Dragon Quest Treasures – Dragon Quest là một tượng đài JRPG, điều này không ai có thể phủ nhận!
Ngoài 11 tựa game trong dòng chính ra, Square Enix cũng đã làm ra vô số tựa game ngoại truyện (spin-off), và phần lớn chúng đều đạt được một số thành công nhất định.
Cho dù là thể loại gì, từ “musou” (Dragon Quest Heroes) cho tới… Minecraft (Dragon Quest Builders), những tựa game ngoại truyện này thường không làm cho người hâm mộ thất vọng, khi chuyển hoá những gì tinh tuý nhất của dòng game sang thể loại mới.
Giờ đây, Dragon Quest Treasures lại là một thử nghiệm mới khác! Sẽ ra sao nếu người chơi có thể… thu thập quái vật, trong lúc đi tìm kho báu?
Liệu Dragon Quest Treasures có thể tiếp nối truyền thống của dòng game? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Vui nhộn, phóng khoáng!
Dạo gần đây người viết chơi khá nhiều tựa game JRPG có cốt truyện tăm tối, nặng nề, nào là đấu đá chính trị, tới chiến tranh liên miên không dứt. Để mở đầu, người viết chỉ muốn nói rằng Dragon Quest Treasures thực sự đã “giải cơn khát” của người viết, với một mạch truyện tươi vui, phóng khoáng, đem lại những giây phút thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng.
Nếu bạn đã chơi Dragon Quest XI, bạn chắc hẳn sẽ nhận ra hai nhân vật chính: Erik và em gái Mia, nhưng lần này là phiên bản nhỏ tuổi của hai người. Mở đầu game, họ là thành viên của một băng hải tặc tìm kho báu khét tiếng, tuy nhiên vì không muốn suốt ngày phục dịch cho đám cướp biển ồn ào này, họ đã lên kế hoạch lẻn ra ngoài.
Sau khi lẻn được lên boong tàu, Erik và Mia phát hiện hai con thú kỳ lạ: một con lợn và một con mèo biết bay, và cùng với chúng, Erik và Mia nhảy lên một con thuyền nhỏ và cập bến một hòn đảo cũng nhỏ nốt.
Ở đây, hai anh em kiếm được một cặp Dragon Dagger, và khi cầm chúng lên, bất chợt cả hai bỗng… hiểu được tiếng nói của các con vật trong game, và phát hiện ra mèo bay và lợn bay là hai á thần mang tên Purrsula và Porcus.
Từ đây, chuyến phiêu lưu đi tìm One P… xí lộn, kho báu bí mật của Erik và Mia bắt đầu…
đối với Dragon Quest Treasures, cốt truyện tuyệt đối thoải mái, nhẹ nhàng, chứa đầy ắp những chi tiết vui nhộn và những lời thoại dí dỏm
Thực tế, kể cả những tựa game Dragon Quest chính thống, mặc dù thoạt nhìn vui tươi, nhưng mang trong mình không thiếu những chi tiết tương đối nặng nề, như tiểu sử của Corvus trong Dragon Quest IX, hay những hành động tàn ác Dhoulmagus đã làm trong Dragon Quest VIII.
Tuy nhiên, đối với Dragon Quest Treasures, cốt truyện tuyệt đối thoải mái, nhẹ nhàng, chứa đầy ắp những chi tiết vui nhộn và những lời thoại dí dỏm. Không hề có những chi tiết hắc ám nào, hay những cú “twist” đầy bất ngờ, cốt truyện chỉ đơn thuần là những tiếng cười sảng khoái và thư giãn nhất có thể.
Xuyên suốt cuộc hành trình khám phá tìm kho báu của mình, Erik và Mia sẽ gặp rất nhiều người bạn mới, cả người lẫn thú, và cũng vì vậy, người đọc sẽ thấy rằng cốt truyện tập trung nhiều vào tình bạn, vào mối tương quan giữa các nhân vật, thay vì một cốt truyện nặng nề nào đó bắt người chơi phải “suy ngẫm”.
