaiden… ngoài vũ khí chính “thương hiệu” của nhân vật, sẽ có thêm khoảng 3 – 4 loại khác. Người ta không dám làm nhiều hơn, vì sợ bí ý tưởng thể hiện đòn thế, cũng như khó mà thu xếp tính cân bằng – hoặc, cũng có thể là sợ… tăng dung lượng game!

Nhưng Bayonetta 2 có vẻ muốn chứng minh điều ngược lại, khi nếu tính luôn cả hai món vũ khí quay trở lại từ phần một là trường kiếm Shuraba cùng bộ súng yêu quý Scarborough Fair, tổng số vũ khí trong Bayonetta 2 đã lên đến con số 12 – một con số kinh dị, mà đó là chưa nói đến việc chúng đều đạt đến sự hoàn mỹ về tính cân bằng cũng như tính độc quyền, chẳng món nào “đụng hàng” nhau.

Nếu bộ tứ kiếm Rakshasa biến Bayonetta thành một mỹ nữ Ba Tư với những trận cuồng phong xoáy kiếm, thì bộ roi gai Alruna lại mang những nụ hôn đầy chết chóc đến với bất kỳ kẻ nào “xớ rớ” gần những nhánh hoa hồng đẹp đẽ kia. Lưỡi hái tử thần Chernobog, đúng như cái tên của nó, đem tử thần đến cho bất cứ tên địch “lớ ngớ” nào “ăn” phải bài combo dao xoáy tất sát.

Love is Blue và Scarborough Fair là hai bộ tứ súng trứ danh gắn ở gót chân và cầm trên tay của Bayonetta, bổ trợ cho những màn đấm đá ác liệt của cô nàng bằng các loạt đạn ma thuật – tuy nhiên chúng lại sở hữu phong cách đánh một nhanh một chậm, một mạnh một rộng hoàn toàn khác nhau.

Nếu đã chán phải lăn xả vào “giật đầu túm tóc” theo kiểu mấy bà bán cá, thần cung Kafka sẽ là đáp án tuyệt vời khi có thể lấy mạng kẻ địch xa ngoài trăm dặm với những mũi tên thần sầu.

Tổng số vũ khí trong Bayonetta 2 đã lên đến con số 12 – một con số kinh dị, mà đó là chưa nói đến việc chúng đều đạt đến sự hoàn mỹ về tính cân bằng cũng như tính độc quyền, chẳng món nào “đụng hàng” nhau


Bayonetta 2 - Đánh Giá Game

Giá trị chơi lại cực cao!

Tất nhiên, mở khóa hết được kho vũ khí của Bayonetta cũng không phải là chuyện dễ dàng, nội chuyện phải tìm đủ các mảnh vỡ để ghép lại ẩn giấu trong các ngóc ngách “khó đỡ” nhất cũng là… cả một vấn đề.

Tuy chỉ vẻn vẹn có 17 chương, nhưng thời lượng chơi Bayonetta 2 là cực dài vì người chơi sẽ phải chơi lại rất nhiều lần để tìm những bí mật được giấu. Chúng có thể là những mảnh tim và trăng vỡ để kéo dài thanh máu, thanh ma lực – mà cũng có thể là những con quạ đen để mở khóa những món trang sức cấp cuối.

Và việc phải lang thang khắp màn chơi để mở ra cho hết các trận đánh (Verse) nhằm đạt huy hiệu tối cao cuối mỗi màn là chuyện hiển nhiên – nếu muốn mở khóa được nhân vật ẩn Rosa hoặc vũ khí Chain Chomp.

Và cũng như phần một, để mở khóa Rodin ta cần tốn đến 9,999,999 đồng Halo – một số tiền mà nếu không có thủ thuật đặc biệt thì cày đến “móm cả răng” cũng chưa có – và một trận đánh “trầy vi tróc vẩy”.

Tuy chỉ vẻn vẹn có 17 chương, nhưng thời lượng chơi Bayonetta 2 là cực dài vì người chơi sẽ phải chơi lại rất nhiều lần để tìm những bí mật được giấu

Số lượng phục trang trong Bayonetta 2 phải nói là cực nhiều, vì Bayonetta và Jeanne hoàn toàn không xài chung đồ với nhau. Và vì Bayonetta 2 ra mắt trên Wii U nên Nintendo “hào phóng” tặng miễn phí cho người chơi năm bộ trang phục đặc thù của Samus Aran (Metroid), công chúa Peach/Rosalina (Mario), Link (Legend of Zelda) và Galaxy Fox (Star Fox).

Nếu phần chơi đơn với bốn cấp độ khó chưa đủ thỏa mãn người chơi, vẫn còn đó chế độ Tag Climax cực kỳ hấp dẫn để khám phá. Người chơi có thể kết nối mạng để tìm thêm một đồng đội, hoặc có thể chơi với máy để cùng tham gia vào các màn chơi thử thách với độ khó cao – ai giành nhiều điểm hơn thì thắng.

Điều oái oăm là, hai người chơi vừa phải cạnh tranh mà lại vừa phải hỗ trợ lẫn nhau, vì chỉ cần một người chết mà người kia chưa cứu kịp thì màn chơi bị tính là “thất bại”.


Đồ họa đỉnh cao – Âm thanh xuất sắc!

Những tưởng khi ra mắt trên Wii U, chiếc máy có phần cứng kém cỏi nhất của thế hệ thứ tám, thì đồ họa của Bayonetta 2 chỉ ở mức tầm thường – nhưng sự thật chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Đồ họa trong Bayonetta 2 xuất sắc đến nỗi khó mà tìm được lời nào hay hơn để diễn đạt ngoài một chữ: Đỉnh!

