Final Fantasy XIV: Endwalker – Các bạn đã từng nghe nói về MMORPG tên là Final Fantasy XIV được giới phê bình đánh giá cao, với bản chơi thử bao gồm toàn bộ A Realm Reborn và bản mở rộng Heavensward, miễn phí tới cấp độ 60 mà không có giới hạn thời gian chơi chưa?
Thực tế, tựa game này khởi đầu bằng… một thất bại. Final Fantasy XIV lần đầu được ra mắt năm 2010, tuy nhiên phiên bản đó hoàn toàn khác so với những gì chũng ta đang chơi ngày hôm nay.
Được chạy bằng engine Crystal Tools tạo nên đồ họa lung linh của Final Fantasy XIII, Final Fantasy XIV được nung nấu trở thành tựa game MMORPG tiếp bước Final Fantasy XI, với cốt truyện cuốn hút và đồ họa mê người.
Tuy nhiên, không biết chuyện gì đã xảy ra trong quá trình phát triển và mọi thứ nhanh chóng trở nên tồi tệ….
Bỏ ngoài tai những phàn nàn của người chơi trong giai đoạn thử nghiệm beta, Square Enix đã ra mắt Final Fantasy XIV 1.0 ở trạng thái không thể tệ hơn. Khi bạn vừa mới mua game về và loay hoay bỏ ra một tiếng để… tìm cách tạo nhân vật, đó là khi bạn biết có chuyện gì đó không ổn rồi!
Tựa game nhận được điểm đánh giá thấp kỷ lục, người hâm mộ thì quay lưng, cổ phiếu Square Enix lao dốc ầm ầm, và Final Fantasy XIV suýt chút nữa đã thành ảo mộng “cuối cùng” của cả dòng game luôn.
Hãng “Ô vuông” đã tức tốc đưa Naoki Yoshida, bấy giờ đang làm Giám đốc cho tựa game MMO khác của hãng là Dragon Quest X, về “dập lửa”.
Sau một hồi chữa cháy, nhận thấy tựa game này thuộc dạng không thể cứu vãn được nữa, ông đã đề nghị cấp trên… “đốt” luôn tựa game này và xây dựng lại từ đầu với đội ngũ của ông.
Và thế là Final Fantasy XIV: A Realm Reborn ra đời.
Nhờ tầm nhìn đúng đắn, Final Fantasy XIV: A Realm Reborn đã dần dần trở thành một trong những MMO hay nhất và đông người chơi nhất hiện nay, tới mức độ có thời điểm hãng phải tạm dừng bán game để tránh quá tải máy chủ!
Và, sau một thập kỷ, mạch truyện của chương đầu tiên biên niên sử Final Fantasy XIV, Hydaelyn vs Zodiark, cũng đã tới hồi kết, với Final Fantasy XIV: Endwalker.
BẠN SẼ THÍCH
Kết thúc hoàn mỹ của một chặng đường dài!
Đó là những câu kết của bài hát Answers, vang vọng khắp cõi Eorzea khi mặt trăng Dalamud chuẩn bị nổ tung và giải phóng Bahamut, đem lại hoạ diệt vong cho toàn bộ vùng đất Eorzea – và cũng chấm dứt phiên bản Final Fantasy XIV 1.0 bị chê thậm tệ, mở đường cho một màn “comeback” ngoạn mục bậc nhất lịch sử làm game.
Hồi đó thì ai cũng biết đó là giọng hát của Hydaelyn, nữ thần bảo hộ của hành tinh, tuy nhiên người chơi không ai hiểu lời bài hát đang có ý nghĩa gì. Rất nhiều đồn đoán được đưa ra, nào là nỗi khổ của những chiến binh bị kéo vào trận chiến giữa Eorzea và đế quốc Garlemald, nào là những lời răn dạy của Hydaelyn v.v.
