Skip to content

EasySMX X10 – Đánh Giá Gaming Gear

EasySMX X10

EasySMX X10 – Nếu được đặt câu hỏi về các công nghệ mới nhất mà một mẫu tay cầm được trang bị, có thể kể ngay đến hệ thống nút cơ học nhanh nhạy, joystick Hall-effect chính xác, và điều khiển Gyro cho các tựa game cần sự “tinh chỉnh” chi tiết.

Nhưng mặt khác, để tìm được một tay cầm tích hợp cả ba công nghệ phần cứng trên, các lựa chọn có sẵn thường chỉ đếm trên “đầu ngón tay” với mức giá không quá… phải chăng, hoặc ngược lại, người dùng phải “mổ xẻ” tay cầm của mình qua các linh kiện bên ngoài để đạt hiệu năng như ý.

Tuy vậy, khi còn là một hãng với tên tuổi khá mới trong “cuộc chơi”, EasySMX đã cho ra mắt tay cầm X10 với tất cả các công nghệ phần cứng trên cùng mức giá hết sức phổ thông, hứa hẹn mang đến tay cầm có khả năng tùy chỉnh cao và hỗ trợ nhiều nền tảng.

Liệu EasySMX X10 có thể đạt được những mục tiêu được đặt ra? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu nhé!

Bạn sẽ thích

EasySMX X10 – Khả năng kết nối và phần cứng hiện đại

Thoạt nhìn, có thể thấy vỏ hộp của EasySMX X10 “Mechanic Master” được hãng trình bày tương đối đơn giản, với điểm nhấn nằm ở năm chức năng chính được “tóm gọn” một bên và thiết kế duotone đen-xám bắt mắt của “nhân vật chính”.

Nhưng không như nhiều mẫu tay cầm khác, EasySMX X10 được trang bị với hàng loạt tính năng phần cứng khá “mới” trên thị trường, gồm hệ thống joystick và nút vai sử dụng cảm biến Hall (Hall-effect sensor) để gia tăng độ bền sử dụng, các nút bấm cơ học và khả năng thay mặt trước (faceplate).

Chưa kể, các tính năng khác của EasySMX X10 còn được “hé lộ” thêm ở mặt sau với hỗ trợ điều khiển Gyro 6 trục, hai nút lưng được trang bị và các chế độ kết nối đa dạng từ có dây qua cổng USB-C, không dây qua USB 2.4GHz đi kèm, Bluetooth và một chế độ riêng hỗ trợ kết nối đến Nintendo Switch.

Bắt đầu mở hộp và trên tay, EasySMX X10 tức khắc mang đến các trải nghiệm quen thuộc ở tay cầm không dây của Xbox Series X/S, dễ thấy nhất ở thiết kế, dáng cầm và bố trí nút, tuy vẫn mang đến một số cải thiện và tinh chỉnh nhất định.

Tổng thể, dáng cầm của EasySMX X10 đã được “làm gọn” lại ở bề dày để đưa hai cần cò (trigger) trở nên dễ tiếp cận và kích hoạt hơn, trong khi vẫn giữ được cảm giác vừa vặn và “ôm trọn” khi chơi.

Bề mặt phần tiếp xúc tay ở hai mặt của tay cầm còn được xử lý với chất liệu nhựa nhám để tăng khả năng bám, cùng với khối lượng không quá nặng nhờ vào pin đi kèm để mang đến cảm giác dễ chịu trong lúc chơi, tránh bị “nặng tay” ở những buổi game dài.

Nhưng ở các nút, joystick và cần gạt, trải nghiệm mà EasySMX X10 mang đến trong lúc chơi có thể nói là… hoàn toàn khác.

Ở bốn nút ABXY, hãng đã lựa chọn loại nút cơ học “clicky” tương tự dòng Razer Kishi để mang đến khả năng kích hoạt nhanh và chuẩn xác, trong khi mang đến cảm giác ấn yên tâm hơn. Còn ở Dpad, EasySMX X10 lại được trang bị các nút bấm thông thường với hành trình tương đối sâu, được thiết kế với phần đệm mềm giúp hành động “trượt” giữa bốn hướng trở nên dễ dàng, rất “ngon lành” cho các pha “vuốt nút”.

