Skip to content

Crash Bandicoot 4: It’s About Time – Đánh Giá Game

Crash Bandicoot 4

Crash Bandicoot 4 – Sau thành công của các phiên bản “tút lại” (remastered) của bộ ba Crash Bandicoot N.Sane Trilogy và game “đua xe cáo” Crash Team Racing Nitro-Fueled, hãng Activision chính thức “bật đèn xanh” cho phần tiếp theo mang tên: Crash Bandicoot 4: It’s About Time và được phát triển bởi hãng Toys For Bob – studio đứng đằng sau vài phụ bản của dòng game Skylanders.

Liệu rằng với sự trở lại bất ngờ kỳ này của anh Cáo, Crash Bandicoot 4: It’s About Time có thật sự làm người hâm mộ tự hào hoặc chí ít giữ vững được tinh thần của ba bản đầu tiên – vốn được phát triển bởi hãng Naughty Dog kỳ cựu? 

Nào hãy cùng Vietgame.asia đọc bài đánh giá sau đây để tìm hiểu nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Crash Bandicoot 4

CRASH “DIE-HARD” 4!

Điều đầu tiên mà Crash Bandicoot 4: It’s About Time thành công nhất, chính là giữ vững độ khó và có thể nói là còn khó hơn rất nhiều so với ba bản trước đây!

Điều này đến từ nhiều yếu tố, có thể kể đến lối thiết kế màn chơi của tựa game và các nhân vật mới. 

Vẫn đi theo truyền thống, chúng ta sẽ đi qua nhiều thử thách với các cách sắp đặt vô cùng khéo, tuy tuyến tính nhưng cũng có nhiều mẹo để lách về đích sớm hoặc vượt qua thử thách nhanh hơn (cũng như khó hơn). 

Song song, trong các màn chơi của Crash Bandicoot 4: It’s About Time, còn chứa đựng các màn thưởng “bonus” (với thử thách rất ư là “khoai” – NV) được đặt tại các địa điểm dễ nhìn và các viên kim cương ẩn được đặt đâu đó. 

Khi kết thúc một màn, việc thu thập đủ các hộp táo, kim cương ẩn sẽ giúp “mở khóa” các bộ áo mới cho hai nhân vật Crash và Coco, thì người chơi lập tức được thưởng chế độ “time trial”. 

Và về sau game còn xuất hiện thêm các đoạn băng nếu muốn có được thì phải hoàn thành nhờ vào vài yếu tố khác được đưa ra. 

Các cuộn băng này sẽ giúp “mở khóa” thêm các màn chơi gợi nhớ quá khứ (Flashback levels).

Vậy có điều gì mới để hào hứng chứ? 

Điều đầu tiên mà Crash Bandicoot 4: It’s About Time thành công nhất, chính là giữ vững độ khó và có thể nói là còn khó hơn rất nhiều so với ba bản trước đây

Đó là nhờ vào việc thêm thắt vừa đủ để tạo thử thách cho người hâm mộ khi có thêm ba nhân vật điều khiển được: tên phản diện Neo Cortex, Dingodile và nàng Tawna, với ba phong cách chơi khác nhau với lối thiết kế màn chơi thể hiện đặc điểm của họ. 

Bên cạnh, các màn chơi chính và các nhánh phụ của 3 nhân vật mới, còn có thêm 4 mặt nạ hỗ trợ (tùy màn phù hợp): xoay như chong chóng tre bay lên rất cao, trọng lực, thời gian, thoắt ẩn thoắt hiện đồ vật. 

Và giờ đây, ở các màn chơi chính theo cốt truyện, người chơi có thể tùy ý lựa chọn chàng cáo hoặc bé cáo Coco một cách tự do.

Crash Bandicoot 4

Có một điểm đáng khen khác, hãng có thêm vào hai mục nhỏ trước khi chơi: Retro Mode (dành cho người hâm mộ) với số lượng mạng nhất định và buộc người chơi phải tìm thêm mạng trong màn; và Modern Mode với số lượng mạng vô hạn – điều mà người chơi cần phải làm đó là tìm được điểm lưu tạm (checkpoint). 

Ngoài ra, một điểm cộng nhỏ mà người viết để ý, đó là khi người chơi chết quá nhiều thì các hộp “checkpoint” sẽ xuất hiện nhiều hơn để tránh bị tình trạng “nản giữa đường” và còn được tặng thêm mặt nạ phòng thân Uka Uka (thường thấy đi theo anh Crash). 

Với hai chế độ chơi này, hoàn toàn có thể thỏa mãn tiêu chí của người chơi “hạt-co” (hardcore) cũ, lẫn người chơi mới biết tới dòng game.

Quay trở lại một chút về thiết kế, quả thật các màn chơi được thiết kế vô cùng tỉ mỉ, khéo léo và đòi hỏi bàn tay của người chơi phải thật chuẩn xác. 

