Capcom – Thời gian gần đây, nói tới Capcom thì chẳng có gì để bàn ngoài sự ca tụng. Thay vì cố gắng phát triển những sản phẩm mới, Capcom “tìm về nguồn cội” bằng cách khai thác và mở rộng các dòng game tiếng tăm một thời của họ như Devil May Cry, Mega Man hay Monster Hunter…
Đồng thời, công ty cũng tập hợp các phiên bản cũ của nhiều dòng game khác nhau, hay Remaster những tựa game cổ điển như Onimusha: Warlords hay Okami, và mang lên PC.
Có lẽ “hướng về nguồn cội” là con đường đi mới mà Capcom định theo.
Hãy cùng Vietgame.asia điểm qua những nốt trầm trong lịch sử của công ty, về những thành công mà công ty gặt hái hiện tại, và dự đoán về những kế hoạch tương lai của gã khổng lồ này nhé!
“CHẢY MÁU” NHÂN TÀI
Đó là ngày 01/11 lạnh giá trên đất Bắc Mỹ… ngày mà Resident Evil 4 được ra mắt. Tựa game là một thành công, và đó là “nói giảm, nói tránh”.
Game nhận được vô vàn đề cử “Trò chơi của năm” 2005, một bước tiến trong thể loại game hành động kinh dị – sinh tồn, là sản phẩm tiên phong của những trò chơi góc nhìn thứ ba, và đương nhiên tới ngày hôm nay vẫn được xem là một trong những trò chơi tuyệt vời nhất mọi thời đại.
Đó là đỉnh cao của Capcom… gần 15 năm trước. Chỉ đáng tiếc rằng sau đỉnh cao luôn là sự xuống dốc dần dần.
Không lâu sau đó, thời đại “trị vì” của PlayStation 2 kết thúc và PlayStation 3 bắt đầu được Sony cho nối ngôi.
Cuộc đua giành giật chỗ đứng cho thị phần console mới bắt đầu, và nước đi đầu tiên mà Capcom thực hiện đã có vẻ không xán lạn lắm: đóng cửa Clover Studio.
Thời bấy giờ, Clover Studio không đơn giản chỉ là một công ty con của Capcom, mà nó là nơi hội tụ những tài năng chủ lực của gã khổng lồ này. Mục tiêu của Clover Studio là tạo ra những sản phẩm mới, những tựa game “hạt giống”, không “đụng hàng” với những tên tuổi đã có của Capcom.
Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất mà studio này để lại là Okami, tựa game đạt “Kỉ lục Guinness cho Trò chơi của năm nhưng có doanh số ế ẩm nhất”. Tựa game sau đó của studio này là God Hand, và nó mang về doanh số còn thậm tệ hơn cả Okami.
Sản phẩm không thu được doanh thu như dự tính ắt dẫn tới việc Capcom siết chặt quyền kiểm soát studio này và dè dặt, thậm chí bác bỏ thẳng thừng, những ý tưởng về sản phẩm mới.
Lần lượt những thành viên quan trọng trong Clover Studio như Atsushi Inaba (CEO), Hideki Kamiya, Shinji Mikami rời đi, và đương nhiên, cuối cùng studio này cũng gặp ngày tàn, bị hợp lại vào công ty mẹ.
Mọi chuyện không chỉ dừng ở đó. Việc những nhân vật quan trọng từ chức hàng loạt không chỉ xảy ra ở Clover Studio, mà còn xảy ra trong toàn bộ Capcom.
Một trong những “công thần” của dòng game Mega Man và Mega Man X, Keiji Inafune, rời khỏi công ty vào năm 2010.
Ông cho biết lý do mà ông rời bỏ Capcom cũng giống như của Inaba, Kamiya và Mikami: sự quản lý quá chặt chẽ. Cụ thể, công ty yêu cầu 70-80% mọi dự án hiện có phải là “hậu bản” của một tựa game đã ra mắt.
Những yêu cầu quá khắt khe đã làm Capcom “chảy máu” nhân tài, và thiếu đi họ thì gã khổng lồ này khác gì cái xác không hồn?