Nói như vậy, chắc chắn cốt truyện sẽ không thể làm vừa lòng những game thủ thích một kiểu cốt truyện “kinh điển”, tuy nhiên đối với người viết, nó như một quãng nghỉ xả hơi vậy, một luồng gió xua tan những trường ca tăm tối mà người viết đã trải nghiệm trong năm 2022.
Dẫu sao thì, trước mắt chúng ta còn rất nhiều tựa JRPG mà xem trailer là đã biết tăm tối, như Final Fantasy XVI, Octopath Traveler II, vậy một quãng nghỉ như trên không phải là quá hợp lý sao?
Lối chơi: phù hợp cho mọi lứa tuổi
Đi kèm với một cốt truyện nhẹ nhàng là một lối chơi khám phá hấp dẫn, phù hợp cho mọi lứa tuổi, mặc dù chiến đấu có phần hơi được đơn giản hoá quá.
Nói rõ hơn, vòng lặp lối chơi này đủ đơn giản để những người bận bịu có thể móc chiếc Nintendo Switch thân tín của họ bất kỳ lúc nào để giải lao tầm 5-10 phút, mà không phải quá “nhập tâm” vào game, nhưng cũng đủ hấp dẫn để họ có lý do làm như vậy.
Về căn bản, thay vì chiến đấu theo lượt, trong Dragon Quest Treasures chiến đấu là hành động thời gian thực, nơi người chơi trực tiếp điều khiển Erik hoặc Mia để chiến đấu.
Lối chơi gần giống như The Legend of Zelda: Breath of the Wild, tuy nhiên đã được đơn giản hoá tới cực điểm, chỉ có chém dao và bắn ná thun (với nhiều loại đạn khác nhau, thay thế cho phép thuật) mà thôi.
Tất nhiên rồi, Erik và Mia chỉ là hai đứa trẻ con, tất nhiên sẽ không có mấy chiêu thức cầu kỳ phức tạp như trong Dragon Quest XI. Điểm nhấn của lối chơi là khả năng chiêu mộ quái vật, và sử dụng chúng để có thể chiến đấu với quái vật khác, na ná Pokemon.
Mỗi quái vật sẽ có một Forte trong năm: Sprint (tốc hành), Launch (bật cao), Glide (lượn), Stealth (ẩn náu), và Scan (quét). Cũng như hệ thống HMs trong Pokemon, bạn sẽ sử dụng những Forte này của quái vật để tương tác với thế giới, như mượn Slime để bật nhảy lên những nơi không thể nào chạm tới được, hay Sprint – Forte hữu dụng nhất trong mắt người viết – để có thể tăng tốc độ chạy.
Không chỉ vậy, mỗi quái vật còn mang trong mình một “ảnh vị trí kho báu” mà Erik và Mia có thể nhìn ra thông qua la bàn Fortune Finder, và nhiệm vụ của người chơi là tìm được chính xác vị trí kho báu này, giống như trò chơi tìm bản đồ kho báu của Final Fantasy IX.
Sự kết hợp giữa việc khám phá bản đồ kho báu, chiến đấu, và sử dụng Forte, khiến người chơi có một thôi thúc đi tìm bắt quái vật y như Pokemon vậy, mong muốn khám phá xem quái vật này có thể tìm ra kho báu ở đâu, có Forte gì ngon, có kỹ năng nào tốt, v.v.
Dragon Quest Treasures cũng có cấu trúc thế giới mở hoàn toàn khác với những bản Dragon Quest truyền thống. Vẫn sẽ có những nhiệm vụ chính người chơi phải hoàn thành để mở khoá cốt truyện, tuy nhiên không hề có rào cản cấp độ nào, bạn có thể du hành tới bất cứ đâu tuỳ thích, và hoàn toàn có thể tự điều chỉnh độ khó theo ý bạn.
