ELEX II – “Cũ kĩ không đồng nghĩa với lỗi thời”, đó là tôn chỉ không chỉ của nhà phát triển game Piranha Bytes, mà đối với cả thể loại CRPG – một thể loại game giành được “kỷ nguyên phục hưng” cho riêng mình nhờ vào đam mê hơn là nhu cầu bám đuổi xu hướng.
Nhưng, dưới góc nhìn của người chơi, làm sao chúng ta có thể nhận biết được đâu là “cũ kĩ có chủ đích” và đâu là “cũ kĩ vì… cố chấp”? Bởi vì với Piranha Bytes, họ dường như yên vị với chỗ đứng của mình trong vòng hơn 20 năm nay với những trò chơi “nhại” lại Gothic II mang đến khá ít thay đổi đáng kể.
Họ cũng chẳng có nhiều lí do để chuyển mình khi mà fan vẫn cứ ùa về mua lấy mua để Gothic, Risen, và nay là ELEX. Suy cho cùng, làm sao có thể trách họ được khi mà game của Piranha Bytes có qua bao nhiêu thế hệ vẫn cứ tỏa sáng bằng “cái hồn” mà chỉ có những ai thực sự chạm vào chúng mới hiểu được?
ELEX II, lại một lần nữa, là một trò chơi rất đậm chất Piranha Bytes, và dĩ nhiên nếu bạn lỡ bị đốn đổ bởi những tựa game trước của hãng thì không có lý do gì để bạn bỏ qua nó cả.
Nhưng thời thế đã đổi thay trong năm 2022, có rất nhiều trò chơi nhập vai thế giới mở khác đã tận dụng những tố chất của họ và làm tốt hơn những gì mà họ từng làm, và điều đó càng khiến cái sự “cũ kĩ” của ELEX II khó có thể phớt lờ như trước.
BẠN SẼ THÍCH
ĐÂY LÀ… ELEX II GOTHIC 7!
Tham vọng tạo nên những thế giới rộng mở đáng được khám phá luôn là điểm nhấn lớn nhất lôi kéo người ta về game của Piranha Bytes, bởi cho dù bản thân các trò chơi này có tệ đến đâu thì chúng lại luôn làm tốt một việc là tạo nên cảm giác “phiêu lưu” khá tự nhiên, ít gò bó.
Hành tinh Magalan vẫn được xẻ thành nhiều phần với mỗi nơi mang quần xã sinh vật và hình thái sống riêng biệt tùy vào phe phái cư ngụ tại đó. Dạo bước từ những nẻo rừng của phe Berserker sang chân núi hoang vu của Morkon là một trải nghiệm liền mạch, đến nỗi bạn sẽ chẳng nhận ra là mình vừa tới một phần lạ hoắc lạ huơ của bản đồ từ lúc nào không hay.
Có thể bạn quá rảnh rang đi “phượt” khắp bản đồ nên vô tình tới đó, có thể một nhiệm vụ buộc bạn rượt một NPC tới đó, có thể một NPC quá chán nản vì bị kì thị giữa nơi anh đang bám trụ nên muốn quay trở về phe phái gốc của mình, rồi nhân tiện rủ bạn theo… cho vui. ELEX II luôn làm mọi cách để bạn thăm thú mọi milimét trong thế giới mở trông đơn giản về hình thức nhưng ít khi tẻ nhạt khi khám phá.
ELEX II luôn làm mọi cách để bạn thăm thú mọi milimét trong thế giới mở trông đơn giản về hình thức nhưng ít khi tẻ nhạt khi khám phá
Hẳn nhiên, cặp jetpack của nhân vật chính Jax vẫn tái xuất, giúp khám phá thế giới mở đỡ lằng nhằng hơn. Với một số nâng cấp đáng kể, nó có thể hoạt động như tên lửa thực thụ cho bạn phóng như… Iron Man, đôi khi có thể dẫn đến tình huống hơi phá game (như bay thẳng lên ngọn tháp chứa vật phẩm nhiệm vụ thay vì leo từ dưới chân tháp lên), nhưng trong thời buổi mà mọi nhà hơi bị “nghiện” dây móc đu tường thì cặp jetpack của ELEX II là một công cụ di chuyển hứng khởi và khác biệt.
