Skip to content

For Honor – Đánh Giá Game

For Honor

For Honor – Samurai, Knight và Viking chắc chắn là những quân đoàn nổi bật thuộc hàng nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại.

Đến tận thời nay, vẫn có nhiều những nghiên cứu khoa học tìm cách giải mã binh khí, chiến thuật, phong cách chiến đấu của họ và đem ra làm đề tài so sánh, thậm chí tranh cãi nảy lửa cũng không ít.

Dĩ nhiên, trong lịch sử họ chưa thể chạm mặt nhau để tạo ra một trận chiến sống còn nảy lửa để phân định thắng thua theo cách mà người ta vẫn hằng mong đợi để được chứng kiến.

Ấy vậy mà điều đó đã thành hiện thực, ít nhất là trong For Honor – tựa game mới nhất của gã khổng lồ Ubisoft.

Lấy ý tưởng về cuộc chiến tranh giữa ba binh đoàn lớn nhất thời Trung Cổ, quá dễ để thấy tham vọng của Ubisoft cũng không phải là vừa.

Thế nên có lẽ để… thử lòng game thủ, hãng đã phát hành đúng vào dịp Valentine và có lẽ không ít người đã làm phật lòng “nửa kia” của mình.

Quả thật xét về tính ác liệt, cuộc chiến mà Ubisoft tạo ra không thua kém là bao so với các điển tích thời kì Tam Quốc kinh điển.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]

TAM QUÂN ĐẠI CHIẾN

Samurai, Knight và Viking là những quân đoàn hùng mạnh nhất thời Trung Cổ, họ xưng bá ở những phương trời khác nhau, nhưng khi nhắc đến, ai ai cũng đều biết danh biết mặt.

Một ngày nọ, những kẽ nứt trên bề mặt Trái Đất xuất hiện, thảm họa xảy ra kéo vùng Bắc Âu, Trung Âu và Nhật Bản lại gần với nhau.

Để rồi họ chạm mặt nhau cho những cuộc chiến trường kỳ với máu đổ thành sông.

Dù mang dòng máu chiến binh thiện chiến không khoan nhượng với bất kì ai, song hòa bình vẫn là mục tiêu của mà cả ba luôn luôn ao ước.

Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn sống trong cảnh bình yên.

Apollyon – nữ chiến binh dẫn đầu Blackstone Legion lại tìm cách để khơi mào cuộc chiến giữa những binh đoàn, dẫn đến kết quả là chiến tranh không ngừng lan rộng ra khắp các phương trời để lại dưới đất hàng ngàn linh hồn ngã xuống.

Công bằng mà xét, phần chơi đơn của For Honor chưa đạt đến ngưỡng để người chơi phải thốt lên: “quá hay!”.

Cốt truyện ngắn, dễ đoán, đơn giản và thiếu đi những nhân vật chính đáng nhớ.

Nhưng đổi lại là không khí chiến trận dồn dập đến ngạt thở với hàng loạt những màn giáp chiến, công thành, đấu tay đôi… Không gian khốc liệt không thua kém là bao so với những trường ca sử thi trên màn ảnh rộng như Excalibur hay Kingdom of Heaven.

[su_quote]không khí chiến trận dồn dập đến ngạt thở với hàng loạt những màn giáp chiến, công thành, đấu tay đôi…[/su_quote]

Với cuộc chiến giữa ba quân đoàn với những nền văn hóa khác nhau, For Honor truyền tải được cái hồn của cả ba quân như sự trung kiên của Knight, độ hung bạo, tàn ác, niềm tin vào khi chết sẽ được đến Valhalla của tộc người Viking lẫn tinh thần bất khuất của Samurai cùng sự ganh đua của các Daimyo.

Do thời lượng không nhiều, chỉ vỏn vẹn khoảng 6 đến 7 giờ với 18 màn chơi được chia đều cho ba, nhưng kèm với đó là những Observables đặt rải rác làm sáng tỏ thêm những gút mắc cũng như những đặc điểm văn hóa của ba quân đoàn.