điểm cuốn hút nhất của lối chơi Dragon Quest Treasures chính là quá trình thu nhặt kho báu để tái thiết lại căn cứ
Nếu muốn chơi “an toàn”, thì bạn có thể đánh nhau với mấy con thú cấp thấp ở gần ga tàu hoả, nếu không, bạn có thể xâm nhập sâu vào các khu cấm địa hiểm trở với những con quái vật cấp cao để tự thử thách bản thân.
Tìm kho báu, chiến đấu với băng nhóm địch thủ (và cướp luôn kho báu của chúng), làm nhiệm vụ phụ, hoặc mặc kệ tất cả và chỉ đi đào kho báu… tất cả đều nằm trong tay của người chơi, không hề có một giới hạn nào.
Đối với người viết, điểm cuốn hút nhất của lối chơi Dragon Quest Treasures chính là quá trình thu nhặt kho báu để tái thiết lại căn cứ. Những kho báu này, nếu bạn là người hâm mộ Dragon Quest lâu năm sẽ thấy rất thích thú với những “kỷ vật” tới từ những tựa game trước: bức tượng Bianca (từ Dragon Quest V), bình thuốc của Rylus (từ Dragon Quest VIII), thậm chí là… một bức tường có lỗ (?) (có lẽ là từ Dragon Quest III).
Việc tìm kho báu không phải quá khó, nhưng cảm giác bay lượn trên một hòn đảo, sau đó tìm được một vị trí kho báu, đào lên được một cục gì đó liên quan tới lịch sử của Dragon Quest, bảo vệ nó trước sự cướp bóc của các băng đảng kình địch, đem về căn cứ và trưng bày, là một cảm giác khơi gợi nên một sự thành công kỳ lạ, và tạo thành một vòng lặp hấp dẫn.
Không có áp lực, không có gì gấp rút, chỉ có đào kho báu, Dragon Quest Treasures không ngần ngại tỏ rõ rằng nó là một tựa game dành để thư giãn giải trí dành cho mọi lứa tuổi.
Hình, âm đậm phong cách Dragon Quest
Về mặt hình ảnh, Dragon Quest Treasures vẫn chiều lòng người hâm mộ với những thiết kế đậm chất họa sĩ Akira Toriyama (cũng là “cha đẻ” Dragon Ball), cùng với một phông màu tươi sáng.
Những nét vẽ trong game vừa đem lại cảm giác thân thuộc, lại vừa có chút gì đó “phá cách”. Vẫn là những con quái vật quen thuộc: slime, dracky, sabrecat, killing machine, v.v. vẫn là những nhân vật Bianca, Dhoulmagus, Ashlynn… người hâm mộ có thể dễ dàng nhận ra họ, nhưng đã được tô điểm chất “riêng” cho Dragon Quest Treasures.
Về phần âm nhạc, cơ bản là một “bức thư tình” dành cho người hâm mộ Dragon Quest, với những bản nhạc kinh điển của dòng game được tái hiện lại một cách hoàn mỹ, đi theo mỗi bước chân mà Erik và Mia đi trên con đường tìm kho báu.
Tất nhiên, là một tựa game Switch, thật khó để đòi hỏi một nền đồ hoạ “mướt mườn mượt”, vẫn sẽ có những khoảng khắc hình ảnh như “đúc từ PS2 lên”. Tuy vậy, khá đáng khen cho việc tối ưu hoá của Dragon Quest Treasures, khi trong suốt thời gian chơi người viết không gặp vấn đề gì nghiêm trọng như tụt khung hình hay giật lag cả, đem đến một trải nghiệm tương đối suôn sẻ.
Những nét vẽ trong game vừa đem lại cảm giác thân thuộc, lại vừa có chút gì đó “phá cách”
BẠN SẼ GHÉT
Quái vật quá nghèo nàn
Dragon Quest Treasures ban đầu nằm “chung mâm” với dòng ngoại truyện Dragon Quest Monsters, nhưng số lượng quái vật lại thấp tới mức đáng thương: chỉ có tổng cộng… 74 quái vật để chiến đấu và thu thập.
