Corsair H150 RGB – Trong một vài năm gần đây, khi các mẫu CPU ngày càng trở nên mạnh mẽ, thậm chí đến cả những dòng sản phẩm tầm trung như AMD Ryzen 5 3600XT cũng toả ra nhiệt độ vượt quá “sức chịu đựng” của các tản nhiệt khí đi kèm vô cùng quen thuộc trên các mẫu CPU trong hàng chục năm qua.
Điều này buộc người dùng phổ thông phải tìm đến các giải pháp tản nhiệt rời khác để có thể phát huy tối đa mạnh của vi xử lý của mình, và các tản nhiệt nước All-in-One (AIO) có vẻ như là một lựa chọn vô cùng hợp lý bởi khả năng tản nhiệt hiệu quả, mức giá hợp lý, và trên hết là khả năng sử dụng như một món “trang trí” hữu hiệu cho hệ thống theo các trào lưu “khoe máy” hiện nay.
Chính vì thế mà ngay cả các hãng sản xuất thiết bị phần cứng cũng đổ xô cho ra mắt các mẫu tản nhiệt nước AIO, ngay cả như MSI từ lâu vốn “thờ ơ” với thị trường phụ kiện cũng cho ra mắt mẫu sản phẩm MSI MAG CoreLiquid 360R.
Các nhà sản xuất phụ kiện nổi tiếng truyền thống, trong đó có Corsair cũng không đứng ngoài cuộc chơi này. Hồi năm ngoái, hãng đã cho ra mắt bộ tản nhiệt nước AIO Corsair iCUE H150i RGB PRO XT với nâng cấp sáng giá khi cho phép kết nối tản nhiệt nước cùng “hệ sinh thái” iCUE thông minh với sức mạnh tản nhiệt ấn tượng và khả năng hoạt động êm ái.
Năm nay, hãng lại tiếp tục cho ra mắt phiên bản Corsair H150 RGB với một số nâng cấp về ngoại hình nhằm “chiều lòng” các fan của thể loại đèn-màu-mè.
Mẫu tản nhiệt nước AIO đời mới này có gì đặc biệt?
Hãy cùng Vietgame.asia trên tay và đánh giá nhanh sản phẩm này các bạn nhé!
CORSAIR H150 RGB – GIẢI TOẢ “CƠN KHÁT” RGB
Phiên bản Corsair H150 RGB xuất hiện với vỏ ngoài màu vàng vô cùng quen thuộc với các fan của hãng và hình ảnh đầy ấn tượng nhiều màu sắc của sản phẩm.
Mặt sau là các thông số kỹ thuật như kích thước bộ giải nhiệt radiator, kích thước quạt, tốc độ và công suất quạt, bên cạnh đó là một số tính năng độc đáo mà Corsair trang bị cho mẫu tản nhiệt nước tầm trung này. Có thể kể đến bộ quạt bơm “siêu êm” được trang bị 37 đèn LED RGB, 3 quạt tản nhiệt SP120 RGB ELITE hay khả năng tương thích với các bo mạch chủ hỗ trợ cổng điều khiển đèn LED điện tử ARGB.
Tiến hành “đập hộp” sản phẩm, dễ thấy bộ tản nhiệt nước xuất hiện với ba bộ phận chính, bao gồm bộ trao đổi nhiệt khép kín, ba quạt tản nhiệt và bộ phụ kiện ốc vít, ngàm kẹp dành cho các vi xử lý của AMD và Intel.
Đến với bộ trao đổi nhiệt bằng nước khép kín, đây là chi tiết cho thấy sự chỉn chu thường thấy của Corsair với đường nét gia công sắc sảo, vật liệu sử dụng tạo nên các lá tản nhiệt dày dặn được dập đều đặn bằng máy với khả năng chịu lực tốt, không dễ cong vênh như trên các mẫu tản nhiệt nước giá rẻ.
Bộ radiator của Corsair H150 RGB được kết nối với tháp vớt nhiệt thông qua hai dây cao su bọc lưới chống cắt, chống gập gãy bền bỉ theo phong cách thường thấy trên các bộ tản nhiệt nước AIO cao cấp.
Các vị trí mối nối đều được gia cố bằng lớp bảo vệ chống bục bằng chất liệu nhựa dày dặn bền bỉ theo thời gian thay vì chế tạo bằng chất liệu kim loại tuy đẹp mắt, nhưng rất dễ bị ăn mòn. Chi tiết này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chống bục hay rò rỉ nước khi các máy bơm thế hệ mới đều có áp lực nước mạnh.
Tháp vớt nhiệt kèm bơm tích hợp được chế tạo dưới dạng hình vuông quen thuộc theo phong cách của Corsair chứ không sử dụng thiết kế có dạng hình tròn như trên nhiều mẫu tản nhiệt nước trên thị trường hiện nay.
Tháp vớt nhiệt này có bề mặt tiếp xúc được làm hoàn toàn bằng đồng để tăng khả năng dẫn nhiệt và mặt trên là logo Corsair với “dàn đèn” LED RGB 37 bóng viền quanh, tăng mạnh độ “khoe sáng” so với phiên bản trước đó.