Lối chơi được dành cho phần chơi đơn của For Honor có thể xem như một cuộc tập dợt để làm quen những điều căn bản trước khi bước vào những màn chơi mạng với rất nhiều những mánh khóe.

Nhưng trải nghiệm chơi đơn cũng đem lại những khoảnh khắc đậm chất điện ảnh rất riêng như trường đoạn công thành của tộc Viking hay màn phản công của các Samurai…

Dù thành tích của chơi đơn hoàn toàn không ảnh hưởng đến những chỉ số khi vào chơi mạng nhưng nếu đã yêu thích với các sản phẩm sử thi Trung cổ, người viết vẫn khuyến khích nên thử qua.


CHIẾN TRƯỜNG CHƠI MẠNG

Như đã biết từ trước, hệ thống chiến đấu tay đôi của For Honor đã đem lại sự khác biệt cho tựa game này.

For Honor lai một chút của Dark Souls, một chút của Dynasty Warrior và một chút gì đó của thể loại đối kháng để tạo ra một tổng thể đặc trưng.

Không quá khó để làm quen nhưng lại chẳng dễ để bước vào danh phận cao thủ.

Chỉ riêng khoảng ứng phó nhuần nhuyễn ba hướng tấn công, phòng thủ đã là chuyện phải khổ luyện đêm ngày.

Không chỉ có lao vào cuộc và tung đòn một cách điên cuồng, tận dụng rất nhiều những cạm bẫy đặt rải rác để chiếm ưu thế cũng là hướng đi thông minh, từ làm rút máu như các vũng nước nóng, những đám cháy đến lấy mạng hoàn toàn như bẫy chông, bờ vực…

Mỗi trận đánh nếu chỉ cần sơ suất là có thể đã mất mạng, thế nên giữ vững tinh thần và tận dụng những gì đang có, người chơi hoàn toàn đủ khả năng dẹp loạn mà tốn ít máu nhất có thể.

Biết rõ với lối chơi như thế, việc bị lấy đông đánh ít là không thể tránh khỏi, thanh Revenge sẽ được làm đầy khi người chơi chống đỡ được một lượng đòn nhất định để rồi khi kích hoạt, người chơi sẽ được tăng thêm lượng máu nhất định và không mất thể lực khi ra đòn cũng như có thêm sức mạnh đủ để xoay chuyển cục diện.

Đây là một tính năng hợp lí nếu xét trên lối chơi vốn chú trọng vào các màn thắng thua một đấu một.

Nhưng thành bại của một cuộc chiến trong For Honor chủ yếu phụ thuộc vào tài nghệ và khả năng sử dụng nhân vật của người chơi.

Về khoảng này, Ubisoft một lần nữa đã làm rất tốt khi phân loại rạch ròi những điểm mạnh-yếu, ưu-khuyết của từng nhân vật một để người chơi có thể lựa chọn theo ý mình, ví dụ như Kensei với tầm đánh tốt, sát khí ngút trời dẫu chiêu thức chưa sâu, Berserker ra đòn nhanh song kém về lực hay Conqueror với chiếc khiên chắc chắn sẽ phòng thủ tốt còn chiếc chùy tuy mạnh nhưng chậm chạp…

Dù cho mỗi phe có tổng cộng 4 nhân vật và được phân thành 4 loại là Vanguard, Heavy, Assassin và Hybird, nhưng từng lớp nhân vật đều có những điểm khác biệt rõ rệt ứng với nét đặc trưng dựa trên hình thái vốn có của họ.

Ví dụ như đều là Hybird, song Valkyrie hay Nobushi sở hữu tốc độ “thiên biến vạn hóa” khó lường, còn Lawbringer lại phần nhiều cục mịch.

Một điểm nữa có thể làm hài lòng người chơi đó là đặc trưng trong phong cách chiến đấu của từng quân đoàn được thể hiện rõ ràng và đem lại cảm giác thích thú khi cầm được nhân vật ứng với phong cách mà mình thích.

