Crysis 2 Remastered – Trong rất nhiều năm trước đây, đặc biệt là thời điểm giao hòa giữa hai thiên niên kỷ, giới game thủ trên hệ console thường là những người “cất tiếng gáy” đầu tiên khi so sánh chất lượng đồ họa các tựa game trên nền các cỗ máy chơi game, khi so sánh với các tựa game ra mắt trên PC cùng thời kỳ.
Thậm chí khi những thế hệ console như PlayStation 3 hay XBOX 360 ra mắt vào những năm 2005, 2006, những cỗ máy này từng được xem như kẻ thiết lập nên chuẩn mực thế hệ kế tiếp (Next-Gen) của làng game, đủ sức “xem thường” tất cả thế giới game trên PC thời bấy giờ với sức mạnh ấn tượng cùng nhiều tựa game vô cùng đẹp mắt, bỏ xa hầu hết các tựa game cùng thời vốn cũng gây ấn tượng “siêu mạnh” cho game thủ và tồn tại lâu dài cho đến ngày nay như Call of Duty 4: Modern Warfare hay Uncharted: Drake’s Fortune.
Thế nhưng khi tựa game Crysis do Crytek phát triển ra mắt lần đầu vào năm 2007 độc quyền trên hệ máy PC, trở thành “sát thủ phần cứng” hàng đầu thời bấy giờ, khiến cho cả các cỗ PC chiến game hàng đầu cũng không thể nào gánh nổi sức nặng đồ họa của game, thì các tựa game ra mắt trên console thời bấy giờ khó lòng có thể so sánh được!
Một Crysis đẹp đẽ, một Crysis ngồn ngộn các công nghệ tiên tiến, một Crysis đủ sức “đập phát chết ngay” tất cả các hệ thống PC cao cấp nhất ra mắt một vài năm sau đó, một Crysis danh tiếng nổi như cồn trên khắp tất cả các mặt trận game… lại không đạt được nhiều thành công về mặt doanh thu, do gần như chẳng mấy ai sở hữu được những hệ thống PC hàng đầu, đủ sức gánh được tựa game này mượt mà!
Rút “kinh nghiệm xương máu” từ phiên bản đầu tiên, Crytek đã tiếp tục cho ra mắt phiên bản Crysis 2 vào năm 2011 và phiên bản Crysis 3 chỉ hai năm sau đó với một cuộc “đổ bộ” ồ ạt lên tất cả các hệ máy, bao gồm cả PC, PlayStation 3 và XBOX 360 để hướng đến cộng đồng game thủ đông đảo hơn, “an toàn” hơn về mặt doanh thu cho hãng.
Thế nhưng hai phiên bản này dù được đánh giá cao về mặt nội dung, nhưng lại mất đi cái “chất” của phiên bản đầu tiên, khiến cho nhiều fan gạo cội cảm thấy thất vọng trong khi các fan mới lại không quá “mặn mà”, khiến cho tổng thể dòng game không đạt được mục tiêu về doanh thu khiến cho Crytek đặt dấu chấm hết dòng game này, thậm chí thất bại của nó còn khiến cho Crytek đứng trên bờ phá sản vào năm 2014.
Mãi đến gần đây, với trào lưu Remastered, Remake, Reboot và thậm chí là… Reforged các tựa game xưa cũ, Crytek đã quyết định “hồi sinh” cho bộ ba game Crysis Trilogy với công nghệ “Remastered” đặc biệt từ chính hãng.
Sau bài viết đánh giá phần đầu tiên Crysis Remastered được gửi đến bạn đọc cách đây không lâu, bài viết lần này sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc đánh gia chi tiết phần thứ hai của bộ ba với tên gọi Crysis 2 Remastered.
Liệu lần ra mắt này có làm các fan của dòng game phải thất vọng?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Nhiều nâng cấp sáng giá!
Phải biết rằng khi được ra mắt vào năm 2011, Crysis 2 trên thực tế là một sự… thụt lùi đáng kinh ngạc so với phiên bản đầu tiên ra mắt vào 4 năm trước đó.
Rút kinh nghiệm từ thất bại thê thảm của Crysis và sau đó nữa là phiên bản mở rộng Crysis Warhead về mặt doanh thu, các nhà phát triển game tại Crytek đã có một quyết định khá lạ lùng nhưng lại rất logic, đó là… “hạ cấp” bộ CryEngine của mình từ nền tảng DirectX 10 sang sử dụng nền tảng DirectX 9.0c, vốn đã có chút lỗi thời, để phần thứ hai của dòng game có thể chạy được trên các hệ máy console như PlayStation 3 và XBOX 360.