Ba nhân vật mới cũng có những khuyết điểm khác nhau như Neo Cortex không có nhảy 2 lần nhưng lại có khả năng biến quái trên đường thành các trụ đứng hoặc tung bật; Dingodile tuy có thể hút và bắn nhưng cũng không ít lần hút nhầm hộp bom xanh thế là “tanh bành” buộc người chơi phải khéo léo hơn. 

Crash Bandicoot 4

Riêng cô nàng Tawna thì ngoài vài kỹ năng na ná chàng Crash thì còn có khả năng bắn dây, v.v. hoặc 4 mặt nạ tuy gọi là “hỗ trợ” nhưng cũng là những thử thách hại não trong việc xử lý tình huống khó khăn mà chúng sẽ liên tục mang tới.

Chính vì có thêm nhiều yếu tố nên màn chơi cũng tạo cảm giác bớt lặp lại, dẫu vẫn có sự “nhai lại” công thức: đi tới A thì đu dây qua B, rồi tới C thì đi theo đường ray nhảy né, v.v. Nhưng do các đặc tính khác nhau như vậy buộc người chơi cũng phải nhớ và thích nghi ngay tức thì, để hạn chế những lần “chết oan” vì quen nhân vật nọ lại xọ nhân vật kia. 

Có rất nhiều màn người chơi chắc chắn sẽ “chết lên, chết xuống” cả chục lần vì những thử thách dồn dập mà game… đạp vào mặt muốn ná thở! 

Nhưng cảm giác vượt qua sau chừng chục lần chết thì vô cùng thỏa mãn. 

Mà cũng quả thật đã lâu rồi người viết mới thấy một tựa game không ngần ngại cho người chơi “chết nhiều đến thế”, vì chỉ một lần lỡ tay sơ hở là chúc mừng bạn quay lại điểm lưu tạm (checkpoint) nhé.

Chưa kể, nếu người chơi lo lắng liệu tựa game có đủ dài hay không thì yên tâm, vì hãng “rất có tâm” khi mang tới… 107 màn chơi để tha hồ vắt kiệt quệ đôi bàn tay của chúng ta! 

Để góp phần gia tăng giá trị chơi lại, game còn có chế độ “Bandicoot Battle” để thi đua cùng bè bạn. 

Trong chế độ này, người chơi hoàn toàn có thể thi đấu từ 2-4 người với “Checkpoint race” (ai về đích trước với số lượng thời gian ít nhất thì người đó thắng) và “Crate Combo” (phát càng nhiều thùng càng tốt giữa các đoạn lưu tạm nhưng phải đi nhanh vì combo sẽ mau tàn).


Tốt “nước sơn”!

Nền tảng đồ họa của Crash Bandicoot 4: It’s About Time rất đẹp khi nhìn tổng thể, nhờ vào chỉ đạo nghệ thuật và sắp đặt cảnh vật tốt, tuy nhiên cũng có vài chỗ vân bề mặt hơi thô nhưng không đáng kể. 

Các màn chơi được tạo dựng rất độc và không kém phần “Epic”, mặc cho vẫn đi theo tuyến tính trông có vẻ gò bó. 

Các diễn hoạt chuyển động và cảm xúc rất đáng khen, dễ thương và sinh động. 

Chúng không chỉ được thực hiện tốt ở các nhân vật chính mà còn cả những kẻ thù và đồ vật cản trở trên chuyến đường phiêu lưu giải cứu thiên hà. 

Tốc độ khung hình cũng mượt mà, không hề giật lag dù cho màn hình lúc đó chi chít các vật thể qua lại, hiệu ứng nổ ầm ầm!

Nền tảng đồ họa của Crash Bandicoot 4: It’s About Time rất đẹp khi nhìn tổng thể

Về mặt âm thanh, theo cá nhân người viết thì cũng được, giọng lồng tiếng cho các nhân vật ổn và vẫn thể hiện cá tính rất rõ ràng cho từng nhân vật. 

Nhưng các bản nhạc nền thì không đủ đặc sắc lắm để đáng nhớ. 

Vẫn vui tươi, vẫn hài hước nhưng không nổi trội để tạo ấn tượng sâu hơn trong tâm trí người chơi.

BẠN SẼ GHÉT

Chưa hẳn đột phá!

Tuyến cốt truyện chính của Crash Bandicoot 4: It’s About Time không thật sự đặc sắc và mới lạ, nhưng các nhân vật thì vẫn dễ thương và hài hước. 

Tựa game cố gắng tạo chiều sâu thông qua các tuyến phụ diễn ra song song với tuyến chính, tuy nhiên, phần diễn đạt cốt truyện đúng ra có thể làm tốt hơn: nhiều tình tiết bị kéo dài không đáng và nhiều đoạn cắt cảnh cũng diễn ra “cho có”, để nối sang màn kế tiếp. 

