Skip to content

Gigabyte M32QC EK – Đánh Giá Gaming Gear

Gigabyte M32QC EK – Mặc dù chỉ là dòng sản phẩm bổ sung cho “hệ sinh thái” sản phẩm của mình, thế nhưng các mẫu màn hình chơi game “nhà” Gigabyte lại được cộng đồng game thủ đón nhận khá nồng nhiệt nhờ vào tính năng tốt trong phân khúc nhưng vẫn giữ được mức giá vô cùng hợp lý.

Điển hình cho khuynh hướng này chính là mẫu màn hình chơi game siêu rộng kích thước lớn Gigabyte G34WQC A có mức giá thuộc loại “thơm” hàng đầu trong số các màn hình có kích thước lên đến 34 inch với đầy đủ những tính năng cao cấp dành cho game thủ, thế nhưng mẫu màn hình này vẫn khá kén người dùng do tỷ lệ 21:9 đem lại khá nhiều bất tiện khi sử dụng trong đời sống hàng ngày.

Thế nên những fan của màn hình cỡ lớn có thể lui lại một bước, lựa chọn một mẫu màn hình kích thước 32 inch với tỷ lệ 16:9 truyền thống, và đó là lúc dòng màn hình Gigabyte M32QC EK thể hiện sự “sáng giá” của mình.

Phải nói rằng trong rất nhiều các sản phẩm màn hình cỡ lớn mà người viết từng trải nghiệm trong tầm giá dưới 10 triệu đồng hiện nay.

Vậy mẫu màn hình kích thước lớn với mức giá khá “mềm” này có đủ sức làm vừa lòng người dùng game thủ? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

GIGABYTE M32QC EK – SỰ CÂN BẰNG TRONG CÁC YẾU TỐ!

Gigabyte M32QC EK - Đánh Giá Gaming Gear

Nếu như các dòng màn hình mang thương hiệu AORUS như AORUS FI27Q hướng tới nhóm khách hàng cao cấp, được đóng gói trong các hộp màu sắc đẹp đẽ, thì các dòng màn hình đến từ thương hiệu Gigabyte lại có phần khiêm tốn hơn khi chỉ sử dụng vỏ hộp bằng giấy tái chế mà thôi.

Về tổng thể, mẫu màn hình chơi game thế hệ mới này của Gigabyte vẫn giữ nguyên thiết kế khá đơn giản, không có nhiều yếu tố “làm màu” đã có từ một vài năm nay với chân màn hình kích thước lớn, gắn trên bộ đế chữ V bằng kim loại chắc chắn như hầu hết các dòng màn hình khác mang thương hiệu Gigabyte

Gigabyte M32QC EK - Đánh Giá Gaming Gear

Điều khác biệt nho nhỏ là chân trụ được chế tạo tách rời khỏi phần thân màn hình thay vì tích hợp thẳng vào màn hình như với các phiên bản có kích thước nhỏ hơn.

Cũng so sánh với các dòng màn hình Gigabyte khác, chân đế này có kích thước lớn hơn, cứng cáp hơn, và khi được tách rời khỏi phần thân màn hình thì người dùng dễ dàng sử dụng màn hình với các tay treo chuẩn VESA hơn ngay từ khi “đập hộp”.

Gigabyte M32QC EK - Đánh Giá Gaming Gear

Cụm các cổng kết nối vẫn được đưa xuống phần dưới màn hình với nhiều chuẩn kết nối phổ biến hiện nay, bao gồm cả chuẩn Type-C tiên tiến dành cho các laptop thế hệ mới hay điện thoại di động với khả năng sạc ngược cho các thiết bị này với một mức công suất hạn chế.

Cũng từ thế hệ này, phiên bản Gigabyte M32QC EK cũng thay thế cho phiên bản Gigabyte G32QC A trước đây với khả năng chuyển đổi nguồn xuất hình mà vẫn giữ nguyên điều khiển bằng bộ chuột và bàn phím KVM (Keyboard, Video, Mouse).

Gigabyte M32QC EK - Đánh Giá Gaming Gear

Tính năng này có thể khai thác tối đa khả năng sử dụng đa nhiệm của màn hình khi người dùng dễ dàng chuyển đổi, thao tác giữa PC và các thiết bị khác nhau chỉ với một bộ bàn phím và chuột duy nhất.

Công nghệ này lần đầu ra mắt cùng với mẫu màn hình Gigabyte M27F ra mắt hồi năm 2020 với chỉ một nút bấm chuyển đổi nhanh được đặt phía sau màn hình.

Gigabyte M32QC EK - Đánh Giá Gaming Gear

Phần hiển thị được thiết kế có phần “sexy” với ba viền mỏng và độ cong nhẹ 1500R giúp người dùng luôn ở trung tâm của hình ảnh, không phải thay đổi tiêu cự mắt khi nhìn ra các nội dung ở cạnh viền, giúp giảm thiểu mỏi mắt khi làm việc hay chơi game trong thời gian dài.

Theo trải nghiệm thực tế của người viết, mức 1500R khá dễ chịu với khoảng cách dùng 1m2 đến 1m4 của người dùng thông thường với màn hình kích thước lớn 32″, không “gắt” như mức 1000R của Samsung Odyssey 27G5 buộc người dùng phải ngồi sát hơn với màn hình.

Gigabyte M32QC EK - Đánh Giá Gaming Gear

Về khả năng hiển thị, Gigabyte M32QC EK có nhiều nét tương đồng với các phiên bản “tiền nhiệm” khi sở hữu khả năng trình diễn cân bằng nhiều mặt thuộc loại tốt nhất trong tầm giá nhưng không có bất kỳ yếu tố nào vượt trội hơn hẳn, phù hợp với những game thủ thông thường hay người dùng phổ thông cần một màn hình kích thước lớn cho nhiều tác vụ trong đời sống hàng ngày.

