Days of Doom – Đã hơn 10,000 năm trôi qua kể từ khi con người đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất, và sau đó là hằng hà sa số những nền văn minh xuất hiện và biến mất.
Có sinh ắt có tử, với một đơn vị sinh thể nhỏ bé thì cái chết là đích đến sau cùng – nhưng nếu xét ở diện rộng hơn, thì khi một nền văn minh, một thế giới, một hành tinh chết đi thì điều gì xảy ra sau đó?
Tận thế hẳn luôn là một câu hỏi muôn đời của nhân loại, vì dù e sợ nó đến đâu cũng không ngăn con người tò mò, tưởng tượng, thậm chí vẽ ra những viễn cảnh cho một thế giới đằng sau sự khải huyền. Một trong các đề tài mà các nhà làm phim, viết sách, làm game… ưa thích nhất để diễn tả thế giới hậu tận thế hẳn là… zombie.
Những cái tên nổi đình nổi đám như The Walking Dead, The Last of Us, Army of the Dead… là những ví dụ rõ nét nhất cho thấy sức hút kinh khủng của đề tài này đối với đại chúng.
Thật vậy, zombie hậu tận thế có lẽ là một đề tài đủ hấp dẫn và có nhiều đất khai thác để có thể “tận thu” hoài hoài mà chẳng hết.
Con người sẽ sinh tồn thế nào khi bị tước đoạt khỏi hầu hết tư liệu sản xuất cơ bản nhất? Không có pháp luật ước thúc thì người ta hành xử ra sao trong cái thế giới u ám đó? Điên loạn, tuyệt vọng, buông thả… một thế giới chỉ còn toàn những cảm xúc tiêu cực thì sẽ ra làm sao?
Đến từ SneakyBox và phát hành bởi Atari, Days of Doom là một trong vô số game khai thác chủ đề hậu tận thế zombie nói trên. Với một vùng đất màu mỡ nhưng đã bị cày xới quá nhiều, liệu Days of Doom có thể tạo ra sự khác biệt để khiến mình nổi bật ra khỏi đám đông hay không?
Mời bạn đọc Vietgame.asia cùng tìm hiểu qua bài đánh giá sau nhé.
BẠN SẼ THÍCH
Lối chơi Rogue-like hấp dẫn
Days of Doom đã khéo léo sử dụng những tinh túy của dạng game Rogue-like, kết hợp với đề tài hậu tận thế zombie để tạo nên những hành trình chơi tuy lặp lại nhưng chẳng hề nhàm chán. Chỉ với một mục tiêu là tìm đường đến với Sanctuary, vùng đất duy nhất còn bóng dáng con người sinh sống, Days of Doom đưa người chơi đi qua nhiều dạng địa hình với độ khó tăng dần.
Mỗi lần thất bại, người chơi Days of Doom sẽ được đưa trở về khu trại chính, từ đó có thể sử dụng tài nguyên đã tích cóp được trong lượt chơi trước như tiền, thức ăn, nhiên liệu… để nâng cấp dần lên.
Nâng cấp các công trình trong trại là vĩnh viễn và sẽ mang lại những lợi ích thiết yếu để những lần chơi sau được suông sẻ hơn: bảng cáo thị sẽ xuất hiện nhiều lớp nhân vật mới hơn, nhân vật có cấp độ cao hơn, cửa hàng bán nhiều nhu yếu phẩm và trang bị nâng cấp hơn…
Khi bắt đầu một hành trình mới, đội của người chơi sẽ lên xe bus và chu du qua một bản đồ được kiến tạo ngẫu nhiên mỗi lần chơi lại. Khi di chuyển đến một điểm chặn, sẽ có các sự kiện ngẫu nhiên như dừng lại và tìm kiếm, chiến đấu hoặc gặp gỡ các NPC. Việc dừng hay đi là do người chơi chọn, tuy vậy mỗi điểm di chuyển đều khiến xe bus tiêu hao xăng nên đôi khi dừng lại để tìm kiếm nhiên liệu đi tiếp, dù biết rõ phải đụng độ kẻ địch là điều khó tránh khỏi.
Có thể nói, chỉ bằng khá ít tài nguyên về hình ảnh và kết cấu, Days of Doom vẫn đảm bảo thời lượng chơi game sẽ đủ dài và trải nghiệm chơi sẽ không bị nhàm chán hay lặp lại (quá nhiều). Việc sử dụng bố cục Rogue-like để tối ưu hóa về tính “tái chế” là một nước đi hay, phù hợp với tiềm lực của một studio không quá lớn.
chỉ bằng khá ít tài nguyên về hình ảnh và kết cấu, Days of Doom vẫn đảm bảo thời lượng chơi game sẽ đủ dài và trải nghiệm chơi sẽ không bị nhàm chán hay lặp lại (quá nhiều)
Tính chiến thuật hấp dẫn!
Các trận chiến trong Days of Doom thì lại theo đường lối của dạng S-RPG (chiến thuật nhập vai), khi sân đấu là nhiều ô vuông nhỏ với 2 phe địch – ta được bố trí ở hai bên “bàn cờ”. Với một đội ngũ bao gồm tối đa 3 nhân vật (có thể lên đến 6 nếu nâng cấp trại ở mức cao nhất), người chơi chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tiêu diệt hết kẻ địch trong màn.