Dẫu biết rằng trước giờ dòng Crash Bandicoot luôn ưu tiên hơn cho nền tảng lối chơi, nhưng ít nhiều đây vẫn là một điểm trừ nhẹ.

Dù rất đáng khen việc Crash Bandicoot 4: It’s About Time vẫn giữ vững được tinh thần từ lối chơi tới sự hài hước của ba phần đầu, nhưng những thêm thắt như ba nhân vật với ba lối chơi vẫn còn “an toàn” quá. 

Vì nếu thật sự so với sự phát triển của thể loại này trong làng game, đặc biệt nếu có phải so với dòng Mario lâu đời thì tựa game mới nhất của chàng Cáo cũng có lẽ nên như thế, để tạo cảm giác bớt tuyến tính hơn.

Vì như các bản Mario (Super Mario Galaxy, Super Mario Odyssey), hoặc chí ít ngay cả tựa game Astrobot: Rescue Mission cho PlayStation VR, những tựa game này vẫn mang lại sự cân bằng giữa việc khó vừa đủ và thỏa mãn song hành với màn chơi rất sáng tạo, gần như thoải mái cho người chơi có đủ cách để vượt qua màn, hoặc các cách thu thập các món đồ cũng vô cùng đa dạng và các tuyến đường ẩn đủ kích thích người chơi khám phá.

Còn về Crash Bandicoot 4: It’s About Time có phần giới hạn hơn nhiều, do việc có quá nhiều màn chơi bám vào cách thiết kế đặc tuyến tính, nên hầu như lúc chơi không có việc nào khác ngoài tìm được một viên ngọc ẩn hoặc cố gắng có đủ các táo và hộp trước khi hết màn, hoặc chơi xong thì thử “time trial” để kiếm được thành tích tốt, chứ không có một tuyến đường ẩn nào đáng giá hoặc bí mật nào để khám phá được cả. 

Điều này không hẳn là xấu, nhưng vô hình chung lại khiến tựa game bớt đi một chút tính mở, tuy đánh đổi lại là thử thách cũng tăng cao, tốc độ màn chơi liên tục khi buộc người chơi phải rất rất rất là chuẩn xác, khéo léo tới mức “đổ mồ hôi hột” để vượt qua theo đúng ý đồ của nhà phát triển. 

Ngoài ra, còn một điểm mà người viết không hào hứng lắm đó là chế độ chơi cộng tác cùng một máy (local-coop): Pass N. Play. 

Cơ chế chơi nhiều người này (khác Bandicoot Battle) chỉ xuất hiện trong lúc chơi theo cốt truyện chính. 

phần diễn đạt cốt truyện đúng ra có thể làm tốt hơn: nhiều tình tiết bị kéo dài không đáng và nhiều đoạn cắt cảnh cũng diễn ra “cho có”

Thay vì như truyền thống là 4 người chơi cùng một màn hình, thì Pass N. Play chỉ cho người còn lại chơi khi người chơi trước đó… “ngủm củ tỏi”. 

Theo quan điểm cá nhân của người viết, chế độ chơi nhiều người như thế “không có vui” vì phải chờ đợi trong “vô vọng” nếu như người kia quá giỏi, cũng như không mang tới tính hợp tác. 

Hơi đáng tiếc, đặc biệt khi nghĩ tới những trò có tính năng chơi cộng tác cùng máy rất tốt khác như CupheadRayman Legends, khi mà người chơi hoàn toàn có thể chơi tốt cùng màn hình với người khác mà không gặp trở ngại nào và vẫn đảm bảo thử thách cần có!


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Toys for Bob
  • Phát hành: Activision
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 02/10/2020
  • Hệ máy: PS4

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • SSD: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • SSD: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI ACTIVISION CHƠI TRÊN HỆ MÁY PS4

Bạc 8.5

Crash Bandicoot 4: It’s About Time chắc chắn sẽ làm các “fan cứng” hào hứng, khó có thể bỏ qua vì hãng làm quá tốt việc giữ được truyền thống và không khí mà ba phần đầu mang lại.



Tuy còn vài khuyết điểm nhỏ, nhưng trải nghiệm chung là rất đáng “đồng tiền bát gạo”.



Những ai không hẳn là fan, nhưng yêu thích các tựa game hành động phong cách “platforming” thử thách thì đừng bỏ qua Crash Bandicoot 4: It’s About Time.



Đây cũng là lúc “đổi gió” trước khi đón đầu mùa next-gen sắp tới đúng không nào?

Tác giả

Rapon Tran

I love RPG, Action Adventure, Adventure game. Especially hidden indie gems, thanks to them for bringing new lights into gaming industry.

Thảo luận