Nhưng, bằng cách nào đó, ý nghĩa của bài hát này, lần đầu vang lên 10 năm trước sẽ được giải thích đầy đủ, hợp lý và đầy cảm xúc trong… Final Fantasy XIV: Endwalker, và khi người chơi hiểu được ý nghĩa của Answers, thì họ bỗng dưng hiểu thông suốt nỗi lòng của Hydaelyn qua các phiên bản.
Bạn thấy đấy, Final Fantasy XIV: Endwalker mang trên mình một trọng trách không nhỏ: làm bản mở rộng tiếp theo của Shadowbringers – được coi là “đỉnh cao” của Final Fantasy XIV, kết thúc mạch truyện Hydaelyn và Zodiark kéo dài suốt từ bản 1.0, thắt nút lại nhiều tuyến nhân vật khác nhau, đồng thời đảm bảo mạch truyện có hướng để phát triển các phần tiếp theo.
Và, một cách thần kỳ nào đó, Final Fantasy XIV: Endwalker đã hoàn thành tất cả, không chỉ tròn vai, mà vượt ngoài mong đợi.
- CẢNH BÁO: Phân đoạn tiếp theo có phần tiết lộ trước nhiều nội dung của toàn bộ Final Fantasy XIV. Người viết sẽ cố gắng hạn chế, tuy nhiên nếu bạn không muốn bị “spoil” một chút nào, hãy bỏ qua phần này và nhấn vào đây chuyển sang mục tiếp theo.
Khác với những bản mở rộng trước, khi người chơi có một chút thời gian tầm 20 nhiệm vụ để “thư thả” làm quen với vùng đất mới và các nhân vật nơi đó, Final Fantasy XIV: Endwalker ngay lập tức “ném” người chơi vào guồng quay số phận, khi đám Telephoroi, cầm đầu bởi Zenos, một kẻ điên chỉ chăm chăm tìm cách tái đấu với Chiến binh Ánh sáng, và Fandaniel, một kẻ điên khác muốn chết và kéo theo cả vũ trụ chết cùng, đã dựng rất nhiều cây cột khắp Hydaelyn để hút aether từ lòng đất lên.
Hầu như không có thời gian để làm quen với những vùng đất mới như Thavnair, khi ban đầu mạch truyện của Final Fantasy XIV: Endwalker là rất nhanh và dồn dập, với nhiều sự kiện gay cấn nổ ra liên tiếp, và những bí mật động trời được tiết lộ, mở đường cho cốt truyện tiếp diễn.
Thực tế, người viết và nhiều người chơi khác khi xem trailer đều nghĩ rằng “ừ kết thúc của Hydaelyn vs Zodiark thì chắc Zodiark là trùm cuối thôi, sẽ có một số bất ngờ nho nhỏ ở cốt truyện, ừ chắc đánh thêm cả Zenos nữa cho đủ bộ sậu, và thế là hết hành trình”.
Nhưng không! Final Fantasy XIV: Endwalker không chỉ kể một câu chuyện JRPG đơn thuần, Chiến binh Ánh sáng đi tìm kẻ xấu rồi tiêu diệt hắn ta, và hết! Chủ đề chính của Endwalker, không phải là Ánh sáng đấu với Bóng tối, mà là Ý nghĩa của cuộc sống!
Và, để truyền tải chủ đề này, những nhà biên kịch của Final Fantasy XIV: Endwalker đã khéo léo thêu dệt một câu chuyện đầy lôi cuốn, kết nối không chỉ các lục địa, các vùng đất, mà còn kết nối cả thời gian, từ quá khứ xa xưa lúc Hydaelyn chưa phải là The Source, cho tới hiện tại.
Không phải ngẫu nhiên mà bài hát được nhắc đến ở trên có tên là “Answers” (Câu trả lời). Khi Hydaelyn chưa bị phân mảnh thành 14 mảnh (sự kiện được nhắc tới ở Shadowbringers), thì hành tinh này tên là Etheirys, và có một nền văn minh tân tiến tới mức họ có thể tùy ý tạo ra bất cứ thứ gì họ muốn.
