Skip to content

FLOTSAM – Cuộc hải trình bất tận của thành phố rác thải

Flotsam – Khi thế giới chỉ toàn là nước, nước và nước.

Đất liền chỉ còn là những “hòn đảo” nhỏ xíu, trơ trụi. Gọi là đảo chứ thực ra là những gì còn sót lại của đất liền, là những khúc thân cầu chỏng trơ hoặc vài mỏm đất còn trồi lên trên mặt nước…

Đó là viễn cảnh thế giới hậu tận thế sát thực nhất mà chúng ta có thể thấy (nói đâu xa, mới đây The New York Times đã đưa ra cảnh báo trong vòng 30 năm nữa nhiều thành phố trên thế giới sẽ biến mất khỏi mặt đất, trong đó có TPHCM): một thế giới nước.

Và đó cũng là bối cảnh mà Flotsam, một game đến từ studio Pajama Llama Games (Bỉ), hướng tới, mang một góc nhìn thú vị mới lạ cho dạng game chiến thuật – mô phỏng xây dựng và cũng rất thực tế!

Nào, hãy cùng Vietgame.asia lạc trôi vào “thế giới nước” (đừng nhầm bộ phim “Thế Giới Nước” khắc nghiệt của Kevin Costner năm nào nghen – NV) của Flotsam nhé!


1. RẤT THỰC TẾ!

Flotsam không chỉ nói về vấn nạn nước biển dâng lên vì hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu sẽ xóa sổ các thành phố và đất liền trong tương lai gần, mà còn đề cập đến khía cạnh đang rất “nhức nhối” hiện nay: rác thải, đặc biệt là nhựa, ra môi trường biển.

Bạn sẽ bắt gặp xuyên suốt các màn chơi là những bãi rác (nhất là nhựa) nổi lềnh bềnh khắp nơi.

May thay, đó cũng chính là “nguồn sống” của bạn!


2. CUỘC SỐNG “NHÀ BÈ”

Đây không phải tên một quận/huyện ở TPHCM đâu bạn nhé!

Đây là cuộc sống (chắc chắn) sẽ xảy ra trong thực tế chúng ta ở thì tương lai gần trong 20-30 năm nữa: những mảng bè, hay thậm chí là những thành phố nổi! 

Và đó là cách thức mà người chơi sinh tồn trong Flotsam.

Từ một ụ nổi duy nhất, người chơi phải mở rộng nơi sinh sống của mình bằng các mảng bè, nơi sẽ được quy hoạch theo cách mục đích như: phơi cá, gỗ, kho chứa đồ, các trạm nghiên cứu, sản xuất, giường ngủ lộ thiên, phòng ngủ “cao cấp”, bến tàu kiêm xưởng đóng tàu, v.v.

Chẳng mấy chốc, những mảng bè sẽ gom lại thành một thành phố nhỏ tẹo nhưng đầy đủ, nhìn sướng mắt!

Thế nhưng, để tạo nên chúng phải cần nguyên vật liệu mà đất liền thì không còn nữa! 

Đừng lo, “rác” thải của con người vương vãi đầy ra trên mặt nước xung quanh, đó là tài nguyên, là VÀNG của bạn đấy!


3. BIẾN RÁC THÀNH NGUỒN SỐNG!

Trong bản thử nghiệm của Flotsam, tạm thời có 3 loại tài nguyên chính: gỗ (từ cây cối, các vật liệu nội thất như bàn, giường, tủ, v.v.), nhựa (các bình, chai, lọ, v.v.) và cá!

Để khai thác, tất nhiên là cần nhân công (mà trong các game chiến thuật chúng ta quen gọi “nông dân” hay “phu” – NV).

Ban đầu, game cung cấp cho người chơi… 3 con người, để thu nhặt các tài nguyên thì cách duy nhất là… bơi ra lượm về! Tất nhiên, số tài nguyên mỗi người mang về rất giới hạn!

Về sau khi đã nghiên cứu, có thể dùng thuyền để mang về nhiều hơn, nhanh hơn! Riêng để đánh bắt cá, phải nghiên cứu thuyền câu cá riêng hoặc công nghệ lưới cá tại chỗ ổn định hơn!

Chỉ có tài nguyên “người” là không thể tăng dễ dàng, không có cách gì khác là chọn được màn chơi có biểu tượng đầu người để chiêu nạp thêm!


4. BẢN ĐỒ THẾ GIỚI

Đây là một điểm khá thú vị của Flotsam

Bản đồ “thế giới” của game sẽ chia thành nhiều nhánh, mỗi điểm đến (hay còn gọi là “màn chơi”) sẽ cho người chơi biết tài nguyên quý nhất của màn thông qua một vài yêu cầu trên màn hình: thêm “phu” là con người hoặc chim hải âu qua việc giải cứu, lấy được xăng dầu (một số màn đòi hỏi có xăng dầu thì mới tiếp cận được), thu lượm kim loại hoặc nước sạch.

Một khi đã chọn nhánh đi, thì không thể quay lại nhánh còn lại, cứ thế mà đi tiếp đến đích.


Flotsam

5. SINH TỒN!

Là một game sinh tồn, tất nhiên Flotsam không thể thiếu yếu tố “sinh tồn”.

Và game thể hiện khá là cơ bản!

Ngoài việc phải thu lượm tài nguyên để xây dựng công trình thì các “phu” cũng cần có thức ăn, nước uống và ngủ!