Đồng thời, hãng cũng quyết định thay đổi môi trường từ hòn đảo thiên đường nhiệt đới trong phần đầu tiên sang thành thị hiện đại và phồn hoa New York với màn chơi hẹp hơn, tuyến tính hơn, ít các vật thể để dựng hình trong mỗi cảnh hơn, do đó cần ít đa giác hơn và chạy được trên những hệ máy console không lấy gì làm mạnh mẽ.
Thế nên Crysis 2 ra mắt với một “bộ cánh” khá tầm thường, không còn những cánh rừng nhiệt đới ngút ngàn, những hiệu ứng thời gian chuyển đổi với khả năng đổ bóng và thể hiện ánh sáng siêu ấn tượng… tất cả những điều này làm nên sự “mất chất” đáng thất vọng, nhất là với các fan của dòng game đang sở hữu những cỗ PC “khủng long” luôn chờ đợi một thử thách thực sự, một đỉnh cao mới về chất lượng đồ hoạ.
Đối với phiên bản Crysis 2 Remastered ra mắt lần này, nhóm phát triển đã đem lại cho tựa game cũ kỹ 10 năm tuổi một “bộ cánh mới” với chất lượng đồ họa lột xác vô cùng ngoạn mục.
Khác với phần đầu tiên của bộ ba Crysis Trilogy Remastered được làm lại từ phiên bản chuyển hệ dành cho console, phần thứ hai của bộ ba lại được ưu tiên sử dụng một phiên bản đã được nâng cấp lên nền DirectX 11 của tựa game, cùng với bộ nội dung tải về (DLC – Downloadable Contents) vân bề mặt với độ phân giải cao (High Res Textures) chạy trên nền PC để tiến hành “gia công” tút tát.
Về cơ bản, với phiên bản nâng cấp DLC này, đồ họa của tựa game gốc đã có những cải thiện đạt được tiêu chuẩn không có nhiều khác biệt lắm với các tựa game hiện đại.
Tất cả những gì mà nhóm phát triển game tiến hành có thể chia làm ba bước.
Đầu tiên, cũng giống như với Crysis Remastered, nhóm phát triển đã cập nhật CryEngine lên phiên bản mới nhất, trong đó bao gồm cả bản cập nhật thử nghiệm vào năm 2013 với tính năng Sparse voxel octree global illumination – SVOGI.
Đây là một nỗ lực đầy tham vọng của CryTek khi mô phỏng gói hiệu ứng Chiếu sáng toàn cảnh (Global Illumination) trong nhóm các hiệu ứng dò tia Ray Tracing chỉ bằng phần mềm, 5 năm trước cả những nỗ lực của NVIDIA và Microsoft mang công nghệ này đến các tựa game thực tế.
Nỗ lực thứ hai của nhóm phát triển là họ đã nâng cấp độ phân giải cho vân bề mặt của Crysis 2 Remastered lên mức 8K, đủ để chạy trên các hệ thống mạnh mẽ hàng đầu hiện nay.
Tuy vậy, theo cảm nhận chủ quan của người viết, hệ thống vân bề mặt tăng cường này không thật sự ấn tượng như trên phiên bản Crysis Remastered trước đây.
Có lẽ là do đây chỉ là phiên bản nâng cấp độ phân giải đơn giản của gói DLC vân bề mặt độ phân giải cao do chính Crytek phát triển, ra mắt chỉ vài tháng sau khi Crysis 2 xuất hiện trên thị trường. Chất lượng gốc của gói vân bề mặt độ phân giải cao này… khá tệ với nhiều phê bình từ cộng đồng người hâm mộ chứ không thuộc loại “tuyệt hảo” như trên phiên bản đầu tiên.
Thậm chí điều này còn kích thích rất nhiều modder tạo ra những bản mod với bộ vân bề mặt chất lượng cao hơn, rõ nét đến từng chi tiết nhỏ cho tựa game này mà nổi tiếng nhất là bản mod MALDO 4.0, với khả năng ứng dụng công nghệ Tessellation của bộ thư viện đồ họa DirectX 11, đem đến các bề mặt vật liệu có chiều sâu hơn.
Tính năng này thậm chí còn không xuất hiện cả trong phiên bản gốc lẫn phiên bản Remastered ra mắt lần này.
