Skip to content

Fairy Fencer F: Refrain Chord – Đánh Giá Game

Fairy Fencer F: Refrain Chord

Fairy Fencer F: Refrain Chord – Chúng ta đều biết tới Compile Heart thông qua những dòng game như Hyperdimension Neptunia hay Record of Agarest Wars.

Tuy nhiên, có lẽ cũng không nhiều người biết Compile Heart đã từng “chơi lớn” với tựa game Fairy Fencer F, khi mời toàn “lão làng” về dựng game: họa sĩ ý tưởng Yoshitaka Amano, nhà soạn nhạc Nobui Uematsu, biên kịch Toshiki Inoue (có lẽ thiếu điều gọi tựa game này là… Final Fantasy F).

Sau đó, Compile Heart lại… “remake” (làm lại) tựa game này dưới cái tên Fairy Fencer F: Advent Dark Force, với đồ họa được nâng cấp và nhiều cơ chế mới.

Để rồi, Compile Heart lại công bố Fairy Fencer F: Refrain Chord, thay đổi hoàn toàn cơ chế game, khiến người hâm mộ không khỏi tò mò rằng phiên bản này là hậu bản hay làm lại lần nữa hay… là gì?

Vậy, bạn đọc hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh gia sau đây để làm rõ “chân tướng” của trò chơi nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Cốt truyện nhẹ nhàng

Cũng như Fairy Fencer F: Advent Dark Force, Fairy Fencer F: Refrain Chord mở đầu bằng cảnh… anh chàng Fang lười nhác của chúng ta bị bắt (vì quỵt tiền ăn) và bị tống vào tù. Những ai đã từng chơi phiên bản đầu tiên, Fairy Fencer F: Advent Dark Force sẽ dễ dàng nhận ra rằng tiền đề của hai game khá giống nhau, và suýt chút nữa người viết cũng đã tưởng rằng đây là một phiên bản “reboot” nữa của Fairy Fencer F.

Tuy nhiên, sau khi Eryn lại một lần nữa phải cứu anh chàng tội nghiệp của chúng ta ra, tựa game nhanh chóng cho thấy đây thực ra là một “hậu bản” của Fairy Fencer F, và chúng ta cũng sẽ hội ngộ lại đầy đủ hội nhóm từ bản đầu, Eryn, Tiara, Marissa… không thiếu một ai, kèm với những nhân vật mới như Fleur và Al để thổi một “luồng gió mới” cho cốt truyện.

Tới đây, mặc dù mạch truyện của Fairy Fencer F: Refrain Chord là hoàn toàn độc lập, và người chơi có thể hiểu hết mạch truyện mà không cần chơi bản trước, tuy nhiên rất nhiều người chơi mới có thể sẽ bị “ngợp” trước lượng nhân vật khủng dồn về mà không có nhiều thông tin về họ.

Cũng may, điều này không quá ảnh hưởng tới mạch truyện.

Trong phiên bản này, Fang và đồng bọn vẫn sẽ đi tìm những vũ khí Fury, tàn dư của trận chiến giữa Nữ Thần và Ác Thần nhiều thế kỉ về trước, vì “nghe đồn” rằng nếu thu thập Fury thì có thể triệu hồi Nữ Thần (hoặc Ác Thần) và được ban một điều ước (đúng vậy, nghe chẳng khác gì Bảy Viên Ngọc Rồng), do đó họ phải nhanh chân trước khi tập đoàn tà ác Dorfa đi gom được trước.

Thực tế những vũ khí này đều có chứa một nàng tiên (hoặc chàng tiên), những thực thể sẽ ban sức mạnh cho những “Fencer” mà họ cho rằng trái tim của người đó xứng đáng, và kéo họ vào một cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối.

Thực tình mà nói, cốt truyện của Fairy Fencer F: Refrain Chord là tương đối rập khuôn và dễ đoán, không có nhiều tình tiết gì quá bất ngờ, kể cả các “plot twist” (điểm bất ngờ) cũng rất ít khi đem lại cảm giác nào đó quá “sốc”.

