- Nhà sản xuất đang xàm xí để câu khách
- Tựa game này sẽ thất bại thê thảm
- Đây sẽ là một trải nghiệm cực kì đặc biệt đấy…
Đó là ba trường hợp khả thi nhất khi bạn thấy một nhà sản xuất ghi dòng chữ:
“Chúng tôi đảm bảo tựa game kinh dị này không có yếu tố hù dọa bất chợt (jump scare)”…
Bắt đầu xuất hiện trong điện ảnh từ cuối năm 1890, các yếu tố hù dọa bất ngờ được miêu tả là “những viên gạch lát nền để xây dựng nên những bộ phim kinh kị”, và ở công nghệ giải trí số, chúng đã tìm được đường tới game. Chắc chắn là tận dụng jump scare thì cũng không có gì sai vì nó quá phổ biến rồi. Tuy nhiên lạm dụng chúng trong phim và game để tạo cảm giác “sợ hãi” giả tạo bất ngờ lúc người xem không chú ý, thay vì mang họ đắm chìm trong một trải nghiệm rùng rợn, cũng chẳng phải là điều hiếm.
Đương nhiên là có người sẽ thích jump scare, cũng có người coi chúng là yếu tố “rẻ tiền”, và cũng có người chẳng để tâm mấy. Tuy nhiên, ai cũng biết để xây dựng một sản phẩm đậm màu rùng rợn mà loại bỏ đi yếu tố jump scare là điều vô cùng khó. Nhưng InvertMouse đã làm điều đó. Tại sao một nhà phát triển với hầu hết sản phẩm là phẩm tiểu thuyết trực quan dám đứng lên “thử thách” mô-típ kinh dị có từ lâu đời?… Bởi họ có một bảo bối… bởi sản phẩm duy nhất “lạc “loài” trong catalog game của họ quả thực là một trải nghiệm đặc biệt. Và trải nghiệm ấy mang một cái tên cực kì ngắn gọn: Clea.
Còn trải nghiệm đó đặc biệt tới đâu? Hãy cùng Vietgame.asia đi sâu vào bóng tối để làm rõ nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
LÀM CHỦ ÂM THANH
Chắc chắn với một phim hay game kinh dị, âm thanh là yếu tố “sống còn”. Nó cô đọng rất nhiều tầng cảm xúc, hòa trộn với những gì diễn ra trên màn ảnh để mang tới cho bạn bầu không khí u ám đáng sợ. Nếu không tin, bạn có thể bật bất kì một bộ phim kinh dị nào rồi tắt âm đi, xem nó còn rùng rợn không.
Vì vậy, với một sản phẩm kinh dị như Clea, bạn có thể trải nghiệm nó theo cách cực kì “thân thiện” bằng việc “tắt âm” đi… ngoại trừ việc nếu làm thế, tựa game sẽ “ăn tươi nuốt sống” bạn.
Cách chơi của Clea có phần khá là giống với White Day hay The Coma: Recut. Đó là ở mỗi khu vực sẽ có một kẻ thù chính theo đuôi bạn. Tuy nhiên, khác với hai tựa game trên, trong Clea, nếu bạn để kẻ thù thấy thì khả năng cao bạn sắp lên bàn thờ rồi (trừ khi bạn chơi cấp độ Dễ, nhưng lúc đó game sẽ chẳng có “dư vị” gì cả, và nhà sản xuất còn khóa huân chương cho độ khó này nữa… nói chung là mức độ Dễ không phải để trải nghiệm game). Kẻ thù sẽ di chuyển rất nhanh, luôn có cách để biết bạn ở đâu, có những “mánh khóe” khó đỡ khiến bạn rất khó có thể chạy thoát được chúng. Và âm thanh là “đồng minh” duy nhất của bạn… một “đồng minh” mà thay vì xử bạn nhanh như kẻ thù thì lại gieo rắc sự sợ hãi một cái từ từ, dần dần và bất tận.
