Skip to content

Chơi thử Like A Dragon: Ishin! – “Yakuza” của thế kỉ 19

Chơi thử Like A Dragon: Ishin!

Chơi thử Like A Dragon: Ishin! – Là phiên bản làm lại (remake) của tựa game Ryu Ga Gotoku Ishin! (2014), một trò chơi độc quyền của thị trường Nhật Bản.

Kể từ khi được công bố vào tháng 9 năm ngoái, Like A Dragon: Ishin! đã được các tín đồ của thương hiệu Yakuza chờ đón.

Giờ đây, để chuẩn bị cho ngày phát hành chính thức, SEGA đã công bố bản demo (chơi thử), để chúng ta có một cái nhìn sơ bộ về Like A Dragon: Ishin!.

Vậy qua bản chơi thử Like A Dragon: Ishin!, bạn cần biết gì trước khi trải nghiệm?

Hãy cùng Vietgame.asia khám phá qua bài viết sau nhé!

1. KIẾM, SÚNG, VÀ NẮM ĐẤM!

Gọi Like A Dragon: Ishin! là một ngoại truyện của dòng game Yakuza thì cũng không đúng lắm, nguyên nhân là do trò chơi không hẳn là nằm trong cùng vũ trụ của thương hiệu (như Lost JudgmentJudgment)

Miêu tả chính xác nhất về Like A Dragon: Ishin!, đó là game mang phong cách của “Yakuza” nhưng lấy bối cảnh thế kỉ 19.

Vào vai Ryoma Sakamoto (một nhân vật có thật), người chơi sẽ được chiến đấu đúng với phong cách của các chiến binh samurai thời bấy giờ, tức là sử dụng kiếm, súng và nắm đấm.

Kiếm và súng là hai yếu tố tuy đã hiện hữu trong các tựa game Yakuza trước đây, song với Like A Dragon: Ishin!, chúng đã được khai thác sâu hơn, trở thành một hệ thống chiến đấu hoàn chỉnh, với các chuỗi đòn (combo) đẹp mắt.

Mọi chuyện còn thú vị hơn, khi người chơi có thể một tay cầm kiếm, tay còn lại cầm súng trong phong cách “Wild Dancer”, một phong cách chiến đấu mang tính “tổng tấn công, không phòng thủ”.

Cuối cùng là phong cách chiến đấu tay không “Brawler”. Nếu đã quen thuộc với thương hiệu Yakuza, việc sử dụng những ngón đòn võ thuật để đối đầu với kẻ địch không còn là điều quá xa lạ.

Dĩ nhiên, với việc Brawler là một phong cách đánh tay không trong một tựa game nặng yếu tố vũ khí, nó đã trở thành phong cách có tính phòng thủ tốt nhất, thông qua tính năng deflect (làm chệch hướng) đòn đánh của kẻ địch

Bên cạnh đó, Brawler cũng sẽ cho phép người chơi tiếp cận với các món vũ khí phụ, chẳng hạn như giáo… hoặc đại bác.

Bốn phong cách chiến đấu, phù hợp cho những tình huống khác nhau, đã đưa đến một trải nghiệm hành động khá tốt cho Like A Dragon: Ishin!.


2. THẺ BÀI KỸ NĂNG

Vì lí do cốt truyện, Ryoma Sakamoto đã trở thành đội trưởng của tiểu đội 3 thuộc Shinsengumi. Đây là lực lượng cảnh sát được thành lập để trấn áp các thế lực chống đối Mạc Phủ Tokugawa.

Là một đội trưởng, Ryoma sẽ được tiếp cận với sự hỗ trợ từ các thuộc hạ của mình. Tuy nhiên, thay vì triệu tập họ để chiến đấu trực tiếp, họ được đại diện bằng những thẻ bài.

Các thẻ bài này có thể được sử dụng trong chiến đấu, với các lợi ích từ cơ bản (tăng sát thương, hồi máu nhanh), tới phức tạp (chưởng năng lượng).

Một điều cần lưu ý, đó là các thẻ bài này có thể được tháo ra tùy theo ý muốn người chơi trong bản hoàn chỉnh của tựa game. Đây là điều mà những người thích chơi một tựa game chặt chém đúng chất samurai thuần thúy sẽ thích.


3. CẢM NHẬN CÁ NHÂN

Thời lượng phần chơi thử Like A Dragon: Ishin! khá ngắn, chỉ với 2 màn chơi, đại diện cho hai khía cạnh của game: chiến đấu trong cốt truyện, và đột kích vào hang ổ địch.

Là một người đã chơi bản gốc Ryu Ga Gotoku Ishin! dù tiếng Nhật “một chữ bẻ đôi” cũng không biết, người viết khá hài lòng với những gì mà trò chơi đưa đến trong bản làm lại này.

Việc so sánh cơ chế chơi giữa hai bản là điều không cần thiết, vì khác biệt không quá nhiều. Yếu tố đáng để tâm hơn là mặt đồ họa, nhờ Unreal Engine 4, đồ họa của trò chơi sắc nét và chi tiết hơn bản gốc.

Điểm trừ cho bản chơi thử, không phải tựa game chính, đó là việc mục liệt kê các kỹ năng mà người chơi có thể làm (Abilities) không hiểu sao lại bị khóa.

Kết hợp với việc hướng dẫn hơi sơ sài, cơ chế chiến đấu của Like A Dragon: Ishin! dễ khiến cho người mới chơi cảm thấy quá đơn giản.

Hai màn chơi demo cũng có phần hơi khó, dễ khiến những người chưa quen thuộc với cơ chế chơi dễ nản.

4. KHI NÀO RA MẮT?

Bản Chơi thử Like A Dragon: Ishin! hiện đã được phát hành rộng mở. Phiên bản chính thức hứa hẹn sẽ ra mắt ngày 22/2 tới đây.

Tác giả

Mango

Chơi game từ khi còn nhỏ trên chiếc máy SNES, Mango sở hữu một gu trò chơi tương đối đa dạng. Tuy nhiên, vì có sở thích võ thuật nói chung và thể thao đối kháng nói riêng, Mango ưa chuộng nhất là những trò chơi đánh đấm, cụ thể hơn là dòng game Yakuza.

Thảo luận