Nếu bạn là một người chơi tìm một mạch truyện tầng tầng, lớp lớp chiều sâu thì sẽ rất khó để thuyết phục bạn chơi Fairy Fencer F: Refrain Chord, mặc dù theo người viết đánh giá, mạch truyện của tựa game này có phần nhỉnh hơn so với Advent Dark Force.

Nhưng, cũng như bao tựa game của Compile Heart, điểm mạnh của Fairy Fencer F: Refrain Chord là sự nhẹ nhàng, vui tươi, hài hước trong những tình tiết của cốt truyện. Xuyên suốt mạch truyện, người chơi có thể theo dõi rất nhiều mẩu chuyện “slice-of-life” của Fang và đồng bọn, tới nỗi nhiều lúc người viết cảm tưởng như đang theo dõi một bộ anime “sitcom” dài tập vậy.

Nghĩa là, nếu bạn chơi game theo tâm trí tìm một mạch truyện căng thẳng như Final Fantasy thì chắc chắn game sẽ làm bạn thất vọng, tuy nhiên, nếu bạn mong muốn được thư giãn, được ngắm các em “waifu” xinh đẹp và những trò tấu hài của Fang và đồng bọn, Fairy Fencer F: Refrain Chord là một lựa chọn thích hợp.

điểm mạnh của Fairy Fencer F: Refrain Chord là sự nhẹ nhàng, vui tươi, hài hước trong những tình tiết của cốt truyện

Đó là chưa kể lượng “fan-service” trong tựa game này được đẩy lên tột đỉnh, có lẽ là cao hơn bất kì tựa game nào khác do Idea Factory phát hành, và những anh em “quý bửu” có lẽ sẽ được thoả mãn với những nét vẽ tương đối chỉn chu của những cô nàng trong game.

Nói vậy, tựa game cũng không phải là không có những giây phút lặng xuống, và có lẽ theo người viết Fairy Fencer F: Refrain Chord là một trong những tựa game Compile Heart cân bằng khá tốt giữa khía cạnh “tấu hài” và “nghiêm túc”, khiến trải nghiệm tầm 45 giờ chơi cảm giác tương đối dễ chịu, không bị quá thúc ép hay kéo dãn.


Lối chơi tạm ổn…

Khác với Advent Dark Force, Fairy Fencer F: Refrain Chord lại sử dụng lối chơi chiến đấu chiến thuật nhập vai (SRPG) theo lượt.

Mỗi Fencer sẽ có thể “trang bị” một Fairy chủ đạo, và một Fairy phụ trợ. Fairy chủ đạo thì là cố định, tuy nhiên việc tùy chỉnh Fairy phụ trợ có thể giúp người dùng tùy biến chỉ số và kỹ năng cho mỗi nhân vật.

Về cơ bản thì không có nhiều đột phá ở khía cạnh chiến thuật theo lượt, so sánh với những tựa game chiến thuật có chiều sâu lớn như Final Fantasy Tactics hay XCOM, thì Fairy Fencer F: Refrain Chord lại tương đối… đơn giản, không có cơ chế gì quá đổi mới.

Tuy vậy, cũng không hẳn là Compile Hearts không đưa vào thứ gì mới. Đây là lúc tính nhập vai phát huy: “Nàng thơ” Fleur có một kỹ năng đặc biệt, đó là… hát, khi đó trong phạm vi quanh Fleur sẽ có một vùng hiệu ứng tích cực, tăng chỉ số cho những nhân vật đứng trong vùng hiệu ứng này tùy theo ca khúc mà Muse hát.

Đội ta có Muse thì đội địch cũng có Muse! Khi hai vùng hiệu ứng chồng lấn lên nhau sẽ tạo nên một vùng hỗn loạn, và bất cứ nhân vật nào đứng trong vùng này, cả ta cả địch, sẽ tăng mạnh tất cả các chỉ số.

