Skip to content

Diablo IV – Đánh Giá Game

Diablo IV

Diablo IV – Bắt đầu của Diablo IV tiếp nối câu chuyện của Diablo III sau 5 thập kỷ. Với chiến thắng của loài người trước đội quân Địa Ngục ở cuối Diablo III, cũng như vượt qua thử thách của Tử Thần Mathael ở bản mở rộng Diablo III: Reaper of Souls, những tưởng loài người có thể sống trong yên bình, phục dựng lại Sanctuary từ đống tro tàn thì một nguy mới lại nhăm nhe tìm đến.

Thiên Giới đóng cửa sau tổn thất nặng nề với đội quân Địa Ngục, dẫn dắt bởi chúa quỷ Diablo. Còn Địa Ngục thì cũng không khá khẩm gì hơn khi ba gã đầu sỏ Prime Evils cũng bị thương vong và đang suy yếu. Nhân cơ hội này, Lilith, con gái của Mephisto, một trong hai người tạo nên thế giới Sanctuary xa xưa, quay trở về với tham vọng chiếm lĩnh cả Sanctuary lẫn Địa Ngục.

Với những “tai tiếng” đã diễn ra trong những năm vừa qua tại Activision Blizzard, từ đội ngũ vận hành công ty cho tới việc “sảy chân” của nhiều sản phẩm, thì việc ra mắt của Diablo IV là một sự kiện rất được giới chơi game chú ý.

Liệu rằng Diablo IV sẽ là bước tiến vững mạnh đầu tiên của Activision Blizzard trong công cuộc tái xây dựng lại hình ảnh đã tổn thương trầm trọng, cũng như thương hiệu huyền thoại đang dần bị chìm vào quên lãng?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu trò chơi qua bài đánh giá sau.

BẠN SẼ THÍCH

Một Sanctuary “quen nhưng lạ lẫm”!

Điểm đáng chú ý đầu tiên của Diablo IV nằm ở việc game mở rộng bản đồ thế giới một cách đáng kể, khác hẳn hoàn toàn với các phiên bản trước. Không còn bó hẹp khuôn khổ của màn chơi nữa.

Mô típ này tương tự như điều mà Blizzard đã từng thử nghiệm với tựa game di động, Diablo Immortal, đầy tai tiếng trước đó. Tuy nhiên, Diablo IV mang đến một trải nghiệm tự do và phóng khoáng hơn so với phiên bản đàn em trên di động.

Game cho phép người chơi tự chọn con đường, cũng như cách thức mà họ khám phá vùng đất Sanctuary rộng lớn. Bạn không thích làm nhiệm vụ chính? Game có hàng chục những nhiệm vụ phụ, cũng như những sự kiện nho nhỏ để giúp cho người chơi xây dựng nhân vật của mình.

Ngoài ra, trong quá trình ngao du diệt quỷ thì người chơi cũng được dịp gặp gỡ những người chơi khác, thành lập đội nhóm để cùng nhau diệt quái. Ở đây, có thể nói trò chơi đem đến một trải nghiệm tương tự như một tựa game online thế giới mở thực thụ (MMO).

Còn nếu như bạn chán với những nhiệm vụ tiêu diệt quái nhỏ thì game có những nhiệm vụ thế giới – World Event để người chơi tham gia. Trong đó, Helltide là một sự kiện đặc biệt mà bất cứ người chơi Diablo IV cũng không nên bỏ qua, nếu như đã bước qua độ khó Nightmare (World Level 3).

Helltide chỉ diễn ra trong một vùng nhất định với độ khó cũng như cấp bậc của quái vật cao hơn so với cấp độ hiện tại của nhân vật. Việc hoàn thành sự kiện này góp phần không nhỏ trong việc nâng cấp trang bị cho người chơi, cũng như cung cấp nhiều điểm kinh nghiệm đáng quý.

Bên cạnh Helltide, World Boss cũng là một sự kiện thú vị. Tương tự như Uber Diablo trong Diablo II, cũng như những World Boss trong game điện thoại Diablo Immortal, World Boss trong Diablo IV là những con quái to lớn, nhưng được thiết lập ở độ khó vừa phải, vừa đủ để tạo thử thách nơi người chơi, cũng như tạo cảm giác thỏa mãn khi hạ gục chúng.