Tuy nhiên, với sức mạnh đó, thì cư dân Etheirys không có đau buồn, không có thất bại, vậy… ý nghĩa cuộc sống là gì?
Đó là điều mà phản diện chính của Endwalker đã đi tìm khắp thiên hà, và tới đâu câu trả lời cũng là hai chữ: “diệt vong”! Dường như, cuộc sống không hề có ý nghĩa! Nền văn minh nào rồi cũng lụi tàn, kết cục chỉ là đi tới sự diệt vong, vậy chúng ta sống có ý nghĩa gì? Chúng ta theo đuổi gì?
Sau khi nghe phản diện chính báo cáo lại kết quả tìm kiếm câu trả lời xuyên suốt nhiều vì tinh tú, người viết hầu như thấy… đồng cảm với phản diện, và tự vấn liệu cuộc sống có ý nghĩa không, khi tất cả rồi cũng sẽ trở về cát bụi.
Và rồi, một phân cảnh mà người viết cho rằng đã gây ấn tượng sâu đậm bậc nhất xuyên suốt dòng Final Fantasy, đã cho người viết một câu trả lời đanh thép: “Ý nghĩa của cuộc sống, chính là cuộc hành trình mà chúng ta bước đi.”
Final Fantasy XIV: Endwalker còn có nhiều khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ.
Một khoảnh khắc tập hợp đủ những cố nhân từ những bản mở rộng trước, cảm giác như được xem trận chiến cuối cùng của Avengers: Endgame vậy.
Một nhiệm vụ có tên “In from the Cold” đưa người chơi qua nhiều cung bậc cảm xúc: sợ hãi, hồi hộp, và bất lực, khi bị tước mất cơ thể, và vào trong một cơ thể của một người lính Garlemald, yếu đuối và vô dụng.
Một hầm ngục (dungeon) khác tên là Vanaspati cho thấy một gia đình bốn người trở thành “terminus”, khi nỗi sợ xâm chiếm họ, và aether trong người họ trở nên mục nát, mở đường cho dynamis – năng lượng cảm xúc – tiêu cực tràn vào, biến họ thành những con quái vật.
Điều này xảy ra ngay trước mắt người chơi, và với tư cách Chiến binh Ánh sáng, biết được bản chất của việc biến đổi này là không thể đảo ngược, tạo cho người chơi một cảm giác bất lực hiện hữu và rất chân thật.
Và tất nhiên, không thể không nhắc tới phần cuối game, khi người chơi cùng những thành viên Scion of the Seventh Dawn, những người đã đồng hành cùng chúng ta từ thời mới chân ướt chân ráo tới Eorzea, khi tất cả cùng nhau bước trên con đường cuối hành trình…
mạch truyện của Endwalker đã chứa đựng tất cả những gì tinh túy nhất của Final Fantasy XIV, và thậm chí có thể gọi là hay nhất nhì toàn bộ dòng Final Fantasy
Cuối cùng, trận chiến định mệnh với Zenos tại chân trời tạo hóa, tưởng như chỉ là một trận chiến “thủ tục” như Cloud với Sephiroth thuở nào, lại vô cùng gay cấn, với khung cảnh và âm nhạc cực kỳ ăn ý, thực sự đã kết thúc Endwalker không thể hoàn mỹ hơn!
Câu chuyện của Final Fantasy XIV: Endwalker, kết thúc lại toàn bộ mạch truyện Hydaelyn và Zodiark bằng một câu chuyện về hi vọng, tuyệt vọng, những đấu tranh trong cuộc sống, những lý do để tồn tại, và thật kỳ lạ, mặc dù là một câu chuyện viễn tưởng, nhưng lại cảm thấy gần gũi và chân thật, khiến chúng ta tự vấn lại chính bản thân chúng ta trong đời thực.