Tuy chưa có thông tin chi tiết về đơn vị làm OEM cho Corsair cho phiên bản Corsair H150 RGB lần này, thế nhưng với thiết kế và gia công chỉn chu cộng với mối quan hệ lâu dài của hãng với Asetek, có lẽ hệ thống bơm tích hợp trên mẫu sản phẩm này là mẫu bơm thế hệ thứ 7 của nhà sản xuất đến từ Đan Mạch này sau khi hợp đồng độc quyền có thời hạn của hãng và NZXT kết thúc.
Đây được xem là một bước nâng cấp nhẹ nhưng hiệu quả của sản phẩm khi so sánh với bơm thế hệ thứ 6 được trang bị trên Corsair iCUE H150i RGB PRO XT với lưu lượng nước nhiều hơn và hoạt động êm ái hơn, gần như không gây ra tiếng động có thể nhận biết được.
Trên thực tế, bơm này hoạt động êm đến nỗi người viết cũng từng phải… sờ lên tháp vớt nhiệt để kiểm tra xem bơm có hoạt động hay chưa.
Tháp vớt nhiệt được gắn kết với bo mạch chủ bằng một hệ thống ngàm kẹp đơn giản và tinh xảo với khả năng tháo ráp không cần có quá nhiều kỹ năng hay dụng cụ như các ngàm kẹp phải vặn bằng ốc trên các tản nhiệt nước AIO phổ thông khác.
Nhờ vậy mà ngay cả người ráp máy không chuyên cũng có thể dễ dàng lắp ráp tản nhiệt vào dàn máy của mình, thuận tiện cho việc vệ sinh và nâng cấp về sau.
Điểm nổi bật nhất trên Corsair H150 RGB chính là ba quạt tản nhiệt hiệu suất cao SP120 RGB ELITE.
Có thể nói, Corsair là một hãng sản xuất linh – phụ kiện hàng đầu dành cho game thủ với nhiều công nghệ ứng dụng tiên tiến, vượt xa các đối thủ khác trên thị trường, có thể kể đến công nghệ Corsair Slipstream với khả năng kết nối không dây mạnh mẽ chẳng thua kém gì kết nối có dây truyền thống, hay tốc độ quét tín hiệu lên đến 8000Hz, gấp 8 lần các bàn phím chơi game thông thường trên mẫu Corsair K70 RGB TKL vừa ra mắt gần đây.
Thế nhưng đến với các mẫu sản phẩm tản nhiệt nước, dường như Corsair vẫn chưa chú tâm tham gia vào các cuộc “chạy đua vũ trang” đầy sôi động này khi vẫn đứng ngoài xu hướng trang bị màn hình LCD cho các mẫu tản nhiệt nước AIO cao cấp, hay lên “full đèn LED RGB” cho các quạt tản nhiệt hồi năm ngoái.
Điều này khiến cho người dùng muốn “lên đèn” phải tự đi mua thêm các quạt này bên ngoài với mức giá khá cao, khiến cho cho chi phí dành cho cả bộ tản nhiệt bị “đội” lên khá nhiều, tiệm cận với các tản nhiệt ở phân khúc cao cấp.
Đèn nền RGB của quạt và tháp vớt nhiệt được khuyến nghị sử dụng cùng bộ điều khiển đèn tổng hợp Commander Core được trang bị trên các thùng máy đời mới hiện đại như Corsair 4000 Series, Corsair 5000 Series hay mua riêng phụ kiện ở ngoài, thế nhưng người dùng hoàn toàn có thể mắc nối tiếp các “dàn đèn” này và cắm vào cổng đồng bộ đèn RGB trên bo mạch chủ.
Thế nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng bộ tản nhiệt nước AIO Corsair H150 RGB với bất kỳ thùng máy nào.
Những thử nghiệm ban đầu cho thấy, bộ tản nhiệt AIO tầm trung đời mới của Corsair có thể hoạt động tốt với vi xử lý Intel Core i7 8700 và AMD Ryzen 5 3500 với khả năng giữ mức nhiệt luôn ổn định và độ ồn thấp. Người viết vẫn chưa có cơ hội để thử nghiệm mẫu tản nhiệt nước AIO này với cấu hình “nặng ký” hơn, hẹn lại bạn đọc vào dịp khác.
Tổng kết
Về tổng thể, dường như Corsair H150 RGB không có nhiều thay đổi so với thế hệ tản nhiệt trước đó về mặt vận hành, thế nhưng những nâng cấp nhỏ như quạt đèn LED RGB hay bơm nước thế hệ mới là những nâng cấp sáng giá, thoả mãn được nhu cầu của nhóm người dùng tầm trung.
Ở mức giá 3.1 triệu đồng, đây là mẫu tản nhiệt nước AIO sáng giá dành cho game thủ không muốn chi quá nhiều tiền cho giải pháp tản nhiệt nhưng vẫn muốn tìm kiếm cho mịnh một tản nhiệt tốt, đủ sức “cân” các CPU mạnh mẽ nhất hiện nay, đồng thời đóng vai trò “trang trí” cho một thùng máy “lung linh”