10 NĂM NHẠT NHÒA
Hãy thử kể tên một tựa game của Capcom trong giai đoạn 2006-2016 mà gặt hái thành công rạng rỡ. Đương nhiên Street Fighter IV sẽ là cái tên đầu tiên được nhắc tới. Đây có lẽ là thành công vang dội nhất của Capcom kể từ Resident Evil 4, được ca tụng toàn cầu và trở thành một trong những trò chơi đối kháng hay nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, thành công của Street Fighter IV không đủ để “gánh” một loạt sản phẩm thiếu sức sống, hay thậm chí thất bại toàn tập, như Operation Raccoon City, Lost Planet 3, Dark Void, Remember Me, Umbrella Corps, Dead Rising 4…
Chưa kể, công ty rời bỏ mũi nhọn khỏi những dòng game khá nổi tiếng như Mega Man hay Mega Man X, và đưa tên tuổi Resident Evil hay Devil May Cry sang một hướng mới mà chẳng người hâm mộ nào ngờ tới.
Cụ thể hơn, từ 2009 – 2015, công ty chạy theo xu hướng làm game của phương Tây với mong muốn tiếp cận được nhiều game thủ hơn. Mục tiêu thì hay, nhưng cách thực hiện thì… “nát”.
Resident Evil 6 tuy bán chạy thật nhưng không đạt được mục tiêu doanh số đề ra, và là “cú vả” trực tiếp vào mặt người hâm mộ của dòng game. DmC: Devil May Cry còn tệ hơn, vừa bán không chạy, vừa ăn gạch, vừa khiến nội bộ công ty lục đục. Thậm chí, nối tiếp Street Fighter IV là Street Fighter V cũng chẳng nhận được nhiều tán dương lắm và trượt chỉ tiêu doanh số của Capcom.Trong giai đoạn này, Capcom cũng tạo được điểm nhấn đáng khen ngợi qua một số cái tên mới mẻ như Dragon’s Dogma hay Phoenix Wright. Tuy nhiên, một cái tên sáng giá và vài ba sản phẩm nổi bật không thể nào đủ sức “cân danh tiếng” cho cả một công ty lớn như Capcom suốt 10 năm.
Cho tới giữa năm 2016, Capcom đưa ra thống kê doanh số quý 2, và nó vô cùng tồi tệ. Doanh thu giảm 24% so với cùng kì 2015, và lợi nhuận thì… âm 6.9 triệu USD. Vào đầu năm 2017, sau khi Capcom công bố lợi nhuận giảm 10% so với cùng kì năm trước, không ít người cũng đã thắc mắc liệu công ty có đang trên bờ diệt vong?
Công bằng mà nói, Capcom chưa bao giờ bị lâm vào thế bí như Sony hay Square Enix đã từng. Chỉ là cái bóng hào quang của gã khổng lồ một thời đã không còn nữa mà thôi.
Thế nhưng 2017 có lẽ là thời điểm bắt đầu trở mình của Capcom, mở màn bằng Resident Evil 7: Biohazard. Đây có lẽ là tựa game được nhiều người gọi là “gần với Resident Evil” nhất mà họ biết, bởi ít ra nó đã trở lại với thể loại kinh dị – sinh tồn vốn có của dòng game. Thế nhưng một cánh én không thể làm nên mùa xuân, và một tựa game “tạm ổn” không có nghĩa là công ty đã vực dậy.
