Deponia Doomsday – Ra mắt vào năm 2012, Deponia (với ba phần ra mắt lần lượt trong gần hai năm gồm Deponia, Chaos on Deponia và Goodbye Deponia) là câu chuyện kể về anh chàng Rufus – một gã trai tầm thường với không ít tính xấu – và những cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của anh ta trong “nỗ lực” rời bỏ ngôi làng Kuvaq, tọa lạc trên hành tinh Deponia ngập chìm trong… rác của mình.
Xuyên suốt ba phần, Deponia luôn được cộng đồng yêu thích thể loại phiêu lưu giải đố đánh giá cao với một cốt truyện thú vị chứa đựng không ít những tình huống hài hước cũng như cảm động, những nhân vật đáng nhớ bên cạnh các câu đố không kém phần hóc búa.
Vậy nên, khi Daedalic Entertainment bất ngờ công bố phiên bản thứ tư của Deponia mang tên Deponia Doomsday vào cuối tháng Hai vừa qua, game đã lập tức lọt vào “mắt xanh” của rất nhiều người chơi.
Nhưng liệu rằng sau gần hai năm rưỡi kể từ phiên bản cuối cùng, Deponia có còn giữ được “phong độ” của mình ở lần trở lại này?
BẠN SẼ THÍCH
Thêm một cuộc phiêu lưu thú vị!
Một đêm nọ, mệt mỏi với khâu chuẩn bị cho việc rời khỏi Kuvaq trên chiếc khinh khí cầu “xập xệ” của mình, Rufus ngủ thiếp đi. Và trong mơ, anh đã gặp phải một cơn “ác mộng” khi thấy mình hi sinh bản thân để cứu lấy Deponia, thế nhưng hành động của anh đã khiến Elysium – thành phố nhân tạo lơ lửng trên bầu trời Deponia, nơi có điều kiện sống tốt hơn nhiều so với dưới mặt đất đầy rác rưởi và cũng là nơi Rufus hướng đến – rơi xuống, quét sạch sự sống trên hành tinh này ngoại trừ… một loại quái vật hao hao Deathclaw trong Fallout 4!
Là người Deponia cuối cùng còn sống sót, Rufus đã quyết định “sửa chữa” mọi sai lầm bằng cách chính tay mình “nhấn nút” (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) để… hủy diệt Deponia triệt để, hoàn toàn, kết thúc tất cả!
Giật mình tỉnh dậy, Rufus cứ mải nghĩ về giấc mơ đó, nhất là việc anh đã thấy “mình” trong mơ có râu, cả một bộ râu – một “thảm họa” cho gương mặt điển trai (tự nhận!) của anh theo quan niệm đẹp xấu của Rufus.
Thế rồi, khi vừa ra ngoài, anh đã gặp phải một nhà khoa học có phần “tưng tửng” cùng cỗ máy thời gian của ông ta. Dần dà sau một loạt sự kiện, Rufus nhận ra những gì anh thấy trong mơ có thể chính là tương lai của anh và Deponia. Thế là Rufus khởi động cỗ máy thời gian với niềm tin thay đổi quá khứ có thể biến chuyển tương lai, ngăn Deponia – Elysium khỏi họa diệt vong đồng thời tránh cho gương mặt của mình “cái họa”… mọc râu!
Nhưng liệu anh ta có đủ khả năng xoay chuyển số phận của mình và của cả hành tinh nơi mình sinh sống? Hay tất cả nỗ lực của Rufus sẽ chỉ đổi lại được một nụ cười khinh khi và tàn nhẫn của định mệnh?
Thời điểm khởi đầu của Deponia Doomsday nằm “lơ lửng” đâu đó giữa thời điểm bắt đầu của Deponia và thời điểm kết thúc của Goodbye Deponia.
Có thể nói, phần thứ tư này của Deponia chính là cách mà Daedalic Entertainment trao cho người chơi cơ hội “viết lại lịch sử” của cả dòng game này, nhất là thay đổi kết thúc của Goodbye Deponia, một kết thúc làm không ít người chơi không hài lòng.
Trong chuyến phiêu lưu về quá khứ của mình cùng Rufus, người chơi sẽ không chỉ gặp lại những gương mặt thân quen ở ba phần game trước mà còn là cả những nhân vật đáng nhớ, những tình huống thú vị mới, đảm bảo rằng cho dù bạn có đã “cày nát” ba tựa game Deponia đã ra mắt thì bạn vẫn tìm được sự mới mẻ ở Deponia Doomsday chứ không chỉ đơn thuần là “chơi lại” ba phần game cũ trong tư cách một “nhà du hành thời gian”.