Nintendo từng cho rằng Mario Kart 8 đã chạm mốc sức mạnh phần cứng của Wii U, nhưng so với Bayonetta 2 thì chàng thợ sửa ống nước cùng mấy chiếc xe đồ chơi chỉ đáng… xách dép!

Người chơi sẽ mê mẩn trước cách tạo hình thế giới trong Bayonetta 2, từ những thành phố hiện đại sầm uất, đường phố cổ kính ở Noatun và Vigrid, cho đến thế giới thiên đường Paradiso đầy hoa lệ, những nẻo tối âm u rùng rợn mà đẹp đến mê người ở địa ngục Infernal….

Chưa dừng lại ở đó, vì với tư cách là một game hành động chặt chém, những pha chiến đấu và hiệu ứng đòn thế mới là cái người ta soi mói nhiều nhất. Và một lần nữa, Bayonetta 2 lại làm các “thánh soi” phải thẫn thờ trước những pha chiến đấu đậm chất điện ảnh của mình.

Những trận đánh trong Bayonetta 2, như đã nói, diễn ra ở khắp mọi nơi mà tác giả có thể tưởng tượng đến, và điều làm chúng trở nên kịch tính chính là nhờ các góc quay biến ảo vô cùng, khi xa khi gần, đảo lộn ngẫu hứng – và quan trọng nhất là hoàn toàn không khiến người xem chóng mặt.

Hiệu ứng đòn thế của Bayonetta 2 thật sự miễn chê, với sự thể hiện cực kỳ tinh tế tùy theo loại vũ khí và đối tượng chiến đấu. Nếu như tứ kiếm Rakshasa khiến người chơi có thể cảm thấy sự tấn tốc vũ bão trong từng điệu múa, thì với búa thần sấm Takemikazuchi ta cảm thấy mình như một “nàng” Thor đích thực, khi giáng những đòn búa tạ sấm sét – chậm mà “thốn” – lên đầu bọn thiên sứ đang đứng đần mặt ra chờ chết!

Tạo hình nhân vật cũng là một điểm khiến người chơi phải mê mẩn với Bayonetta 2, khi giờ đây “từ giã” mái tóc dài duyên dáng, nàng Bayonetta trang điểm cho mình một cái đầu cắt ngắn, tóc lỉa chỉa bất trị. Thật sự, như hiện tại thì Bayonetta lại càng quyến rũ hơn gấp bội khi cá tính ngổ ngáo cùng vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo lại được bộc lộ ra.

Vẫn như phần đầu, các kẻ địch trong Bayonetta 2 vẫn là những vị thiên sứ uy nghiêm, hùng dũng trong các bộ giáp vàng lấp lánh. Nhưng chỉ khi bị “tẩm quất” no đòn bởi bàn tay phù thủy của Bayonetta, chúng mới bộc lộ ra phần thân bên trong ghê rợn của mình.

Thật sự, người viết rất muốn một lần được “thọ giáo” Team Little Angels, nhóm chịu trách nhiệm thiết kế mô hình 3D của Platinum Games, mà hỏi rằng nhờ vào đâu mà cái đầu phi thường của họ lại có thể nghĩ ra những tạo hình độc đáo thế kia?

Âm nhạc trong Bayonetta 2 thì chẳng có gì phải bàn nữa, đơn giản là vì nó quá hoàn mỹ nên không cần phải nói đến nữa. Bài hát chủ đề “Tomorrow is Mine” thật sự xứng đáng và rung động lòng người hơn hẳn so với “Fly me to the Moon” của phần một.

Những âm thanh hiệu ứng và mô phỏng đã tuyệt vời, nhưng giọng lồng tiếng trong Bayonetta 2 mới đáng gọi là xuất sắc. Người viết kiến nghị nên để chế độ lồng tiếng Nhật – phụ đề Anh, để cảm nhận rõ rệt chất truyền cảm mỗi khi nàng Bayonetta lên tiếng “oanh vàng”.

Hiệu ứng đòn thế của Bayonetta 2 thật sự miễn chê, với sự thể hiện cực kỳ tinh tế tùy theo loại vũ khí và đối tượng chiến đấu

Bạch kim 10





Đã từ rất lâu rồi, người viết mới có lại cái cảm giác trông chờ mòn mỏi cho một tựa game sắp ra mắt, chạy đôn chạy đáo cuống cuồng lên khắp nơi để tìm mua game, và cũng "nổi điên" pha lẫn thất vọng khi không mua được game.

Không phải trước nay không có game hay, mà chỉ đơn giản là vì Bayonetta 2 đã vượt quá khỏi phạm trù "hay" đơn thuần.

Một cốt truyện hấp dẫn, một lối chơi kịch tích, một hệ thống chiến đấu điên loạn, một nền tảng đồ họa tuyệt vời, một giai phẩm âm nhạc xuất sắc, một tựa game hay với giá trị chơi lại cao - nếu đã hội tụ đủ từng ấy điều mà còn chưa khiến Bayonetta 2 trở thành một tựa game đáng chơi, thì cái gì mới đáng?



Thông tin

  • Bayonetta 2
  • Nhà phát triển
    Platinum Games
  • Nhà phát hành
    Nintendo
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    24/10/2014
  • Nền tảng
    Wii U

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi VIETGAME.ASIA. Chơi trên Wii U.