Skip to content

CRYMACHINA – Đánh Giá Game

CRYMACHINA

CRYMACHINA – Con người là gì? Điều gì định nghĩa con người? Não bộ của chúng ta, cơ thể của chúng ta? Hay là… linh hồn?

Nhiều giả thuyết, nhiều nhà triết học đã ủng hộ thuyết “linh hồn” chính là bản thể của con người, nhưng chưa ai có thể khẳng định “linh hồn” là gì. Liệu đó có phải là thực thể, hay là những ký ức, những cảm xúc của chúng ta? Nhưng ký ức và cảm xúc thì cũng chỉ là những nơ-ron trong não bộ thôi mà?

Nếu bạn sao chép ký ức, cảm xúc, suy nghĩ của một người, rồi đưa nó vào một con rối vô tri, liệu con rối đó có thể được gọi là “con người” không?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu thử câu hỏi triết học trên thông qua tựa game CRYMACHINA qua bài đánh giá sau đây.

BẠN SẼ THÍCH

Hậu tận thế… với những người đẹp!

CRYMACHINA có một tiền đề khá thú vị. 2000 năm trong tương lai, loài người đã tuyệt chủng hết, hoặc vì Hội chứng Ly tâm, một căn bệnh kỳ lạ, hoặc vì chiến tranh liên miên không dứt. Tuy nhiên, trước khi bị tận diệt, loài người đã xây dựng một con tàu vũ trụ mang tên EDEN, với tám cỗ trí tuệ nhân tạo hùng mạnh Dei Ex Machina với một sứ mệnh: hồi sinh nhân loại.

Mở đầu game, người chơi sẽ được nhập vai làm cô nàng xinh đẹp Leben Distel, người đang… sắp chết vì căn bệnh Hội chứng Ly tâm. Bất ngờ thay, sau khi cô trút hơi thở cuối cùng, Lebel tỉnh dậy ở một thế giới hoàn toàn khác lạ, với một cơ thể kỳ quặc.

Hoá ra, Leben đã thức tỉnh sau “giấc ngủ” kéo dài 2000 năm, hoặc chính xác hơn thì dữ liệu tính cách của cô – bao gồm ký ức, cảm xúc và suy nghĩ – đã được sao chép lại và giờ được “copy paste” vào trong một thân xác robot bởi Deus Ex Machina thứ tám, Enoa.

Thời gian quá lâu đã khiến đám trí tuệ nhân tạo mất kiểm soát và giờ đây chúng đang thôn tính lẫn nhau nhằm giành quyền kiểm soát EDEN, chẳng còn ngó ngàng gì tới nhiệm vụ hồi sinh nhân loại.

Giờ đây, chỉ có một con người đích thực được công nhận bởi cả 8 Dei Ex Machina mới có quyền phục hồi điều khiển con tàu EDEN, và Enoa đã lên kế hoạch hồi sinh nhân loại bằng cách tìm các mảnh dữ liệu tính cách và đưa chúng vào những thân xác robot – những cỗ máy chiến binh hùng mạnh có tên là E.V.E.

Sau khi trở thành E.V.E, Leben gặp gỡ Mikoto Sengiku và Ami Shido, cũng là hai E.V.E được Enoa “hồi sinh”, và cả ba giờ sẽ chiến đấu với các Dei Ex Machina còn lại, khám phá bí mật của EDEN và trở thành… người thật!

Phần người viết thấy ấn tượng nhất lại không phải là mạch truyện chính (dẫu sao thì loại khoa học giả tưởng kiểu triết lý cái-gì-định-nghĩa-con-người này người viết có thể kể ra hàng tá như The Matrix, Nier Automata, thậm chí cả game di động như NIKKE), mà là tương tác giữa các nhân vật và cách tựa game xây dựng mối liên kết giữa các người đẹp của chúng ta thông qua các mẩu chuyện bên lề và hội thoại trong trận chiến.