Phần còn lại của ELEX II là những gì mà bạn có thể trông đợi ở một trò chơi nhập vai 3D cổ điển. Bạn trong vai Jax phải kết thân với 5 phe phái ở Malagan để chống chọi trước một thế lực ác bá mới. Bạn chu du qua tổng hành dinh của 5 phe này, bị sai vặt hơi nhiều nhưng cũng nhận được trang bị và vũ khí độc nhất của từng phe cũng nhiều không kém.
Cũng khá may mắn là cho dù nội dung lẫn kịch bản không quá đặc sắc, trò chơi luôn củng cố rất tốt mối quan hệ trái chiều giữa các phe, cho người chơi đủ động lực giải quyết tất cả để phục vụ mục tiêu chung.
Biên độ “từ số không trở thành người hùng” của ELEX II xảy ra khá nhanh so với phần đầu, bạn sẽ không tốn quá nhiều thời gian để trở thành Terminator phiên bản Viking, tay thủ sẵn đại búa, mọi sinh vật sống lỡ bị gõ trúng là tắc tử trong một nốt nhạc.
Đó là ELEX, một sản phẩm “power fantasy” mà giống như các trò chơi khác của Piranha Bytes, chỉ dành cho bạn nếu bạn chịu khó trụ lại với nó tới những giờ phút cuối cùng.
BẠN SẼ GHÉT
LẠC LỐI TRONG QUÁ KHỨ…
Thế nhưng, tùy vào người mà bạn hỏi, thì “đặc sệt chất của Piranha Bytes” có thể vừa là điểm mạnh, vừa là con dao đâm ELEX II trước khi nó kịp ngáp!
Người viết phải nhấn mạnh là để thích nổi ELEX II, bạn phải có một mức độ chịu đựng đối với cái gọi là “eurojank”, nôm na là sự cục mịch hình thành từ mỗi lần bạn nhấn nút cho tới những cái diễn hoạt đang nhảy nhót trên màn hình, trong đó game của Piranha Bytes là gương mặt tiêu biểu của cụm từ này.
Điều đó có nghĩa là cái cảm giác phiêu lưu, những tuyến nhiệm vụ giằng xéo của các phe phái, khám phá thế giới bằng jetpack… đều bị chặn họng bởi một thứ duy nhất: tương tác.
Tương tác là “trái tim” của video game nhưng ELEX II dường như coi nó là… lỗ rốn. Đi bộ, chạy nhảy, vung kiếm chém là những hành động căn bản nhất và cũng là dấu hiệu cho thấy Piranha Bytes “căm thù” người chơi, bởi chúng không chỉ thiếu chính xác, có độ trễ đáng kể, mà chúng còn được trình bày bởi diễn hoạt nhân vật như bước ra từ thế hệ PS2/Xbox 1.
Cố choảng nhau với một con quái vật ngẫu nhiên và bạn sẽ kinh hãi trước cái cách game “kéo” Jax đang trong trạng thái giơ vũ khí tới mục tiêu, và hẳn nhiên mục tiêu chẳng hề phản ứng gì khi bị đập nhiều phát vào mặt.
Ký ức của người viết về ELEX khá mờ nhạt kể từ lần cuối động vào nó năm 2017, nhưng một vài video cũng đủ để xác nhận rằng, diễn hoạt nhân vật trong ELEX II không chỉ không cải thiện mà còn hạ cấp từ phần đầu.