Độ khó duy nhất mà những tên trùm to lớn này đem lại là bạn chỉ có 15 phút để “đập” chúng, qua 15 phút thì chúng biến mất! Tùy mỗi World Boss khác nhau mà cách thức hạ, cũng như phần quà sau trận chiến khác nhau.

Đơn cử như Avarice, tên trùm tiền bạc này sẽ gọi những con Treasure Goblin (quỷ lùn vác bao tiền) ra để nhử người chơi, cũng như sở hữu một trong những cú đánh mạnh nhất trong các con trùm của game. Hạ gục Avarice đem lại cho người chơi nhiều lợi ích, từ kinh nghiệm, tiền tài, trang bị, đến cả việc hắn sẽ bỏ lại chiếc hòm chứa đồ của mình để người chơi đánh vào và khai thác thêm… nhiều vàng nữa.

Ngoài ra, game cũng có những vùng đất đặc biệt, gọi là “Fields of Hatred”. Trong vùng này, chế độ PvP sẽ được mở. Ngoại trừ việc phải tiêu diệt quái vật thì người chơi còn có cơ hội tiêu diệt những người chơi khác, thu thập tài nguyên để mua trang bị từ NPC đặc biệt ở đây.

Nhìn chung, trải nghiệm của Fields of Hatred rất thỏa mãn, có tiết tấu nhanh, hối thúc hơn so với bình thường. Thứ nhất, đó là việc trong vùng này bạn không chỉ bị quái truy sát, mà còn bị người chơi khác nhăm nhe nữa. Thứ hai, việc giết càng nhiều quái và người chơi khác khiến cho nhân vật bị dính trạng thái “Curse of Mephisto” (một dạng bị game công bố truy nã), trong trạng thái này những người chơi khác sẽ nhìn thấy nhân vật trên bản đồ và bắt đầu “săn” bạn. Nếu như bạn bị hạ thì “thợ săn” sẽ được nhiều phần thưởng hơn, và ngược lại nếu như bạn còn sống sót cho đến khi trạng thái này trôi qua thì cũng được thưởng nhiều hơn bình thường.

Với việc vùng đất mà người chơi khám phá trong phiên bản này chỉ mới là một phần của thế giới Sanctuary, Diablo IV hứa hẹn sẽ mở rộng ra thêm nhiều vùng đất mới trong các bản mở rộng kế tiếp.

Người chơi có thể thấy tham vọng của hãng phát triển dành cho Diablo IV như thế nào khi game có một tiết tấu, cũng như cách xây dựng thế giới hoàn toàn khác biệt so với các phiên bản đàn anh trước đó. Nhưng liệu rằng trò chơi có mất đi giá trị cốt lõi của nó?

Điểm đáng chú ý đầu tiên của Diablo IV nằm ở việc game mở rộng bản đồ thế giới một cách đáng kể, khác hẳn hoàn toàn với các phiên bản trước


Lối chơi truyền thống với nhiều cải tiến

Điểm sáng làm nên sự nổi bật của dòng game Diablo nằm ở lối chơi chặt chém diệt quỷ đã tay trong một thế giới u tàn, cùng việc cho phép người chơi xây dựng nhân vật theo ý muốn của mình qua các điểm kỹ năng, điểm đặc tính, trang bị… Ở Diablo IV, game có nhiều thay đổi đáng kể. Game quay lại với màu sắc u tối đã làm nên thương hiệu ở bản Diablo đầu và Diablo II, kết hợp với nét tự do trong việc thiết lập bản kỹ năng ở Diablo III, cùng những thay đổi trong thiết lập đặc tính nhân vật.

Kết quả? Game đem đến một trải nghiệm “đậm chất Diablo“, thứ mà người chơi thấy đã thiếu vắng từ phiên bản Diablo III ra mắt hơn một thập kỷ trước. Người chơi có thể thấy nhân vật của mình mạnh mẽ, “hô mưa gọi gió” tiêu diệt địch thủ một cách đầy mãn nhãn. Không chỉ đem lại cảm giác sảng khoái khi diệt quái, game còn “nâng cấp” cho bọn quái thêm nhiều chiêu trò, nhằm tăng thêm màu sắc thử thách nơi người chơi.