Thà rằng 74 quái vật đó là 74 con khác nhau như Pokemon còn đỡ, nhưng phải hai phần ba trong số chúng là hàng… tái chế, thay đổi màu bên ngoài là thành một con mới.
Việc này thực sự phần nào đánh đúng vào điểm hấp dẫn của trò chơi: tìm, chiến đấu và thu thập quái vật mới.
Ít từ ngữ có thể hình dung sự thất vọng của người viết khi nhìn lại đúng con quái có từ đầu game lại hiện diện ở một địa điểm “thâm bất khả trắc” ở cuối game, trong một dòng game đồ sộ gần bốn chục năm tuổi đời, và chắc chắn số lượng quái vật phải tới hàng trăm, không muốn nói là cả nghìn.
Một số quái vật còn có điều kiện gia nhập khá “nhiêu khê”. Có con thì yêu cầu cần phải thu thập một con quái vật khác trước khi gia nhập đội ngũ, có con thì yêu cầu một vật phẩm “trời ơi, đất hỡi” nằm trong một hòm kho báu ở một xó xỉnh nào đó trong thế giới này mà chỉ Chúa mới biết, khiến số lượng quái vật đã ít càng trở nên thảm hại!
Tất nhiên, cũng không nhất thiết phải thu thập mấy con này vì còn rất nhiều quái vật hữu dụng, tuy nhiên nếu bất kỳ ai mong đợi một tựa game sánh ngang với Pokemon, họ sẽ phải thất vọng nhiều.
Ít từ ngữ có thể hình dung sự thất vọng của người viết khi nhìn lại đúng con quái có từ đầu game lại hiện diện ở một địa điểm “thâm bất khả trắc” ở cuối game
Chiến đấu đơn giản hóa quá mức!
Như đã đề cập, phần chiến đấu trong Dragon Quest Treasures đã bị đơn giản hoá quá mức, nhưng lại xảy ra tương đối thường xuyên, dễ gây ra một cảm giác nhàm chán.
Square Enix đã “cố gắng” cải thiện chiến đấu bằng cách đưa vào ná bắn thun với các loại đạn khác nhau, có đạn gây ngủ, đạn gây choáng, thậm chí là đạn “tăng thiện cảm”, tuy vậy người viết hầu như không đụng tới do… không có nhu cầu, và việc bắn ná cũng không thích thú hơn việc cầm vũ khí lao vào “tung hứng” quái vật là bao.
Ngoài việc sử dụng Unleash The Dragon (tuyệt chiêu tối thượng), người chơi thậm chí không thể điều khiển được đám quái vật mà để cho chúng tự hành động. Cũng may, A.I. quái vật có vẻ khá thông minh, biết cách kết hợp để tạo đòn combo, quản lý MP khá tốt.
Tuy nhiên, việc hầu như không có quyền điều khiển quái vật kèm với cơ chế chiến đấu quá đơn giản, lại kèm tần suất dày, khiến người viết không khỏi coi việc chiến đấu trở thành “vật cản” khó chịu trong quá trình trải nghiệm.
Thậm chí, để tiến triển cốt truyện, người chơi còn phải khám phá The Snarl, giống Mementos của Persona 5, là một hầm ngục được đào dần dưới lòng đất chờ người chơi “đào” dần.
Thực tế phũ phàng là nơi đây không có khám phá gì sất, chỉ là một loạt các đợt tấn công của quái vật và kết thúc bằng một con quái trùm!
Có lẽ, với một cơ chế chiến đấu đa dạng hơn một chút, The Snarl sẽ là một thứ gì đó rất hấp dẫn, thay vì một thứ mà người viết cảm thấy “bị bắt phải làm” như trong quá trình trải nghiệm.
phần chiến đấu trong Dragon Quest Treasures đã bị đơn giản hoá quá mức, nhưng lại xảy ra tương đối thường xuyên, dễ gây ra một cảm giác nhàm chán