Lắng nghe âm thanh cũng có nghĩa bạn đã mở đường cho sự quỷ quái của Clea lan vào tâm trí mình. Các đoạn nhạc u ám, tiếng hú, tiếng cọt kẹt, tiếng bước chân, tiếng mở cửa như hòa trộn làm một. Muốn xác định kẻ thù ở xa hay gần, ở trên hay dưới, bạn phải “đón nhận” hết sự u ám lỗn loạn ấy, để rồi chắt lọc chúng ra thành những thông tin có ý nghĩa để xác định xem kẻ thù đang ở đâu, và mình cần làm gì.
[su_quote]Lắng nghe âm thanh cũng có nghĩa bạn đã mở đường cho sự quỷ quái của Clea lan vào tâm trí mình[/su_quote]
Dường như nhà sản xuất đã chọn âm thanh làm nhân tố gây kinh hoàng chính của tựa game này, còn hình ảnh chỉ là phụ trợ. Suy cho cùng, một đoạn âm thanh ghê rợn có thể theo bạn suốt cả trò chơi, nhưng một hình ảnh kinh dị nếu xuất hiện liên tục trên màn ảnh có lẽ chỉ gây sợ được 1,2 phút là cùng. Tuy nhiên yếu tố phụ trợ hình ảnh ấy lại được dùng cực kì đúng lúc.
Tuy quang cảnh trong game nhuốn màu ảm đạm, đen tối, bất thường và đáng sợ thật đấy, nhưng cả game không có bất kì chi tiết đồ họa nào đáng liệt vào danh sách “kinh dị” cả… trừ đúng một hình ảnh thôi. Mỗi lần chịu chết hoặc bị lộ ví trí, bạn sẽ được “đòn chào” bởi tiếng cười sởn gai ốc từ một khuôn mặt rung rợn, bí hiếm, quen mà lạ. Quen vì nó “có lẽ” miêu tả nhân vật chính Clea dưới góc độ ác quỷ nào đó, còn lạ là bởi nó không có vai trò rõ ràng, liên quan tới cốt truyện. Và như vậy, cứ mỗi lần khuôn mặt ma quái ấy xuất hiện, nó gợi lại cho bạn một nỗi sợ hãi, môt nỗi thất bại nào đó, không đủ nhiều để khiến bạn thấy nhàm, nhưng cũng vừa đủ để bạn khắc sâu khuôn mặt đó vào tâm trí và gợi lại cho bạn một chút rùng rợn khi nó xuất hiện.
Nói tóm lại, thay vì tập trung vào các yếu tố làm người chơi bất ngờ và nhảy dựng lên, Clea đã quyết định thổi trọn không khí kinh dị vào toàn bộ game, và tìm cách để bạn… không thể dứt nó ra được.
SINH TỒN TRONG BÓNG TỐI
Clea là một tựa game sinh tồn – giải đố, và câu đố lớn nhất trong Clea có lẽ là… làm sao để sinh tồn. Về căn bản, thời lượng chơi của game không nhiều. Một số game giải đố nổi tiếng với không khí kinh dị là Limbo, Inside hay Little Nightmares đều có thời thượng chơi khá ít, khoảng 2 tiếng, nên điều này cũng không có gì đáng nói. Tuy nhiên, việc tất cả chúng đều có một điểm chung là độ khó không đổi, khiến các câu đố khá là… “bất biến”. Nếu đã chiến thắng tựa game một lần, bạn sẽ không mất quá nhiều công sức cho các lần sau.
Clea tiếp cận thể loại này dưới một góc độ khác, đưa cho người chơi những thử thách tĩnh và động. “Tĩnh” là những câu đố bạn phải vượt để trải qua màn chơi. Nhìn chung, chúng cũng không có gì quá hóc búa. Vì vậy, nếu bạn chơi cấp độ Dễ thì tức bạn đã bỏ qua phân nửa game rồi, bởi bạn có thể “hộc mặt” chạy từ đầu tới cuối và xong game trong chưa tới 30 phút ở cấp độ này nếu biết mình cần làm gì. Do vậy, một phần thử thách rất lớn nằm ở độ khó của game. Với cấp độ Khó hoặc hơn, bạn phải từ từ tính toán mọi đường đi nước bước, bắt nhịp với sự rùng rợn trong từng âm thanh để “lọc” ra vị trí của kẻ thù. Chắc chắn rằng bạn không muốn để kẻ thù bắt kịp, không muốn để chúng nhìn thấy, hay thậm chí không được để chúng nghe thấy mình… hoặc là có.