Mỗi nhân vật có chỉ số “Speed” (tốc độ) khác nhau, ảnh hưởng đến thứ tự hành động. Thứ tự hành động sẽ đan xen cả phe ta và địch trong một lượt, và được hiển thị khá trực quan trên một thanh avatar thứ tự. Nhờ vậy mà người chơi có thể tính toán để tránh né hoặc dồn sát thương tiêu diệt một kẻ địch, trước khi đến lượt nó hành động.
Khi tới lượt, mỗi nhân vật sẽ có 2 điểm hành động. Di chuyển trong phạm vi cho phép, tấn công thường hoặc dùng kỹ năng đặc biệt sẽ tiêu tốn 1 điểm hành động. Khi cần thiết, người chơi có thể di chuyển nhân vật đi xa hơn mức có thể bằng cách tiêu hao cả 2 điểm hành động một lúc. Tùy vào yêu cầu và chiến thuật mà việc vận dụng hợp lý điểm hành động chính là yếu tố cốt lõi để chiến thắng.
Mỗi nhân vật sở hữu một kỹ năng đặc biệt có tính ảnh hưởng rất lớn đến trận đấu. Chúng có thể là kỹ năng tạo khiên chắn bảo vệ, đẩy lùi kẻ địch, hay thậm chí là gây sát thương diện rộng. Chính vì mạnh như vậy nên các kỹ năng này có thời gian hồi chiêu khá lâu, mất đến 3 – 4 lượt mới có thể sử dụng tiếp.
Days of Doom đã vận dụng rất khéo léo những tinh túy cố hữu của dòng game chiến thuật, đi kèm với chủ đề sinh tồn hậu tận thế cùng zombie, từ đó tạo nên những lớp nhân vật rất độc đáo, thú vị. Đấy có thể là những đứa trẻ bị đột biến gen sở hữu siêu năng lực, những tay súng lầm lì ẩn sau bộ đồ phòng hộ, hoặc những anh râu bặm trợn tay búa, tay dao cực kỳ “hổ báo”.
Kẻ địch trong Days of Doom cũng rất đa dạng, từ những con zombie nhỏ có cú cắn gây hiệu ứng trúng độc nhưng khá ù lì chậm chạp, các con chó thây ma cực nhanh nhẹn và có hiệu ứng “bầy đàn”, cho đến những cỗ xác khổng lồ “da trâu thịt dày” cực kỳ khó nhằn.
Người chơi sẽ buộc phải xây dựng một tổ đội phù hợp với nhiều lớp nhân vật khác nhau, cũng như tận dụng triệt để yếu tố địa hình để có thể giành chiến thắng.
Days of Doom đã vận dụng rất khéo léo những tinh túy cố hữu của dòng game chiến thuật, đi kèm với chủ đề sinh tồn hậu tận thế cùng zombie, từ đó tạo nên những lớp nhân vật rất độc đáo, thú vị
BẠN SẼ GHÉT
Độ khó không khoan nhượng!
Về bản chất thì Rogue-like vốn dĩ đã nổi danh là có độ khó rất cao, do đặc thù bắt người chơi… chết rất nhiều lần trước khi thành công qua màn, chưa kể mỗi khi “tử ẹo” lại mất hết những thứ đã tìm được (điểm kinh nghiệm, đồ dùng, v.v.). Vì vậy chẳng có gì lạ khi Days of Doom kế thừa đầy đủ các đặc tính rogue-like, nếu không muốn nói là còn làm “quá tay” hơn nữa.
Trước hết, cần nói đến việc Days of Doom không có cơ chế hồi máu cuối mỗi trận đánh. Có nghĩa là nếu lỡ tay “chơi dại” khiến một hoặc vài thành viên trong đội mất máu quá nhiều, điều đó tương đương với việc người chơi sẽ bắt đầu trận kế với một đội hình “dặt dẹo” và nhiều khả năng là sẽ thất bại vì toàn đội bị diệt sạch trong chớp mắt.
Điều này kết hợp với các nhu yếu phẩm như bình hồi máu có tần suất xuất hiện rất ít, vô hình trung tạo nên thang độ khó rất cao khiến người chơi phải cực kỳ cẩn trọng trong từng đường đi nước bước của mình.
Days of Doom cũng không có nút “Undo” giúp người chơi hồi lại một nước đi sai trước đó, nên mức độ trừng phạt cho các sai lầm trong game là cực cao. Ngoài ra, mức phân bổ tài nguyên và vật phẩm trong Days of Doom cũng khá thấp, khiến cho mỗi hành trình của người chơi gặp khó khăn không ít do dù tích lũy 2, 3 lần chơi cũng chưa đến mức có thể đột phá qua cửa ải kế tiếp.
Cuối cùng là mức độ thăng tiến sức mạnh của các nhân vật trong Days of Doom cũng không có nhiều thay đổi đáng kể. Nếu so với một tựa game khá tương đồng khác là Darkest Dungeon khi một nhân vật cấp 5 có sức mạnh bỏ xa cấp 1, thì nhân vật trong Days of Doom lại có mức chênh lệch sức mạnh không cao, dẫn đến việc người chơi phải tốn nhiều thời gian hơn mức cần thiết để qua màn.
chẳng có gì lạ khi Days of Doom kế thừa đầy đủ các đặc tính rogue-like, nếu không muốn nói là còn làm “quá tay” hơn nữa