Gigabyte M27F – Nếu so sánh với một ASUS “già dặn” trong việc ra mắt các dòng màn hình chơi game từ vài năm trước thì chỉ mới gần đây, Gigabyte mới tham gia vào “cuộc chơi” này nhằm hoàn thiện hệ sinh thái gaming của mình.
Kể từ kỳ Computex 2019, hãng đã cho ra mắt liên tiếp các dòng màn chơi game hình chiến thuật dòng AORUS với những tính năng cao cấp và đắt đỏ hướng đến đấu trường thể thao điện tử chuyên nghiệp, ngay sau đó tại kỳ CES 2020 là loạt bộ ba sản phẩm màn hình chơi game cơ bản với thương hiệu Gigabyte.
Trong đó, phiên bản Gigabyte G27F có thể được xem là “đấu sĩ” nặng ký nhất của hãng trong cạnh tranh với các màn hình chơi game ở phân khúc “bình dân” dành cho phòng máy, các tiệm Internet Cafe… với rất nhiều đại diện từ các hãng sản xuất đến từ Trung Quốc nhờ vào mức giá khá mềm trong khi vẫn sở hữu rất nhiều tính năng “thời thượng” đến từ các dòng màn hình chơi game cao cấp hơn.
Gần đây, hãng lại tiếp tục nâng cấp phiên bản màn hình chơi game “bình dân” này lên một phiên bản mới với tên gọi Gigabyte M27F với nhiều tính năng mới mẻ và hấp dẫn không đối thủ cùng phân khúc nào có được.
Liệu đây có phải là mẫu màn hình chơi game “bình dân” sáng giá nhất hiện nay?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
GIGABYTE M27F – TÍNH NĂNG “NGỒN NGỘN”
Là một phiên bản nâng cấp không chính thức của Gigabyte G27F, thế nên không lạ gì khi Gigabyte M27F cũng sở hữu thiết kế “ngoại hình” không khác gì bậc “đàn anh” đi trước bởi thiết kế này đã quá đủ đầy cho một mẫu màn hình chơi game cơ bản ở phân khúc bình dân.
Bạn vẫn sẽ sở hữu chân màn hình chữ V đơn giản mà chắc chắn, trục màn hình có thể điều chỉnh chiều cao với biên độ siêu lớn, khả năng “gật gù” từ -5 độ đến +20 độ, linh hoạt phù hợp với mọi góc nhìn của người dùng dù là ở vị trí ngồi hay đứng.
Bỏ qua những yếu tố về ngoại hình, tấm nền trên mẫu Gigabyte M27F cũng chỉ là phiên bản IPS được nâng cấp nhẹ so với Gigabyte G27F trước đây, với những thông số chung đều được giữ nguyên như độ phân giải Full HD 1080p, tốc độ quét hình vẫn chỉ ở mức 144Hz, khả năng thể hiện dải màu DCI-P3 vẫn chỉ ở mức 95% nhưng khả năng thể hiện màu sắc dải sRGB tăng ở mức 125% phiên bản cũ lên 130% ở phiên bản mới, và độ tương phản động tăng từ mức 10 triệu lần lên 12 triệu lần do những cải tiến nhất định của đèn nền để thể hiện các nội dung HDR.
[su_quote]Là một phiên bản nâng cấp không chính thức của Gigabyte G27F, thế nên không lạ gì khi Gigabyte M27F cũng sở hữu thiết kế “ngoại hình” không khác gì bậc “đàn anh” đi trước[/su_quote]Phải nói rằng dù có mức giá rẻ hơn, sở hữu độ phân giải kém hơn so với Gigabyte G27QC, thế nhưng người viết đánh giá cao tấm nền IPS trên hai phiên bản màn hình bình dân này bởi góc nhìn rộng hơn và các màu sáng có phần “nịnh mắt” hơn dù màu đen không thật sự “sâu” bằng tấm nền VA.
Đó là chưa kể thiết kế phẳng của màn hình giúp cho việc trang sáng trở nên dễ dàng hơn, không gây hở sáng nhiều ở các cạnh viền như trên màn hình cong, từ đó phiên bản màn hình “giá mềm” sở hữu màu sắc đồng nhất hơn (color uniformity), nên người dùng có thể sử dụng cho các ứng dụng đồ hoạ, chỉnh sửa hình ảnh nhẹ nhàng chứ không đơn thuần chỉ phục vụ cho mục đích chơi game.
Bên cạnh đó, một tính năng được nâng cấp so với phiên bản Gigabyte G27F chính là khả năng thể hiện nội dung dải ánh sáng động (HDR – High Dynamic Range) ở mức “HDR Ready” tương tự như phiên bản Gigabyte G32QC hay ASUS TUF GAMING VG32VQ, thế nhưng theo cảm quan thực tế của người viết thì tính năng này thể hiện không thực sự tốt như các mẫu màn hình kể trên.
So với mức sáng mặc định 300nits của màn hình, độ sáng chỉ được tăng cường rất nhẹ khi chuyển qua chế độ thể hiện hình ảnh HDR, nhưng nó lại khiến cho màu sắc bị bệt đi, không thể đem đến ấn tượng mạnh mẽ như những màn hình chơi game cao cấp AORUS FI27Q, càng không thể so sánh được với các mẫu TV hiện đại.