Khi kết thúc cốt truyện của Endwalker, người viết đã cảm thấy một sự trống vắng đã lâu không được cảm nhận, sự trống trải khi kết thúc một tựa game mà mình thực sự nhập tâm vào, và không biết phải làm gì nữa.
Nói tóm lại, mạch truyện của Endwalker đã chứa đựng tất cả những gì tinh tuý nhất của Final Fantasy XIV, và thậm chí có thể gọi là hay nhất nhì toàn bộ dòng Final Fantasy, hứa hẹn sẽ đem tới cho người chơi những cung bậc cảm xúc, cùng với những khoảnh khắc không thể nào quên.
Âm nhạc tô đậm cảm xúc
Cũng như mọi Final Fantasy khác, một Final Fantasy hay thì phải có âm nhạc tuyệt vời làm điểm tựa.
Chỉ cần nghe bản nhạc nền ở trailer thôi đã đủ khiến người chơi hào hứng, khi đó là sự kết hợp của tất cả những gì hay nhất từ những bản nhạc của những bản mở rộng trước, và kết thúc bằng những âm điệu mạnh mẽ và hào hùng.
Xuyên suốt cuộc hành trình, người chơi sẽ được trải nghiệm nhiều bản nhạc vô cùng thân thuộc từ những phiên bản trước, được phát đúng lúc, đúng chỗ, kèm với những bản nhạc mới ấn tượng, tạo thêm đà cho một cốt truyện vốn đã xuất sắc.
Âm nhạc của Final Fantasy XIV: Endwalker được đẩy lên tới đỉnh cao tại vùng đất cuối cùng, khi người chơi tiến dần tới điểm kết thúc thì Close in the Distance vang lên, hay ở một phân cảnh cảm động gần kết thúc, thì bản nhạc Flow vang lên, và khi chiến đấu với Zenos, Endwalker – Footfalls vang lên.
Mỗi bản nhạc đều được gắn với một phân cảnh, và không chỉ đều rất hay, mà còn để lại ấn tượng mạnh mẽ cho phân cảnh đó, gia tăng sức nặng của cốt truyện lên thập phần.
Đặc biệt, những người hâm mộ lâu năm của cả dòng Final Fantasy sẽ được nhiều phen bất ngờ với những bản nhạc cổ điển từ những tựa game xưa cũ, vang lên ở những địa điểm không ai ngờ tới.
mỗi bản nhạc đều được gắn với một phân cảnh, và không chỉ đều rất hay, mà còn để lại ấn tượng mạnh mẽ cho phân cảnh đó, gia tăng sức nặng của cốt truyện lên thập phần.
Khám phá những vùng đất huyền ảo
Mặc dù đã được 10 năm tuổi, tính cả thời gian phát triển, và đôi khi tuổi tác của khung game đã bắt đầu bộc lộ, thì Final Fantasy XIV: Endwalker vẫn cho chúng ta thấy sức mạnh của Luminous Engine (bản mini), và phô diễn những vùng đất huyền ảo mới.
Người chơi sẽ được tới vùng đất Thavnair, với thủ phủ Radz-at-Han đầy màu sắc, lấy ý tưởng từ nền văn hóa Ấn Độ – Đông Nam Á đặc sắc.
Hay tham quan Old Sharlayan, một thành phố cổ kính với những căn nhà đậm phong cách Hy Lạp cổ, và những thư viện cổ xưa vút tầm mắt.
Hoặc tới vùng đất băng giá Garlemald với những khu di tích đổ nát, tàn dư của một đế chế hùng mạnh.
Hay lên mặt trăng và ngắm nhìn Hydaelyn từ xa, nằm giữa biển sao trời mênh mông, khiến chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé.