Điều tuyệt diệu mà Capcom làm mĩ mãn vào năm 2017 không phải nằm ở trò chơi họ bán ra, mà ở trò chơi họ công bố – Monster Hunter: World, hay còn có tên gọi khác là “Trò chơi bán chạy nhất trong lịch sử Capcom“.[rs_space lg_device=”15″ md_device=”” sm_device=”” xs_device=””][su_heading style=”modern-1-dark” size=”25″]MÀN “KHUYNH ĐẢO” HIỆN TẠI[/su_heading]Được công bố tại E3 2017 và trình làng vào tháng 1/2018, Monster Hunter: World chính là điểm trở lại của gã khổng lồ này. Ra mắt trên đầy đủ cả console và PC (mặc dù PC có phần chậm hơn), tựa game này được ca ngợi ở đủ mọi khía cạnh, từ lối chơi tới kỹ thuật. Về mặt cơ chế, Monster Hunter: World vừa lưu giữ được bản sắc của dòng game Monster Hunter, vừa thân thiện với những người chơi mới. Về mặt kỹ thuật, tựa game được tối ưu gần như tối đa cho các hệ console PlayStation 4/Xbox One để tạo ra một môi trường sống trong thế giới mở tuyệt vời. Bản PC của game cũng ra mắt chậm hơn vì lý do tối ưu, nhưng đánh đổi đôi chút thời gian để trở thành tựa game bán chạy nhất trên Steam trong lịch sử của hãng, hẳn không phải là ý tồi.
Sự thành công của Monster Hunter: World đã giúp Capcom kiếm bộn bộn tiền và đưa tên tuổi của công ty thành chủ đề bàn tán, khen ngợi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Capcom có tiếp tục thành công, hay lại đi theo vết xe đổ… một tựa game nổi bật suốt cả chục năm? Và tại E3 2018, gã khổng lồ này đã cho cả thế giới câu trả lời.Resident Evil và Devil May Cry là hai dòng game “gạo cội” của Capcom, nên để chiếm lại cảm tình của người hâm mộ thì việc “tìm đường trở lại” những dòng game này cũng là điều dễ đoán. Nhưng điều mà không ai ngờ tới là, thay vì tập trung vào một trong hai cái tên nổi tiếng này để làm tiền đề cho năm sau, Capcom… chơi cả hai. Hãng công bố cả Resident Evil 2 Remake và Devil May Cry 5 cho 2019, với nền tảng ra mắt bao gồn cả PC, PlayStation 4 và Xbox One.
Điều hay là, tuy đều nhắm vào những di sản cũ của Capcom nhưng hai tựa game nói trên lại có cách tiếp cận khác nhau. Resident Evil 2 vừa lưu giữ những yếu tố truyền thống vốn có, vừa mang tới một cái nhìn khác từ một thời đại khác cho một tựa game đã sẵn tên tuổi từ lâu rồi. Còn Devil May Cry 5 lại tiếp nối nền móng của dòng game Devil May Cry, mở rộng những gì đã kết thúc hơn 10 năm trước tại Devil May Cry 4, và mang tới những gì mà người hâm mộ không tìm thấy được ở DmC: Devil May Cry.Và giờ đây, khi mà cả Resident Evil 2 (2019) và Devil May Cry 5 đều trở thành tựa game được chơi nhiều thứ nhì trên PC khi ra mắt (Devil May Cry 5 phá vỡ thứ hạng của Resident Evil 2 nhờ ra mắt sau, và cả hai đều đứng dưới Monster Hunter: World), thì không còn ai nghi ngờ về thành công của Capcom nữa. Thay vào đó, một câu hỏi mới được đặt ra là: Liệu gã khổng lồ sẽ duy trì được chuỗi trận thắng này trong bao lâu?[rs_space lg_device=”15″ md_device=”” sm_device=”” xs_device=””][su_heading style=”modern-1-dark” size=”25″]NHỮNG BƯỚC TIẾN TƯƠNG LAI![/su_heading]Ngược dòng quá khứ, Capcom có rất nhiều lựa chọn để đưa những sản phẩm “lịch sử” của mình vào thời đại mới, và Resident Evil 3 Remake hay Resident Evil 4 Remake như hai điều tất yếu sẽ xảy ra.
Đồng thời, việc Capcom “tân trang lại” những tựa game như Okami hay Onimusha: Warlords cũng cho thấy công ty không chỉ nhắm vào những sản phẩm AAA để dựng tiếng vang, mà còn sẵn lòng đem trở lại cho người chơi các cái tên kém nổi tiếng hơn. Và biết đâu đấy, nếu chúng gây được đủ sự chú ý thì Capcom sẽ tiếp lục Remaster các sản phẩm kế vị, hay thậm chí xây dựng thêm thành viên mới nữa.
