Skip to content

Bloodstained: Ritual of the Night – Đánh Giá Game

Bloodstained

Đối với nhiều người, “Castlevania” có lẽ không phải là một cái tên quá xa lạ. Có thể nó không nổi tiếng như Mega Man hay Final Fantasy, nhưng đã là người có chơi game thì ít hay nhiều gì hẳn cũng từng nghe nói đến nó.

Nằm đâu đó giữa ranh giới của một tựa game platformer (nhảy nhót, leo treo) và hành động, Castlevania tự tách bạch ra thành một thể loại độc đáo riêng, mà tề danh cùng dòng game Metroid để biến thành chủng loại game “Metroidvania” đặc thù. Điểm nhấn của dòng game này đó là cả tựa game được gói gọn trong một màn chơi cực lớn với vô số ngóc ngách và bí ẩn. Người chơi sẽ buộc phải ghi nhớ bản đồ và đi qua đi lại cùng một chỗ nhiều lần để khám phá trọn vẹn, đồng thời đối mặt với nhiều loại kẻ thù khác nhau được bố trí rải rác khắp nơi.

Có nguồn gốc khởi thủy từ năm 1986, dòng game Castlevania đã có nhiều bước thăng trầm qua từng thời kỳ, và đạt sự ổn định tốt nhất sau khi được đảm nhiệm bởi Koji “IGA” Igarashi. Với những phiên bản nổi tiếng như Symphony of the Night (1997), Harmony of Dissonance (2002), Dawn of Sorrow (2005)… Igarashi đã thể hiện được sức sáng tạo thần sầu của mình, và nhanh chóng trở thành một biểu tượng gắn liền với cả một dòng game – tương tự như cách người ta nhắc đến Shigeru Miyamoto với Mario/ The Legend of Zelda hay Hideki Kamiya với Devil May Cry vậy.

Sau một vài phiên bản 3D với đồ họa nâng cấp hồi 2012 như Lord of Shadows, dòng game Castlevania bỗng trở nên im hơi lặng tiếng – và sự ly khai của Igarashi khỏi KONAMI hồi 2014 do bất đồng quan điểm khi KONAMI bắt đầu chuyển hướng kinh doang sang mảng game mobile, đã hầu như đánh dấu chấm hết cho một huyền thoại lâu đời này.

Nói là “hầu như”, bởi vì Igarashi không hề có ý định kết thúc Castlevania mãi mãi, mà ông muốn tự mình thực hiện một con đường riêng. Kết quả là sự ra đời của Bloodstained: Ritual of the Night – một dự án lớn được thai nghén từ 2014 và ra mắt vào năm 2019 vừa mới đây. Nhanh chóng cán mốc Kickstater chỉ trong vài ngày đầu, “thương hiệu” Igarashi quả thực đã chứng minh được sự tín nhiệm lớn lao của cộng đồng yêu game dành cho ông. Ra mắt ngày 26.06.2019 trên các hệ máy PlayStation 4, PC Steam và Nintendo Switch, Bloodstained: Ritual of the Night nhanh chóng nhận được vô số lời khen ngợi của giới chuyên môn, xứng tầm “người kế thừa” của Castlevania huyền thoại. Bài viết đánh giá sau đây của Vietgame.asia sẽ dựa trên phiên bản của Nintendo Switch, nhằm mang đến một góc nhìn khác biệt hơn so với đại chúng.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]

MỘT TỰA GAME ĐẬM CHẤT “CASTLEVANIA”

Lấy bối cảnh hoàn toàn khác với thế giới của Castlevania vốn xoay quanh chuyện ân oán tình thù giữa dòng họ Belmont và chúa quỷ Dracula, Bloodstained: Ritual of the Night chọn cho mình một hướng đi gọn gàng và đơn giản hơn nhiều. Cốt truyện của Bloodstained: Ritual of the Night chỉ đơn giản là sự trả thù của một “vũ khí sống” đã từng bị lợi dụng để khai mở Quỷ Môn Quan lên cõi người, và nỗ lực ngăn chặn hắn ta của một “vũ khí sống” khác – thế nhưng chính sự đơn giản này đã khiến nhiều điểm thú vị khác trở nên nổi bật hơn.