Bốn nhân vật Leben, Mikoto, Ami và Enoa dường như trở thành một gia đình nhỏ, bám víu lấy nhau trong thế giới không người cô độc này. Lebel đóng vai trò như một cô chị gái tới tuổi nổi loạn, chẳng màng gì tới thế giới nhưng ẩn bên trong là một trái tim đầy mong muốn dược yêu thương. Mikoto đóng vai như người cha mạnh mẽ, còn Ami như một người mẹ hiền dịu (Ami trong game còn liên tục bày tỏ tình yêu của mình đối với Mikoto, có lẽ điều này sẽ làm hài lòng một số người hâm mộ).

Xuyên suốt tựa game, người viết cảm thấy khá cuốn hút với những thay đổi trong tính cách, cảm xúc của các nhân vật, khi họ tìm ra những bí mật của EDEN, và dần dần nhận ra những triết lý, trả lời những câu hỏi về sự tồn tại, về định nghĩa thế nào là con người.

Phần người viết thấy ấn tượng nhất lại không phải là mạch truyện chính, mà là tương tác giữa các nhân vật và cách tựa game xây dựng mối liên kết giữa các người đẹp


Đồ họa, âm thanh ổn!

Nếu bạn đang đọc bài đánh giá CRYMACHINA vì bạn thấy hứng thú với “gái anime”, thì người viết xin khẳng định các bạn sẽ không phải thất vọng. Leben, Mikoto, Ami và Enoa đều có tạo hình vô cùng “nuột”, lại có mang nét độc đáo và chấm phá cho thể loại này.

Khi chúng ta nhìn vào những tấm ảnh chân dung của các nàng E.V.E, chúng ta thấy họ có một vẻ xinh đẹp lạ thường, tuy nhiên khi nhìn kỹ, khuôn mặt họ toát lên một vẻ… phi nhân loại, phù hợp với chủ đề xuyên suốt tựa game. Những nét vẽ chân dung được trau chuốt khá chi tiết, cầu kỳ, và người viết đánh giá CRYMACHINA là một trong số những tựa game anime có phong cách nghệ thuật ấn tượng!

Mẫu hình nhân vật cũng được làm trau chuốt, tỉ mỉ, với khuôn mặt, cơ thể, quần áo được mô tả kỹ càng và tương đối đẹp mắt. Game còn có cả “photo mode”, tuy cơ bản nhưng đủ để người chơi chụp lại những khoảnh khắc xinh đẹp.

CRYMACHINA là một trong số những tựa game anime có phong cách nghệ thuật ấn tượng!

Môi trường của EDEN cũng được làm khá tốt, tuy nhiên có vẻ hơi… lặp đi lặp lại. Dễ hiểu thôi, EDEN là một con tàu vũ trụ, người viết nghĩ các nhà phát triển game có thể làm nhiều thứ sáng tạo hơn là chỉ có sàn kim loại, tường kim loại khắp nơi, thi thoảng “chêm” tí đất đá vào cho nó… khác màu.

Về âm nhạc, tựa game có vẻ như lấy cảm hứng từ NieR: Automata, với những bản nhạc mang hơi hướng ma mị, siêu thực. Âm nhạc là một trong những điểm mạnh của CRYMACHINA, với nhiều bản người viết tương đối thích, và đặc biệt nhạc thường rất hợp với khung cảnh.

Khi chúng ta đi qua những hành lang lạnh ngắt, tiếng đàn và giọng hát ma mị, man mác buồn vang lên, dâng lên một cảm giác bâng khuâng lạ thường…

BẠN SẼ GHÉT

Khám phá, chiến đấu đều ở mức trung bình kém

Nếu để đánh giá trung thực, cốt truyện của CRYMACHINA có thể gọi là ở mức “chấp nhận được”, không tới nỗi khiến người chơi chỉ muốn bấm nút bỏ qua lia lịa. Mạch truyện khá đơn giản và tuyến tính, có rất nhiều ý tưởng hay về triết lý, ẩn chứa một vài bí mật và một số cú “plot twist” khá bất ngờ, cũng như yêu cầu người chơi phải chịu khó đọc lời thoại nhiều một chút.

Thế nhưng người viết cảm thấy game quá… vội vã, nhồi nhét thông tin một cách vô tội vạ. Diễn tiến cốt truyện đôi lúc cảm tưởng như bị tua nhanh x20 lần vậy, người chơi chưa kịp tiêu hoá hết thông tin cũ thì đã nhận được thêm chục thông tin mới.

