Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G – Sau khi ra mắt chỉ mới một năm thời gian, NVIDIA đã vội vã “làm mới” lại dòng sản phẩm RTX của mình bằng các phiên bản Super với sức mạnh được tăng cường nhằm “đấu lại” các đối thủ mới đến từ “đội đỏ”, trong đó, chắc chắn được nhiều người dùng cao cấp mong chờ nhất chính là dòng sản phẩm RTX 2080 Super.
Cũng dễ hiểu khi mà RTX 2080 Super được ra mắt với sức mạnh cao hơn hẳn “đàn anh” RTX 2080 trước đây, nhưng lại sở hữu một mức giá “thơm” hơn rất nhiều, trở thành lựa chọn số một hoàn toàn mới trong nhóm các card màn hình ở phân khúc sản phẩm cao cấp.
Gigabyte là một trong những hãng sớm nhất đem sản phẩm này về thị trường Việt Nam với tên gọi Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G và thiết kế Windforce 3 quen thuộc với các fan của hãng trong thời gian gần đây.
Liệu đây có phải là sản phẩm đáng mong đợi của trong phân khúc cao cấp?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
GIGABYTE RTX 2080 SUPER GAMING OC 8G – SỨC MẠNH ỔN TRONG PHÂN KHÚC CAO CẤP
Trên thực tế, để thay thế cho “đàn anh” RTX 2080 trước đây, NVIDIA đã đem lại khá nhiều cải tiến cho dòng chip xử lý đồ họa RTX 2080 Super mà dễ thấy nhất là mức tăng cường cả về số nhân CUDA và nhân RT, kèm theo đó là xung nhịp boost cũng được đẩy lên đến 1,815MHz so với mức chỉ 1,710MHz trên phiên bản cũ.
Thừa hưởng những nâng cấp đó, Gigabyte thậm chí còn ép xung nhẹ cho Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G lên đến 1845MHz ở xung nhịp boost, một lần nữa cố gắng kéo gần khoảng cách với sản phẩm “đầu bảng” của NVIDIA hiện nay là RTX 2080 Ti thêm đôi chút, thế nên sức mạnh của sản phẩm thể hiện khá tốt trên cả các phép thử Benchmark và các phép thử game.
Ở thử nghiệm đầu tiên 3DMark Fire Strike, Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G cho kết quả khá ấn tượng khi đạt điểm hệ thống ở mức 22,178 điểm với điểm graphic đạt mức 28,786 điểm, chênh gần 30% so với phiên bản sử dụng GPU RTX 2060 Super trước đây chỉ riêng về sức mạnh đồ họa.
Ở phép thử 3DMark TimeSpy cho phép dựng hình DirectX12 thì điểm số đạt được lên đến 10,375 cho thấy khả năng xử lý mượt mà của sản phẩm trong các phép thử dựng hình hoàn toàn trên nền tảng DirectX12, một con số khá ấn tượng, thậm chí còn nhỉnh hơn đôi chút nếu so sánh với một sản phẩm “đàn anh” được ép xung ở mức “kịch kim” như sản phẩm của “team nhà cú”
Ở phép thử 3DMark Port Royal cho phép dựng hình công nghệ Ray Tracing, Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G cho thấy sức mạnh của mình khi là sản phẩm đầu tiên có thể đạt được tốc độ khung hình vượt quá 30fps, chỉ sụt giảm nhẹ xuống xấp xỉ 28fps ở những khung cảnh có môi trường ánh sáng quá phức tạp.
Điều này cho thấy đây là một sản phẩm bước đầu thỏa mãn yêu cầu của công nghệ dựng hình nặng nề này và đủ sức đảm đương vai trò card đồ họa “chủ lực” cho bạn trong một thời gian rất dài, ngay cả khi các game ứng dụng Ray Tracing ngày càng trở nên phổ biến trong thời gian sắp tới.