đảm bảo rằng cho dù bạn có đã “cày nát” ba tựa game Deponia đã ra mắt thì bạn vẫn tìm được sự mới mẻ ở Deponia Doomsday chứ không chỉ đơn thuần là “chơi lại” ba phần game cũ
Những điểm mạnh được “giữ gìn” và “phát huy”
Với bất kỳ một thương hiệu game nào, khi một phiên bản mới được công bố, người chơi luôn kì vọng vào những sự mới mẻ, cải tiến. Nhưng Deponia cũng như Daedalic Entertainment không cần điều đó với Deponia Doomsday.
Giữ nguyên vẹn những thế mạnh mà những phiên bản trước đã thể hiện và phát huy chúng trong một bối cảnh mới, một cốt truyện mới, thế là đủ để phiên bản Deponia thứ tư này trở thành một tựa game phiêu lưu xuất sắc, đúng như những gì mà người chơi hy vọng.
Công việc của người chơi trong vai Rufus sẽ vẫn là đi loanh quanh, lòng vòng và đôi khi là “luẩn quẩn” để thu thập các vật phẩm, kết hợp chúng với nhau để giải quyết các câu đố của game.
Là một tựa game hài hước, những câu đố mà Deponia Doomsday đem ra “thách đố” người chơi cũng thường có nét dí dỏm và đòi hỏi bạn phải để trí tưởng tượng của mình “bay xa” một chút, đừng “nghiêm túc” quá!
Thí dụ về một “cú” giải đố trong game nhé: bạn phải thắng trong trò phóng phi tiêu để lấy được một chi tiết máy giúp con robot làm nước đá hoạt động. Và sau khi lấy được nước đá rồi (trước đó, bạn cũng phải đi kiếm ly mà đựng nước đá nhé, không có sẵn đâu), bạn phải đun cho nó tan ra thành nước, lấy nước đó dội lên… một củ khoai tây nướng cho nguội để bạn còn có thể cầm nó mà cho vào máy cắt làm hai.
Thế rồi bạn sẽ kết hợp hai nửa củ khoai tây với một… khung thép nịt ngực của một… gã râu ria xồm xoàm vừa “được” chuyển giới! Để tạo ra gì? Một chiếc bịt tai chống ồn dành cho ông hàng thịt nướng khó tính để ông ta cho phép ban nhạc gần đó chơi nhạc đặng bạn còn có thể lấy… chiếc chổi cọ chai của một thành viên trong ban nhạc đó. Và rồi bạn sẽ dùng món đồ “trời ơi đất hỡi” đó để… à mà thôi… kể ra nữa thì dài dòng lắm, đại khái những câu đố mà bạn sẽ phải “đối mặt” trong Deponia Doomsday là như thế đó!
Bên cạnh những câu đố không quá khó khăn nhưng vẫn khiến người chơi “xoắn não” bởi sự “độc đáo” của chúng, game còn có nhiều màn chơi được thiết kế theo kiểu mini-game tương đối đa dạng và thú vị với lối chơi riêng, tách mình khỏi hướng giải đố.
Bạn nghĩ sao về một trò ca-rô với các “quân cờ” là trái cây hư thối và trong khi chơi, luôn có một con chuột nhăm nhe ăn mất các “quân cờ” của người chơi, và nó không phải là một kẻ phá đám, mà là một phần của trò chơi?
Tính hài hước, hóm hỉnh là một “thương hiệu” của Deponia nên nghiễm nhiên Deponia Doomsday cũng chẳng thể thiếu cho mình những tình huống gây cười mà chủ yếu đến từ những đoạn đối thoại hài hước giữa các nhân vật bên cạnh những câu đố hay mini-game kiểu như vừa đề cập ở trên.
Sẽ rất, rất khó để bạn hoàn thành chuyến phiêu lưu của mình trong game mà không bật cười thành tiếng, thậm chí là phá lên ha hả vài… chục lần.
Phong cách đồ họa – âm thanh đậm chất hoạt hoạ của Deponia Doomsday vẫn “trung thành” với “bản sắc” của những phiên bản tiền nhiệm và cũng như ở ba phần Deponia trước, phương diện này đã hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ” của mình trong việc “tiếp sức” cho cốt truyện, lời thoại… để tạo nên một chỉnh thể hài hòa, hấp dẫn ở phiên bản thứ tư này.
Không có gì để nói về mặt này của Deponia Doomsday ngoài những lời khen ngợi như đã được dành cho những người tiền nhiệm.
những câu đố mà Deponia Doomsday đem ra “thách đố” người chơi cũng thường có nét dí dỏm và đòi hỏi bạn phải để trí tưởng tượng của mình “bay xa” một chút, đừng “nghiêm túc” quá!