Cái hay của dòng game Castlevania luôn nằm ở việc nó kiến tạo nên một tòa lâu đài cổ khổng lồ đầy chất ma mị, kết nối bởi hàng trăm căn phòng với vô số bí mật chờ người chơi khám phá. Tất thảy điều đó đã được tái hiện lại một cách trọn vẹn trong Bloodstained: Ritual of the Night, nếu không muốn nói là tốt hơn nhiều khi mà người chơi giờ đây có nhiều cách để tương tác với môi trường hơn nữa. Phá vỡ một bức tường, một khe nứt trên trần, hoặc “cắm mặt” rơi xuống một khoảng không vô định đều có thể dẫn người chơi đến những căn phòng bí ẩn, thậm chí không hề tồn tại trên bản đồ. Phần thưởng cho những chuyến “du ngoạn” này hầu như luôn luôn tỏ ra xứng đáng, khi mà chúng là những vật phẩm giá trị như bình nâng cấp máu, năng lượng, hoặc các công thức chế đồ “xịn”.

Bloodstained
Bloodstained

[su_quote]Cái hay của dòng game Castlevania luôn nằm ở việc nó kiến tạo nên một tòa lâu đài cổ khổng lồ đầy chất ma mị, kết nối bởi hàng trăm căn phòng với vô số bí mật chờ người chơi khám phá[/su_quote]

Thoát ly khỏi cái bóng của chủ đề “Dracula” và binh đoàn hắc ám đã dần trở nên khá nhàm chán, Bloodstained: Ritual of the Night đã đi theo một con đường mới khi mà thế giới trong game được xây dựng dựa trên pho sử thi “72 con quỷ của vua Solomon” (Goetia). Bước đi này mở đường cho nhiều sự sáng tạo hơn trong việc tạo hình kẻ địch và ban cho chúng những thân phận mới, dễ nhận biết hơn và cũng thú vị hơn. Những cái tên “nghe đã thấy ngầu” như Dantalion, Baal, hay Barbartos chắc chắn là có tính gợi hứng hơn là “Skeleton” với “Zombie” rồi (Magi, anyone?).

Tuy vậy, “fan cứng” của Castlevania sẽ nhanh chóng tìm thấy cảm giác thân quen trong Bloodstained: Ritual of the Night, khi mà mọi thứ đều diễn ra theo cùng một quy trình: đi lang thang trong lâu đài, gặp con gì “bợp tai” con nấy, phân vân trước những ngã rẽ, chạm phải “một thứ gì đó” khiến mình không đi tiếp được, có những khả năng di chuyển mới như nhảy hai bước, lướt trên không… và quay lại những ngõ cụt trước đó để “thí nghiệm”… Thật sự Bloodstained: Ritual of the Night đã tái tạo lại hết sức thành công những yếu tố cốt lõi làm nên sự hấp dẫn của dòng game Castlevania huyền thoại.


NHIỀU CẢI TIẾN SÁNG GIÁ

Vốn không đặt nặng yếu tố hoa mỹ trong hành động, dòng game Castlevania từ trước đến nay đều không chú trọng chuyện tạo cho nhân vật quá nhiều đòn thế “màu mè hoa lá hẹ”. Một số thay đổi trong các phiên bản 3D như Lords of Shadow: Mirror of Fate đã chứng tỏ rằng các combo “mù trời tung đất” hoàn toàn không phù hợp với dòng game cổ kính này. Vì vậy, với Bloodstained: Ritual of the Night, Igarashi đã cố gắng duy trì mọi thứ ở mức độ gọn gàng hết mức có thể – và thêm thắt nhiều gia vị khác để khiến món ăn thêm thú vị.