Mẫu màn hình được trang bị tấm nền VA có kích thước 32″, độ phân giải 2560×1440 với tốc độ quét hình cao, lên đến 165Hz, cũng như độ sáng đạt chuẩn HDR400 của VESA.

Mặc dù chỉ sử dụng tấm nền VA, thế nhưng theo những thông tin mà Gigabyte cung cấp thì mẫu màn hình này cũng có độ bao phủ dải màu điện ảnh DCI-P3 lên đến 93% và 123% dải màu sRGB, vẫn phù hợp cho các nội dung điện ảnh và người làm việc sáng tạo nội dung cần đến các màn hình có khả năng tái tạo màu sắc chính xác và chân thực.

Phải nói rằng mặc dù với mức giá chỉ xấp xỉ 8 triệu đồng, mẫu màn hình này chắc chắn không nằm trong “tầm ngắm” của những người làm việc hình ảnh chuyên nghiệp, thế nhưng đây đã là thông số rất tốt cho những người dùng thông thường hay các game thủ.

Tốc độ quét hình tiêu chuẩn của Gigabyte M32QC EK là 165Hz, nhưng có thể “ép xung” một chút chạm mức 170Hz, thế nhưng điều này không đem đến những ảnh hưởng có thể nhận thấy được rõ ràng như màn hình siêu tốc Gigabyte M27Q X sở hữu tốc độ quét hình lên đến 240Hz.

Gigabyte M32QC EK có nhiều nét tương đồng với các phiên bản “tiền nhiệm” khi sở hữu khả năng trình diễn cân bằng nhiều mặt thuộc loại tốt nhất trong tầm giá

Tuy vậy, khi kết hợp với tính năng FreeSync, mẫu màn hình này hoàn toàn có thể loại bỏ các hiện tượng xé hình hay giật hình với hầu hết các tựa game trên thị trường hiện nay, đem đến trải nghiệm mượt mà cho game thủ.

Ở các yếu tố khác, khả năng thể hiện hình ảnh của mẫu màn hình này có khá nhiều điểm tương đồng với “đàn anh” Gigabyte G34WQC A.

Màu sắc thể hiện ở mức khá tốt ở chế độ mặc định, đủ sức “nịnh mắt” những game thủ thông thường nhờ vào độ tương phản cao đặc trưng của tấm nền VA, trong khi đó người dùng các tác vụ chỉnh sửa hình ảnh hay video có thể cân chỉnh thủ công lại đôi chút các thông số để đạt được độ chuẩn màu như ý.

Tất nhiên, những yếu tố này cũng chỉ mang tính chất tương đối vì Gigabyte M32QC EK vẫn chỉ là dòng màn hình cong dành cho game thủ.

Chất lượng hiển thị HDR của mẫu màn hình này cũng khá tốt, khá gần với một vài mẫu màn hình có mức giá đắt đỏ hơn với khả năng hiển thị các cảnh sáng rực rỡ, ấn tượng, nhưng vẫn có hiện tượng bạc màu khi xem các nội dung SDR thông thường mà không có độ trong trẻo như ở các màn hình sử dụng tấm nền IPS cao cấp.

Mặc dù vậy, với đại đa số người dùng và các game thủ tầm trung, khả năng thể hiện của Gigabyte M32QC EK là quá đủ cho bạn sử dụng các tác vụ hàng ngày và thưởng thức các tựa game với chất lượng hình ảnh vô cùng ấn tượng.

BẠN SẼ GHÉT

GIGABYTE M32QC EK – MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHƯA ĐẠT!

Phải nói rằng ở tầm giá xấp xỉ 8 triệu đồng, Gigabyte M32QC EK gần như là mẫu màn hình chơi game có kích thước lớn tốt nhất về nhiều mặt mà người dùng có thể chọn mua hiện nay, thế nhưng đi kèm theo đó là một vài vấn đề chưa thật sự được “chăm chút” đúng mực.

Có thể kể đến khâu kiểm tra chất lượng hình ảnh chưa thật sự được tiến hành gắt gao nếu so sánh với ViewSonic VX3218-PC-mhd cũng cùng tầm giá khi tấm trang sáng không được kiểm soát tốt, khiến cho đèn LED nền quá sáng ở viền dưới và tối dần về phía các góc ở xa hơn.

Điều này khiến cho độ màu sắc không đồng đều giữa các khu vực trên màn hình.

Bên cạnh đó, do được trang bị tấm nền VA nên Gigabyte M32QC EK cũng gặp phải vấn đề đặc trưng của dòng tấm nền này, đó là các hình ảnh chuyển động nhanh có khuynh hướng bị bóng mờ.

Dù vậy, những yếu tố này vẫn dễ dàng chấp nhận nếu bạn không phải quá tập trung vào chất lượng hình ảnh.

Vàng 9.0

Gigabyte M32QC EK sở hữu sự cân bằng đáng kinh ngạc giữa các yếu tố tính năng hiển thị và chất lượng hình ảnh cùng với công nghệ KVM tiên tiến, biến mẫu màn hình này trở thành sự lựa chọn sáng giá nhất trong phân khúc màn hình kích thước 32" ở 8 triệu đồng.

  • Tên sản phẩm
    Gigabyte M32QC EK
  • Nhà sản xuất
    Gigabyte
  • Xuất xứ
    Đài Loan
Sản phẩm được hỗ trợ bởi Gigabyte.