Thành thử, một số phân đoạn của tựa game khá khó nắm bắt, và cũng vô hình chung khiến một vài vấn đề dường như bị xử lý một cách… hời hợt và nông cạn, phí hoài tiềm năng của tựa game này.

CRYMACHINA dành phần lớn thời lượng để kể cốt truyện, khiến tựa game giống một tiểu thuyết trực quan (visual novel) hơn. Tuy vậy, người viết đã mong thà CRYMACHINA làm một tựa game visual novel hẳn hoi cho rồi, còn hơn là đưa vào cơ chế chiến đấu khá “nửa mùa” này.

Về cơ bản, hầu như không có “khám phá” theo nghĩa của các game nhập vai Nhật Bản thông thường, mà CRYMACHINA sẽ chia thành các màn “nhiệm vụ” tương đối ngắn, giống cách mà các tựa game di động hay máy cầm tay (handheld) hay làm.

Hầu hết các màn nhiệm vụ này là “đi từ A tới B”, với một vài câu đố nho nhỏ ngáng đường, hoặc một vài “con đường bí mật” mà… không bí mật lắm dẫn tới một số kho báu hoặc là quái trùm bí mật. Một số nhiệm vụ cũng là “nhiệm vụ bí mật”, khi người chơi phải thu thập các dữ liệu để tìm ra “mã” cho nhiệm vụ đó.

Nói chung thì người viết không khoái kiểu nhiệm vụ như thế này cho lắm. Có thể phù hợp với một tựa game máy cầm tay (handheld) đấy, nhưng khi bạn bỏ ra 60 USD, bằng giá một tựa game AAA, thì ít nhất cũng phải được đi khám phá đó đây, chứ không phải đi đi lại lại mấy cái hành lang giống hệt nhau như vậy.

Điều này sẽ càng trở nên khó chịu khi bạn phát hiện rằng bạn phải… “cày” lại một số nhiệm vụ cũ để có thể qua ải mới. Cụ thể, người chơi chỉ có thể sử dụng một trong ba cô nàng E.V.E. trong mỗi nhiệm vụ, và mỗi nhiệm vụ sẽ có một yêu cầu cấp độ riêng, và các nhiệm vụ chính của mạch truyện sẽ chỉ định người chơi chỉ được dùng cô nàng nào.

Nhưng mỗi cô nàng lại có một cấp độ riêng biệt, do đó người chơi cần phân bổ điểm kinh nghiệm một cách hợp lý để các cô nàng có cấp độ ngang ngang nhau, vì không biết nhiệm vụ tiếp theo sẽ yêu cầu cô nàng nào.

Chiến đấu vượt cấp trong CRYMACHINA lại vô cùng khó, khi chỉ cần vượt tầm 6-7 cấp là sát thương của E.V.E. giảm một cách thê thảm. Người viết đã từng nghĩ về việc sử dụng “kỹ năng” để chiến đấu vượt 30 cấp, nhưng sau khi thấy mọi đòn đánh quái trùm đều trượt, còn quái trùm thì chỉ cần “one-shot” cô nàng Leben tội nghiệp, người viết đã từ bỏ ý định này.

Thành thử, đầu game thì không sao, nhưng càng về cuối người chơi sẽ phải tập làm quen với việc “cày” cho đủ kinh nghiệm qua màn. Đó là còn chưa kể sự đa dạng quái ít tới mức đáng thương, với có lẽ chỉ khoảng… 10 (?) quái thú lặp đi, lặp lại từ đầu tới cuối game.

Nhắc đến cơ chế chiến đấu, đây có lẽ là mặt yếu nhất của CRYMACHINA. Tựa game này là một tựa game “chặt và chém” (hack-and-slash), khi người chơi điều khiển các cô nàng E.V.E của chúng ta chiến đấu trong thời gian thực với kẻ địch.

Mặc dù mỗi cô nàng có một vũ khí khác nhau, nhưng nói thật cách chơi chẳng khác gì nhau cả. Mỗi người đều có các đòn tấn công cơ bản, một đòn “launch” để bẩy địch thủ lên không trung, một đòn “charge” tụ chưởng, và hai bên cánh là hai vũ khí phụ trợ.