Viking vốn là những kẻ sống ở thời tiết khắc nghiệt nên thể hình cường tráng, ra đòn ít nhưng dứt khoát và mạnh mẽ, Knight với lối đánh nửa thủ nửa công theo lối thực dụng đặc trưng, còn Samurai ra đòn thanh thoát với tư thế thủ đúng chất võ sĩ đạo…

[su_quote]For Honor lai một chút của Dark Souls, một chút của Dynasty Warrior và một chút gì đó của thể loại đối kháng[/su_quote]

Ấn tượng nhất vẫn là các pha kết liễu đối phương cực kì tàn bạo và mãn nhãn.

Mỗi nhân vật sẽ có tổng cộng 4 đòn kết liễu và sẽ được đưa 2 trong số chúng vào thực chiến.

Hãy thử tưởng tượng trong một cuộc đơn đấu căn thẳng và thắng thua chỉ còn quyết định trong một chiêu, bạn vung tay chính xác và có cơ hội thực hiện một đòn kết liễu đối phương, thanh kiếm lướt nhanh, thủ cấp kẻ thù đã nằm lại dưới đất, quả thật sướng đến khó tả!

For Honor còn có nhiều những khoảnh khắc như thế, mỗi nhân vật cùng những vũ khí khác nhau sẽ đem đến những pha hạ thủ đặc trưng một cách tàn bạo, làm tăng lòng tự tin vào binh khí đang cầm trên tay.

Để tạo nền tảng cho lối chơi ắt phải có đất để dụng võ, hiện tại For Honor không thể xem là đa dạng về chế độ chơi, tất cả nằm trong khoảng “vừa đủ xài” với con số chỉ dừng lại ở 5: Duel, Brawl, Skrimish, Elimination và Dominion.

Nếu như Duel, Brawl vốn là để người chơi rèn luyện tay nghề với đấu đơn và đấu cặp, thì Skrimish và Elimination là hai trường đấu Deathmatch, một là cuộc đấu xem ai dành được nhiều điểm nhất trước khi hết giờ, một bên là phiên bản mở rộng của Duel và Brawl với chiến thắng dành cho bên hơn 3 trên 5 trận.

Cả hai đều có những Boost xuất hiện ngay trong trận để người chơi dành được những lợi thế so với đối phương.

Dominion chắc chắn là chế độ tâm đắc nhất của Ubisoft và nơi đây cũng là nơi duy nhất thể hiện trọn vẹn không khí chiến trận của For Honor mà khó tựa game nào khác hiện tại mang lại được.

Mỗi bên sẽ chia thành hai phe: thủ và công, mỗi màn chơi sẽ có 3 cứ điểm để chiếm và giành lấy từng điểm số một so với đối phương, đây không chỉ là lúc người chơi phải đấu lẫn nhau mà còn trực tiếp góp tay đẩy lùi các đám lính máy để giành lấy tiền tuyến.

Bên nào đạt đến 1000 điểm trước sẽ có cơ hội kết liễu hoàn toàn trận đấu vì khi đó đối phương không còn được phép hồi sinh.

Dominion cũng cho phép người chơi sử dụng Feat – một hệ thống hỗ trợ khá đắc lực trên mặt trận khi là tập hợp đầy đủ những kĩ năng từ hỗ trợ, hạ gục đối phương đến giảm chỉ số của kẻ thù.

Mỗi quân đoàn lại có những Feat khác nhau như Samurai có thể gọi một tràng mũi tên bay thẳng xuống mục tiêu, còn Knight lại thả pháo hay Samurai sử dụng khói để phá tính năng khóa mục tiêu của đối phương còn Viking ném thuốc nổ… Các Feat này khi sử dụng đúng lúc đúng chỗ sẽ mang đến cảm giác như bạn một tay xoay chuyển cả cục diện trận chiến từ bại thành thắng, áp chế quần hùng.

Tùy chỉnh nhân vật vốn là thế mạnh của Ubisoft và For Honor vẫn tiếp tục được kế thừa điểm này.

Mỗi vũ khí sẽ có 3 bộ phận sở hữu cấp độ, chỉ số khác nhau để ghép lại thành một món vũ khí hoàn chỉnh.