Đầu tiên có thể kể đến là những con quái trong game đều được chia theo từng chủng tộc, từng khu và thường đi theo bầy nhóm. Khi bạn đến một khu nhất định thì sẽ chỉ gặp bọn dê quái, hay đi vào tòa thành đổ nát thì gặp bọn ma hay lũ ma cà rồng Revenant.

Tùy loại chủng tộc mà chúng có đặc điểm và phép khác nhau. Ví dụ như bọn Revenant có đòn đánh khiến cho nhân vật choáng, kèm theo hút máu. Bọn gấu thì nếu không né đòn của chúng sẽ khiến người chơi bị đánh ngã (knockdown) và không thể di chuyển. Hay một số con trùm tạo những mảng băng hay cột phép “trói” người chơi lại ngay tại vị trí nếu như họ không hạ kịp thời những cột phép đó.

Ngoài ra, cấp độ của quái cũng được nâng – giảm tương ứng với cấp độ của nhân vật người chơi. Điều này đồng nghĩa với việc dù cho bạn có cấp độ cao đến đâu thì bất cứ ở nơi nào trên bản đồ Sanctuary, bạn cũng có thể lên kinh nghiệm, trải nghiệm độ khó của game mà không bị giới hạn bởi cấp độ.

Một điểm sáng giá nữa là nếu như người chơi đi cùng đồng đội cấp độ cao hay thấp hơn thì trải nghiệm của cả hai vẫn y như nhau. Nhân vật cấp độ 1 đi cùng nhân vật cấp độ 100 vẫn có thể lên cấp, vẫn có thể kiếm đồ và cũng chẳng phải sợ bị “1-hit” bởi quái.

Hệ thống chiến đấu cũng được thêm thắt với nhiều tính năng và cơ chế mới, kèm những khái niệm cũ quen thuộc. Ngoài Critical Chance, Critical Damage, Dodge (khả năng né đòn) ra thì game còn giới thiệu thêm Lucky Hit, Overpower, Fortify và Vulnerable.

Những đòn đánh của nhân vật có một phần trăm nhất định để ra Lucky Hit, và khi Lucky Hit thì mỗi đòn đánh sẽ có những đặc tính khác nhau, phần lớn hiện tại nằm ở việc nó sẽ cho người chơi thêm năng lượng để thi triển phép, hay hồi kỹ năng khác, tăng sát thương. Overpower thì thiên về tấn công, tăng sức mạnh đòn đánh dựa trên máu của nhân vật. Fortify là một cơ chế phòng ngự mới, giảm sức sát thương của quái lên nhân vật, ngược lại Vulnerable lại hoạt động giống như “debuff”, tăng sức sát thương lên nhân vật.

Với những khái niệm mới này thì trang bị trong Diablo IV cũng được cập nhật theo và cũng có những thông số, tính năng hỗ trợ cho chúng.

Một điểm hay nữa của Diablo IV nằm ở hệ thống đặc tính nhân vật. Mỗi nhân vật giờ đây có sự khác biệt hoàn toàn với các nhân vật trong các bản Diablo trước.

Druid sử dụng Spirit để thi triển phép thuật, đồng thời kết hợp với hệ thống Spirits Boon để thêm sức mạnh. Barbarian thì có thể trang bị ba vũ khí cùng lúc, cùng hệ thống phụ trợ Arsenal, tăng hay đổi đặc tính của từng loại vũ khí. Một số kỹ năng của Barbarian cũng đòi hỏi phải có những vũ khí hay trang bị nhất định thì mới thi triển được.

