Brigandine: The Legend of Runersia – Nếu bạn là những game thủ đời cuối 8x hay đầu 9x chứng kiến sự “quật khởi” của hệ máy chơi game huyền thoại PlayStation đến từ Sony, chắc chắn rằng bạn sẽ không thể nào quên được sự “kèn cựa” giữa hai gã khổng lồ đến từ Nhật Bản trong việc tranh giành các tựa game hòng “lấp đầy” bộ sưu tập game cho riêng mình.
Gần như bên hệ máy Nintendo 64 thời bấy giờ sở hữu dòng game gì hấp dẫn thì Sony cũng phải theo bước bằng được với những tựa game tương tự, nhưng với chất lượng ấn tượng hơn nhờ bộ xử lý đồ họa 3D mạnh mẽ, âm thanh trung thực kế thừa từ những dàn máy dân dụng nổi như cồn của hãng thời bấy giờ, và quan trọng hơn hết là dung lượng game thoải mái trên nền đĩa quang CD-ROM lên đến 650MB, gấp 10 lần băng lưu trữ trên hệ máy đối thủ.
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đó, chúng ta có thể thấy một Final Fantasy VII “dứt gánh” qua hệ máy mới mà vẫn “ngốn” dung lượng đến 3 đĩa CD, Resident Evil khởi đầu cho dòng game hành động kinh dị hay thậm chí dòng game lâu đời Castlevania cũng lần lượt tìm đến bến đỗ mới trên hệ máy “nhà” Sony.
Thế nhưng Fire Emblem, một trong những dòng game lâu đời vẫn “trụ” lại với Nintendo, trở thành “cọc tiêu” cho thể loại game nhập vai chiến thuật (Tactical RPG) lại không chịu rời bỏ sân nhà Nintendo như bao nhiêu tên tuổi khác.
Điều này thúc đẩy Sony tìm đến với những tên tuổi hoàn toàn mới, và Brigandine: The Legend of Forsena (hay còn được biết với tên Thập tự chinh tại thị trường Việt Nam) ra đời, tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ trên thị trường không chỉ ở châu Á, mà còn ở thế giới phương Tây vốn không quá “chuộng” thể loại game này.
Thế nhưng, chỉ sau duy nhất một phiên bản mở rộng, tựa game này bỗng chốc biến mất khỏi thị trường để lại nhiều tiếc nuối cho fan hâm mộ.
Mãi tới tận gần đây, phần tiếp theo của dòng game mới được công bố với tên gọi Brigandine: The Legend of Runersia, nhưng lần này không chỉ độc quyền cho hệ máy PlayStation như phiên bản trước, mà xuất hiện trên tất cả các hệ máy chơi game hiện hành, bao gồm cả hệ máy PC vốn xa lạ với các nhà sản xuất game Nhật Bản.
Vậy sự trở lại sau hơn 24 năm của “Thập tự chinh” có thực sự thành công?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Bảo tồn “tinh hoa” của phiên bản trước!
Như đã từng đề cập đến trong bài đánh giá tựa game King Arthur: Knight’s Tale cách đây không lâu, những năm cuối thập niên 90 chứng kiến rất nhiều studio tìm kiếm sự phá cách, làm mới lại các thể loại game kinh điển thông qua việc trộn lẫn các thể loại khác nhau, và riêng với dòng game Nhập vai chiến thuật, Brigandine: The Legend of Forsena đã trở thành một trong những ví dụ thành công nhất trong thể loại này.
Các nhà phát triển đến từ Hearty Robin đã vô cùng khéo léo khi kết hợp những yếu tố của thể loại game Đại chiến lược (Grand Strategy) vào thể loại game Nhập vai chiến thuật, đem đến một “bữa ăn thịnh soạn” cho người chơi khi phải liên tục tư duy trên cả hai bình diện “vĩ mô” trên quan hệ giữa các quốc gia, và “vi mô” trong các trận chiến giữa hai đội quân cụ thể với địa hình và thiết lập quân sự đa dạng, tạo nên sức hút bất tận cho mỗi trận chiến trong game thay vì đi theo phong cách thể hiện chương hồi với các trận đánh được thiết kế sẵn như các tựa game Nhập vai chiến thuật truyền thống.