Có thể nói, ngoài một chút chưa được “chín” trong cách thể hiện các nội dung HDR, Gigabyte M27F đủ sức chinh phục hầu hết các game thủ phân khúc bình dân cả về chất lượng màu sắc hiển thị, lẫn độ mượt mà của nội dung nhờ tốc độ quét hình cao và hỗ trợ chống xé hình AMD FreeSync ở dải rộng từ 48Hz đến 144Hz.
Gigabyte cũng mang lên mẫu màn hình này rất nhiều tính năng của dòng màn hình chơi game cao cấp như tính năng điều khiển trực tiếp các tính năng màn hình bằng phần mềm OSD Sidekick thông qua cáp USB 3.0, hay các tính năng hỗ trợ game thủ như tạo hồng tâm ảo, cân bằng màu đen (Black Equalizer) để thể hiện nhiều hơn các cấp độ màu xám giúp người chơi có thể dễ dàng quan sát cả trong các khu vực tối.
Những tính năng này mặc dù chỉ là “cơm thêm”, nhưng chúng cũng phần nào đem đến lợi thế cho game thủ trong các trận đấu qua mạng, đặc biệt là trong các game hành động bắn súng.
Bên cạnh đó, Gigabyte cũng lần đầu tiên mang kết nối USB Type C đến cho một dòng màn hình chơi game bình dân thay vì chỉ trên các màn hình cao cấp như truyền thống, cho phép người dùng kết nối thiết bị di động, laptop đời mới và Macbook Pro với màn hình để đạt được khả năng hiển thị rộng rãi hơn rất nhiều.
Chưa dừng lại ở đó, tính năng xuất hình thông qua cổng USB Type C thậm chí còn “thăng hoa” hơn nữa khi kết hợp với một nâng cấp mà người viết cảm thấy vô cùng sáng giá trên Gigabyte M27F chính là tính năng KVM (Keyboard, Video, Mouse).
Tính năng này cho phép người dùng chỉ sử dụng duy nhất một bộ chuột và bàn phím cho PC và thiết bị kết nối ngoài thông qua cổng USB Type C. Điều này vô cùng tiện lợi cho những người thường xuyên phải thao tác với nhiều thiết bị khác nhau chỉ với một nút bấm KVM phía trên cần điều khiển đa chiều.
Với thiết kế này, thậm chí bạn có thể chơi các tựa game thiết kế dành cho thiết bị di động với chuột và bàn phím
Về mặt tổng thể, dù không có nhiều khác biệt trong thiết kế so với phiên bản “đàn anh” Gigabyte G27F trước đây, thế nhưng Gigabyte M27F đã nhận được một số nâng cấp hữu ích, giúp “nâng tầm” công nghệ cho mẫu màn hình chơi game có mức giá vô cùng “bình dân” này thoát ra khỏi phạm trù màn hình chơi game cơ bản thông thường.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
GIGABYTE M27F – MỘT SỐ VẤN ĐỀ NHỎ
Ở mức giá chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với “đàn anh” Gigabyte G27F nhưng lại sở hữu “ngồn ngộn” những nâng cấp về công nghệ, thật khó để người dùng có thể đòi hỏi nhiều hơn ở Gigabyte M27F, nhưng mẫu màn hình chơi game này phải đối mặt với một vài vấn đề nhỏ.
Vấn đề đầu tiên của mẫu màn hình này chính là mức giá gia tăng đôi chút so với phiên bản Gigabyte G27F, nhưng lại đẩy sản phẩm đến “trước mặt” rất nhiều đối thủ nặng ký.
Ở mức giá này, đa số các đối thủ cạnh tranh đều sở hữu độ phân giải 1440p (2.5K) đang dần dần trở thành tiêu chuẩn chung của các màn hình chơi game có kích thước từ 27 inch trở lên hiện nay thì mức độ phân giải chỉ Full HD 1080p của sản phẩm là một điểm trừ nhẹ.
Thậm chí mức giá này cũng tiến gần đến mẫu màn hình Gigabyte G27QC sau khi trừ đi các chương trình khuyến mãi, khiến cho người dùng sẽ phải cân nhắc có nên “ra sức” thêm đôi chút để đổi lấy màn hình độ phân giải cao và tần số quét lên đến 165Hz hay không
Bên cạnh đó, cũng khá khó hiểu khi Gigabyte “cắt” mất bộ loa “nhỏ bé” 2W chỉ thuộc hàng “chống điếc” tích hợp trên phiên bản Gigabyte G27F.
Với khả năng kết nối với các thiết bị di động thông qua cổng USB Type C, cặp loa ngoài tuy nhỏ, nhưng sẽ là giải pháp âm thanh tốt nhất nếu như người dùng không muốn sử dụng tai nghe.
GIÁ THAM KHẢO
7,690,000đ
BÀI MỚI NHẤT
- GSC Game World sẽ cập nhật 3 phần STALKER gốc! – Tin Game
- Team Fortress 2 ra tập truyện cuối cùng… sau gần 8 năm! – Tin Game
- 11 Bit Studios hủy Project 8, thực hiện sa thải hàng loạt! – Tin Game
- Mùa Lễ Hội, Mùa Nâng Cấp với GeForce RTX – Tin Gaming Gear
- Sonic the Hedgehog 4 sẽ khởi chiếu trong năm 2027! – Tin Game
- COLORFUL Giới Thiệu Dòng Bộ Nhớ iGame Shadow DDR5 – Tin Gaming Gear