Không có nhiều “vị” hay combo gì thú vị trong chiến đấu của CRYMACHINA, chủ yếu người chơi sẽ “spam” nút vuông để tấn công cơ bản liên tục, thi thoảng bấm R1 và L1 để xả hai vũ khí phụ trợ cho tới khi địch “vỡ giáp”, bẩy địch lên không trung rồi tung đòn kết liễu, và lặp lại liên tục. Có chăng, thi thoảng, người chơi sẽ cần phải né hoặc đỡ một số đòn từ quái trùm, nhận biết được bằng ánh sáng phát ra từ quái trùm hoặc dấu hiệu trên sàn đấu.

Nếu bạn né và đỡ thành công thì cũng OK đấy, tuy nhiên CRYMACHINA lại “ném” vào mặt người chơi một nùi hiệu ứng loè loẹt chói mắt mỗi lần đánh trùm, khiến việc nhận biết chính xác thời điểm né và đỡ đòn là rất khó, mà chẳng may né trượt là lãnh đủ một đòn cực mạnh của quái trùm, có khi “bay” luôn cả cây máu và phải đánh lại từ đầu.

Thành thử, “spam” (nhấn lia lịa) nút lại là chiến thuật hiệu quả nhất khi chiến đấu với quái trùm. Nếu bạn thấy “spam” tấn công mà quái chả mất tí máu gì, thì cũng không cần dùng “kỹ năng” vì điều đó là dấu hiệu bạn cần phải đi “cày” tới khi đủ cấp, và hệ quả là chúng ta có một vòng lặp vô tận chẳng khác gì các game gacha di động cả.

Cũng không hẳn là không có những phút giây vui vẻ nào! Một số trận chiến diễn ra rất hoành tráng và có tốc độ khá cao, với những chiêu thức ảo diệu bay ngập màn hình rất phấn khích, tuy nhiên để tới được những giây phút này, điều kiện cần là bạn phải chịu khó “cày” với mô típ “spam” nút chán ngắt, khiến tựa game nhanh chóng trở nên buồn tẻ và nhàm chán. Thậm chí, tựa game còn không tích hợp cơ chế “haptic” vào tay cầm DualSense, khiến mỗi nhát chém cảm thấy nhẹ bẫng, không có lực.

Có rất nhiều cách để cơ chế chiến đấu trở nên thú vị hơn nhiều mà? Lấy ví dụ như NieR: Automata đi, chỉ cần gắn thêm hệ thống chip tùy biến, đổi các loại vũ khí khác nhau, là có thể làm đa dạng hoá chiến đấu hơn nhiều rồi, thay vì chỉ là một phiên bản “hack-and-slash” rẻ tiền đơn điệu như CRYMACHINA.

CRYMACHINA không phải là không có tiềm năng về cơ chế chiến đấu, nhưng có lẽ vì thiếu kinh nghiệm, hoặc định hướng sai lầm, hoặc cũng có thể do thiếu kinh phí, nên phần chiến đấu của game đã không đạt được kỳ vọng mong muốn. Nếu bạn ưa thích những tựa game JRPG hành động thì có lẽ CRYMACHINA không dành cho bạn.

có lẽ vì thiếu kinh nghiệm, hoặc định hướng sai lầm, hoặc cũng có thể do thiếu kinh phí, nên phần chiến đấu của game đã không đạt được kỳ vọng mong muốn

7.0

CRYMACHINA có cốt truyện chấp nhận được, sở hữu tạo hình nhân vật rất dễ thương và bắt mắt, đồng thời âm nhạc cũng tương đối hấp dẫn.

Tuy nhiên, cơ chế chiến đấu tương đối đơn diệu kèm với thiết kế màn chơi có phần lặp đi, lặp lại khá tẻ nhạt đã "kìm chân" CRYMACHINA để trở thành một tựa game tuyệt vời

Thông tin

  • CRYMACHINA
  • Nhà phát triển
    FURYU Corporation
  • Nhà phát hành
    NIS America
  • Thể loại
    Nhập vai, Hành động
  • Ngày ra mắt
    25/10/2023
  • Nền tảng
    Windows, PlayStation 5, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi NIS America. Chơi trên PlayStation 5.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.