Skip to content

Ghostrunner – Đánh Giá Game

Ghostrunner

Ghostrunner – Được giới thiệu lần đầu ở Gamescom 2019, Ghostrunner nhanh chóng “hớp hồn” người chơi bởi bối cảnh thú vị của nó – một “nhẫn giả” người máy vượt qua mọi chướng ngại bằng những pha “parkour” nhanh, tinh tế và chính xác, cũng như lưỡi kiếm vô tình của gã tiêu diệt những kẻ nào dám ngáng đường.

Bản Demo 18 phút ở Gamescom 2020 lại cho ta thấy một màn chơi Ghostrunner được thiết kế hết sức chặt chẽ cho lối chơi nhanh và chính xác nọ, nên kì vọng của tựa game lại càng cao hơn.

Nhưng xui xẻo thay, Ghostrunner lại không được như kỳ vọng của người viết!

Vậy cụ thể Ghostrunner đã làm được và không làm được điều gì?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Ghostrunner

NHẪN GIẢ TƯƠNG LAI

Bạn là ai?

Bạn không biết!

Mọi người gọi bạn là Ghostrunner – một cỗ máy giết chóc hoàn hảo.

Bạn nhanh, bạn linh hoạt, bạn chính xác.

Lưỡi kiếm của bạn có thể xé nát bất cứ kẻ ngu ngốc nào dám ngáng đường.

Lưỡi kiếm của bạn có thể chặn hoặc đảo ngược mọi phát bắn của kẻ thù nếu bạn đủ chính xác!

Với những cơ chế đơn giản như vậy, những phân đoạn chiến đấu của Ghostrunner thường khá là tuyệt vời và thỏa mãn!

Ghostrunner

Game sẽ “thả” người chơi vào một đấu trường với những kẻ thù vừa “tĩnh” vừa “động”, và chúng sẽ bắn bạn với độ chính xác của gã thiện xạ Hawkeye của vũ trụ Marvel… nhưng với súng!

Vì thế nên người chơi phải luôn luôn quan sát kĩ đấu trường, lựa chọn lối di chuyển hợp lý nhất để có thể áp sát, tiếp cận và tiêu diệt kẻ thù. Đặc biệt là khi cả bạn lẫn chúng chỉ cần trúng một nhát đánh là đi đời.

Game sẽ cho bạn đu dây, chạy tường cũng như làm chậm thời gian để “tốc biến” một quãng ngắn.

Và vì cơ chế di chuyển đa dạng như vậy, việc di chuyển trong một đấu trường lớn và mở để tiếp cận kẻ thù luôn luôn cực kỳ vui!

Với nhiều cuộc đụng độ hay ho của game, bạn có thể sẽ phải “chết rất nhiều”, nhưng mỗi lần chết, bạn có thể thử lại, với những lối tiếp cận khác, cách chọn mục tiêu khác. Và khi “dọn sạch” một căn phòng sau muôn vàn lần thất bại luôn luôn thỏa mãn.

vì cơ chế di chuyển đa dạng như vậy, việc di chuyển trong một đấu trường lớn và mở để tiếp cận kẻ thù luôn luôn cực kỳ vui

Cảm giác các cuộc đụng độ này giống hệt như kỳ vọng của người viết về game – Katana ZERO, nhưng là góc nhìn người thứ nhất!

Không những thế, Ghostrunner có một hệ thống nâng cấp khá thú vị, khi càng chơi về sau, người chơi sẽ mở được các “kĩ năng” bị động đặc biệt dưới dạng những… viên gạch Tetris, và người chơi sẽ phải sắp xếp chúng hiệu quả vào một… “bo mạch” để có một lối xây dựng nhân vật hợp lý cho các cuộc đụng độ mới, cũng như những kĩ năng đặc biệt do tự tay bạn kích hoạt được mở khóa dần dần trong quá trình chơi khiến cho các cuộc đụng độ trở nên muôn hình muôn vẻ hơn.

BẠN SẼ GHÉT

NHỮNG BƯỚC NHẢY… NGÃ NHÀO!

Tuy các cuộc đụng độ thú vị nọ là điểm sáng nhất của game, nhưng lại có không ít những cuộc đụng độ hết sức… thiếu công bằng!

Khởi đầu game, các cuộc đụng độ thường có nhiều lối tiếp cận, nhưng có lẽ càng về sau, lựa chọn của bạn càng thu hẹp, và bạn có lẽ phải “chết rất nhiều lần” mới nhận ra đâu là lối tiếp cận “đúng nhất”.

Và khi có quá nhiều các cuộc đụng độ nối tiếp nhau mang nhiều giới hạn như vậy, thì sự hào hứng ban đầu cũng sẽ dần mai một.

Mà cũng chả cần tới những cuộc đụng độ nọ mới khiến cho sự hào hứng mai một, những màn parkour ở giữa cũng khiến người chơi phải ngán ngẩm.

Cũng mang vấn đề của các màn chiến đấu, các màn leo trèo (platforming) của Ghostrunner khi hay thì rất hay, khi dở thì…

khi mà phần lớn thời lượng game, người chơi phải đối mặt với sự thiếu nhất quán đó, thì chả vui tí nào cả

Và xui thay phần dở thì nhiều hơn hay!

Việc lấy đà, bật nhảy và bám tường của game… hay nói chính xác là những cơ chế di chuyển tối quan trọng để giải các câu đố môi trường – có cảm giác cực kì thiếu nhất quán!

Có nhiều câu đố người viết phải “gãi đầu, gãi tai” vì anh Ghostrunner nhà ta nhảy…. quá yếu, khi mà ngay sau khi thử lại, anh Ghostrunner lại nhảy hết sức bình thường!