Còn giáp trụ của nhân vật lại được chia thành 3 phần nữa là vai, người và mũ.

Mỗi món đồ lại có thêm 3 chỉ số và 3 mức độ tương hỗ với ba màu trắng, xanh, tím để hiện thị độ hiếm phân theo cấp bậc.

Việc có được nguyên một bộ theo ý thích cũng là mục đích mà người chơi có thể dày công bỏ ra để cày cuốc.


ĐÃ KHÔNG CÒN “DỐI LỪA”

Sau bao nhiêu lần lừa dối cộng đồng, niềm tin của một nền tảng đồ họa mĩ miều gắn mác Ubisoft đã bị đem ra làm trò cười không biết bao nhiều lần.

Ấy thế nên không mấy ai còn đặt niềm tin vào For Honor, nhưng lần này người viết có thể nói rằng: mọi chuyện đã khác!

Dĩ nhiên mong rằng For Honor sẽ đẹp hơn quảng cáo là chuyện thuộc về phạm trù “cổ tích”, nhưng ngang với những lời hứa hẹn thì quả thật đã thành hiện thực.

Đáng bất ngờ hơn là với một tựa game vốn thiên về NVIDIA mà người sử dụng nền tảng AMD như người viết vẫn có thể trải nghiệm một cách tương đối ổn định, dù so với cấu hình mà game đưa ra, cỗ máy người viết sở hữu cũng thua sút vài phần.

Quả thật từ ngoại cảnh đến nội cảnh của For Honor không có gì nhiều để chê bai, mỗi màn chơi lấy địa điểm của từng khu vực sẽ được thể hiện một cách đầy đủ nhất cái hồn và sự chi tiết của từng nơi: từ những tòa thành cao chót vót ở châu Âu, cái lạnh lẽo phủ màu tuyết trắng ở bán đảo Scandinavia đến những công trình đậm chất Á Đông ở Nhật Bản.

[su_quote]Dĩ nhiên mong rằng For Honor sẽ đẹp hơn quảng cáo là chuyện ném về phạm trù “cổ tích”, nhưng ngang với những lời hứa hẹn thì quả thật đã thành hiện thực[/su_quote]

Mỗi màn chơi của phần chơi đơn đến chiến trường ở phần chơi mạng đều được chăm chút tỉ mỉ với hiệu ứng mưa, nước, lửa, khói… đều chỉn chu, hoàn hảo.

Cử động nhân vật cũng là thứ mà For Honor có thể tự hào, từ phong cách di chuyển đến cách thi triển đòn đánh đều mượt mà, chân thật thể hiện được sự dũng mãnh cũng như lối đánh ẩn bên trong từng nhân vật.

For Honor

Từng phát nhát kiếm chứa đầy sát khí của Kensei, từng pha vung rìu mạnh tựa ngàn cân của Raider, từng đòn đánh bị bật ra khi va vào chiếc khiên của Conqueror… Đều có lực nhất định bên trong khiến người chơi cảm thấy đây là binh khí thật sự chứ không phải chỉ là những món đồ chơi chạm nhau.

Về khoảng này, trên thị trường hiện nay cũng không nhiều tựa game có thể so bì.

Trắc trở duy nhất có lẽ là những lỗi đồ họa còn tồn động hơi nhiều, từ những góc khuất khiến cho nhân vật như đang trôi đến tình trạng người nằm dưới đất còn thủ cấp nằm trên không… Nhưng tất cả đều không phải là quá nặng nề, nhất là khi Ubisoft đã mang đến cho chúng ta một sản phẩm sát với những gì đã quảng cáo.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
For Honor

HAY NHƯNG CHƯA HOÀN HẢO

12 nhân vật cũng là 12 lối đánh, lối chơi khác nhau quả thật không dễ để cân bằng theo cách toàn vẹn nhất.

Từ những bản beta trước, cô nàng Nobushi bị cho là quá mạnh do đòn xuất thương có thể tung ra cực nhanh với tốc độ liên hoàn và kèm theo khả năng rút máu, khiến nàng ta cực kì khó tiếp cận.