Nói tới việc thêm những sản phẩm mới, các dòng game nổi tiếng nhất của Capcom như Mega Man, Resident Evil, Devil May Cry, Street Fighter và Monster Hunter trong 4 năm gần đây đều đã có những sản phẩm “nối dõi”. Nên có vẻ trong tương lai gần, Mega Man X9 và Viewtiful Joe 3 sẽ là hai cái tên dễ được hiện thực hóa nhất.
Xét riêng về mảng game đối kháng, Capcom có vẻ vẫn thua kém các tên tuổi lớn khác như Bandai Namco hay Koei Tecmo. Capcom có lẽ cần một thứ gì đó khác Street Fighter hay Marvel vs Capcom, nên có lẽ một hậu bản của Strider không phải ý kiến tồi.
Đương nhiên, một công ty muốn phát triển thì không thể cứ sống mãi ở trên lớp nền móng tên tuổi cũ kĩ được. Capcom cần phải mở rộng, và một Dragon’s Dogma 2 có lẽ là lựa chọn hoàn hảo cho 2020.
Dragon’s Dogma không phải là cái tên mới, nhưng nói về tên tuổi và chỗ đừng thì nó xếp sau một hàng các “anh chị” trong đại gia đình Capcom. “Cha đẻ” của Dragon’s Dogma – Hideaki Itsuno, cũng là người đã “chống lưng” cho Devil May Cry 5, bày tỏ ý muốn về một Dragon’s Dogma 2 thực thụ. Và với việc Devil May Cry 5 thành công vang dội, thật khó để có thể mường tượng được rằng Capcom sẽ chối từ thỉnh cầu này.
Còn nói về những sản phẩm mới hoàn toàn thì Deep Down là một cái tên rất đáng chú ý. Chưa có quá nhiều chi tiết được hé lộ về sản phẩm này trừ việc nó là một game cày hầm ngục, lấy bối cảnh tại thành phố New York vào năm 2094. Tựa game xoay quanh một nhóm người có biệt danh Ravens, với khả năng tìm lại ký ức bằng cách chạm vào những món đồ cổ xưa.
Ý tưởng là vậy, nhưng có vẻ từ sau khi được công bố, Capcom cũng không mặn mà mới sản phẩn này lắm, nên giờ chẳng biết nó còn trong quá trình phát triển không. Hơn nữa Deep Down được công bố cho PlayStation 4, nhưng như chúng ta đã thấy, Capcom giờ đây không hề chơi phân biệt nền tảng, và PlayStation 4 cũng… sắp tới ngày “hết hạn” rồi. Nên nếu tựa game này vẫn đang được phát triển ít nhiều và không ra mắt vào 2020 thì khả năng cao nó sẽ lên thế hệ console tiếp theo. Dù gì, Capcom cũng cần mở rộng dòng sản phẩm của mình.
Hiện tại, công ty đã có thể lấy lại điểm với các game thủ gạo cội, nhưng xét về doanh số, công ty vẫn thua kém Square Enix, Sega hay Konami nhiều, vì các công ty khác nói trên đều kinh doanh cả mảng mobile, đồ chời hay văn hóa phẩm nữa.
Cuối cùng, E3 2019 có lẽ là dịp đáng chú ý nhất với người hâm mộ của Capcom. Gã khổng lồ này đã “hô mưa gọi gió” tại E3 2017 và E3 2018, nên chẳng có lý do gì mà chúng ta không tin vào một loạt bất ngờ tại E3 2019.
Dù sao thì xét về phong thủy mà nói, Capcom đã trải qua 10 năm sóng gió mới có cơ hội “ngẩng mặt” lên tại 2 dịp E3 gần đây, nên dễ cũng phải… 8 mùa E3 nữa Capcom mới “bết bát”, tức là sau… Resident Evil 9 và Devil May Cry 7 mới đáng lo nhé!