Gigabyte Gigabyte G27QC– Một vài năm gần đây, khi các hãng dần hoàn thiện “hệ sinh thái” của mình bằng các sản phẩm “ngoài ngành” thì Gigabyte cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi liên tục cho ra mắt các mẫu “màn hình chơi game chiến thuật” dòng AORUS với nhiều tính năng độc đáo, trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các game thủ chuyên nghiệp và các giải đấu thể thao điện tử hiện nay.
Chỉ “tung hoành” trong nhóm sản phẩm cao cấp là chưa đủ, Gigabyte trong sự kiện CES 2020 vừa qua đã công bố các màn hình chơi game mới với mức giá mềm hơn dải sản phẩm dòng AORUS, nhưng vẫn sở hữu rất nhiều tính năng cao cấp, khiến cho game thủ nào lắp máy cũng phải… phát thèm.
Với mức giá thấp hơn ít nhiều so với các phiên bản cao cấp lấy thương hiệu AORUS, các mẫu màn hình chơi game Gigabyte đời mới trở thành các sản phẩm chủ lực của hãng trong việc cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu “mạnh” khác đang có mặt trên thị trường hiện nay.
Vietgame.asia rất may mắn đã nhận được một trong những phiên bản đầu tiên của mẫu màn hình Gigabyte G27QC tại thị trường Việt Nam. Đây là mẫu màn hình được đặt nhiều kỳ vọng nhất của Gigabyte trong bộ ba sản phẩm ra mắt lần này bởi sự “vừa vặn” của nó cả về kích thước, công nghệ và thiết kế có thể làm vừa lòng đại đa số game thủ hiện nay.
Liệu đây có phải là một lựa chọn màn hình chơi game tốt trong phân khúc dưới 10 triệu đồng? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
GIGABYTE G27QC – “NGỒN NGỘN” CÁC TÍNH NĂNG CAO CẤP!
Trên thực tế, là một mẫu màn hình chơi game cũng có thể xem là thuộc hàng cao cấp, Gigabyte G27QC rất có… “hiềm nghi” giẫm chân lên những phiên bản cao cấp hơn dòng AORUS, chẳng hạn như mẫu AORUS FI27Q mà nhóm đã từng giới thiệu đến với bạn đọc cách đây không lâu với nhiều tính năng tương tự nhưng lại sở hữu mức giá rẻ hơn rất nhiều.
Dễ dàng thấy được ấn tượng đầu tiên của màn hình đối với người dùng đến từ một vẻ ngoài cũng vô cùng mướt mát với chân đế linh hoạt, có thể dễ dàng nâng cao hay hạ thấp với các góc từ -5 độ đến +20 độ, giúp người dùng có thể đạt được góc nhìn thoải mái trong mọi tư thế ngồi.
Điều này là vô cùng quan trọng khi Gigabyte G27QC được trang bị tấm nền VA cho góc nhìn hẹp hơn so với các tấm nền IPS thông thường và độ cong lớn lên đến 1500R thay vì thiết kế dạng phẳng như trên AORUS FI27Q, vốn đòi hỏi người dùng luôn phải ngồi ở vị trí chính giữa tâm màn hình để có được màu sắc và tầm nhìn dễ chịu nhất.
Cũng tương tự như phiên bản “thương hiệu” AORUS, phần màn hình của mẫu màn hình “đàn em” được làm vô cùng đẹp với ba viền siêu mỏng “vô hình”, tạo thành một thể liền lạc và thống nhất nhưng với kích thước khá nhỏ, chỉ tương đương các màn hình viền dày có kích cỡ 25″ trước đây.
[su_quote]Dễ dàng thấy được ấn tượng đầu tiên của màn hình đối với người dùng đến từ một vẻ ngoài cũng vô cùng mướt mát với chân đế linh hoạt[/su_quote]Tuy vậy, do hướng tới nhóm khách hàng chú trọng thực dụng nên Gigabyte cũng “cắt giảm” khá nhiều những yếu tố trang trí làm đẹp như dải đèn LED RGB gắn sau tạo hình hai cánh đại bàng, chân đế hình trụ được trang trí bóng bẩy để quay về một thiết kế mang tính chất “mộc” hơn, nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng kém “sang chảnh” và “màu mè” hơn.