Tuy vậy, với một môi trường game đã được ứng dụng nhiều công nghệ chiếu sáng và đổ bóng tiên tiến, người chơi sẽ khó cảm nhận được yếu tố này quá rõ ràng.
Điều an ủi nho nhỏ là hệ thống vũ khí cũng đã được chỉnh sửa lại với tốc độ hiển thị không còn bị khóa vào mức 30fps như ở bản gốc, một vấn đề gây khó chịu không nhỏ với những người đòi hỏi sự hoàn hảo trong từng chi tiết nhỏ đối với dòng game.
Cuối cùng thì, ở bước thứ ba, các kỹ sư đến từ Crytek đã thêm thắt hiệu ứng phản chiếu bằng công nghệ dò tia (Ray Traced Reflection) vào… đủ các loại bề mặt trong game, không gói gọn đơn thuần ở hiệu ứng phản chiếu mặt nước và vật liệu kính như Battlefield V và Wolfenstein Youngblood cùng nhiều tựa game hiện đại ngày nay để làm giảm tải cho card đồ họa.
Tất nhiên, với những bề mặt khác nhau thì hiệu ứng phản xạ sẽ được thể hiện theo một cách hoàn toàn khác biệt, điều này khi kết hợp với tính năng SVOGI sẽ tạo nên một vẻ ngoài thật hơn, ấn tượng hơn cho Crysis 2 Remastered so với phiên bản gốc ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Theo cảm nhận chủ quan của người viết, hệ thống vân bề mặt tăng cường này không thật sự sắc nét và rõ ràng như trên phiên bản Crysis Remastered
Dĩ nhiên là để đổi lại, bạn phải sở hữu một card đồ hoạ mạnh mẽ như ASUS TUF RTX 3080 Gaming OC 10G mới có thể “gánh” tựa game này ở mức thiết lập “Can it run Crysis?” trên độ phân giải 1440p.
Đây có thể xem như là một đặc tính rất đậm “phong cách Crysis” khi các kỹ sư đồ hoạ của Crytek luôn tìm mọi cách đẩy giới hạn về công nghệ lên mức cao nhất dù đây chỉ là một phiên bản tút tát lại của một tựa game có 10 năm tuổi.
Điều đáng mừng là tựa game Crysis 2 nguyên bản hỗ trợ các vi xử lý nhiều nhân, do đó với hàng đống những nâng cấp ngồn ngộn về mặt đồ hoạ, người chơi sẽ không phải lo lắng hiện tượng nghẽn cổ chai nghiêm trọng gây trồi sụt khung hình thất thường như trên Crysis Remastered.
Nhờ đó mà game thủ có thể trải nghiệm game khá mượt mà nếu bạn sở hữu một hệ thống PC chơi game cao cấp.
Những yếu tố khác đều được giữ nguyên vẹn như trên phiên bản gốc, đặc biệt là hệ thống AI của đối thủ máy vẫn vô cùng ấn tượng.
Trải ngược hẳn với một Far Cry 6 phát triển hệ thống AI với một cơ chế vô cùng phức tạp, nhưng lại dẫn đến những pha xử lý đầy ngu ngốc của NPC, hệ thống AI của Crysis 2 Remastered được giữ nguyên cấu trúc của phiên bản gốc với kết cấu gãy gọn, chỉ thị dứt khoát dù cho bạn muốn chơi theo kiểu Rambo xung phong liều chết, hay lén lút bí mật xử lý êm đẹp từng tên một.
Thật vậy, đối thủ máy rất nhạy cảm với các loại tiếng động, các yếu tố gây nghi ngờ xuất hiện trong tầm nhìn nên chúng nhanh chóng báo động, tụ tập tìm kiếm, hay “núp lùm” ngay khi có dịp.
Thậm chí nếu nghi ngờ người chơi sử dụng tính năng tàng hình của bộ Nanosuit núp ở một xó xỉnh nào đó, chúng sẵn sàng bắn loạt đạn hay tương ngay một quả lựu đạn vào theo kiểu “thà bắn lầm còn hơn bỏ sót”, khiến mỗi màn chơi đều là những thử thách thật sự với game thủ.
Bên cạnh đó, một điểm nhấn ấn tượng khác chính là các bài nhạc nền trong tựa game do nhà soạn nhạc tài ba Hans Zimmer đảm nhiệm.