Tương tự, Necromancer có Book of the Dead nhằm tăng sức cho “đàn em”, Sorcerer có Enchantment Slots để thay đổi đặc tính chiêu phép, Rogue thì đặc biệt hơn là hệ thống Specialization, cho phép Rogue sử dụng combo. Trong tất cả các hệ thống đặc tính nhân vật mới này thì Rogue mang một màu sắc mới lạ hơn cả. Bằng việc thi triển chiêu, Rogue sẽ thu thập điểm Combo, đủ ba điểm Combo thì được phép tung đòn Core miễn phí, mạnh hơn với tính năng khác biệt.

Bên cạnh hệ thống đặc tính khác biệt đem lại sắc màu mới, chúng cũng tôn lên “ngôi sao chính” của trò chơi, chính là bản kỹ năng xây dựng nhân vật. Nếu như nói một nhân vật là một ổ bánh mì không, thì bản kỹ năng này chính là những miếng thịt làm nên phần “cứng”, phần thơm ngon của nó.

Bạn muốn xây dựng một nhân vật Druid với kỹ năng hóa sói mạnh mẽ? Hay chỉ muốn thi triển phép thuật từ xa? Hay muốn biến gấu “giã” địch tơi bơi cho… đã cái nư? Chỉ với vài đồng vàng, cùng vài nút bấm là người chơi có thể lựa chọn những kỹ năng phép thuật khác nhau, xây dựng nhân vật theo ý muốn của chính mình.

Diablo IV

hệ thống xây dựng nhân vật của Diablo IV mang cảm giác phóng khoáng hơn, tự do nhưng trong một khuôn khổ nhất định mà game đã đề ra trong bảng kỹ năng cơ bản của từng nhân vật

Với “phần thịt” làm nòng cốt, tất nhiên phải có “thêm rau, thêm gia vị” để cho mùi vị của ổ bánh mì thịt thêm thơm ngon. Đây chính là lúc mà hệ thống Paragon ra mắt. Ở cấp 50 trở đi, người chơi sẽ được sử dụng bảng Paragon để nâng cấp cho nhân vật, mở thêm nhiều tính năng đặc biệt đơn cử như tăng thêm sát thương độc, tăng khả năng kháng đòn…

Hệ thống trang bị cũng được cải tiến. Giờ đây người chơi có thể dễ dàng thu thập và sử dụng những đặc tính đặc biệt của các món đồ Legendary. Các hầm ngục Dungeon cũng được mở rộng với phần thưởng là những món Aspect, có khả năng gán vào những trang bị thường để biến chúng trở thành món đồ Legendary, tăng mạnh cũng như thay đổi đặc tính kỹ năng của nhân vật.

Có thể nói, hệ thống xây dựng nhân vật của Diablo IV mang cảm giác phóng khoáng hơn, tự do nhưng trong một khuôn khổ nhất định mà game đã đề ra trong bảng kỹ năng cơ bản của từng nhân vật.

Màu sắc của hệ thống này chỉ thay đổi khi người chơi thu thập được một món đồ Legendary nhất định, hay thông qua việc chọn lựa các đặc tính trên bảng kỹ năng Paragon.

Về phần chất, hệ thống này là quá ổn cho một trò chơi cuốn hút như Diablo IV, tuy nhiên nếu chơi theo thời gian dài thì game sẽ lộ điểm yếu cố hữu của mình, đó là phần lượng của game.

Một ổ bánh mì thịt thơm ngon mà không có thêm lựa chọn nhiều thịt thì hơi bị uổng phí!

BẠN SẼ GHÉT

Diablo IV

Không có nhiều hoạt động ở cuối game

Sau khi phần chơi chính kết thúc thì ngoài những hoạt động như tham gia World Event lặp đi lặp lại, tham gia Nightmare Dungeon, tương tự như Elder Rift ở Diablo III, tham gia “đập” World Boss ra thì game gần như không có gì để cho người chơi khám phá thêm.

Ngoại trừ việc người chơi có thể tạo thêm một lớp nhân vật mới để trải nghiệm xây dựng nhân vật thì game chẳng còn thêm gì cả. Diablo IV chưa có những mục tiêu khiến cho người chơi phải thích thú hướng tới.