Về điểm này, dòng sản phẩm màn hình chơi game “thương hiệu” Gigabyte phần nào chia sẻ những điểm chung về thiết kế của dòng sản phẩm màn hình TUF đến từ ASUS như mẫu ASUS TUF GAMING VG32VQ mà nhóm đã từng giới thiệu đến bạn đọc với ngôn ngữ thiết kế đơn giản hơn nhiều so với phiên bản Strix được “định vị” ở phân khúc cao cấp.
Điểm nhấn đáng chú ý của Gigabyte G27QC vẫn chính là tấm nền VA có tốc độ quét hình siêu cao ở 165Hz và độ phân giải lên đến 2560 x 1440 đem đến trải nghiệm mượt mà nhất cho người chơi, cả về độ mịn màng của hình ảnh lẫn các chuyển động trong game đều ở mức hàng đầu hiện nay
Trên thực tế, ở các mẫu màn hình có kích thước 27″, việc trang bị độ phân giải Full HD 1920 x 1080 vẫn chưa “phô bày” các pixel “thô thiển” như trên phiên bản 32″, chính vì thế mà Gigabyte cũng không “ngại” cho ra mắt thêm một phiên bản “anh em sinh đôi” của sản phẩm với tên gọi Gigabyte G27FC sở hữu độ phân giải chỉ 1080p và mức giá “mềm” hơn khá nhiều, chỉ khoảng 6.5 triệu đồng, phù hợp hơn với các bạn có túi tiền eo hẹp.
Quay trở lại với mẫu màn hình “chủ lực” của chúng ta, phải nhắc lại một lần nữa rằng tốc độ quét hình 165Hz, theo cảm nhận chủ quan của người viết, không khác biệt với tốc độ màn hình 144Hz của các màn hình chơi game siêu tốc thế hệ trước, điểm cộng có thể thấy rõ ràng nhất chính là khả năng tương thích với tính năng chống xé hình AMD FreeSync 2 được “kéo dài” ra thêm một khoảng hơn 20fps, giúp đem lại khung hình mượt mà nhất cho người dùng.
Mặc dù theo thông số nhà sản xuất công bố, Gigabyte G27QC chỉ sở hữu độ sáng cơ bản ở mức 250nits, thế nhưng khi kích hoạt tính năng hỗ trợ nội dung có dải màu động rộng HDR (High Dynamic Range), độ sáng có thể được đẩy lên mức gần 350nits để đạt chuẩn “HDR Ready”.
Về mặt này, mẫu màn hình của Gigabyte cho khả năng thể hiện khá giống với mẫu màn hình BenQ EW3270U khi có khả năng thể hiện các hình ảnh HDR với độ sáng khá tốt, rực rỡ và ấn tượng, nhất là các cảnh cháy nổ, ánh sáng ngoài trời được đẩy lên cao tạo ra ấn tượng khá mạnh đối với người dùng.
Nhưng đáng tiếc là ngần ấy vẫn chưa đủ để đạt được chuẩn HDR400 của VESA do Gigabyte G27QC chưa được trang bị tính năng làm tối cục bộ và độ sáng đèn nền vẫn còn hạn chế, chưa đủ để thể hiện ánh sáng ở mức 400nits. Hiện trong ba mẫu sản phẩm ra mắt lần này của Gigabyte, chỉ có phiên bản kích thước 32″ Gigabyte G32QC đạt được tiêu chuẩn này.
Những tính năng tiện lợi khác như các tính năng hỗ trợ game thủ Game Assist, hay tính năng điều khiển thông số màn hình qua trình điều khiển OSD Sidekick mà không cần người dùng phải “mò mẫm” bằng nút với các menu ngữ cảnh trên phiên bản AORUS đắt đỏ đều được “bảo lưu” sang các mẫu màn hình dành cho game thủ của Gigabyte.
Thậm chí, mẫu màn hình Gigabyte G27QC còn “chơi trội” hơn đàn anh AORUS khi được trang bị thêm 2 loa tích hợp có công suất 2W mỗi loa. Tuy chất lượng cũng chỉ ở mức tàm tạm, nhưng cũng đủ giúp người dùng giải trí khi xem các chương trình truyền hình trực tuyến khi mà loại hình giải trí này ngày càng trở nên thịnh hành trong một vài năm trở lại đây.