Thức ăn đến từ cá đánh bắt bằng thuyền (hoặc hải âu) hoặc qua công nghệ lưới cá, nước uống hẳn nhiên phải là nước ngọt qua tinh chế và phải có chỗ ngủ! 

Không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản này của “phu”, năng suất lao động của họ sẽ vơi đi, thanh máu sẽ “tuột” xuống và bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra rồi đấy!


Flotsam

6. NGHIÊN CỨU, CHẾ TẠO!

Con người, vốn dĩ tồn tại được là nhờ biết tìm tòi nghiên cứu, chế tạo những thứ giúp cho cuộc sống “dễ thở” hơn.

Flotsam chia việc nghiên cứu, chế tạo (xây dựng) thành các hạng mục như: dành cho phát triển thành phố nổi (Town), các phòng chế tác kim loại thành ốc vít, rác nhựa, phơi phóng (Workshops), tinh chế nước (Water), chế biến thức ăn (Food), đóng tàu thuyền (Boats) và hàng hải dùng để di chuyển cả thành phố qua vùng khác (Navigation). 

Mà con người đúng là “bày vẽ” và “lắm chuyện”. 

Ban đầu chỉ là những nhu cầu cơ bản như cá phơi khô để ăn, nước uống từ đun cất, cho tới nâng cao nhu cần như… ăn lẩu cá, nhà hàng nổi bán sushi, nước chưng cất từ nước biển bằng hệ thống hóa sinh hiện đại, “vắt” nước bằng năng lượng mặt trời, hay việc ngủ vốn chỉ cần cái giường là bay lên khò khò cho tới “nhà riêng” ấm cúng! 

Thiệt nhiều chuyện hết chỗ nói!

Để có được những thứ nâng cao (công trình, vật liệu), thì người chơi phải thông qua các nâng cấp vốn đòi hỏi điểm nâng cấp chỉ được tìm thấy qua các nhiệm vụ nho nhỏ của màn chơi. 

Vậy nên khi bắt đầu mỗi màn, ưu tiên cao nhất là đi thực hiện các nhiệm vụ này!


Flotsam

7. ĐẸP MẮT, NHẸ NHÀNG

Không khó để nhận ra đồ họa của Flotsam theo trường phái cách điệu (Stylized) với phong cách Cel-Shading (hay còn gọi là Toon Shading).

Một màu xanh dịu êm của biển – trời mênh mông được tô điểm đẹp mắt bởi những gam màu nóng (đỏ, vàng, cam) từ những công trình thô sơ xây bằng… rác thải trông vui nhộn, với những đường đi nét đen-đậm đúng chất “cel-shading” thường thấy trong các game gần đây như Borderlands 3, Ni No Kuni Wrath of the White Witch Remastered hay Dragon Quest XI: Echoes of an Elusive Age, v.v.


CẢM NHẬN CÁ NHÂN

Sau khoảng 3 giờ chơi cùng bản thử nghiệm Flotsam, thật sự mà nói: game cần cải thiện khá nhiều.

Điểm cần nhất chính là vấn đề “thử thách”, điều bắt buộc PHẢI CÓ trong dạng game chiến thuật – mô phỏng xây dựng thành phố. 

Gần như Flotsam không cho thấy một khó khăn hay trừng phạt nào cả, từ việc quản lý tài nguyên, nhu cầu sinh tồn của “phu”, nâng cấp các công trình cho tới thực hiện các nhiệm vụ rất dễ dàng! 

Chưa kể, vẫn không thấy sự đe dọa nào từ Mẹ thiên nhiên vốn luôn hiện diện trong các game kiểu này! 

Chỉ cần vài tiếng, bạn có thể “thả trôi” cả game vì mọi thứ đã vào guồng, hết thứ nâng cấp, hết chỗ để khám phá, màn chơi nào cũng như nhau. 

Nếu mà gặp cỡ như Frostpunk hay Surviving Mars này kia là “game over” ngay tức khắc rồi!

Nói chung là cảm giác chơi Flotsam rất là “thư thái”, hệt như chúng ta… đi bơi vậy!


KHI NÀO RA MẮT?

Hiện tại, Flotsam chỉ mới dừng ở bước thử nghiệm trước (Early Access) nên chưa có ngày phát hành cụ thể. 

Tuy nhiên, hãng phát triển Pajama Llama Games cũng đã có chia sẻ lộ trình cập nhật nội dung và tính năng cho game trên Steam (nhất là những thứ thiếu hụt trong phần Cảm nhận nêu trên).

Nếu quan tâm, bạn có thể mua và ủng hộ game qua Steam, GOG, Kartridge cũng như Humble Bundle!


THÔNG TIN

  • Sản xuất:  Pajama Llama Games
  • Phát hành:  Kongregate
  • Thể loại: Chiến thuật, Mô phỏng
  • Ngày ra mắt: TBA
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 SP1+
  • CPU: Intel CPU Core i5
  • RAM: 4 GB
  • VGA: NVIDIA GeForce GTX 650
  • HDD: 600 MB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Intel i7-6700K 4.0 GHz
  • RAM: 16GB
  • VGA : INNO 3D iChill GTX 1070Ti 8GB
  • HDD: Seagate Barracuda 1 TB 7200 rpm

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI PAJAMA LLAMA GAMES

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC


BÀI VIẾT MỚI


Tác giả

deadeyes

"Only in death does duty end."

Thảo luận