Đến với các phép thử game thực tế, có thể dễ dàng thấy Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G tỏ ra vượt trội khá mạnh so với Gigabyte RTX 2060 Super Gaming OC 8G ở các game “chuyên trị” cho “đội xanh” như Batman Arkham Knight, Far Cry 5 hay Shadow of the Tomb Raider, đạt tới mức tăng trên 20% trong các phép thử, trong khi đó đối với một số game “chuyên trị đội đỏ” như Assasin’s Creed Odyssey, mức tăng tốc có phần khiêm tốn hơn, chỉ đạt mức từ 5% đến 10% mà thôi.
Ở hai game khá mới được phát hành gần đây là Gears of War 5 và Borderlands 3, Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G thể hiện xuất sắc khi đạt mức tốc độ đều trên 110fps ở mức thiết lập cao nhất với độ phân giải 1080p, đảm bảo độ “mượt” ở mức cao nhất cho các game thủ khi tham gia đấu trường mạng “khốc liệt” cho dù gặp phải các cảnh cháy nổ khốc liệt nhất.
Nhìn chung, Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G quá “thừa sức” với các game hiện nay, thậm chí đủ sức “thỏa mãn” cho các màn hình siêu tốc có tốc độ quét hình lên đến 144Hz thông qua tính năng chống xé hình G-Sync đi kèm, đem đến cho người chơi những trải nghiệm mượt mà nhất dù là chơi đơn hay là chơi mạng.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
THIẾT KẾ WINDFORCE 3 KHÔNG ĐỦ THỎA MÃN CHO GPU MỚI
Là một sản phẩm ở phân khúc cao cấp, có vẻ như thiết kế Windforce 3 đã từng thể hiện rất tốt trên các phiên bản RTX 2060 Super và RTX 2070 Super đã không đủ sức thỏa mãn cho một GPU mới đầy mạnh mẽ và tỏa nhiều nhiệt như RTX 2080 Super.
Những trải nghiệm khó chịu đầu tiên đối với Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G nằm ở tiếng quạt kêu ầm ỹ trên cả bình thường khi chơi game nếu không đeo tai nghe, điều này buộc lòng người viết phải bắt tay vào thử nghiệm để tìm ra vấn đề thực tế.
Đến với thử nghiệm stress test quen thuộc Furmark trong thời gian dài, có thể thấy nhiệt độ tăng chậm nhưng ổn định dần lên khi nhiệt độ GPU chạm mức 76 độ C, lúc này, cả ba quạt giải nhiệt bắt đầu đạt được tốc độ 100% và hú lên khá “cật lực” nhưng vẫn không hoàn toàn ổn định được nhiệt độ.
[su_quote]Những trải nghiệm khó chịu đầu tiên đối với Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G nằm ở tiếng quạt kêu ầm ỹ trên cả bình thường khi chơi game[/su_quote]
Trong 10 phút tiếp theo, nhiệt độ dần được kéo lên đạt ổn định ở mức 86 độ C, một mức khá nóng đối với các card đồ họa dành cho máy để bàn, lúc này xung nhịp nhân xử lý hoạt động bắt đầu trở nên không ổn định, liên tục bị giới hạn về mức 1,575MHz rồi lại cố gắng “kéo” lên mức 1,650Hz, qua đó cũng kéo theo nhiệt độ gặp trồi sụt thất thường quanh mức 84 độ C đến 86 độ C, tạo thành các răng cưa trên đồ thị nhiệt độ của phép thử Furmark.
Điều này cho thấy bộ tản nhiệt Windforce 3 trên Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G không đủ “khỏe” để giải nhiệt cho chip xử lý, buộc lòng BIOS phải giảm xung (throttle) xuống để kiểm soát nhiệt độ cho chip, tránh xảy ra các vấn đề quá nhiệt hay cháy chip đáng tiếc.
Đây là một vấn đề khá nghiêm trọng, buộc lòng người dùng phải cân nhắc nhiều hơn đến biện pháp tản nhiệt, và nếu hoạt động trong thời gian dài, bạn sẽ gặp phải tình cảnh không khai thác được sức mạnh tối đa của chip xử lý RTX 2080 Super đầy mạnh mẽ.
GIÁ THAM KHẢO
22,500,000 VNĐ