Nhìn chung, Gigabyte G27QC là một màn hình chơi game cao cấp, đủ sức làm “choáng ngợp” người dùng với “ngồn ngộn” những công nghệ hàng đầu hiện nay, dễ dàng thỏa mãn cho các game thủ có đòi hỏi cao ở màn hình chơi game của mình nhưng lại không muốn “chi phí” quá nhiều vào các tính năng “cơm thêm” khác.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
GIGABYTE G27QC – MỘT VÀI VẤN ĐỀ NHỎ!
Là một sản phẩm được đầu tư khá tốt, thế nhưng Gigabyte G27QC vẫn gặp phải một vài điểm trừ nhẹ.
Vấn đề thứ nhất nằm ở chất lượng hiển thị của màn hình ở chế độ sáng cao. Nhìn chung, khi sử dụng những thiết lập chuyên dành cho hình ảnh, khả năng hiển thị của màn hình vẫn ở mức rất khá.
Màu sắc vẫn chính xác, đủ để người dùng nghiệp dư có thể sử dụng cho các tác vụ biên tập phim, ảnh đơn giản dù dải màu xám có chút không được đồng đều với hiện tượng Color Banding ở mức nhẹ.
Thế nhưng mọi thứ trở nên tệ đi khi bạn nâng độ sáng lên mức cao, hay chuyển đổi màn hình sang thể hiện các nội dung HDR.
Hiện tượng trang sáng không đều thể hiện trở nên rõ nét hơn hẳn, dẫn đến tình trạng chất lượng màu mất cân bằng ở các vùng khác nhau trên màn hình bắt đầu có thể thấy được bằng mắt thường. Thậm chí bạn có thể đếm được 8 bóng LED (4 trên và 4 dưới) phân bố trên màn hình khi chuyển sang các khung cảnh tối.
Đây là một điểm trừ nhẹ của Gigabyte G27QC nếu so sánh với “đàn anh” AORUS được “chăm chút” kỹ lưỡng hơn với mức độ trang sáng tốt hơn.
Mặc dù vậy, đa phần thời gian người dùng sẽ sử dụng màn hình ở các thiết lập thông thường, vừa giúp mắt đỡ mỏi khi phải làm việc hay chơi game trong thời gian dài, vừa phù hợp với bối cảnh các game hiện nay vẫn chưa hỗ trợ chế độ HDR nhiều. Chính vì thế mà sản phẩm rất phù hợp để anh em game thủ thưởng thức game thông thường.
Vấn đề thứ hai nằm ở mức giá của Gigabyte G27QC thuộc loại “giẫm chân” phiên bản cao cấp nhất Gigabyte G32QC dù được bán kèm rất nhiều quà tặng, điều này khiến cho nhiều người dùng có khuynh hướng “bấm bụng” bù thêm chút ít để “lên hẳn” phiên bản 32″ với kích thước lớn hơn và những tính năng gần như tương tự.
Điều này cũng khá khó hiểu khi phiên bản có độ phân giải 1080p Gigabyte G27FC lại có mức giá rẻ hơn khá nhiều, đến 3 triệu đồng khiến cho mức giá của sản phẩm trở nên rất không hấp dẫn trong tình cảnh hiện nay.
[su_quote]Thế nhưng mọi thứ trở nên tệ đi khi bạn nâng độ sáng lên mức cao, hay chuyển đổi màn hình sang thể hiện các nội dung HDR.[/su_quote]GIÁ THAM KHẢO
9,490,000đ
THAM KHẢO
THÔNG TIN
- Tên sản phẩm: Gigabyte G27QC Gaming Monitor
- Nhà sản xuất: Gigabyte
- Xuất xứ: Đài Loan
BÀI MỚI NHẤT
- GSC Game World sẽ cập nhật 3 phần STALKER gốc! – Tin Game
- Team Fortress 2 ra tập truyện cuối cùng… sau gần 8 năm! – Tin Game
- 11 Bit Studios hủy Project 8, thực hiện sa thải hàng loạt! – Tin Game
- Mùa Lễ Hội, Mùa Nâng Cấp với GeForce RTX – Tin Gaming Gear
- Sonic the Hedgehog 4 sẽ khởi chiếu trong năm 2027! – Tin Game
- COLORFUL Giới Thiệu Dòng Bộ Nhớ iGame Shadow DDR5 – Tin Gaming Gear