Trong phiên bản chính thức, sức mạnh của Nobushi đã được thuyên giảm đôi chút song những ưu điểm “quá quắt” của nhân vật này cộng với độ khó tiếp cận không cao cũng đủ để đối thủ “xây xẩm mặt mày”.

Hơn nữa, sự xuất hiện của Shugoki cũng góp phần làm cho cuộc đấu trở nên bực mình ngoài ý muốn, gã mập này khi tăng tốc sẽ hất đối phương ra xung quanh mà không ai làm gì được, nên kẻ thù chỉ có thể nộp mạng tại những nơi chật hẹp gần vách đá.

Hơn nữa, đòn “ôm và siết” của hắn cũng là thứ khiến cho nhiều cái màn hình… bị đập bể, chỉ cần một khoảng cách vừa đủ để đối phương không thể né tránh là khi thi triển đến lần thứ 4 thì kẻ thù đã nằm dài dưới đất.

[su_quote]12 nhân vật cũng là 12 lối đánh, lối chơi khác nhau quả thật không dễ để cân bằng theo cách toàn vẹn nhất[/su_quote]

Riêng Warden và Conqueror lại có khả năng làm một vòng tuần hoàn chuỗi nhảy lại tông-Guard Break-chém mà mất rất ít thể lực, khiến cho đối phương khó có thể chống đỡ mà chỉ có thể chịu trận.

Đây là điều hết sức bực mình vì nhiều game thủ cứ tận dụng theo cách tràn lan nhất có thể để dành lấy thắng lợi mà không có một đấu pháp nào cụ thể để đấu công bằng với nhau.

Bỏ qua phần cân bằng, giờ nói đến phần kỹ thuật, For Honor dù không lặp lại chuyện đồ họa “lừa tình” song tiếp tục đi vào con đường kết nối dở dở ương ương giống với các đàn anh.

Việc sử dụng phương thức Peer-2-Peer (một người chơi trong phòng làm máy chủ thay vì có máy chủ độc lập) đôi lúc làm người chơi “dở khóc dở cười”, thay vì thấy phòng chơi đã đầy thì đưa sang phòng khác, thì For Honor lại hiện lên thông báo và bắt… tìm kiếm lại.

Chưa kể thông báo kết nối lỗi đôi khi xuất hiện bất tử ngay từ đầu màn hay cả giữa màn.

Cá biệt người viết “tức tưởi” bị đẩy ra khỏi một phòng chơi khi những người chơi khác nhảy vào tham dự, dù rằng bản thân là người đến trước.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Ubisoft
  • Phát hành: Ubisoft
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 14/02/2017 (PC)
  • Hệ máy: PC, PS4, Xbox One

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 SP1, Windows 8.1, Windows 10 (64bit)
  • CPU: Intel Core i5-2500K, AMD FX-6350
  • RAM: 8 GB
  • VGA: Nvidia GeForce GTX680/GTX760/GTX970/GTX1060 2 GB VRAM, AMD Radeon R9 280X/R9 380/RX470 2 GB VRAM
  • HDD: 40 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • CPU: Intel Core i3 4160 3.6Ghz
  • RAM: 8 GB
  • VGA: Gigabyte AMD Radeon R9 280X 3GB
  • HDD: 1TB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI UBISOFT

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC


BÀI MỚI NHẤT

Bạc 8.0

Những gì mà cuộc chiến trong For Honor mang lại đủ để làm những ai đã bỏ "nửa kia" trong ngày Valentine để thưởng thức trò chơi không phải thất vọng.



Từ chơi đơn tạm ổn đến phần chơi mạng thú vị với cơ chế chiến đấu đặc biệt, hơn nữa đây là lần đầu tiên sau nhiều năm đồ họa của game không bị Ubisoft "treo đầu dê bán thịt chó". Nếu đã chán với những tựa game chơi mạng với súng đạn ì đùng, thì bạn đọc hãy dành một cơ hội cho For Honor.