Không phải là không có những chỗ khiến người viết cảm thấy đồ hoạ game đang bị tụt hậu (chẳng hạn như chùm nho huyền thoại ở hình trên), tuy nhiên, phương hướng nghệ thuật mà đội ngũ của Naoki Yoshida nhắm tới đã khỏa lấp được những khiếm khuyết này, và khiến cho tựa game vẫn đẹp, vẫn huyền bí, vẫn mang bản sắc rất Final Fantasy.
Những cải tiến trong lối chơi
Cần chú ý là có tương đối nhiều nghề nghiệp khác nhau trong Final Fantasy XIV, và người viết mới chỉ có thời gian để nâng Dragoon lên cấp 90 – nghề chính của người viết, do đó chỉ có thể nhận xét về nghề này.
Về mặt tổng thể, thì Final Fantasy XIV: Endwalker không có mục tiêu đập đi xây lại toàn bộ lối chơi, mà chỉ đưa ra nhiều cải tiến và bổ sung cho các nghề.
Đối với Dragoon, Square Enix đã bỏ Blood of the Dragoon, đỡ cho người chơi phải canh bấm kỹ năng này để giữ gaze giữa trận đấu nữa, combo AoE giờ cũng có buff sát thương, kỹ năng đảm bảo trí mạng giờ đã có hai lượt sử dụng liên tiếp, ngoài ra không thay đổi nhiều về “rotation” (quy trình thực hiện kỹ năng để tối ưu sát thương – NV).
Theo nhận xét của nhiều người chơi, chỉ một số nghề là có sự thay đổi kha khá như Dark Knight, hay Astrologian, tuy nhiên cũng không tới mức xoay chuyển hoàn toàn “rotation”. Chỉ có Summoner, từ một nghề tương đối phức tạp đã được đơn giản hoá, dễ tiếp cận với người chơi hơn.
Có hai nghề nghiệp mới là Reaper và Sage, và người viết mới chỉ “mở khóa” cấp độ 70 của hai nghề này, do đó không thể đưa ra nhận xét chi tiết với cấp độ 90 được. Tuy nhiên, chỉ mới ở cấp 70 mà cầm Reaper chơi đã rất sướng, với những combo ảo diệu và đẹp mắt, do vậy có lẽ chơi Reaper ở cấp 90 sẽ rất thích tay!
Những đổi mới về lối chơi có lẽ nằm nhiều hơn ở khía cạnh nhiệm vụ chơi đơn, khi bây giờ người chơi đi theo nhiệm vụ cốt truyện đã có nhiều nhiệm vụ đa dạng hơn như dẫn nhân vật NPC đi tham quan, hay thậm chí là cả… lén lút!
Ngoài ra, còn nhiều cải tiến đáng chú ý khác như mạng lưới Aethernet giờ đây đã có bản đồ, làm việc di chuyển trong thành phố trở nên vô cùng thuận lợi; loại bỏ đi đồ chất lượng cao với các nghề hái lượm v.v.
BẠN SẼ GHÉT
Để hiểu phần cuối, phải hiểu phần đầu
Final Fantasy XIV: Endwalker đóng vai trò là kết thúc của một hành trình dài 10 năm, và nếu bạn muốn cảm nhận được toàn bộ cốt truyện, thì bạn cần phải chơi qua A Realm Reborn, Heavensward, Stormblood và Shadowbringers, sẽ tốn mất từ… 100-200 giờ với tốc độ đọc bình thường.
Tất nhiên, Final Fantasy XIV là game có tuần tự nên bạn nếu chơi bình thường thì sẽ buộc phải chơi qua hết tất cả những bản trên để tới được Endwalker. Nhưng người viết đã thấy nhiều trường hợp, những người chơi mới nóng vội đọc ào ào cho nhanh mấy phần đầu, “đọc 1 tua 10” để đến Endwalker nhanh nhất có thể.
nếu bạn muốn cảm nhận được toàn bộ cốt truyện, thì bạn cần phải chơi qua A Realm Reborn, Heavensward, Stormblood và Shadowbringers, sẽ tốn mất từ… 100-200 giờ với tốc độ đọc bình thường
“Nặng đô” hơn nữa, có người còn mua luôn gói “skip story” mà Square Enix bán trên trang chủ, nhảy phóc hết qua cả… Shadowbringers luôn, để rồi phàn nàn rằng… chẳng hiểu gì cốt truyện!