Mặc dù điều này không quá xa lạ trong thế giới game hiện đại như các phiên bản thuộc dòng game chiến thuật Total War, hay tựa game mang tính chất “tội phạm” Empire of Sin, thế nhưng trong bối cảnh của cách đây 25 năm thì những gì mà tựa game này làm được là vô cùng ấn tượng.
Là một hậu bản ra mắt sau phần đầu tiên tận 25 năm, dĩ nhiên là Brigandine: The Legend of Runersia tập trung duy trì những “tinh hoa” của phiên bản tiền nhiệm, đồng thời thêm thắt vào đó những yếu tố mới mẻ của riêng mình.
Về cơ bản, lối chơi chủ đạo của tựa game vẫn giữ nguyên của phiên bản trước đó khi chia ra làm hai bộ phận bao gồm phần chơi chiến lược và phần chơi nhập vai – chiến thuật theo lượt với một bối cảnh đơn nhất xuyên suốt toàn bộ màn chơi với sáu phe phái hoàn toàn mới tham gia vào cuộc “tranh bá” trên đại lục Runersia.
Phải nói là một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt giữa dòng game Brigandine với hầu hết tựa game thời bấy giờ chính là cả hai phần chơi đều được phát triển theo một phương thức cân bằng xoay xung quanh một cốt truyện được xây dựng chi tiết theo từng nhóm nhân vật.
Điều này làm cho trò chơi trở nên thống nhất và mạch lạc, lôi cuốn người chơi dõi theo cuộc hành trình của nhân vật trong cuộc chiến xưng bá lục địa, chứ không rời rạc và “đuối” dần ở các giai đoạn sau khi một trong các phần chơi trở nên tách rời và không còn gắn kết được với phần chơi chính.
Đây cũng là một điểm nhấn mạnh mẽ mà Brigandine: The Legend of Runersia được “thừa kế” từ phiên bản tiền nhiệm dù rằng tựa game ra mắt 25 năm sau sở hữu một đội ngũ phát triển cũng như bối cảnh hoàn toàn mới mẻ.
Nhìn chung, với phần chơi chiến lược, bạn phải “chiêu binh mãi mã”, huấn luyện tướng lĩnh, gửi người đi làm các nhiệm vụ phụ để kiếm về phần thưởng điểm kinh nghiệm hay những món đồ quý giá…
Trong khi đó, với phần chơi chiến thuật, đội quân tham chiến của bạn sẽ được bày bố trên bản đồ, chiến đấu với đối phương với phương thức theo lượt cổ điển.
Bạn phải tận dụng tốt địa hình, các chiêu thức, phép thuật và các đơn vị quân để có thể đánh bại hoàn toàn đội quân của đối thủ theo phương thức ít hao binh tổn tướng nhất.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng cả hai phần chơi sẽ có ảnh hưởng qua lại vô cùng chặt chẽ với nhau khi mỗi trận chiến sẽ có tác động đến cả bàn cờ chiến lược, và ngược lại, ưu thế chiến lược có thể dễ dàng chuyển hóa thành ưu thế chiến thuật thông qua lực lượng “binh hùng tướng mạnh” với trang bị thuộc loại “xịn sò”
Điều đáng ngạc nhiên là hệ thống cốt truyện của Brigandine: The Legend of Runersia thậm chí còn được xây dựng tỉ mỉ hơn cả phiên bản đầu tiên với nhiều nhánh rẽ khác nhau, kích hoạt nên những tình huống mới mẻ đem lại không ít bất ngờ cho người chơi.