Người chơi có thể trang bị rất nhiều loại vũ khí khác nhau trong Bloodstained: Ritual of the Night, từ kiếm, dao găm, thương, rìu… cho đến súng, roi… hay thậm chí là… giày cao gót. Mỗi loại vũ khí có khung sát thương, tầm đánh và tốc độ hoàn toàn khác nhau, và mỗi thứ đều tỏ ra hữu hiệu với một vài loại kẻ địch nhất định hơn những loại khác. Tuy diễn hoạt chiến đấu của từng loại chỉ đơn điệu với một động tác, nhưng người chơi có thể tìm kiếm những quyển “bí kíp” rải rác ở khắp nơi để mở khóa thêm các chiêu thức mới cho từng loại vũ khí. Chúng có thể không thật sự hiệu quả hơn đánh thường, nhưng lâu lâu “múa” vài chiêu làm màu cho đời thêm vui cũng đâu có gì là quá đáng?

[su_quote]Người chơi có thể trang bị rất nhiều loại vũ khí khác nhau trong Bloodstained: Ritual of the Night, từ kiếm, dao găm, thương, rìu… cho đến súng, roi… hay thậm chí là… giày cao gót[/su_quote]

Học tập từ phiên bản Dawn of Sorrow và còn nâng nó lên một tầm cao mới, Bloodstained: Ritual of the Night tích hợp tính năng tiêu diệt kẻ địch, thu thập các mảnh Demon Shard để gắn vào nhân vật và cường hóa theo nhiều cách: có thêm nhiều kỹ năng phép thuật để tấn công hoặc gia tăng chỉ số nội tại. Với hàng chục Demon Shard khác nhau, người chơi có thể cường hóa chúng để mạnh hơn đáng kể, và tùy biến chiến thuật của mình theo nhiều cách khác nhau mà vẫn hiệu quả. Tất nhiên các Demon Shard này chỉ có tỉ lệ rớt nhất định chứ không phải đánh là có, nên người chơi sẽ tốn kha khá thời gian để cày nâng cấp cho các Shard mình cần.

Trong hầu hết các phiên bản của Castlevania, yếu tố nhập vai có được sử dụng “nhẹ” để khiến người chơi có cảm giác mạnh hơn sau một thời gian chơi. Tuy vậy, nó thường được làm khá qua loa khi chỉ gói gọi trong việc thăng cấp, tăng chỉ số, trang bị đồ… và hầu như chỉ có tính chất “làm màu”. Với Bloodstained: Ritual of the Night, mọi thứ được đẩy xa hơn đáng kể khi game đưa vào các tính năng chế tạo/ nâng cấp đồ, và các trang bị ngoài thay đổi chỉ số đôi khi còn ảnh hưởng đến cách thức vũ khí hoạt động nữa. Chưa nói đến việc ngoại hình của nhân vật thay đổi tương ứng với các món đồ trên người (trừ quần áo), mà nội chuyện người chơi có tùy chọn thay đổi kiểu tóc, màu tóc… nhân vật đã là một bước tiến khá dài trong việc biểu đạt cái “tôi” rất đáng khen.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]

Bloodstained

HƠI BỊ NHIỀU “SẠN TRONG RĂNG”

Có một điều thú vị mà ít người biết, đó là trong 3 phiên bản thì hệ Nintendo Switch là phiên bản bị… ném đá nhiều nhất, mà cũng là phiên bản có doanh số cao nhất, bỏ xa hai phiên bản còn lại trên Steam và PlayStation 4. Nguyên nhân thì có lẽ là vì cấu hình của Switch tương đối yếu, hoặc có thể do đội ngũ chuyển hệ (WayForward) không tối ưu hóa tốt được – nhưng dân tình vẫn thích chuyện vác Bloodstained: Ritual of the Night ngồi chơi trong… WC chẳng hạn?