Những Muse còn có thể tăng giảm nhịp độ bài hát của mình, tăng giảm vùng không gian bao trùm, và người chơi sẽ cần cân nhắc điều chỉnh bài hát của Muse cho phù hợp.

Do đó, ngoài việc bố trí chiến thuật hợp lý, việc “xử lý” Muse của địch, bảo vệ Muse phe mình đóng vai trò cực kỳ lớn trong lối chơi, tạo nên một chút thử thách mới, gia vị mới cho tựa game.

Một điểm trừ nhỏ là Muse lại vô hình chung hạn chế lối bố trí chiến thuật của người chơi, khi người chơi gần như phải luôn di chuyển khối đội hình của mình theo phạm vi ảnh hưởng bài hát của Muse, nếu nhân vật đi lẻ sẽ rất dễ bị bắt lẻ.

Ngoài ra, còn có một số cơ chế “khó mà thiếu được” trong một tựa game anime: Avalanche, cơ chế “sức mạnh tình bạn” khi nhân vật huy động sức mạnh đồng đội để “lật kèo”, hay Fairize, khi nhân vật dung hợp với Fairy để tạo thành Fairy Fencer, với những tuyệt chiêu mới.

Tóm lại, Fairy Fencer F: Refrain Chord sở hữu một lối chơi chiến thuật nhập vai tương đối cơ bản, không có nhiều đột phá, tuy nhiên vẫn có đủ gia vị nêm để bạn không cảm thấy quá nhàm chán. Và tất nhiên, không thể không nói đến những kỹ năng được hoạt hoạ khá đẹp với những cô nàng Fairy dễ thương.


Âm nhạc

Ngay từ tựa game và từ những nhân vật mới, chúng ta có thể thấy Fairy Fencer F: Refrain Chord tập trung vào khía cạnh âm nhạc, và có thể nói ở khía cạnh này tựa game đã làm tương đối xuất sắc.

Ngoài những bản nhạc nền chiến đấu khá lôi cuốn, những bài hát của các Muse cũng thực sự “bắt tai”. Đặc biệt, khi hai Muse cùng hát, không rõ Compile Heart làm thế nào, nhưng hai bài hát bất kể là đang sử dụng bài gì, đều hòa quyện với nhau một cách hợp lí, tạo nên một trải nghiệm thú vị!

Thực tế, Fairy Fencer F: Refrain Chord là một trong số ít những tựa game mà người viết đánh giá âm nhạc hay một cách đồng đều và nhất quán, góp phần tăng sự hấp dẫn và thích thú cho người chơi.

Fairy Fencer F: Refrain Chord là một trong số ít những tựa game mà người viết đánh giá âm nhạc hay một cách đồng đều và nhất quán

BẠN SẼ GHÉT

Fairy Fencer F: Refrain Chord

Cân bằng không được tốt…

Đối với một “fan cứng” SRPG thì việc cân bằng chỉ số của Fairy Fencer F: Refrain Chord có vẻ không được tốt lắm, với những chỉ số sát thương và máu có vẻ… nhảy loạn xạ, không đạt được sự thống nhất giữa các màn chơi.

Một số màn, địch gần như là một… cục thịt khổng lồ với lượng HP cao khó tin, đấm mãi không hết, khiến cho màn chơi bị kéo dài không cần thiết. Một số màn chơi thì lại nhanh đến bất ngờ khi hầu như đội ngũ của chúng ta san bằng mọi vật thể trên đường đi.

Sự không nhất quán này khiến người chơi rất khó định vị xem trạng thái của đội đã ổn chưa, có bị “thọt cấp” không.

Trong game có hai loại sát thương vật lý và sát thương phép, tuy nhiên theo quan sát của người viết, sát thương vật lý hầu như là “phế”, vì bộ kỹ năng gây sát thương phép là quá khủng, với nhiều kỹ năng sát thương diện rộng mất cân bằng đến khó tin, rất khó để làm hài lòng những người đam mê cố cựu của dạng game SRPG.