Điều đáng ngạc nhiên là hệ thống cốt truyện của Brigandine: The Legend of Runersia thậm chí còn được xây dựng tỉ mỉ hơn cả phiên bản đầu tiên
Thậm chí nhà sản xuất giàu kinh nghiệm Kazuhiro Igarashi còn “cài cắm” rất nhiều những yếu tố độc đáo trong cốt truyện của mỗi phe, từ đó dẫn ra các nhiệm vụ phụ, thậm chí là… phe phái mới toanh không có sẵn từ đầu chiến dịch, tạo ra điểm thắt cho cốt truyện, khiến cho game thủ yêu thích thể loại game chiến thuật nhập vai không ngừng bị cuốn theo diễn biến của thế giới Runersia sau những trận chiến căng thẳng.
Không chỉ có thế, khác với phiên bản đầu tiên, hệ thống nhân vật và đơn vị trong game được mở rộng ra với độ đa dạng chưa từng có cả về tính năng lẫn kỹ năng.
Yếu tố này ảnh hưởng ngược lại rất nhiều đối với các yếu tố chiến thuật chứ không đơn thuần là dạng tương khắc đơn giản theo kiểu kéo-búa-bao trên các dòng game chiến thuật nhập vai truyền thống.
Hệ thống kỹ năng – phép thuật trong game được thiết kế vô cùng phức tạp với chiều sâu tương đương các dòng game nhập vai chiến thuật theo nghĩa hẹp như Disgaea, nghĩa là các nhân vật sở hữu cây kỹ năng riêng biệt có sức mạnh và khả năng tương tác với địa hình hoàn toàn độc đáo chứ không đơn giản là một vài kỹ năng “đâm chém” đơn giản.
Thường thì trong tình huống này, người chơi có khuynh hướng mày mò trong suốt giai đoạn đầu của game để tìm cho mình một bộ “bài tủ” với những đòn đánh phối hợp gây sát thương diện rộng và cứ thế lặp lại nhàm chán cho đến tận trận chiến cuối cùng, thế nhưng với cách thiết kế quân đội phức tạp và có chiều sâu như trong Brigandine: The Legend of Runersia, yếu tố thấu hiểu với kỹ năng các đơn vị và khả năng tính toán chặt chẽ của người chơi mới là yếu tố quyết định đem lại chiến thắng cho những trận đánh có thực lực hai bên gần tương đương.
Chính vì vậy mà yếu tố “chiến thuật” của trò chơi trở nên đậm nét và đặc sắc theo một phong cách huyền huyễn vô cùng khác biệt, gợi nhớ đến dòng game Heroes of Might and Magic “vàng son” một thời mà ít có tựa game nào ra mắt trong thời gian gần đây có thể so sánh được.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn và phát huy tinh hoa của phiên bản trước, Brigandine: The Legend of Runersia cũng sở hữu nhiều nâng cấp sáng giá cả về mặt hình ảnh lẫn âm thanh, đem đến sự hứng khởi cho các game thủ mới toanh tiếp xúc với dòng game đầy rắc rối này.
Ở phần chơi đại chiến lược, bạn sẽ bắt gặp một bộ sưu tập vẽ tay đồ sộ các nhân vật và bối cảnh theo phong cách có phần hơi… diêm dúa của nhóm Mangaka CLAMP với độ tỉ mỉ và diễn hoạt vô cùng ấn tượng, đem đến một câu chuyện vô cùng rõ nét và đầy màu sắc về các nhân vật trong game, khiến cho người chơi như hòa mình vào trong cốt truyện vốn có phần hơi rối rắm với quá nhiều tuyến nhân vật và bối cảnh.
Thế nhưng khi bước vào phần chơi chiến thuật, các đơn vị quân đội đều được thiết kế tỉ mỉ với phong cách đồ họa “nửa Cel-shade” cùng các chiêu thức, kỹ năng hay phép thuật vô cùng đẹp mắt, dù rằng khi chiến trường có quá đông các đơn vị, các hiệu ứng này có phần gây rối mắt đôi chút với góc nhìn của game.