Trong danh sách các bất cập lớn của Bloodstained: Ritual of the Night phiên bản Switch, có lẽ vẫn nằm ở bài ca muôn thuở: chất lượng đồ họa khi chơi ở chế độ cầm tay kém xa khi cắm vào dock sạc. Nguyên nhân thì tương tự như máy laptop: khi không cắm dây thì Switch sẽ tự giảm cấu hình game để cân bằng với hiệu năng pin. Hầu hết game nặng trên Nintendo Switch đều mắc phải vấn đề này, nhưng Bloodstained: Ritual of the Night có vẻ “thảm” hơn khi mà dù trên chế độ cắm dock, đồ họa của game vẫn kém xa phiên bản PlayStation 4/ PC.

Bloodstained

[su_quote]Trong danh sách các bất cập lớn của Bloodstained: Ritual of the Night phiên bản Switch, có lẽ vẫn nằm ở bài ca muôn thuở: chất lượng đồ họa khi chơi ở chế độ cầm tay kém xa khi cắm vào dock sạc[/su_quote]

Kế đến, đó là phiên bản Bloodstained: Ritual of the Night của Nintendo Switch xuất hiện khá nhiều lỗi nặng nề ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi. Cụ thể, nếu các phiên bản PC / PlayStation 4 có độ trễ khi nhấn nút chỉ khoảng 32 – 35ms, thì với Switch con số đó “được” bạo thăng lên tận 140+, khiến các thao tác điều khiển / hành động trong game kém mượt thấy rõ. Ngoài ra, tốc độ tải màn / chuyển cảnh của phiên bản Switch lâu đáng kể, đặc biệt ở một số chỗ có thể kéo dài hơn 20 giây đen màn hình. Cứ tưởng tượng cái thảm họa của việc nhảy lên một bật đứng để lên một căn phòng trên cao mà cần phải tải màn: 20 giây chờ lên, sẩy tay vì độ trễ phản hồi khi nhấn nút, 20 giây rơi xuống… và lập lại. Ự!

Sau cùng, đó là ngoài các lỗi kỹ thuật có liên quan đến bản chất của hệ máy, Bloodstained: Ritual of the Night còn tồn đọng nhiều lỗi lặt vặt khác mà lẽ ra không nên tồn tại trên một hệ máy console/ handheld. Chẳng hạn như người viết đã có lần bỏ ra tận 30 phút để cố tìm kiếm anh trùm cuối, khi mà sau khi đánh nhau được một tẹo anh í lạng vào tường và… biến mất hẳn, để người viết bơ vơ và đành phải khởi động lại game. Hoặc như khi chơi ở chế độ cầm tay được vài tiếng, máy bắt đầu nóng lên và game bị văng/ treo cứng phải khởi động lại cả máy.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: ArtPlay
  • Phát hành: 505 Games
  • Thể loại: Phiêu lưu
  • Ngày ra mắt: 18/9/2019
  • Hệ máy: PC, Xbox One, PS4, Nintendo Switch

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI 505 GAMES

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ NINTENDO SWITCH

7.5

Bloodstained: Ritual of the Night quả thật xứng đáng với danh hiệu “người kế thừa” xuất sắc của huyền thoại Castlevania, cả về lối chơi kinh điển hay những cải tiến đáng giá mà Igarashi mang lại. Đồ họa của Bloodstained: Ritual of the Night thì thuộc vào dạng “ai thích sẽ thích, mà ai ghét sẽ ghét” - nên người viết sẽ không đề cập nhiều đến mảng này. Tuy vậy, để trải nghiệm Bloodstained: Ritual of the Night được trọn vẹn, việc mua phiên bản Steam hay PlayStation 4 là đáng đề nghị hơn hẳn việc “cố đấm ăn xôi” mua phiên bản Switch và chờ dài cổ cho một bản vá đủ “có tâm” để giải quyết các vấn đề như được hứa hẹn trên diễn đàn của Bloodstained: Ritual of the Night (như người viết).