Sự không nhất quán này khiến người chơi rất khó định vị xem trạng thái của đội đã ổn chưa, có bị “thọt cấp” không


Fairy Fencer F: Refrain Chord

Không có đột phá!

Nếu để nói là sau khi chơi Fairy Fencer F: Refrain Chord, người viết có đọng lại được thứ gì trong đầu không, thì có lẽ thứ đọng lại nhất lại là… nhiệm vụ đi tìm “pantsu” của Eryn, hoặc cùng lắm là nhớ về kết cục “khá tròn vai”.

Nói vậy nghĩa là Fairy Fencer F: Refrain Chord không có một cơ chế nào quá nổi bật, không có một cải tiến nào thực sự đáng nhớ, không có một khoảnh khắc nào trong mạch truyện làm người viết bồi hồi tưởng nhớ lại. Chơi qua toàn bộ tựa game chỉ cảm giác như xem một bộ anime hiện đại chung chung, lúc xem thì cũng khá giải trí và không chửi bới gì nhiều, nhưng xem xong là sẽ quên hết.

Một điểm thể hiện khá rõ là ngoài những nhân vật chính trong game, những nhân vật phụ, mặc dù nhiều lúc nhúc, nhưng việc giới thiệu quá nhiều nhân vật cả cũ cả mới, cùng với việc thiếu “đất diễn” khiến cho họ trở nên thừa thãi, và trừ khi bạn đã nắm rõ được họ từ bản đầu, nếu không bạn sẽ chẳng nhớ nổi tên quá vài người trong số đó sau khi nhìn dòng chữ “Kết thúc” đâu.

Fairy Fencer F: Refrain Chord

Những “cơ chế” phụ trợ khám phá bên ngoài cũng không thể gọi là quá ấn tượng, tỉ như trò chơi Location Shaping, người chơi đâm Fury vào các lô đất để kiếm vật phẩm, thoạt đầu khá vui nhưng càng về sau càng thấy không có ý vị gì đặc biệt.

Đó là còn chưa kể đồ họa tương đối lỗi thời của Fairy Fencer F: Refrain Chord, với cử động nhân vật cứng nhắc, môi trường nhìn nhạt nhòa và kém chi tiết. Ngoài đồ họa 2D được chăm chút tỉ mỉ ra, bất kể lúc nào tựa game sử dụng đồ hoạ 3D người chơi sẽ nhanh chóng nhận thấy những bước lùi về mặt này.

Nền đồ họa này còn bị thêm rào cản” phần cứng của Switch, khiến người viết nghĩ tựa game dường như chạy ở mức… 20 FPS chứ không còn là 30 FPS nữa, nhiều lúc cứ như coi “slideshow” trình chiếu trên màn hình vậy.

Nói tóm lại, Fairy Fencer F: Refrain Chord cảm giác như một bước… đi ngang quá an toàn của Compile Heart, không đem lại một sự đột phá nào, và thậm chí, đối với những người hâm mộ không thích lối chơi chiến đấu chiến thuật nhập vai theo lượt, thì đây còn là một bước đi lùi cho cả dòng game.

Fairy Fencer F: Refrain Chord không có một cơ chế nào quá nổi bật, không có một cải tiến nào thực sự đáng nhớ

7.0

Fairy Fencer F: Refrain Chord không phải là tựa game tệ, với một cốt truyện nhẹ nhàng, hài hước, cùng với một cơ chế chiến đấu tạm ổn và đặc biệt là những bản nhạc rất hay.

Tuy nhiên, Fairy Fencer F: Refrain Chord cũng không phải là tựa game có gì đột phá, và sẽ khó lòng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng game thủ.

Thông tin

  • Fairy Fencer F: Refrain Chord
  • Nhà phát triển
    Compile Heart
  • Nhà phát hành
    Idea Factory
  • Thể loại
    Nhập vai, Chiến thuật
  • Ngày ra mắt
    25/04/2023
  • Nền tảng
    Windows, PlayStation 4, PlayStation 5, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi IDEA FACTORY. Chơi trên Nintendo Switch.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.