Chơi thử Floodland – Hậu tận thế gần đây trở thành một đề tài vô cùng hấp dẫn với game thủ, bởi lẽ sự mới mẻ, huyền bí của nó cùng một bầu không khí nguyên thủy nơi con người phải chật vật tranh đấu lẫn nhau và với tự nhiên.
Không chỉ những tựa game hành động như The Last of Us, hay Death Stranding áp dụng bối cảnh này vào xây dựng thế giới của mình, mà các nhà làm game ở các thể loại khác, chẳng hạn như thể loại game xây dựng – mô phỏng truyền thống cũng tìm thấy những chất liệu mình cần cho thể loại này, chẳng hạn như với tựa game Before We Leave mà người viết đã giới thiệu đến bạn đọc cách đây ít lâu.
Mới đây, Vile Monarch Games, một studio nhỏ đến từ Ba Lan đã tung ra bản chơi thử Floodland mang game thủ đến với thế giới hậu tận thế, nơi mà nhóm người sống sót còn lại phải vật lộn với tự nhiên để sinh tồn trước những biến đổi khí hậu khủng khiếp, cùng cơn thịnh nộ từ Mẹ Thiên nhiên.
Vậy qua bản chơi thử, bạn cần biết gì trước khi trải nghiệm Floodland?
Hãy cùng Vietgame.asia khám phá qua bài viết sau nhé!
1. SỨC MẠNH CỦA THIÊN NHIÊN
Nếu như trong Before We Leave, mặc dù nền văn minh nhân loại bị thiên nhiên bao trùm, thế nhưng về tổng thể, nhân loại vẫn còn khá nhiều những giá trị văn minh lưu giữ, khiến cho môi trường bên ngoài trở nên hiền hòa hơn thì trong bản chơi thử Floodland, thiên nhiên lại là yếu tố đóng vai trò nền tảng thử thách người chơi.
Những cư dân khốn khổ còn sót lại sau tận thế gần như “trần trụi” trước thiên nhiên như bầy người nguyên thủy, phải hái lượm, moi móc những tàn tích còn lại của nền văn minh nhân loại để có thể tồn tại và phát triển cộng đồng nhỏ bé của mình.
Thiên nhiên cung cấp cho con người vô vàn những nguồn tài nguyên, từ những thứ cơ bản nhất có thể hái lượm tiêu thụ ngay như trái cây dại, đến những thứ khác cần đến các công nghệ xử lý từ đơn giản đến phức tạp như nấm dại, cá sống, hay nước uống…
Thế nhưng thiên nhiên cung cấp cho bạn cũng chỉ là hữu hạn.
Nó thúc đẩy người chơi không ngừng tiến lên, tìm kiếm và khai thác các nguồn thực phẩm và tài nguyên mới, để thỏa mãn sự tồn tại và phát triển của cộng đồng.
Thiên nhiên cũng có một mặt dữ tợn của riêng mình khi đủ các loại tai nạn đều có thể ảnh hưởng đến cộng đồng nhỏ bé của bạn.
Trong bản chơi thử Floodland, thậm chí những cơn mưa rào hết sức bình thường đem lại sự sống cho cây cối vạn vật cũng có thể trở thành tác nhân nguy hiểm, đem đến tử vong cho các cư dân của bạn qua những cơn cảm cúm bất ngờ do mắc mưa và không có đủ lều trại để trú ẩn.
Thiên nhiên còn có thể “độc hại” người chơi qua nấm độc hay cá sống nếu không được xử lý hợp lý, trong khi cộng đồng đói kém không có sẵn thức ăn và nước uống phù hợp.
Từ đó, khuyến khích người chơi quy hoạch hợp lý và khéo léo các loại tài nguyên hạn chế của mình để có thể tồn tại và phát triển.
2. HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ VÀ XÂY DỰNG LẠI THẾ GIỚI
Ngoài việc đương đầu với thiên nhiên để tồn tại, phần chơi thử Floodland cũng đem đến một khía cạnh khác của tựa game, đó là hành trình khám phá thế giới hậu tận thế.
Không chỉ “bó chân” trên doi đất nhỏ hẹp ban đầu, người chơi phải phát triển cộng đồng hướng ra phía bên ngoài, đưa người đi qua các vùng nước nông hay các mảng đầm lầy để khám phá các vùng đất xung quanh.
Qua đó, bạn có thể tìm kiếm thêm những dân cư mới còn mắc kẹt sau tận thế để gia tăng lực lượng lao động cho mình.
Hay đơn giản hơn là tìm kiếm được nhiều hơn những tàn tích nhân loại nhằm “nhặt nhạnh” các nguồn tài nguyên hữu dụng, phục vụ cho nhu cầu sinh tồn và phát triển của cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, bạn sẽ phải xây thêm các “thuộc địa” mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng, mở rộng thêm tri thức và công nghệ để có thể tận dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên và xây dựng nên xã hội văn minh mới.
Từ cơ sở hạ tầng, game sẽ dần nâng tầm lên để người chơi theo đuổi các yếu tố thượng tầng như chế độ chính trị, luật pháp và các yếu tố tinh thần khác… chứ không đơn thuần là để có thể tồn tại mông muội và chật vật như cộng đồng người nguyên thủy.
Mặc dù yếu tố này hé lộ khá ít ỏi trong phần chơi thử Floodland, thế nhưng các yếu tố này cho thấy tham vọng to lớn của đội ngũ sản xuất trong việc tạo ra một tựa game có chiều sâu, không đơn thuần gói gọn phần chơi trong việc chật vật tìm kiếm phương hướng sống sót trong thảm họa như với Frostpunk và một số tựa game hậu tận thế khác.
Mỗi lựa chọn sẽ đem đến những lợi ích riêng như vật phẩm mới hay một nhóm nhân vật sẽ có thiện cảm với Avril hơn nhưng tất nhiên là người viết sẽ không tiết lộ quá nhiều về những nội dung này.
3. CẢM NHẬN CÁ NHÂN
Thời lượng phần chơi thử Floodland khá ngắn, chỉ khoảng 2 đến 3 giờ nếu bạn không “tua nhanh” dòng thời gian game nhưng cũng đã bộc lộ rất nhiều thử thách khó nhằn cho người chơi trong hành trình chinh phục thế giới hậu tận thế.
Lượng tài nguyên có thể điều động ít ỏi khiến cho không ít lần người viết phải… nạp lại game từ đầu vì lỡ tay có những quy hoạch không hợp lý trong giai đoạn đầu tiên, dẫn đến sự đổ vỡ hàng loạt các bước phát triển sau đó, khiến cho người viết cũng phải bất ngờ với một phần chơi thử đơn thuần.
Nhìn chung, bản chơi thử Floodland cũng là một trong số ít các bản chơi thử hiện nay có thể “câu kéo” được khẩu vị của người viết, ngóng chờ tựa game ra mắt.
4. KHI NÀO RA MẮT?
Bản chơi thử Floodland hiện chưa được phát hành rộng mở. Phiên bản chính thức hứa hẹn sẽ ra mắt ngày 15/11 tới đây.