Gungrave G.O.R.E – Được phát triển bởi studio Iggymob của Hàn Quốc, Gungrave G.O.R.E (viết tắt của Gunslinger of REsurrection) là phần game chính thức mới nhất của thương hiệu game hành động bắn súng góc nhìn thứ ba Gungrave, sau 18 năm vắng bóng.
Gungrave là một thương hiệu đã tồn tại từ thế hệ máy PS2, do hãng game Red Entertainment sinh ra. Tuy không đạt được nhiều thành công lớn, Gungrave vẫn có lượng người hâm mộ trung thành nhất định, đủ để cho thương hiệu có anime chuyển thể.
Trở thành người hâm mộ của thương hiệu Gungrave thông qua anime, người viết khá là háo hức cho sự xuất hiện của Gungrave G.O.R.E, nhất là sau khi coi những đoạn video có tính hành động cao của trò chơi.
Giờ đây, sau khi trải qua 8 tiếng đồng hồ chơi tựa game này, Gungrave G.O.R.E. mang lại cảm giác như thế nào? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu trò chơi qua bài đánh giá sau.
BẠN SẼ THÍCH
Những pha “Gun Fu” đã tay!
Lấy cảm hứng từ những bộ phim hành động cuối thập niên 90 và những năm đầu 2000 như Desperado, Equilibrium và Hard Boiled, Gungrave G.O.R.E tiếp tục đưa đến cho người chơi những pha “múa” súng ở khoảng cách gần đẹp mắt (gun fu).
Với hai khẩu súng ngắn to tướng trên tay – đầu trái và đầu phải của Cerberus – Grave có thể liên tục bắn hạ hàng loạt kẻ địch với những động tác “trickshot”, biểu diễn kĩ năng thiện xạ của anh.
Các hiệu ứng hình ảnh và âm thanh cũng truyền tải tốt đến người chơi uy lực của từng viên đạn được bắn ra. Với mỗi cú siết cò, chúng ta sẽ cảm nhận được tiếng “đùng đùng” từ nòng súng, hiệu ứng khói của đường đạn, hiệu ứng máu tóe ra khỏi cơ thể mục tiêu, hoặc tay chân kẻ địch bay tứ tung vì sức sát thương lớn! Miêu tả như thế này nghe có phần hơi bạo lực, nhưng nó lại đúng với tinh thần “gore” (kinh dị máu lửa) của trò chơi.
Bên cạnh đầu trái và đầu phải của Cerberus, một phần quan trọng không thể thiếu của Grave đó là… cỗ quan tài Death Hauler. Đây là kho vũ khí di động của anh, có thể biến thành súng hỏa tiễn, súng máy, cưa máy…
Trong cơ chế chơi, Death Hauler hoạt động trên hình thức “tuyệt chiêu”. Sau khi sạc đầy năng lượng, Grave có thể biến Death Hauler trở thành một trong những món vũ khí đặc biệt để triệt hạ số lượng lớn kẻ địch nhanh chóng, hoặc tạo một cú kết liễu đẹp mắt cho những trận đấu trùm.
Lấy cảm hứng từ những bộ phim hành động cuối thập niên 90 và đầu 2000 như Desperado, Equilibrium và Hard Boiled, Gungrave G.O.R.E tiếp tục đưa đến cho người chơi những pha “múa” súng ở khoảng cách gần gay cấn
Một điểm trừ nhỏ trong cơ chế chiến đấu, đó là mảng cận chiến. Cụ thể hơn, khi kẻ địch đến gần, Grave có thể quơ quan tài Death Hauler xung quanh người anh để chống chọi kẻ địch.
Các cử động chiến đấu của Grave lúc này cũng truyền tải tốt được sức mạnh cơ bắp và trọng lượng của cỗ quan tài, song, chúng có phần hơi gượng cứng, không có sự trôi chảy và tự nhiên, nhất là khi chuyển từ mục tiêu này sang mục tiêu khác. Bên cạnh đó Hitbox (vùng ghi nhận đòn đánh) cũng khá là nhỏ, nên đôi khi chỉ cần kẻ địch dịch qua hướng khá 1 bước, đòn tấn công coi như hụt.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua yếu tố cận chiến, sự kết hợp của Gun Fu và các tuyệt chiêu của Death Hauler lại với nhau vẫn tạo ra một hệ thống chiến đấu khá là đã tay!
Tô điểm thêm cho hệ thống chiến đấu là những đoạn nhạc nền khi xung trận. Được soạn bởi Tetsuya Shibata (thương hiệu Devil May Cry, Final Fantasy XV) and Yoshino Aoki (Breath of Fire, Final Fantasy XV), những khúc nhạc thuộc thể loại Metal, Techno và Synth-Pop của trò chơi luôn tạo cảm giác hưng phấn khi chiến đấu, dù có lặp lại đôi chút.
BẠN SẼ GHÉT
Đơn điệu một cách nhàm chán!
Gungrave G.O.R.E là một tựa game hành động bắn súng tốt, nhưng ngoài yếu tố này ra, trò chơi chẳng còn gì để giữ chân người chơi lâu.
Trong mỗi màn chơi, chúng ta sẽ điều khiển Grave đi từ A tới B một cách cực kì tuyến tính, bắn và đánh hết mọi kẻ địch trên đường. Các màn chơi của Gungrave G.O.R.E được thiết kế quá đơn giản, chúng không có những vật mà người chơi có thể tương tác để nhận được thông tin mang tính xây dựng thế giới, không có những vật phẩm mang tính sưu tầm, không có các câu đố để giải.
Hệ thống chiến đấu, tuy là điểm cộng lớn của trò chơi, cũng nhanh chóng trở nên tẻ nhạt sau 2 giờ đầu tiên. Gungrave G.O.R.E có đưa đến cho chúng ta một hệ thống nâng cấp, cho phép Grave học thêm những kỹ năng mới và tăng cường hỏa lực, nhưng các lựa chọn mà trò chơi đưa ra không đủ đa dạng cho 31 màn chơi.
Điều này sẽ dễ dàng được khắc phục, nếu như Grave được tiếp cận với các loại vũ khí khác, tầm xa lẫn gần, cũng như hệ thống nâng cấp cho chúng.
Không thể phủ nhận cỗ quan tài Death Hauler và cặp súng ngắn Cerberus là những món vũ khí mang tính biểu tượng đối với thương hiệu Gungrave (tương tự như thanh kiếm Rebellion và cặp súng Ebony & Ivory của Devil May Cry), song việc Grave được tiếp cận với các loại súng khác, các loại vũ khí cận chiến khác sẽ có lợi cho việc đa dạng hóa cơ chế chơi hơn nhiều.
Đúng là Death Hauler có khả năng biến thành các loại súng khác (chẳng hạn như súng máy), nhưng chúng chỉ ở hình thức “tuyệt chiêu”, tức là người chơi sẽ không thể mở rộng công năng sử dụng dạng súng máy trong quá trình chiến đấu thông thường.
Nhìn chung, sự thiếu đa dạng trong chiến đấu và các màn chơi đã khiến vòng lặp của Gungrave G.O.R.E thành “bắn bắn bắn, chơi chiêu, bắn bắn bắn”.
Gungrave G.O.R.E là một tựa game tựa game hành động bắn súng tốt, nhưng ngoài yếu tố này ra, trò chơi chẳng còn gì để giữ chân người chơi lâu.
Những khuyết điểm khác
Bên cạnh sự thiếu sót trong cơ chế chơi, Gungrave G.O.R.E cũng có một số khuyết điểm nhỏ khiến chất lượng chung của trò chơi giảm sút.
Đầu tiên, đó là khi làm nhiệm vụ, chúng ta sẽ nhận được sự chỉ dẫn của một nhân vật tên là Quartz. Vấn đề ở đây, đó là chỉ dẫn của nhân vật rất ư là hiển nhiên, toàn là “Grave ơi, kẻ địch trước mặt; Grave ơi đi hướng này, hướng kia; Grave ơi, nhảy lên chỗ này, nhảy xuống chỗ kia đi.”
Những chỉ dẫn này cũng thừa thãi, nguyên nhân là do các màn của Gungrave G.O.R.E được thiết kế đơn giản, và trò chơi cũng tích hợp cả cơ chế la bàn tìm đường. Và dù là màn 1 hay màn 10, các lời chỉ dẫn vẫn như thế, không hề có thay đổi.
Thứ hai, đó là tuy trò chơi có đến 31 màn, phần lớn các màn chơi có bối cảnh giống nhau đến mức nếu cắt bớt chúng ra khỏi trò chơi, sẽ chẳng ai nhận ra sự khác biệt. Con số 31 màn của Gungrave G.O.R.E chỉ mang tính “độn” thời lượng cho trò chơi.
Cuối cùng, đó là một số màn chơi dường như chưa được chơi thử (play test), chúng được thiết kế khá vô lí và phân bổ kẻ địch vô tội vạ, dẫn đến nhiều cái chết tương đối… nhảm!
Bên cạnh sự thiếu sót trong cơ chế chơi, Gungrave G.O.R.E cũng có một số khuyết điểm nhỏ khiến chất lượng chung của trò chơi giảm sút