Hay khi anh Ghostrunner nhà ta nhảy lên tường hai lần, cùng một góc nhảy, nhưng lần thứ nhất thì chạy re re, lần hai thì…. trượt chân ngã nhào!

Đu dây thì nhiều lần đáp xuống ở những vị trí… rất vô duyên dù có chung một góc bật!

Người viết có cảm giác là game “cố gắng” học hỏi cơ chế chuyển động của Titanfall 2Mirror’s Edge, nhưng đòi hỏi một độ chính xác và “bám dính” nhất định và có lẽ do không hiểu rõ mục đích sử dụng trong ngữ cảnh của từng game kể trên, nên việc kết hợp này tạo ra sự thiếu nhất quán trên!

Vì sự thiếu nhất quán đó khiến cho nhiều màn parkour trở nên… tệ hại khi người viết “chết đi, chết lại” một cách hết sức vô duyên, tạo cảm giác cáu gắt nhiều hơn là thôi thúc thử lại!

Và khi mà phần lớn thời lượng game, người chơi phải đối mặt với sự thiếu nhất quán đó, thì chả vui tí nào cả!

Có lẽ nhà phát triển sẽ sửa những lỗi đó trong tương lai, nhưng ngay lúc này, có quá nhiều thứ ảnh hưởng đến cơ chế di chuyển chính xác của game.

Và có lẽ tệ hại nhất là những màn đấu trùm!

Trong game chỉ có… 3 màn “đấu trùm” duy nhất, và một cái thì quá khó, quá bất công!

Hai còn lại thì dễ ợt, dễ hơn cả hạ những kẻ thù bình thường nữa!


Ghostrunner

TÔI LÀ AI? TÔI LÀM GÌ?

Ghostrunner mở đầu với một đoạn phim hào nhoáng, kể lại hành trình báo thù của nhân vật chính của chúng ta cho đến khi gặp một người phụ nữ… truyền nhân của Doc Ock (tiến sĩ Bạch Tuộc) xé toạc anh ta ra và quăng đi như một món đồ chơi.

Sau đó anh ta tỉnh dậy… như chưa có gì xảy ra, với một mô-típ quen thuộc: mất sạch trí nhớ và có một giọng nói trong đầu dẫn đường cho anh ta.

Và chả cần mất 20 giây để người viết nhận ra rằng: cái giọng nói đó sẽ phản bội chúng ta!

Mà phản bội theo cách nhạt nhẽo nhất có thể!

Thế giới Ghostrunner không được xây dựng theo bất kì cách nào cả, có vài nhân vật nói sơ sơ về bối cảnh, về The Tower, nhưng chúng “nhạt nhòa” đến độ ngay cả chính nhân vật trong game còn “quên” việc phải quan tâm đến thế giới họ sống trong đó.

Còn về mặt bối cảnh?

Tuy lấy chủ đề “cyberpunk”, vốn đang rất “nóng” trong giới giải trí (phim ảnh, game) thời gian vài năm gần đây (có một phần góp công rất lớn của trò chơi sắp ra mắt Cyberpunk 2077, đến từ hãng làm The Witcher 3), thế nhưng thể hiện của Ghostrunner quá đỗi đơn điệu: các mảng màu quá phẳng và thiếu sự tương phản rõ rệt, môi trường trong một màn chơi thường có cảm giác cóp-dán (copy-paste) cho ra màn chơi hơn là một thế giới sống động thật sự.

Và cốt truyện game thì nhạt nhòa đến mức nực cười!

Không điểm nhấn, không cao trào, chàng Ghostrunner nhà ta chạy lòng vòng, quơ kiếm hạ địch thủ, rồi bị phản bội rồi lại… đi lòng vòng tái diễn các hành động vừa kể!

Khi vượt qua tầm 60% thời lượng của người chơi, người viết cảm thấy chả còn động lực bước tiếp nữa, khi các cuộc đụng độ và những màn leo trèo của game ngày càng thiếu nhất quán, còn cốt truyện thì quá đỗi nhạt nhẽo.

Và bạn nhớ tên phản diện xúc tu đầu game không?

Màn đấu trùm đó dễ đến mức nực cười!

Khiến cho người viết thấy việc tại sao anh Ghostrunner nhà ta lại “thua te tua” ở đoạn phim đầu game hết sức… củ chuối và vô nghĩa!

Dẫu biết với những game như thế này, cốt truyện chỉ là thứ yếu, nhưng tệ hại đến mức nực cười thế này thật sự ảnh hưởng đến trải nghiệm!

có vài nhân vật nói sơ sơ về bối cảnh, về The Tower, nhưng chúng “nhạt nhòa” đến độ ngay cả chính nhân vật trong game còn “quên”


GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI 505 GAMESCHƠI TRÊN HỆ PC

THÔNG TIN

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 10, 8, 8.1, 7 64bit
  • CPU: Intel Core i5-2500K (4 * 3300) AMD Phenom II X4 965 (4 * 3400)
  • RAM: 8GB
  • VGA:  GeForce GTX 1050 (2048 MB) / Radeon RX 550 (4096 MB)
  • HDD: 22GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Intel i9-9750HQ
  • RAM: 16 GB
  • VGA: Nvidia GTX 1660ti 
  • SSD: Samsung SSD 850 EVO 250GB
6.5

Dù có ý tưởng thông minh và nhiều khoảnh khắc bùng nổ trong một số màn chơi, nhưng một cốt truyện quá đỗi tệ hại và sự thiếu nhất quán trong cơ chế chơi đã khiến Ghostrunner trở thành một trải nghiệm "hụt hơi" và chỉ dừng lại trên mức trung bình khá.