Cơ chế chiến đấu của game thật ra không tệ nhờ vào những kĩ năng khi phản đòn, đá mục tiêu và các combo vũ khí sáng tạo, nhưng tất cả bị phá hỏng hoàn toàn khi mấu chốt lớn nhất – cảm giác đánh, được thực hiện hết sức cẩu thả. Nếu bạn có thể “tiêu hóa” được cảm giác đánh, thì hãy chuẩn bị trước camera có xu hướng giật kinh phong khi kích hoạt khóa mục tiêu.
diễn hoạt nhân vật trong ELEX II không chỉ không cải thiện mà còn hạ cấp từ phần đầu
Điều đáng thất vọng nhất ở ELEX II không nằm ở bản thân trò chơi, mà ở cái sự thật rằng Piranha Bytes làm đúng một kiểu game trong 20 năm nay nhưng dường như họ chẳng thèm đếm xỉa gì tới hình thức của game.
Môi trường, hiệu ứng hình ảnh, cỏ cây của ELEX II được nâng cấp đáng kể, nhưng mô hình nhân vật không hiểu sao lại trông như người nhựa, thiếu chiều sâu trong đổ bóng, trông cực kỳ “tởm” khi đặt cạnh phần đầu.
NPC trong hội thoại chỉ đứng một chỗ, cử động khuôn mặt đôi chút, nhìn nhau với những ánh mắt sắt đá hơn cả người ngoài hành tinh, khiến cho các cuộc trò chuyện trò thành bài kiểm tra độ tập trung dành cho người bị ADHD thì đúng hơn. Một khoảnh khắc đáng nhớ mà người viết gặp phải là lúc Jax hội ngộ với con trai Dex và vợ Carja, thay vì thắm thiết kiểu “con nhớ ba lắm” thì cả ba người trừng mắt nhìn nhau rồi… đọc thoại theo kịch bản.
Bên cạnh hình thức, cấu trúc của ELEX II cũng là thứ mà mà chúng ta có thể thẳng thừng coi là “lỗi thời”. Bạn biết đó, kiểu nhiệm vụ như nhân vật A nhờ người chơi nói chuyện với nhân vật B, nhân vật B gửi bạn về lại nhân vật A, lặp lại hai ba lần, cốt chỉ để tốn thời gian di chuyển của bạn. Không phải nhiệm vụ nào trong game cũng cổ lỗ sĩ như thế này, nhưng tần suất của chúng đủ thường xuyên để tạo nên ấn tượng không tốt về nó, kết hợp với những đoạn hội thoại như đấm vào mặt người xem và chúng trở thành “cục nợ” để người chơi làm cho đỡ rách việc thay vì là một phần đáng trải nghiệm.
Bạn có thể thắc mắc “ELEX 1 cũng cục mịch như thế mà vẫn lắm fan đấy thôi?”, nhưng thực tế là trong 5 năm trở lại đây, chúng ta không cần bước ra khỏi châu Âu để chứng kiến những nhà phát triển game khác, có cùng quy mô, có cùng (đôi khi có ít hơn) kinh nghiệm, thành công trong việc tạo nên những trò chơi nhập vai thế giới mở có hồn hơn game của Piranha Bytes.
Spiders, sau nhiều năm vật vã, cuối cùng cũng tạo nên một Greedfall tuy chưa hoàn hảo nhưng là một bước tiến đáng kể ở mặt kỹ thuật và hình thức kể chuyện. Warhorse Studios tung ra một Kingdom Come: Deliverance chứa đựng một Bohemia được tái hiện trên cả xuất sắc và đủ đánh bật 90% game AAA ngoài kia. Một “lính mới” như Nine Dots Studio cũng có thể nhào nặn lên một Outward toàn diện. Vậy có lý do gì để mà Piranha Bytes cứ giậm chân tại chỗ trong cả thập kỉ vừa rồi?
Cuối cùng, khoảnh khắc “con giun xéo lắm cũng quằn” đến với người viết khi đặt chân tới căn cứ của phe Morkon. Dẫu cho card đồ họa RTX 3070 có thể kéo nổi Dying Light 2 ở thiết lập đồ họa cao nhất cùng Raytracing ở mức khung hình >70 FPS, nó lại… chịu thua với ELEX II có chất lượng đồ họa trung bình với mức FPS “nhảy tango” trong khoảng 45 – 65!