Nhờ đó mà người chơi, kể cả những người yêu thích các tựa game chú trọng chất lượng đồ họa, vẫn có thể dễ dàng theo dõi và thưởng thức các trận đánh ác liệt này.
Phần âm thì lại “khỏi chê” theo một khía cạnh khác khi hầu hết các đoạn hội thoại đều được lồng tiếng với các Seiyuu (diễn viên lồng tiếng cho phim hoạt hình Nhật Bản) tài năng, đủ sức làm cả các… Wibu phải tan chảy.
Các hiệu ứng phép thuật chiến đấu đều được thiết kế tỉ mỉ với độ tách biệt rõ ràng, đó là chưa kể tới phần nhạc nền tuy không quá nhiều, nhưng cũng đủ mang lại không khí cho người chơi trong suốt thời lượng game có phần dài hơi.
Với một lối chơi chỉn chu kế thừa hoàn chỉnh tinh hoa của phiên bản trước, một cốt truyện được biên tập vô cùng chặt chẽ với nhiều yếu tố đủ gây xoắn não cho người chơi, thì phần hình – âm thỏa mãn được đầy đủ thị giác, thính giác của game thủ đặt xuống một dấu chấm tròn cho thành công đáng ghi nhận của Brigandine: The Legend of Runersia dù phần thứ hai này được hoàn thành bởi một đội ngũ hoàn toàn khác biệt so với phiên bản đầu tiên ra mắt hồi 25 năm trước.
BẠN SẼ GHÉT
Còn một vài “hạt sạn”!
Phải nói rằng dù đã thỏa mãn người chơi trong cả lối chơi, cốt truyện, hình ảnh và âm thanh, thế nhưng Brigandine: The Legend of Runersia vẫn làm nản lòng không ít game thủ với một vài “hạt sạn” không đáng có.
Trước hết là lối chơi khá chậm rãi với kịch bản có chiều sâu lại làm cho nhịp game trở nên quá… rùa bò, khá khó để cho các fan của game hiện đại chấp nhận.
Thật vậy, các cuộc trò chuyện của nhân vật trở thành “nỗi ám ảnh” khi bạn bắt gặp chúng ở khắp mọi nơi.
Từ những cuộc trò chuyện của nhân vật trong đủ các phe đầu mỗi lượt chơi, đến các cuộc hội thoại giữa nhân vật và một NPC “ất ơ” nào đó khi làm các nhiệm vụ phụ (quest) có thể kéo dài lê thê hàng chục phút chỉ với một mục tiêu duy nhất là cho người chơi biết chuyện gì đang xảy ra.
Mới đầu, việc theo dõi các đoạn hội thoại này còn chút thú vị, thế nhưng càng về sau, người chơi chỉ muốn… tua nhanh chúng qua để tập trung vào lối chơi mà thôi.
Khi kết hợp với hệ thống các trận chiến trong game, mỗi lượt cần đến thời gian rất dài, thậm chí có thể lên đến cả giờ đồng hồ nếu bạn có vài trận đánh trong một lượt và gặp một sự kiện gì đó khiến các nhân vật “dông dài” với nhau.
Một điểm trừ nhẹ khác đến từ giao diện của tựa game.
Trong phần lớn thời lượng của Brigandine: The Legend of Runersia, bạn sẽ phải lướt qua rất nhiều các khung trình duyệt chứa đựng đầy đủ các loại bảng biểu và thông số.
Việc này gây ra rất nhiều phiền phức cho người mới chơi khi tìm hiểu tựa game, trong khi phần chơi hướng dẫn không chú trọng xoáy sâu, giải thích các vấn đề này.
Cuối cùng, đây là một tựa game được phát triển đầu tiên cho hệ máy Nintendo Switch, và do đó, thân thiện với điều khiển tay cầm hơn là dùng chuột và bàn phím.
Người dùng cần phải thiết lập lại nút bấm để có thể điều khiển dễ dàng hơn.