Chơi thử Samudra – Tình trạng ô nhiễm nguồn nước nói riêng và môi trường nói chung trên Trái đất đang ngày một trở nên biến chướng nặng nề, cùng hàng loạt các báo cáo, lẫn cảnh báo của các bên bảo vệ và nghiên cứu môi trường.
Thế nhưng, sự thờ ơ vẫn ở đó và chưa thể cảnh tỉnh được là bao.
Vì vậy, đã có rất nhiều các hình thức khác nhau chung tay đưa ra các phương thức để tiếp cận mạnh mẽ tới nhiều nhóm đối tượng, nhằm dần cải thiện nhận thức trong việc bảo vệ môi trường.
Ngành công nghiệp game cũng thế, đặc biệt là ở các trò chơi điện tử thuộc phân khúc “indie”, đã có rất nhiều hãng phát triển đã và đang đưa ra nhiều hình thức tương tác với game thủ, với những chủ đề liên quan tới môi trường, chẳng hạn như trò chơi FLOTSAM từng được Vietgame.asia giới thiệu trước đây.
Và bản chơi thử Samudra tiếp tục đóng góp vào và đưa người chơi tới một trong các thế giới đang bị ô nhiễm nặng nề đấy.
MỘT THẾ GIỚI KỲ BÍ, ĐẦY ẨN DỤ
Điểm đầu tiên sẽ làm bạn cảm thấy hứng thú với Samudra ắt hẳn sẽ là phong cách chỉ đạo nghệ thuật (art direction) đầy ấn tượng mạnh, với việc phối màu âm u đan xen vào các cảnh vật được vẽ tay tốt và trau chuốt.
Bạn sẽ thấy một không khí đặc quệt, đen tối và không còn sức sống nào như việc thể hiện hậu quả của sự ô nhiễm nặng nề trong môi trường.
Nhờ thế Samudra tạo nên ấn tượng mạnh hơn cho thế giới mà nhân vật chính của chúng ta thức dậy.
Có thể lấy ví dụ là hình ảnh các đàn sứa được thay bằng các bịch rác trôi, lơ lửng dưới nước trong thật đáng sợ!
Và việc đặc tả này còn xuất hiện thêm các nhà máy làm việc máy móc thay thế con người, ngăn chặn môi trường sống tự nhiên bằng các bãi rác thải công nghiệp.
LỐI CHƠI VÀ ĐIỀU KHIỂN TỐI GIẢN
Samudra là tựa game phiêu lưu, nhưng có lối điều khiển tối giản gần như mọi thứ.
Khác với những cái tên tuổi “thân thuộc” trong thể loại phiêu lưu kinh dị (có phần “giật gân” kha khá) như Limbo, Inside hay Little Nightmares với việc thoải mái tự do điều khiển nhân vật với các nút như nhảy, kéo khá thoải mái.
Samudra loại bỏ hết, thậm chí… không cho dùng chuột như các tựa game phiêu lưu truyền thống!
Có lẽ do nhắm tới là một tựa game tập trung vào diễn giải và mô tả cốt truyện thông qua môi trường, nên việc điều khiển cũng được lượt bớt để thư giãn hơn, mặc cho trò chơi cũng sở hữu vài tình tiết giật gân như các game kể trên.
Ví như giờ đây, người chơi muốn nhảy thì chỉ khi nào có hiệu lệnh, người chơi chỉ cần ấn thanh “Space” trên bàn phím, tương tác để giải đố cũng tương tự, tất cả đều được thực hiện bằng việc di chuyển tới rồi ấn nút Space.
Và hiển nhiên, vì là một tựa game phiêu lưu, chắc chắn sẽ phải có sự góp mặt của các câu đố hóc búa!
CẢM NHẬN CÁ NHÂN
Bản chơi thử Samudra chỉ vỏn vẹn chưa tới 30 phút, tuy nhiên cũng làm cho người viết khá lo lắng vài điều!
Thứ nhất, các câu đố còn hết sức dễ dàng, không làm khó người chơi dù chỉ một chút.
Có những câu đố giải quyết chướng ngại vật tạo cho người viết cảm thấy có lẽ “làm cho có” vì sự tương tác mang tính giới hạn, nên mọi thứ đều theo một lối thực hiện quá sức tuyến tính!
Thậm chí vài câu đố trong đó còn không hiện hữu các gợi ý, như các câu đố về xoay các con ốc chẳng hạn.
Tất cả những gì người viết làm đó là đoán và… xoay đại, không hiểu bằng cách nào chưa tới 10 giây cũng giải quyết xong!
Một cảm giác không hề “đã” tí nào!
Trong bản chơi thử Samudra cũng có xuất hiện vài tình tiết giật gân như chạy thoát sự truy đuổi, những phân đoạn này làm khá tốt.
Nhưng cũng ngộ thay là có vài đoạn lại thể hiện như QTE (bấm nút theo ngữ cảnh), tuy chỉ có một việc là ấn thanh Space (không có nút khác); và vô tình không biết phải do lỗi game nhưng mấy đoạn QTE hay xuất hiện độ “trễ” khi ấn nút, dẫn đến đôi lần người viết bị “chết oan” dù đã ấn kịp, buộc lần sau phải ấn mạnh thanh “Space” 2-3 lần thì mới mong qua được!
Hệ thống điều khiển tự do hơn bị lượt bỏ, phần nào khiến người viết bị gò bó.
Các nút thể hiện tương tác cũng không hoạt động hiệu quả, buộc phải đứng đúng chỗ “chuẩn” một tí thì mới ấn được.
Điều này cũng làm dấy lên một suy nghĩ khác của người viết: hiện tại mảng giải đố cũng bị hạn chế bởi nút bấm, giản lược bằng các tương tác mặc định sẵn quá rồi thì sẽ còn thử thách nào khác như cách mà Limbo hay Inside từng làm rất tốt?
Samudra cũng không như các game dùng chuột tương tác tìm vật, cũng không có hệ thống kết hợp đồ giải đố.
Vậy liệu hãng phát triển Khayalan Arts (đến từ Indonesia) sẽ làm sao để tựa game trở nên có chiều sâu hơn?
Bù lại, tình tiết cốt truyện và cách xây dựng nên bầu không khí bí ẩn trong môi trường khá ổn, đủ hấp dẫn để hóng diễn biến tiếp theo khi tựa game chính thức ra mắt.
Phần chuyển động nhân vật tuy chưa thật sự mượt, nhưng cũng không làm ảnh hưởng tới trải nghiệm chơi.
Còn nền tảng đồ họa nhìn chung là thể hiện tốt và âm thanh cũng vừa đủ.
KHI NÀO RA MẮT?
Hiện tại cũng chưa có nhiều thông tin về trò chơi, chỉ mới có việc dự kiến cho thời gian phát hành là vào năm 2021.
Theo thông tin của hãng phát triển, khi ra mắt Samudra sẽ có tổng cộng 6 chương để khám phá qua nhiều khu vực đẹp, hàng loạt các câu đố hóc búa, cùng các nhân vật quái đản mà người chơi sẽ gặp được xuyên suốt chuyến hành trình thú vị sắp tới!