Clea có một cơ chế khá kì lạ theo một cách rất đặc biệt: khi bạn hoặc kẻ thù mở cửa sẽ mất một khoảng thời gian ngắn để đi qua, và nếu cả hai cùng đi qua cửa một lúc thì bạn sẽ không bị phát hiện. Như vậy, bạn có thể tạo âm thanh, thu hút kẻ thù, nhìn qua cửa để chờ kẻ địch tới mở cửa rồi nhanh tay mở cửa theo. Một cách nào đó, với Clea, muốn chiến thắng nỗi sợ, bạn phải đối mặt với nó. À đương nhiên là cách này có phần kém hiệu quả hơn nếu bạn gặp kẻ thù tàng tình hoặc có tốc độ cực khủng… và Clea có cả hai loại kẻ thù đó…
[su_quote]một phần thử thách rất lớn nằm ở độ khó của game[/su_quote]
NÍU GIỮ NGƯỜI CHƠI
Nhờ việc xây dựng thử thách lớn nhất dựa trên độ khó, Clea có thể khiến bạn quay trở lại tựa game, kể cả khi bạn đã phá đảo nó nhiều lần và dần quen với các yếu tố kinh dị. Bạn thực sự nên bắt đầu chơi ở cấp độ Khó (Dark), và khi hoàn thành xong, game sẽ mở khóa cho bạn cấp độ “Hỗn mang” Chaos. Không những thế, nhà phát triển vẫn tiếp tục cập nhật game, mang tới cấp độ Chaos+ nữa. Ở cấp độ khó cao hơn, kẻ thù sẽ nhanh hơn và bạn có ít trợ giúp hơn. Do vậy, bạn không những phải tìm một cách giải đố ưu việt hơn mà còn cần mài dũa sự khéo léo không phạm sai lầm.
Ngoài ra, Clea cũng có một số màn chơi bí mật, và bạn cần vượt qua chúng để khám phá sâu hơn cốt truyện, mở khóa phần kết đúng của game (True Ending). Hơi đáng tiếc là về độ thử thách và hấp dẫn, chúng không có gì quá nổi trội. Nhắc tới cốt truyện, dòng chảy hành trình của Clea không phải thứ gì đó tột cùng đau đớn hay đậm tính nhân văn, nhưng có lẽ nó cũng đủ “hiểm” để bạn háo hức cho kết thúc của câu chuyện trong lúc chơi. Cuối cùng, nếu bạn còn đắn đo, tựa game chỉ có giá 80 ngàn VNĐ…
Tóm lại, Clea là một tựa game gây ấn tượng từ những âm thanh kì quái rùng rợn mà bạn buộc phải nghe, để rồi bắt bạn phải “tĩnh tâm” nếu muốn vượt qua những màn giải đố sinh tồn liên tiếp, và níu giữ bạn bằng những điều bất ngờ hay thử thách lớn nhỏ khác.
À một lưu ý nhỏ cuối cùng, bạn thực sự nên chơi bằng tai nghe để có trải nghiệm tốt nhất!
[su_quote]Nhờ việc xây dựng thử thách lớn nhất dựa trên độ khó, Clea có thể khiến bạn quay trở lại tựa game[/su_quote]
THÔNG TIN
- Sản xuất: InvertMouse
- Phát hành: InvertMouse
- Thể loại: Kinh dị – Giải đố
- Ngày ra mắt: 11/7/2019
- Hệ máy: PC
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7 (Yêu cầu hệ điều hành 64-bit)
- CPU: 1.2 GHz Pentium 4
- RAM: 4 GB
- DirectX: 10
- HDD: 1400 MB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
- RAM: 16 GB
- VGA: MSI Rx Vega 56 Airboost
- SSD: Samsung 950 Pro 256GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI INVERTMOUSE
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC