Google Play Pass – Vào tháng 3 năm nay, Apple công bố Apple Arcade, dịch vụ đăng kí chơi game của hãng, và 19/9 vừa qua, dịch vụ này chính thức ra mắt.
Chắc chắn rồi, không sớm thì muộn, là công ty “cầm trịch” hệ điều hành mobile (Android) – Google sẽ phải đối đầu với Apple, họ không thể khoanh tay đứng nhìn.
Và ngày 23/9 mới đây, gã khổng lồ đã cho ra mắt Google Play Pass.
Tuy nhiên có một vấn đề “nho nhỏ”: dịch vụ này dường như sinh ra… để cho có vậy!
Kể cả Apple Arcade không thể nâng tầm trải nghiệm chơi game trên nền tảng iOS đi chăng nữa thì nó vẫn có mục đích, vẫn có đối tượng khách hàng.
Còn Google Play Pass, ít ra là ở thời điểm hiện tại, chỉ như một màn “tự vệ” không rõ phương hướng mà thôi.
Tại sao lại vậy? Hãy để Vietgame.asia nêu lên góc nhìn của mình để bạn đọc thấy rằng nếu Google thực sự muốn nghiêm túc với dịch vụ này, họ cần làm rất-rất nhiều nhé!
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG
Trước hết, chúng ta hay điểm qua những điểm tưởng đồng quan trọng của cả hai dịch vụ này.
Đầu tiên, cả hai đều là những dịch vụ đăng kí. Mỗi tháng bạn trả một lượng tiền để được trải nghiệm một lượng các ứng dụng trong kho thoải mái, không “microtransaction” (giao dịch trong lúc sử dụng sản phẩm) và không quảng cáo.
Cả hai dịch vụ đều có mức giá là 4,99 USD/tháng. Tuy nhiên hiện tại, Google đang có chương trình khuyến mại 1,99 USD/tháng cho 12 tháng đầu nếu bạn đăng kí nhanh… ấy là nếu bạn đăng kí được!
Google Play Pass mới chỉ ra mắt ở Mỹ thôi, còn Apple Arcade đã có mặt ở 150 quốc gia rồi. Đương nhiên điều này cũng không quá khó hiểu, vì dịch vụ mới ra mắt thì chưa thể hoàn hảo từ đầu được.
Tiếp đó, cả hai dịch vụ đều cho phép chia sẻ với các thành viên trong gia đình, và cả hai đều giới hạn 6 thành viên.
Đây là một tính năng khá hữu ích, bởi chắc chắn sẽ rất nhiều người phản đối việc trả 30 USD/tháng hoặc tạo tài khoản “tập thể” để cả nhà dùng.
Cuối cùng, cả hai dịch vụ này đều mang ứng dụng tới nhiều thiết bị khác nhau.
Apple Arcade có thể được trải nghiệm trên phone (iOS), ipad (ipad OS), Mac (macOS) hay Apple TV (tvOS). Còn Google Play Pass sẽ có mặt trên các thiết bị chạy Android (từ 4.4 trở lên), nên nôm na là vô kể.
Bạn có thể… chơi game trên tủ lạnh nếu muốn!
GOOGLE PLAY PASS: “CHỐNG CHẾ” CHỨ KHÔNG PHẢI CẠNH TRANH
Google Play Pass có hai điểm hấp dẫn hơn Apple Arcade, đó là nhiều sản phẩm hơn (hơn 250 sản phẩm), và các sản phẩm này gồm cả game và ứng dụng… ít ra trên giấy tờ là vậy, nhưng mang vào thực tế thì còn nhiều chuyện đáng bàn lắm!
Theo thống kê từ Newzoo, năm 2018, lượng doanh thu từ mobile chiếm hơn 50% doanh thu của ngành game. Tức cả PC và console cộng lại cũng không bằng điện thoại.
Và bạn có thể nghĩ chắc là nhiều người chăm chỉ mua game trên điện thoại hơn là console và PC… nhưng không! Trong 21 tựa game có doanh thu trên 1 tỉ USD ở điện thoại, bạn tìm được bao nhiêu game trả phí?
Không như thị trường PC hay Console, mobile vốn làm giàu bằng cách cho người dùng trải nghiệm các sản phẩm miễn phí, rồi dần dần, từ từ “bòn tiền” họ qua Microtransaction.
Như vậy, tuy sản phẩm là “miễn phí” nhưng người dùng vẫn trả một lượng tiền “tùy tâm”, và chắc chắn sẽ có những “anh hào” chi rất đậm!
Nếu một cách làm nào đó mang lại mức lợi nhuận chiếm phân nửa ngành game thì có lẽ ta đừng nên đối đầu với nó… Nhưng không! Cả Apple Arcade và Google Play Pass đi ngược lại với cách làm này.
Lấy các sản phẩm vốn phải trả tiền hoặc có quảng cáo, rồi mang tới cho người dùng với một mức phí không đổi, không thêm tiền.
Rõ ràng mới nghe qua đã thấy hình thức đăng kí trả phí mà áp dụng cho mobile không có tương lai về lợi nhuận lắm rồi. Nó có thể hợp với PC, có thể hợp với console (vì cả hai nền tảng này đều “quăng gạch” Microtransaction rất mạnh) nhưng không thể nở rộ trên mobile được.
Nhưng ít ra, để làm nền cho Apple Arcade, Apple đã mạnh dạn đầu tư vào những tựa game độc quyền hẳn trên Apple Arcade luôn! (không hiện diện trong Appstore).
Liệu điều này có cho bạn động lực đăng kí Apple Arcade?… chưa chắc, nhưng ít ra dịch vụ của Apple còn mang tới một sản phẩm đặc biệt nào đó.
Còn Google tuy có số lượng lớn hơn, nhưng hãng chỉ mang tới Google Play Pass các sản phẩm có sẵn.
Đó không phải là cách mà game mobile kiếm bộn tiền thì đã đành, nó lại còn mang tính “cho có” hơn là cạnh tranh.
Hơn thế nữa, các sản phẩm trong kho của Google không chỉ có game, mà còn cả ứng dụng. Như vậy Google Play Pass đâu phải nhắm vào game thuần như Apple Arcade?
Apple phân chia các dịch vụ của mình khá rõ ràng, bao gồm Apple TV, Apple Music và Apple Arcade, tạo thành một “hệ sinh thái”. Người dùng sẽ thấy Apple tạo ra các dịch vụ chỉ để tập trung vào nhu cầu cụ thể của họ.
Còn Google Play Pass cảm tưởng như là một phiên bản trả tiền bậc cao của Google Play thì đúng hơn, như Youtube Red vậy đó, chứ không nhắm vào một nhóm đối tượng cụ thể. Hay như Ed Sheeran từng nói: “Tôi không thể nói cho bạn biết chìa khóa của sự thành công, nhưng chìa khóa của thất bại là chiều lòng tất cả mọi người”.
Tóm lại, Google Play Pass nói thẳng là loại dịch vụ đối ngược hoàn toàn với cách thị trường mobile kiếm vô số tiền ở hiện tại, nên sự tồn tại của nó khá là mù mịt.
Chưa dừng ở đó, nó không có một mục tiêu rõ ràng, không có những sản phẩm đặc sắc làm bệ đỡ.
Đương nhiên dịch vụ này mới ra mắt, chúng ta không thể nhận định nó sẽ thất bại được, nhưng với tình hình hiện tại, Google cần làm gì đó “mặn” hơn nhiều!