Ông cũng là nhà soạn nhạc chính cho nhiều tựa phim bom tấn hàng đầu Holywood, nhận được vô vàn các giải thưởng âm nhạc hàng đầu trong ngành điện ảnh.
Nhờ đó mà những trường đoạn game luôn đem lại cảm giác hưng phấn nhất định cho người chơi, nhất là ở những màn hành động gay cấn ở nửa cuối game.
BẠN SẼ GHÉT
Những vấn đề cũ!
Là một phiên bản được tút tát lại về mặt đồ hoạ trên nền của một tựa game cũ, Crysis 2 Remastered dĩ nhiên vẫn kế thừa rất nhiều những vấn đề mà phiên bản gốc mắc phải.
Trước hết, là sự “mất chất” vô cùng rõ nét của dòng game khi chuyển hướng từ một lối chơi tự do trên một bản đồ rộng rãi đầy ánh sáng dạng sand box, sang một môi trường chật hẹp, thiếu ánh sáng của một thành phố New York hoang tàn với lối dẫn chuyện và màn chơi đầy tuyến tính giống hệt những Gears 5 hay Killzone: Mercenaries.
Chưa kể đến là, để giảm tải cho các hệ máy console thời bấy giờ và cho phù hợp với thiết kế màn chơi, đội ngũ phát triển game cũng cắt giảm luôn cả hệ thống engine vật lý tích hợp trong game.
Thử nghĩ mà xem, dù chỉ cách mục tiêu cánh cửa gỗ và bức tường gạch cỏn con, thế nhưng anh chàng nhân vật chính sở hữu bộ Nanosuit với sức mạnh đủ sức đá lật chiếc ô tô đang chạy lại phải… đi đường vòng, đối mặt với hàng tá kẻ thù lăm lăm súng đạn, giống hệt như sự phi logic trong các game truyền thống như kiểu chiến thần Kratos trong loạt game God of War sở hữu sức mạnh có thể đồ thần nhưng lại phải chịu thua… cánh cửa gỗ con con.
Hệ quả không chỉ dừng lại ở đó.
Thiếu đi engine vật lý tích hợp, các vụ cháy nổ trở nên bớt… phê hơn hẳn.
Nếu với phiên bản Crysis đầu tiên, các game thủ hiện đại vẫn có thú vui… cho nổ lượng lớn bình xăng để thử nghiệm sức mạnh của vi xử lý hiện đại, một thử nghiệm đủ sức làm trì trệ hầu hết các CPU mạnh mẽ nhất hiện nay.
Thì đến với Crysis 2, hiệu ứng vụ nổ chỉ gói gọn trong các hình ảnh dựng sẵn khói lửa với sóng chấn động hất ra phía ngoài, có rất ít tác động đối với môi trường xung quanh.
Vẫn đề này vẫn tồn tại nguyên vẹn trên Crysis 2 Remastered mà không có bất kỳ can thiệp, hay bổ sung nào, thế nên tiêu chuẩn ở mặt này của tựa game chỉ dừng lại ở mức các game thế hệ console thứ bảy (PlayStation 3 và XBOX 360), khó so sánh được với các tựa game ra mắt trên nền thế hệ console thứ tám (PlayStation 4 và XBOX One) đang phổ biến trên thị trường hiện nay.
Thiếu đi engine vật lý tích hợp, các vụ cháy nổ trở nên bớt… phê hơn hẳn.
Đó là chưa kể không khí game trở nên thay đổi hoàn toàn, mang đậm màu sắc nặng nề, tăm tối và điên loạn của một tựa game kinh dị hơn là một tựa game hành động bắn súng, làm cho không ít các fan của dòng game cảm thấy khó mà quen được.
Mặc dù vậy, sự “mất chất” có thể làm mích lòng các fan hâm mộ nhiệt thành của dòng game, nhưng nếu đứng trên quan điểm độc lập để đánh giá, yếu tố này không có ảnh hưởng quá nhiều đến những trải nghiệm mà bạn nhận được trong suốt quá trình chơi.
Nhìn chung, nếu so với phiên bản đầu tiên của bộ ba, những gì mà Crysis 2 Remastered thể hiện là xuất sắc hơn rất nhiều. Quá trình nâng cấp đồ hoạ đã bổ khuyết cho khuyết điểm lớn nhất của tựa game khi ra mắt vào năm 2011 và khiến cho tựa game này trở nên bóng bẩy, ấn tượng, phô bày được hết những tinh túy của mình ngang tầm với các tựa game hiện đại ra mắt gần đây.