Nhằm giảm vùng chết và tăng tính bền bỉ, joystick và trigger của EasySMX X10 còn được trang bị cảm biến Hall thay vì analog ở hầu hết các tay cầm hiện nay, mang đến khả năng điều khiển chính xác và hạn chế tình trạng bị “trôi” khi sử dụng trong thời gian lâu dài.

Khi trải nghiệm ở các dòng game cần thực thi liên tục và chính xác như Celeste, tay cầm mang đến cảm giác điều khiển không bị thừa thãi, cùng với độ nhẹ của nút để việc chuyển qua lại giữa các vị trí với độ chính xác cao, không có hiện tượng chậm đáp ứng (lag) như với các nút analog truyền thống.

Ở các tựa game cần sự tinh chỉnh trong điều khiển như trải nghiệm với Forza Horizon 5, những di chuyển nhỏ nhất của joystick cũng có thể dễ dàng thực hiện, trong khi đó cò trigger điều khiển tăng-giảm tốc đúng như ý đồ của người chơi theo phương thức analog là một điểm cộng tuyệt vời trong tầm giá.

Ngoài ra, EasySMX X10 còn mang đến khả năng thay đổi mặt trước (faceplate) qua hai phần chính, được đi kèm với faceplate trắng để kết hợp theo ý người dùng.

Chưa kể, tay cầm còn có thể kết nối đến các nền tảng di động và Nintendo Switch, tuy bố trí nút có thể thay đổi tùy theo từng nền tảng.

Bạn sẽ ghét

EasySMX X10 – Trải nghiệm chơi và tùy biến

Tuy Dpad được sản xuất với phần đệm tương đối… ổn khi kích hoạt với lực ấn vừa phải, ở thời điểm kích hoạt với lực nhẹ, phần đệm như tồn tại một đoạn phản hồi “ảo” trước khi thật sự “click” để kích hoạt nút, khiến tình trạng “sót nút” khi dùng Dpad trở nên khá thường xuyên.

Trong khi hỗ trợ kết nối đến nhiều nền tảng khác nhau, EasySMX X10 chỉ hỗ trợ remap nút, hiệu chuẩn joystick và cài đặt “macro” thông qua ứng dụng trên… Android, qua các bước kết nối tương đối phức tạp. Chưa kể, người dùng còn phải tải ứng dụng thông qua “phương thức thứ ba” thay vì Play Store như thông thường.

Cuối cùng, kết nối Bluetooth của tay cầm cũng tương đối kém tin cậy khi thường xuyên bị ngắt “lưng chừng” khi chơi, tuy đây không phải là vấn đề khi kết nối qua USB 2.4GHz đi kèm. Dù vậy, đa số kết nối đến các thiết bị vẫn sử dụng Bluetooth, khiến lỗi có thể trở thành một “chướng ngại” lớn cho người mua.

GIÁ THAM KHẢO

1,299,000đ

Mức giá trên đây là mức giá mua trực tiếp trên cửa hàng trực tuyến của hãng. Bạn có thể đặt hàng tại đây.

7.5

EasySMX X10 mang đến cho người dùng khả năng kết nối đa dạng cùng trang bị phần cứng hiện đại, trong một tay cầm cứng cáp với dáng cầm quen thuộc.

Tuy nhiên, trải nghiệm nhấn của Dpad, khả năng tùy biến và kết nối Bluetooth kém tin cậy là một số điểm yếu có thể "cản bước" người dùng.

  • Tên sản phẩm
    EasySMX X10
  • Nhà sản xuất
    EasySMX
  • Xuất xứ
    Trung Quốc
Sản phẩm được hỗ trợ bởi EasySMX.

Tác giả

Catou

Rhythm games, FPS and especially Age of Empires II are my favourite games. Working on Vietgame.Asia's front-end, though sometimes I write.