Do đó, đối với người chơi mới, bạn cần phải kiên nhẫn đi dần dần qua các bản mở rộng, và bạn sẽ được trọng thưởng khi tới Endwalker.
Dù sao thì, cốt truyện của các bản mở rộng đều có chất lượng vô cùng cao và cuốn hút, đặc biệt là Heavensward và Shadowbringers, với những tình tiết hết sức lôi cuốn và hấp dẫn, do đó bạn không cần vội vàng làm gì.
Hơi lạm dụng cơ chế mới
Trong Final Fantasy XIV: Endwalker thì Square Enix đã đưa vào một số cơ chế mới khá thú vị, chẳng hạn dẫn NPC đi tham quan ngắm cảnh, có thể trò chuyện với NPC về nhiệm vụ, bám theo NPC, và thậm chí là lén lút, làm sao bám theo NPC mà họ không phát hiện được, v.v.
Có vẻ như đội ngũ phát triển game quá thích cơ chế này nên họ tìm cách nhồi vào bất kỳ chỗ nào có thể nhồi được.
Khổ nỗi, những cơ chế này lại không cho người chơi thực hiện các phương thức di chuyển nhanh như cưỡi Chocobo và dịch chuyển (teleport), và chỉ cần sơ xẩy một chút là phải thực hiện lại từ đầu. Do đó, đôi khi cơ chế này làm mạch truyện tự dưng bị chững lại, làm người chơi thực sự sốt ruột.
Cơ chế lén lút có thể gây ngạc nhiên và thú vị lần đầu, nhưng tới những lần sau thì sẽ trở thành khó chịu, vì những nhiệm vụ lén lút làm mạch truyện đang gay cấn bỗng dưng… cụt, và ngẫm lại thì chúng chẳng thêm được gì đáng nói cho mạch truyện cả.
Có vẻ như đội ngũ phát triển game quá thích cơ chế này nên họ tìm cách nhồi vào bất kỳ chỗ nào có thể nhồi được
Những khoảng lặng khó hiểu!?
Cốt truyện của Final Fantasy XIV: Endwalker rất hay, tuy nhiên vẫn có những khoảng lặng hết sức khó hiểu và gây tụt hứng cho người chơi.
Có nhiều lúc cốt truyện đang lên tới cao trào, tưởng chừng như một thứ gì đó cực lớn sắp nổ ra, nhưng Chiến binh Ánh sáng lại phải quay về… đưa đồ với đi thăm hỏi mấy người lạ một cách đầy khó hiểu!
Hay khi người chơi vừa mới đánh bại một quái trùm quan trọng, và nghe được một lời tiên tri tồi tệ về vận mệnh của hành tinh, thì dường như… chẳng ai quan tâm, và mọi người tiếp tục cười nói vui vẻ như việc tận thế còn xa lắm.
Đáng nói, “thủ phạm” của những khoảng lặng này lại phần lớn do đám Loporrit, những chú thỏ (?) đáng yêu trên mặt trăng gây ra, khi những chú thỏ này có vẻ bàng quan với vận mệnh thế giới hơn là chúng ta.
Việc lạm dụng cơ chế như đã nhắc ở trên cũng phần nào đóng góp vào việc kéo dài những khoảng lặng này, và phần nào giảm sự hưng phấn của người chơi.
Cốt truyện của Final Fantasy XIV: Endwalker rất hay, tuy nhiên vẫn có những khoảng lặng hết sức khó hiểu và gây tụt hứng cho người chơi