Chế độ PvP cũng chưa thực sự nổi trội, cũng như phần thưởng của việc chiến thắng trong PvP lại kém hấp dẫn. Nếu như ở Diablo II, người chơi thi nhau tìm kiếm trang bị tốt nhất cho nhân vật của mình, thay đổi hay thêm mới những kỹ năng của nhân vật, thì ở Diablo IV, việc thay đổi đặc tính của kỹ năng chỉ dừng lại ở mức thêm phần trăm sát thương, thêm độc, thêm phòng thủ, mana hay spirits… Nó chưa đạt được đến yếu tố “WOW”, khiến cho người chơi phải trầm trồ sôi nổi bàn luận, lao vào tìm hiểu.

Diablo IV

Này nhé, giữa việc bạn chứng kiến một tên Paladin trong Diablo II có thể dịch chuyển toàn màn chơi và quăng búa Blessed Hammer liên tục, so với việc bạn đứng nhìn một tên Druid chạy bộ, thi triển Catalysm kèm Lighting Storm, thì bạn thấy ai thú vị hơn, ai “cool” hơn? Tất nhiên là tên Paladin rồi! Điều đáng nói ở đây là Paladin không hề có phép dịch chuyển, mà nó đến từ trang bị Enigma, bộ giáp đặc biệt cực hiếm của y!

Điều này làm lộ ra việc người chơi vẫn còn ít lựa chọn trong việc xây dựng nhân vật của mình. Chí ít là những lựa chọn mạnh mẽ nhất chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, chưa cân bằng. Tất nhiên thì ai cũng muốn nhân vật của mình là mạnh mẽ nhất nên khi bạn chơi game, ai cũng đều sử dụng cùng một kỹ năng y chang nhau.

Diablo IV, việc thay đổi đặc tính của kỹ năng chỉ dừng lại ở mức thêm phần trăm sát thương, thêm độc, thêm phòng thủ, mana hay spirits… Nó chưa đạt được đến yếu tố “WOW”, khiến cho người chơi phải trầm trồ sôi nổi bàn luận, lao vào tìm hiểu


Diablo IV

Cốt truyện tầm phào

Cốt truyện không phải là thế mạnh của Blizzard trong khoảng thời gian gần đây, và Diablo IV là một ví dụ điển hình mà bạn có thể thấy được.

Có thể nói, nhân vật chính của Diablo, không phải là người chơi, mà chính là tên quỷ chúa Diablo cùng dàn anh em của y. Ở Diablo IV, Lilith đóng vai trò nhân vật chính, còn nhân vật mà người chơi điều khiển chỉ là một nhân vật qua đường A phụ họa, chẳng may gặp phải Lilith và rồi chẳng may… chặn đứng tham vọng của bà ta!

Từ đầu game đến cuối game, thế giới Sanctuary được xây dựng u ám rất tốt, nhưng cốt truyện và tình tiết của trò chơi thì giống như một vở hài kịch ngây ngô. Có thể nói, nếu bạn đến với Diablo vì cốt truyện thì đây là một quyết định cực kỳ sai lầm!

Cốt truyện không phải là thế mạnh của Blizzard trong khoảng thời gian gần đây, và Diablo IV là một ví dụ điển hình mà bạn có thể thấy được

Vàng 9.0

Diablo IV đánh dấu sự trở lại ngôi vương của dòng game hành động nhập vai của một tượng đài trứ danh.

Game có lối chơi cuốn hút, hình ảnh đẹp với không khí u ám không chê vào đâu được. Ngoài ra, việc Blizzard hứa hẹn sẽ mở rộng trò chơi ra thêm nhiều bản cập nhật trong thời gian gần cũng hứa hẹn làm tăng thêm giá trị chơi lại của game về sau

Thông tin

  • Diablo IV
  • Nhà phát triển
    Blizzard Entertainment
  • Nhà phát hành
    Blizzard Entertainment
  • Thể loại
    Nhập vai, Hành động
  • Ngày ra mắt
    06/06/2023
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 64bit
  • CPU
    Intel Core i5-4670K hay AMD R3-1300X
  • RAM
    16GB
  • GPU
    Nvidia GeForce GTX 970 hay AMD Radeon RX 470
  • Lưu trữ
    90GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Blizzard. Chơi trên PC.

Tác giả

Thảo luận